Bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: BVCR) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 770.640 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.830 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 766.110 ca, trong đó có 554.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (376.171), Bình Dương (206.564), Đồng Nai (47.070), Long An (32.211), Tiền Giang (13.883).
Tính từ 17h ngày 27/9 đến 17h ngày 28/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 4.583 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.759 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh, thành phố (có 717 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-1.218), Long An (-31), Tây Ninh (-25).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (171), An Giang (101), Bình Thuận (16).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 9.020 ca/ngày.
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 28/9: 21.487, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 559.941.
Như vậy, trong ngày 28/9, cả nước ghi nhận 2 “kỷ lục vui”, đó là kỷ lục về số ca khỏi bệnh và kỷ lục về giảm số ca mắc mới.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.358 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (5.001); thở ô xy dòng cao HFNC (1.252); thở máy không xâm lấn (202); thở máy xâm lấn (875); ECMO (28).
Trong ngày 28/9 ghi nhận 178 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 199 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,0%).
Hà Nội chưa muốn tiếp nhận chuyến bay, tàu khách
Ngày 28/9, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ này đã nhận được đề nghị của UBND TP Hà Nội về việc tiếp tục tạm dừng chuyến bay thương mại nội địa và tàu khách từ địa phương khác đến, trừ chuyến bay công vụ hoặc vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.
Theo UBND TP Hà Nội, qua 60 ngày giãn cách xã hội, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Ngày 20/9, chính quyền thành phố đã điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15.
UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục tạm dừng chuyến bay thương mại nội địa và tàu khách từ địa phương khác đến. (Nguồn: TTXVN) |
Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác còn phức tạp; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các địa phương khác vào Hà Nội còn rất cao.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19, dự kiến từ 1/10.
Kế hoạch chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày) tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày sau giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%.
Giai đoạn 3 (sau giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế.
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường.
Đề xuất người từ TP. Hồ Chí Minh và 3 tỉnh lân cận không tự về quê
Nhiều tỉnh miền Nam và Tây Nguyên thống nhất đề xuất người ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An không tự ra khỏi địa bàn sau ngày 30/9.
Phương án này được lãnh đạo các địa phương đưa ra tại cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cùng với 19 tỉnh phía Nam, một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, chiều 28/9.
Cuộc họp nhằm bàn phương án phối hợp để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An cho biết, với sự giúp đỡ của các địa phương, chi viện của Trung ương cùng nỗ lực các lực lượng chống dịch trên địa bàn, đến nay 4 tỉnh, thành này từng bước kiểm soát dịch. Hiện, 4 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 rất cao.
Theo kế hoạch từng bước mở lại các hoạt động sản xuất an toàn, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, đồng thời cũng tha thiết đề nghị người lao động đang ở trên địa bàn tiếp tục ở lại.
Bốn tỉnh, thành cam kết đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vaccine cho bà con và sớm khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm.
Thời gian qua, giữa 4 tỉnh thành và các địa phương khác phối hợp chặt chẽ để đưa đón một lượng người dân sinh sống tại 4 tỉnh thành về quê an toàn, có kiểm soát. Tuy nhiên cũng có một bộ phận người dân về tự phát, trong khi nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, lực lượng y tế mỏng nên rất khó khăn trong kiểm soát.
Theo đại diện Bộ Y tế, dù TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 rất cao nhưng người đã được tiêm vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, lây cho người khác. Vì vậy, việc đi lại của người dân ở 4 tỉnh thành này về các địa phương khác vẫn phải kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo hầu hết các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên thống nhất khi 4 địa phương từng bước kiểm soát được dịch bệnh sẽ thực hiện nới lỏng bên trong nhưng bên ngoài vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch lây lan.
Các tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm soát người đi lại giữa 4 tỉnh, thành với các địa phương như hiện nay.
Những người thực sự cần thiết từ 4 tỉnh, thành này về các địa phương khác phải có kế hoạch đưa đón. Bốn địa phương trên chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng người dân tự phát về quê.
Trường học đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh có thể cho học sinh trở lại vào ngày 4/10
Theo VietNamNet, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường đã đề xuất phương án cho học sinh đi học trở lại vào ngày 4/10 lên UBND huyện và Sở Giáo dục &Đào tạo (GD-ĐT).
Theo đó, căn cứ vào Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục của Sở GD-ĐT (đang dự thảo) và tiêu chí đánh giá của ngành y tế, Trường THCS-THPT Thạnh An đạt 95 điểm theo thang điểm 100.
Mặt khác, hiện huyện Cần Giờ là vùng xanh trong chống dịch Covid-19, do vậy nhà trường đã đề xuất phương án cho học sinh trở lại trường để trình UBND huyện và Sở GD-ĐT đề chờ phê duyệt. Toàn Trường THPT Thanh An có 293 học sinh từ khối 6 đến 12. Nếu được chấp thuận thì nhà trường sẽ cho 131 học sinh lớp 6, 9 và 12 đến trường học tập vào ngày 4/10.
Tuy nhiên theo ông Ngọc, nếu được chấp thuận thì ngoài học trực tiếp, các em vẫn sẽ học trực tuyến song song. Trong đó 50% thời lượng chương trình sẽ học trực tiếp và 50% học trực tuyến. Riêng các khối lớp còn lại tiếp tục học 100% trực tuyến.
Để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19 hàng tuần, nhà trường sẽ đánh giá các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch từ đó có thể xuất việc mở rộng khối lớp đến trường hay giảm lại.
Hà Nam dập dịch với tinh thần "thần tốc và triệt để", điều trị F0 hiệu quả, quản lý chặt chẽ F1 theo đúng quy định. (Nguồn: CDC Hà Nam) |
Hà Nam có thêm 11 ca mắc Covid-19
Tối 28/9, BS Trương Mạnh Sức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, trong 24 giờ qua, địa phương ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh.
Cả 11 trường hợp đều ở TP Phủ Lý, trong đó, có 2 bé trai mới sinh năm 2021, 1 bé trai sinh năm 2017 và 1 bé trai sinh năm 2013.
BS Trương Mạnh Sức thông tin: "2 trường hợp bệnh nhi sinh năm 2021 hiện sức khỏe ổn định, đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 và trường Cao đẳng Y tế Hà Nam".
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, kiểm soát các ổ dịch, không để lây lan diện rộng, dập dịch với tinh thần "thần tốc và triệt để", điều trị F0 hiệu quả, quản lý chặt chẽ F1 theo đúng quy định.
Kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, đến cuối ngày 28/9, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 225 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. Trong số này có hơn 50 trường hợp là giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS.