Tin bất động sản miền Bắc
Cách đây 10 năm, nhiều dự án ở phía Tây Hà Nội làm mưa làm gió trên thị trường, với mức giá lên tới 70 triệu đồng/m2.
Giá BĐS phía Tây Hà Nội liên tục tăng. (Nguồn: CafeF) |
Khi bong bóng bất động sản bị vỡ chục năm trước, giá bất động sản (BĐS) phía Tây đã tụt xuống 1 nửa. Vài tháng trở lại đây, một số BĐS ở đây đã tăng trở lại.
Theo các văn phòng môi giới, các dự án Thiên Đường Bảo Sơn, Khu đô thị Geleximco, Nam An Khánh... thuộc địa phận huyện Hoài Đức đều đã tăng giá. Nguyên nhân được lý giải là do khu vực này được hưởng lợi từ một đại dự án do Vingroup đang triển khai. Mặc khác, do quỹ đất hạn chế, nhà đầu tư tràn ra ngoại thành săn đất.
Anh Nguyễn Viết Phương, văn phòng BĐS Hùng Dũng cho biết: "Khi có dự án lớn về, giá đất tăng khá cao. Trước khi có dự án về, một nhà liền kề ở đây, trục đường chính có giá khoảng 6-7 tỷ đồng, bây giờ, mức giá vào khoảng 15-16 tỷ đồng".
Một số dự án khác như Kim Chung - Di Trạch (Hoài Đức), Hà Đô Charm Villas trước đây giá bán đất chỉ 30-35 triệu đồng/m2, nay đã tăng giá lên 60 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, giá đất tăng khoảng 5-10% có thể chấp nhận được, nhưng nếu đột ngột tăng 40-50% chỉ trong vòng một năm, thậm chí vài tháng là điều đáng lo ngại.
Theo Savills Việt Nam, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, thị trường BĐS cuối năm 2020 tiếp tục ghi nhận dòng tiền hướng tới đất nền có giấy tờ hợp pháp và địa điểm thuận tiện. Khi đất nền tại Hà Nội, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành có nhiều mức giá khác nhau, nhà đầu tư cần có căn cứ xác định giá phù hợp và tránh các trường hợp "nhảy giá".
Cần phải so sánh với các lô đất tương tự cũng nằm bên ngoài các khu đô thị mới phát triển thay vì so sánh với giá đất ở đang chào bán trong khu đô thị, cho dù có nằm ngay sát bên. Để đạt được đơn giá đất ở cao trong khu đô thị, chủ đầu tư của các đô thị lớn này đã phải bỏ ra các chi phí rất lớn về phát triển hạ tầng và tiện ích đồng bộ chưa kể đến các chi phí liên quan đến phê duyệt dự án.
Trên thực tế, có không ít người mua đất nền ở ngoại thành không căn cứ vào giá trị thực. Về dài hạn, khi dòng tiền tiếp tục có xu hướng đổ về thị trường đất nền, nhà đầu tư cần tránh vội vàng và có quyết định phù hợp sau khi cân nhắc các yếu tố quan trọng về giá trị tài sản và tránh tâm lý đám đông.
Tin bất động sản miền Trung
Theo quyết định phê duyệt quyết toán do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn ký, công bố hồi cuối tháng 12, dự án nâng cấp đê La Giang phải nộp lại ngân sách trung ương hơn 26 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 300 triệu đồng. Tỉnh đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các bên để thanh toán số tiền còn thiếu, thu hồi vốn đã cấp thừa.
Đê La Giang đoạn qua phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. (Ảnh: Đức Hùng) |
Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân để xảy ra việc ngân sách cấp thừa vốn này cũng được yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đê La Giang qua thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ với số vốn ban đầu hơn 967 tỷ đồng, năm 2017 điều chỉnh xuống 658 tỷ đồng. Tuyến đê dài 19,2 km, hoàn thành nâng cấp vào tháng 6/2018 với chi phí xây dựng hơn 559 tỷ đồng, được xem là công trình phòng chống lũ trọng điểm của Hà Tĩnh, có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng cho gần 300.000 người dân với hơn 35.000 ha đất canh tác.
Tại dự án này, 4 doanh nghiệp ở Ninh Bình và Hà Tĩnh nhận gói thầu xây dựng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Ngoài xây dựng, vốn đầu tư còn được bố trí cho các hạng mục khác như: giải phóng mặt bằng, tư vấn, rà phá bom mìn, dự phòng.
Tin bất động sản miền Nam
Thị trường căn hộ chung cư ở khu Đông đang "nóng" lên từng ngày cả về giá lẫn mật độ xây dựng. Việc tập trung quá nhiều dự án chung cư khiến TP. Thủ Đức có nguy cơ quá tải hạ tầng.
Không phải đến khi có thông tin Quốc hội chấp thuận cho TP. HCM thành lập TP. Thủ Đức thì BĐS ở khu vực này mới sôi động như hiện nay. Mà từ nhiều năm trước thị trường căn hộ trong khu vực Q.2, Q.9 đã luôn thu hút giới đầu tư, đặc biệt là trên các tuyến đường huyết mạch dẫn vào Thành phố.
Đi dọc các tuyến đường chính từ Q.2, Q.9 sang đến quận Thủ Đức có thể dễ dàng nhìn thấy cả "rừng" chung cư, cao cấp có, bình dân cũng có, nằm ken đặc vây quanh các trụ đường chính. Bên cạnh những dự án đã hoàn thiện, người dân đã vào sinh sống, hàng loạt dự án đang triển khai thi công rầm rộ, khiến thị trường khu vực này luôn trong tình trạng "nóng" cả về giá lẫn mật độ xây dựng.
Đơn cử như tuyến Xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía Đông TP. HCM, nơi có tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy qua, đã có hàng chục dự án bất động sản đã được xây dựng như: Thảo Điền Pearl, Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Gateway Thảo Điền, Nassim Thảo Điền, TDH Phúc Thịnh Đức, First Home Premium, Ihome, Lavita Garden, Saigon Gateway, Parkson Cantavil, The Vista An Phú, Estella Place...
Giới chuyên gia BĐS nhận định, việc thành lập TP. Thủ Đức sẽ tạo nên cú hích lớn cho thị trường BĐS khu Đông TP. HCM cả về nguồn cung lẫn giá trị. Đặc biệt là đối với các dự án chung cư thuộc phân khúc Trung cấp và Bình dân, do thời gian tới nhu cầu về nhà ở của người dân sẽ tăng lên.
Việc tập trung quá nhiều dự án chung cư tại khu vực này sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề. Bởi điểm chung ở các chung cư cao tầng với hàng nghìn căn hộ, nhưng mật độ cây xanh bao phủ trong hầu hết các dự án lại không nhiều. Hơn nữa, với mật độ dân số cao, nhưng hạ tầng tiện ích tại nhiều khu vực lại khá hạn chế, dẫn đến nguy cơ thiếu trường học, bệnh viện, khu vui chơi... khi dân số dồn về ở ngày càng đông.
Ngoài ra, việc quy hoạch hàng loạt chung cư cao tầng dày đặc tại khu vực này, cũng là một phần nguyên nhân khiến giao thông ở cửa ngõ phía đông TP. HCM thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Đồng thời, nguy cơ quá tải hạ tầng tại TP. Thủ Đức trong tương lai là không thể tránh khỏi.
Đất không có sổ đỏ vẫn xây dựng nhà ở? Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn mà không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thì được miễn giấy phép xây dựng. Mặc dù được miễn giấy phép xây dựng nhưng không phải xây dựng tùy ý mà phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cụ thể: - Phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất. Theo đó, người dân chỉ được xây dựng nhà ở trên đất ở. Trường hợp không có Giấy chứng nhận phải có một trong những giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất có mục đích là đất ở, cụ thể: Căn cứ Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP, một số loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp mà không phải là Giấy chứng nhận như: + Giấy tờ về quyền sử dụng đất để chứng minh có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 hướng dẫn cụ thể tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 16 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP hoặc + Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất và được cơ quan đăng ký đất đai xác nhận thửa đất có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận. - Xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Như vậy, theo quy định hiện nay thì đất không có Sổ đỏ vẫn được phép xây dựng nhà ở nếu có đủ điều kiện theo từng trường hợp như trên. Ngoài giấy tờ hợp pháp về đất đai, tùy thuộc vào từng loại công trình, để được cấp giấy phép xây dựng người có yêu cầu phải chuẩn bị thêm đơn đề nghị, bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt,… |
| Truyền thông quốc tế tìm lời giải cho ‘ngọn hải đăng’ Việt Nam, 'điều thần kỳ’ châu Á năm 2020 TGVN. Sự kiên cường giữa đại dịch đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn và tiếp ... |
| Tin bất động sản ngày 31/12: Sun Group ‘xuống tay’ 10.000 tỷ tại Thanh Hóa; đất vùng ven sẽ 'nóng' trong năm 2021 TGVN. UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý thống nhất chủ trương lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch Bến ... |
| Tin bất động sản ngày 30/12: Hà Nội sẽ cải tạo 30 khu chung cư cũ; Cần Thơ thu hồi chủ trương đầu tư các dự án 'chây ì' TGVN. Hà Nội giao các nhà đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ; ... |