Tin bất động sản mới nhất: Quy hoạch phân khu sông Hồng thoát bế tắc sau 10 năm. (Nguồn: Cafeland.vn) |
Hà Nội nghe báo cáo về Quy hoạch phân khu sông Hồng
Chiều 25/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nghe báo cáo về Quy hoạch phân khu sông Hồng và góp ý các chủ trương, định hướng lớn vào bản dự thảo quy hoạch.
Việc đưa ra đồ án 1/2.000 quy hoạch phân khu sông Hồng là bước tiến lớn sau 10 năm lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và làm việc với các bộ, ngành về những vấn đề còn vướng mắc trước khi phê duyệt.
Được biết, đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Liên quan đến đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, nhiều dự án lớn tại Hà Nội đã vướng vào tình trạng treo suốt cả thập kỷ. Có thể kể đến như Dự án Sông Hồng City. Theo quy hoạch từ năm 1995 Dự án này có quy mô khoảng 6ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ. Đây sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn... nhưng đến nay sau 25 năm vẫn chỉ "nằm" trên giấy.
Đà Nẵng có nhiều siêu dự án lên kế hoạch đền bù năm 2021
Theo Quyết định số 476/QĐ-UBND, TP. Đà Nẵng đã thông qua kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn trong năm 2021 với 249 dự án, trong đó có những siêu dự án lớn của Tập đoàn Vingroup, SunGroup.
Cụ thể, với quần thể du lịch Làng Vân của Công ty cổ phần Vinpearl (thuộc tập đoàn Vingroup), hiện tập đoàn này đang có kế hoạch khởi động siêu dự án sau nhiều năm chưa được triển khai. Theo kế hoạch, chậm nhất đến cuối tháng 6 năm nay, tập đoàn Vingroup sẽ nhận được bàn giao mặt bằng để làm dự án. Dự kiến lễ khởi động dự án sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 tới.
Một siêu dự án khác là Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân có diện tích 450 ha của Tập đoàn Sungroup. Dự án có vị trí gần Ngũ Hành Sơn và tọa lạc tại ngã ba 3 sông: sông Hàn, sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò.
Ngoài 2 siêu dự án trên, Đà Nẵng cũng sẽ thực hiện công tác đền bù giải tỏa năm 2021 nhiều dự án lớn khác, đơn cử như dự án Làng Đại học Đà Nẵng, dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng,…
UBND thành phố Đà Nẵng đã giao các Sở, Ngành và các đơn vị có liên quan tập trung ưu tiên giải quyết các thủ tục vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, rút gọn trình tự thủ tục để hỗ trợ trong việc giải quyết các công việc và vướng mắc có liên quan.
Quá tải cảnh người dân Thủ đô đi xóa nợ tiền sử dụng đất
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, theo báo cáo của văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện, những ngày cuối tháng 2, có nơi tiếp nhận hàng trăm hồ sơ mỗi ngày. Để xử lý hồ sơ của các gia đình, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, các chi cục thuế, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện, thị xã tăng cường làm việc thêm 2 ngày 27 và 28/2 (thứ Bảy và Chủ nhật).
Theo Cục Thuế Hà Nội, nguyên nhân chính là bởi theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, đến hết ngày 28/2/2021, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật).
Từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ (mức cao hơn).
Giới nhà giàu sẽ đổ tiền vào phân khúc bất động sản nào?
Dữ liệu mới đây từ Bộ phận Nghiên cứu Savills toàn cầu cho thấy, thị trường văn phòng, thị trường nhà ở và lĩnh vực hậu cần tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong năm 2021.
Theo thông tin trong một nghiên cứu cập nhật đến tháng 11/2020 của Savills, các chuyên gia đầu tư bất động sản quốc tế chỉ ra rằng, mặc dù lượng đầu tư toàn cầu vào bất động sản đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng bất lợi.
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở giảm nhẹ về lượng, nhưng chiếm thị phần ấn tượng, lần lượt là 21% và 28% trong tổng các nguồn đầu tư. Trong khi đó, thị trường văn phòng đứng vững với thị phần 33%.
Savills cho rằng, bất chấp yếu tố bất ổn do Covid-19, sức hấp dẫn dài hạn của lĩnh vực bất động sản nói chung và số lượng quỹ nhắm vào lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng.
Dữ liệu từ Preqin, một công ty chuyên cung cấp số liệu tài chính, chỉ ra rằng tính đến đầu quý IV/2020, đã có hơn 1.000 quỹ trên thị trường, tăng gấp đôi so với tháng 1/2016. Các quỹ hiện đang nhắm mục tiêu đầu tư gần 300 tỷ USD, với tăng trưởng tiếp tục diễn tiến trong năm 2021.
Savills cũng chỉ ra, ở phân khúc văn phòng, thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có chỉ số thuê ổn định, mức chênh chỉ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các thị trường lớn khác đã có mức chênh lệch đáng kể do ảnh hưởng của Covid-19.
Đồng Nai sắp đấu giá 100 ha đất
Đồng Nai sẽ đưa 7 khu đất đăng ký mới trong năm 2021 vào đấu giá, tăng thêm nguồn vốn cho ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng. Các khu đất trên có diện tích gần 100 ha, giá khởi điểm gần 1.300 tỷ đồng.
Những khu đất mới có lợi thế đưa ra đấu giá chủ yếu nằm ở địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Long Thành, TP. Long Khánh và TP. Biên Hòa. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá các khu đất công năm 2020 chưa đấu giá thành công.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên cả nước đã đến Đồng Nai đấu giá đất với giá 30 - 50 tỷ đồng/ha. Những khu đất lớn thường được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá và trả rất cao, thường gấp 1,5 - 2 lần so với giá khởi điểm.
Dược biết, các khu đất đều có quy hoạch chi tiết 1/500, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nên các doanh nghiệp đều muốn đấu giá đất để triển khai dự án nhanh.