Thứ trưởng Nga Ryabkov (phải) và người đồng cấp Mỹ Sherman trước khi bước vào đàm phán ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 10/1. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Đề xuất an ninh: Nga-Mỹ bắt đầu đàm phán, còn quá sớm để đánh giá
Ngày 10/1, Nga và Mỹ đã bắt đầu cuộc đàm phán kín về việc đảm bảo an ninh tại Geneva, Thụy Sỹ.
Vấn đề trọng tâm của cuộc đàm phán được cho là các đề xuất về an ninh của Nga đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Washington, trong đó đặc biệt là các điều khoản về việc cùng không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, không mở rộng NATO về phía Đông và giảm các cuộc tập trận quân sự.
Phái đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin dẫn đầu, trong khi dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.
Hôm 9/1, các quan chức hai nước đã đàm phán sơ bộ trong một buổi ăn tối kết hợp làm việc tại Geneva. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov nhận định cuộc đàm phán này rất khó khăn, song thiết thực.
Gọi Nga là "kẻ xâm lược", Ukraine nói Moscow "không có tư cách ra điều kiện"
Trong chuyến thăm trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 10/1, Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna đã đưa ra nhận định về các yêu cầu của Nga đối với việc đảm bảo an ninh.
Phát biểu với các phóng viên cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, bà Stefanishyna nói rõ: “Tất cả chúng ta nên nhận thấy rằng, những yêu cầu của Nga đối với liên minh quân sự này không thể được coi là cơ sở đàm phán".
Quan chức Ukraine thẳng thừng: "Kẻ xâm lược này không có tư cách đưa ra các điều kiện cho đến khi các xe tăng của Nga rút khỏi khu vực biên giới Ukraine".
Về phía NATO, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố: "Cần gửi một thông điệp rất rõ ràng tới Nga rằng, chúng ta đoàn kết. Moscow sẽ phải trả giá đắt - về kinh tế, chính trị - nếu Nga một lần nữa sử dụng vũ lực đối với Ukraine. Chúng tôi hỗ trợ cho Ukraine, giúp họ duy trì quyền tự vệ”. (Reuters, AFP)
Đàm phán Nga-NATO: Nga "khuyên" phương Tây từ bỏ một việc, NATO ít kỳ vọng
Ngày 9/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng, các ưu tiên quan trọng của nước này là phương Tây nên đóng cửa các cơ sở hạ tầng quân sự đã được tạo ra và đơn phương từ bỏ việc mở rộng NATO về phía Đông châu Âu.
Phát biểu của ông Ryabkov được đưa ra một ngày trước cuộc đàm phán an ninh với Mỹ và 3 ngày trước khi Hội đồng Nga-NATO nhóm họp tại Brussels vào ngày 12/1.
Liên quan cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO, ngày 10/1, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông không đặt hy vọng các cuộc đàm phán an ninh giữa Nga và phương Tây có thể giải quyết được tất cả vấn đề trong tuần này.
Ông Stoltenberg nêu rõ: "Có khả năng đạt được thỏa thuận với Nga. Điều chúng tôi hy vọng là hai bên có thể thống nhất về một con đường phía trước, như thống nhất về một loạt cuộc họp hay một quá trình". (TASS, Reuters)
Tình hình Kazakhstan: Tổng thống Putin được cảm ơn
kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Theo ông, cho rằng, những nghi ngờ về tính hợp pháp của các lực lượng thuộc CSTO ở nước này là do "thiếu thông tin đáng tin cậy và sự hiểu lầm về toàn bộ tình hình”.
Liên quan cuộc bạo loạn ở Kazakhstan, Tổng thống Tokayev nhận định, mục tiêu chính của các phần tử khủng bố tại nước này là làm suy yếu trật tự hiến pháp và chiếm quyền.
Theo người đứng đầu Kazahstan, các phiến quân, bao gồm cả người nước ngoài, đã giả vờ là những người tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn và lợi dụng những người biểu tình làm lá chắn.
Ông Tokayev cam kết nhà chức trách nước này đã đáp ứng tất cả yêu cầu hợp pháp của những người biểu tình. (TASS, Sputnik)
Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi bị kết án
Ngày 10/1, một tòa án quân sự tại Myanmar đã kết án 4 năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi với cáo buộc bà phạm 3 tội danh gồm nhập khẩu và sở hữu bất hợp pháp các máy thu và phát vô tuyến cũng như vi phạm quy định phòng dịch Covid-19.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự tại Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun, đã xác nhận các thông tin trên.
Bà Suu Kyi, 76 tuổi, đang bị xét xử gồm một loạt các tội danh với mức án cộng lại có thể lên đến hơn 100 năm tù. Tuy nhiên, bà đã phủ nhận mọi cáo buộc. (Reuters)
Myanmar: Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh hai cơ chế giải quyết khủng hoảng
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022, đã nhấn mạnh hai cơ chế quan trọng giải quyết khủng hoảng ở Myanmar là ngừng bắn và viện trợ nhân đạo cho người dân nước này đang cần hỗ trợ mà không phân biệt đối xử.
Về thỏa thuận ngừng bắn, ít nhất bộ ba gồm Brunei, cựu Chủ tịch ASEAN, Campuchia là Chủ tịch ASEAN năm nay và Indonesia, Chủ tịch ASEAN tương lai cùng Ban Thư ký ASEAN phải phối hợp đưa ra đề nghị ngừng bắn.
Không có bạo lực, không có xung đột vũ trang sẽ là điều kiện thuận lợi để các đối thoại mang tính xây dựng và chuẩn bị cho bầu cử tại Myanmar vào tháng 8/2023.
Về cung cấp viện trợ nhân đạo, hàng đã đến Myanmar, song chưa được phân bổ, chính vì vậy, cần có cơ chế phù hợp.
Cơ chế phân bổ nên có sự tham gia của đặc phái viên ASEAN về Myanmar, Tổng Thư ký ASEAN, Đại diện của Trung tâm Viện trợ Nhân đạo và Quản lý Thảm họa ASEAN (Trung tâm AHA) và Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Myanmar tạo thuận lợi cho phân phối viện trợ nhân đạo.
Cùng với đó, Thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi Nhật Bản tham gia với tư cách là nhà tài trợ nước ngoài cho tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Myanmar, đồng thời mời một cựu lãnh đạo ngoại giao Nhật Bản làm cố vấn cho Chủ tịch ASEAN về cuộc khủng hoảng này.
Campuchia đã khởi động năm Chủ tịch ASEAN bằng việc tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar, cụ thể là thực hiện điểm đầu tiên và điểm thứ 4 trong Đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tại Jakarta, Indonesia hồi tháng 4/2021.(Reuters)
Đàm phán hạt nhân: Iran thông báo kết quả
Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, những nỗ lực của "tất cả các bên" - gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vấn đề hạt nhân, xác minh và có được những sự đảm bảo - nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 đã đạt được "tiến triển tốt" trong các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo).
Những tiết lộ của quan chức Iran là tuyên bố mới nhất trong một loạt tuyên bố tích cực mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đưa ra về cuộc đàm phán.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói rằng: "Các sáng kiến của phía Iran và các cuộc đàm phán vừa qua đã đưa chúng tôi đi đúng hướng. Chúng tôi đang tiến gần đến một thỏa thuận tốt, nhưng để đạt được thỏa thuận đó trong ngắn hạn, điều này phải được phía bên kia theo đuổi".
Nhà ngoại giao cấp cao Iran cho biết, nước này không muốn "kéo dài" các cuộc đàm phán mà "điều quan trọng là chúng tôi phải bảo vệ các quyền và lợi ích của đất nước mình”. (AFP)
Tổng thống Hàn Quốc sẽ công du 3 nước Trung Đông
Ngày 10/1, giới chức Hàn Quốc cho biết, Tổng thống nước này Moon Jae-in sẽ thực hiện chuyến công du 3 nước Trung Đông vào cuối tuần, trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này tìm cách tăng cường quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ai Cập trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Trong chuyến công du, Tổng thống Moon sẽ hội đàm với Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al-Nahyan về cách thức tăng cường phát triển quan hệ song phương vào ngày 17/1.
Sau chặng dừng chân ở UAE, ông Moon sẽ đến Saudi Arabia vào ngày 18-19/1 để hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman.
Vào ngày 20-21/1, ông Moon sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Ai Cập theo lời mời của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cách thức thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Ngoại trưởng Iran thăm Trung Quốc: Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Ngoại trưởng nước này Hossein Amirabdollahian sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tuần để thảo luận về thỏa thuận hợp tác 25 năm giữa hai nước. (Reuters)
Mỹ phản pháo sau đòn trả thù của Iran: Ngày 9/1, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, Washington sẽ đáp trả bất kỳ hành động thù địch nào nhằm vào các công dân Mỹ, sau khi Tehran áp trừng phạt 51 cá nhân của nước này liên quan vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani của Iran cách đây 2 năm. (The Hill)
Các bộ trưởng 4 nước vùng Vịnh cùng người đứng đầu GCC đồng loạt thăm Trung Quốc: Ngày 10/1, ngoại trưởng từ các quốc gia giàu dầu mỏ ở khu vực vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Bahrain bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Bắc Kinh. (theo AFP)