Bộ xét nghiệm nhanh Covid-19. (Nguồn: Urgentcare) |
Thông tin các ca mắc mới Covid-19
- Tính từ 17h ngày 28/9 đến 17h ngày 29/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.161 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 4.984 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (4.699), Bình Dương (2.389), Đồng Nai (899), Long An (132), Sóc Trăng (112), Kiên Giang (82), Tiền Giang (68), An Giang (63), Cần Thơ (42), Hà Nam (36), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Tây Ninh (23), Bạc Liêu (22), Quảng Trị (16), Đắk Lắk (15), Ninh Thuận (14), Quảng Bình (13), Cà Mau (12), Bình Định (11), Vĩnh Long (7), Gia Lai (5), Hà Nội (4), Đắk Nông (3), Bến Tre (3), Trà Vinh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Phú Yên (2), Quảng Ngãi (2), Phú Thọ (1), Đồng Tháp (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-186), An Giang (-169), Tây Ninh (-32).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (4.322), Đồng Nai (112), Sóc Trăng (112).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.622 ca/ngày.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 23.568
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 583.509
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.845
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 206
- Thở máy không xâm lấn: 963
- Thở máy xâm lấn: 883
- ECMO: 25
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 162 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (113), Bình Dương (33), Đồng Nai (3), An Giang (3), Kiên Giang (2), Long An (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tiền Giang (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 188 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 136.653 xét nghiệm cho 311.841 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.288.792 mẫu cho 52.347.113 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19
- Trong ngày 28/9 có 1.097.044 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 41.153.041 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.171.641 liều, tiêm mũi 2 là 8.981.400 liều.
Bộ Y tế chấn chỉnh việc thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí. Theo đó, Bộ đã có công văn số 8157/BYT- KHTC gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành; Các cơ sở y tế tư nhân về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác xét nghiệm Covid-19, văn bản hướng dẫn việc thực hiện xét nghiệm cũng như hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên, một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng các quy định về mức giá và chi trả xét nghiệm Covid-19, một số cơ sở y tế còn thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân và trong dư luận xã hội.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại công văn số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.
Thực hiện thu và thanh toán chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Lưu ý trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu và thanh toán với người bệnh.
Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện mức giá và thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 7/7/2021.
Đối với các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm cho cán bộ, viên chức, cho người bệnh và người nhà người bệnh theo Công điện số 628/CĐ-BCĐQG ngày 10/5/2021, Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 7/5/2021, các cơ sở y tế lựa chọn các phương pháp xét nghiệm phù hợp, thực hiện gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thanh toán theo nguyên tắc thực thanh thực chi, trong đó chi phí về sinh phẩm, vật tư, hóa chất để thực hiện xét nghiệm theo giá trúng đấu thầu của cơ sở y tế.
Đối với trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước, cơ sở y tế công lập thực hiện thu theo mức giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021; không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm Covid-19.
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, về việc đặt hàng xét nghiệm Covid-19, căn cứ Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng quy định.
Trong trường hợp chưa ban hành được mức giá để đặt hàng xét nghiệm; các đơn vị, địa phương được tạm thời áp dụng mức giá theo hướng dẫn tại mục 2 của công văn này để làm cơ sở ký hợp đồng và tạm thanh toán chi phí đặt hàng xét nghiệm. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức giá đặt hàng thì thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định.
Tại công văn này, Bộ Y tế nêu rõ: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.