📞

Tin thế giới 11/11: Ông Trump tung 'vũ khí' thách thức kết quả bầu cử; Anh phản đòn Belarus; Ấn Độ cảnh báo trực tiếp tới Chủ tịch Trung Quốc?

Hoàng Hà 19:45 | 11/11/2020
TGVN. Diễn biến mới nhất của cuộc bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ với Iran, Philippines, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 20, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc-Pakistan, tình hình Belarus là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 11/11: Ông Trump tung 'vũ khí' thách thức kết quả bầu cử; Anh phản đòn Belarus; Ấn Độ cảnh báo trực tiếp tới Chủ tịch Trung Quốc?

Bầu cử Mỹ 2020

Nhà Trắng 'tung' tài liệu 234 trang cáo buộc gian lận bầu cử Mỹ

Ngày 10/11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã xuất hiện trên đài Fox News và giới thiệu 1 tập văn bản 234 trang bao gồm lời tuyên thệ từ các nhân chứng thu thập từ hạt Wayne, bang Michigan, mà bà này tuyên bố là bằng chứng về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 3/11.

Ngoài ra, bà McEnany cũng liệt kê ra những trường hợp bất thường mà chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã phát hiện ra như phiếu bầu có chữ ký giống nhau, phiếu không có lịch sử cử tri nhưng vẫn được kiểm đếm, thậm chí người đã qua đời vẫn được ghi nhận đã bỏ phiếu

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cũng xuất hiện trên Fox News và tuyên bố, phía ông Trump sẽ thách thức kết quả bầu cử đến cùng đồng thời cho biết, đến nay, phe này đã nhận được thông báo về tổng cộng 11.000 nghi vấn gian lận bầu cử từ các nhân chứng và đã tổng hợp khoảng 500 bản tuyên thệ từ các nhân chứng. Họ vẫn đang tiếp tục quá trình xác minh các thông báo. (Fox News)

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ : "Tôi không phải chỉ biết gật đầu"

Vài ngày trước khi bị cách chức, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nói với một phóng viên rằng ông không phải là người “chỉ biết gật đầu” trong Lầu Năm Góc.

Trả lời phỏng vấn Military Times vào tuần trước, ông Esper cho biết, ông quyết định không “nhún mình” trước Tổng thống Donald Trump và ông không hối tiếc về điều đó.

Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng phản bác việc bị gọi là người chỉ biết tuân thủ: "Trong số 18 thành viên nội các, ai là người phản kháng nhiều hơn? Hãy thử kể tên một bộ trưởng nội các khác từng phản kháng lại Tổng thống Trump xem".

Trong khi đó, The Guardian dẫn nguồn thạo tin cho biết, trong lá thư cuối cùng gửi Tổng thống Trump, ông Esper nói rằng: “Tôi phục vụ đất nước theo quy định của Hiến pháp, do vậy tôi chấp nhận quyết định thay thế tôi của Ngài”.

Ông Esper đã lặng lẽ rời trụ sở Lầu Năm Góc vào hôm 9/11 mà không có bất cứ nghi thức tạm biệt như truyền thống. (The Hill)

Đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Hạ viện Mỹ

Đảng Dân chủ đã giữ lại được quyền kiểm soát Hạ viện với 218 ghế, song khoảng cách số ghế giữa đảng này với đảng Cộng hòa trong Hạ viện đã bị thu hẹp.

Theo AP, đảng Dân chủ đã mất đi một số ghế cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua, theo đó giảm sức ảnh hưởng của mình tại Hạ Viện. Kết quả này nằm ngoài dự tính của đảng Dân chủ.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, đảng Dân chủ nắm 232 ghế, đảng Cộng hòa có 197 ghế tại Hạ viện. Với kết quả bầu cử mới nhất, con số này lần lượt là 218 và 201. Hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Trong khi đó, cuộc đua tại Thượng viện vẫn khá kịch tính. Hiện đảng Cộng hòa giành được 49 ghế trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện Mỹ, trong khi đó số ghế đảng Dân chủ có 48. Mỗi đảng cần giành ít nhất 51 ghế để kiểm soát Thượng viện.

Con đường giành thế đa số tại Thượng viện của đảng Dân chủ bị thu hẹp đáng kể khi đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ từ nhiều "bang đỏ" mà đảng Dân chủ kỳ vọng có thể xâm nhập. (AP)

Mỹ-Iran

Iran tiếp tục chỉ trích các chính sách của Mỹ

Ngày 11/11, phát biểu trong phiên họp Nội các, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Mỹ, "quốc gia đang cố gắng làm sụp đổ chế độ của Iran", sẽ có một cái kết đáng hổ thẹn.

Tổng thống Iran nhấn mạnh rằng: "Hãy nhìn vào các phát biểu của người đàn ông này (Tổng thống Donald Trump) về Iran tại các diễn đàn quốc tế, ông ấy sử dụng các cách diễn đạt và từ ngữ giống nhau mà chính quyền Zionist (những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái) đang sử dụng... "

"Khi bạn nhìn vào những phát biểu như vậy, bạn sẽ hoàn toàn hiểu rằng ai viết ra từ ngữ đó cho ông Trump và tất cả những vấn đề của ông ấy đều bắt nguồn từ một sự thật rằng họ (những nhà chính trị gia Mỹ) không thể đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của người dân Mỹ và các lợi ích của toàn thế giới", Tổng thống Iran nói.

Ông Rouhani đưa ra hai nguyên nhân chính khiến ông Trump "sẽ thất bại" trong cuộc bầu cử vừa qua là do "chính phủ Mỹ bất lực trong việc đối phó với dịch Covid-19" và "sự đổ vỡ trong quan hệ của Mỹ với thế giới" trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, ông Rouhani nhấn mạnh: "Chính sách của chúng tôi dựa trên hòa bình và ổn định tại khu vực, cũng như tôn trọng quyền của các quốc gia khác. Chính sách của chúng tôi dựa trên việc không gây hấn và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác". (MNA)

Tình hình Belarus

London triệu Đại sứ Belarus về vụ trục xuất 2 nhà ngoại giao Anh

Ngày 10/11, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này đã triệu Đại sứ Belarus đến Bộ Ngoại giao Anh, sau khi Minsk quyết định trục xuất 2 nhà ngoại giao Anh.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố, nước này đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Belarus.

Động thái trên diễn ra sau khi Belarus quyết định tuyên bố hai nhà ngoại giao Anh là không được hoan nghênh ở nước này.

Trước đó, hôm 9/11, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh, việc Belarus quyết định tuyên bố 2 nhà ngoại giao Anh là người không được hoan nghênh là "hoàn toàn phi lý". (Reuters)

Địa Trung Hải

Tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ bị đắm sau va chạm với tàu treo cờ Hy Lạp, ít nhất 5 người mất tích

Ngày 11/11, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, một tàu đánh cá của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đắm cùng ngày sau khi va chạm với tàu treo cờ Hy Lạp ở ngoài khơi vùng bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, làm ít nhất 5 người mất tích.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ ở ngoài khơi bờ biển Karatas, tỉnh Adana,để tìm kiếm người mất tích. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ việc.

Vụ tai nạn trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải vào tháng 8 vừa qua. (AP)

Vấn đề Đài Loan

Mỹ, Đài Loan sắp tổ chức Đối thoại Thịnh vượng Kinh tế, Trung Quốc hối 'ngừng'

Ngày 10/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach sẽ tiến hành cuộc đối thoại đối tác thịnh vượng kinh tế với Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 20/11 tới, dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu Mỹ của Đài Loan và Văn phòng đại diện về văn hóa và kinh tế Đài Bắc tại Mỹ.

Ông Pompeo nhấn mạnh: "Đài Loan là một đối tác đáng tin cậy và một nền dân chủ sôi động". Cuộc đối thoại này biểu thị rằng "mối quan hệ kinh tế của chúng ta là vững chắc và đang phát triển".

Ông nói thêm rằng, Mỹ tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan về các vấn đề, từ độ tin cậy của chuỗi cung ứng tới mạng 5G và an ninh y tế.

Phản ứng lại thông tin này, cùng ngày, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã hối thúc Mỹ ngừng nâng cấp quan hệ với Đài Loan. (Sputnik, Reuters)

Ấn Độ-Trung Quốc-Pakistan

Ấn Độ gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc và Pakistan

Ngày 10/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 20 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì, Thủ tướng Narendra Modi đã gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc và Pakistan trước sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Pakistan Imran Khan.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh: “Ấn Độ tin rằng, để tăng cường kết nối, điều quan trọng là chúng ta phải tiến lên trong khi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Ám chỉ Pakistan, Thủ tướng Modi cũng lên án những nỗ lực liên tiếp nhằm đưa các vấn đề song phương vào nghị trình của SCO một cách “không cần thiết”, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của tổ chức này. (The Hindu)

Hội nghị Thượng đỉnh SCO

Nga-Trung Quốc kiên quyết phản đối can thiệp vấn đề nội bộ SCO

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lập trường kiên định phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ. Các nước thành viên SCO bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và một số quốc gia Trung Á.

Ông Tập Cận Bình khẳng định: "Kiên quyết phản đối việc các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên SCO dù với bất kỳ lý do gì".

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Thêm một thách thức rõ ràng đối với an ninh chung của chúng ta là ngày càng có nhiều âm mưu của nước ngoài can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của những nước liên quan đến hoạt động của SCO”.

Phát biểu này có thể là phản ứng trước việc Mỹ và châu Âu hậu thuẫn người biểu tình chống chính phủ ở Belarus, nước quan sát viên của SCO. (Nikkei Asia)

Mỹ-Philippines

Philippines tiếp tục đình chỉ quyết định hủy VFA với Mỹ

Ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này đã một lần nữa đình chỉ quyết định hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ. Đây là lần thứ hai quyết định này bị hoãn và lệnh đình chỉ lần này có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ, việc đình chỉ quyết định hủy thỏa thuận trên sẽ “cho phép Philippines tìm kiếm một thỏa thuận mở rộng hơn, có nhiều lợi ích chung hơn, được đôi bên đồng thuận hơn, hiệu quả và lâu dài hơn về cách thức thúc đẩy khả năng phòng thủ chung ”.

Philippines là một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Hai nước có nhiều thỏa thuận quân sự phụ thuộc vào VFA. Tháng 2/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố hủy bỏ VFA sau khi một thượng nghị sĩ nước này bị Mỹ từ chối cấp visa.

Tháng 6/2020, Manila lần đầu tiên thông báo đình chỉ quyết định hủy VFA. (Reuters)

Hàn-Trung-Nhật

Triển vọng Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật

Ngày 11/11, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) Park Jie-won cho biết, đã thấy triển vọng tốt đẹp về khả năng diễn ra một Hội nghị thượng đỉnh 3 bên mà nước này đang cố gắng để chủ trì với Trung Quốc và Nhật Bản đến trước cuối năm.

Giám đốc Park Jie-won khẳng định: “Điều này (Hội nghị) diễn tiến theo chiều hướng tốt. Tôi sẽ báo cáo với ngài Tổng thống và đó là vấn đề do các nhà lãnh đạo quyết định”.

Giám đốc NIS Park Jie-won đưa ra nhận định chỉ một ngày sau khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ở Tokyo trong cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Suga nhậm chức vào tháng 9 sau khi người tiền nhiệm, Abe Shinzo từ chức vì vấn đề sức khỏe. (Yonhap)