Nga ‘tức tối’ vì cuộc chiến thông tin của phương Tây, xuất phát từ Meta. (Nguồn: Getty) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Xung đột Nga-Ukraine:
Nga chỉ trích Meta vì cho phép phát ngôn kích động thù địch
Ngày 10/3, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đưa ra một thông cáo, trong đó lên án tập đoàn Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram) “bật đèn xanh” cho các phát ngôn kích động thù địch chống lại quân đội Nga.
Thông cáo cũng khẳng định, đây là bằng chứng cho thực tế rằng, một cuộc chiến tranh thông tin đã nổ ra với Nga.
Đại sứ quán nhấn mạnh: "Chính sách hung hăng và tội phạm của Meta dẫn đến việc kích động lòng căm thù và thù địch đối với người Nga là hành vi gây phẫn nộ. Hành động của công ty là một bằng chứng khác về cuộc chiến thông tin không theo quy tắc đã được khởi xướng chống lại đất nước chúng ta. Các tập đoàn truyền thông đã trở thành binh lính của bộ máy tuyên truyền của phương Tây”. (TASS)
Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới cho Nga
Theo thông cáo từ Nhà Trắng, tối ngày 11/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra thông báo về các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.
Theo nguồn thạo tin của Reuters, ông Biden sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Nga.
Việc xóa bỏ Quy chế "Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn" của Nga sẽ đòi hỏi hành động từ Quốc hội Mỹ, song các Nghị sỹ từ cả hai viện đều bày tỏ ủng hộ bước đi này. Các biện pháp trừng phạt sâu rộng chưa từng có nhằm vào ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, song song với lệnh hạn chế xuất khẩu, đã khiến nền kinh tế Nga tụt dốc. Hiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Nga sẽ rơi vào "suy thoái sâu" trong năm nay.
Cũng theo Reuters, các đồng minh của Mỹ ở G7 cũng sẽ có những động thái tương tự.
EU sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Ukraine
Trong văn kiện được thông qua ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Versailles, EU sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Ukraine trước khi xem xét nỗ lực của Kiev xin gia nhập khối.
Văn kiện có đoạn: "Vào ngày 28/2/2022, thực hiện quyền của Ukraine được lựa chọn vận mệnh của chính mình, Tổng thống Zelensky đã nộp đơn xin gia nhập EU. Hội đồng đã hành động nhanh chóng và mời Ủy ban đưa ra ý kiến về việc này, căn cứ theo các điều khoản liên quan của các Hiệp ước. Trong khi chờ đợi và không chậm trễ, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của chúng tôi để hỗ trợ Ukraine theo đuổi con đường hội nhập châu Âu của mình. Ukraine là gia đình châu Âu của chúng tôi". (Sputnik)
LHQ: Khoảng 2,5 triệu người đã chạy khỏi Ukraine
Ngày 11/3, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết khoảng 2,5 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng vào ngày 24/2.
Trên trang Twitter, người phát ngôn Tổ chức Di cư Quốc tế của LHQ, ông Paul Dillon, nêu rõ: "2,5 triệu người hiện đã rời khỏi Ukraine, bao gồm cả 116.000 công dân nước thứ ba". (Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ: Khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine diễn ra trong tương lai gần
Ngày 11/3, người phát ngôn và cũng là Cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, cho biết khả năng sẽ diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong tương lai gần.
Kênh truyền hình quốc gia A Haber dẫn lời ông Kalin: "Một cuộc gặp có thể diễn ra trong tương lai gần. Có nhiều lý do để tin rằng điều này sẽ diễn ra dù sớm hay muộn. Tuy nhiên, chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tiếp tục đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi. Việc chấm dứt cuộc chiến này sẽ do Tổng thống Putin. Rốt cuộc, người sẽ có lời nói cuối cùng về vấn đề này là Tổng thống Putin”.
Ông Kalin cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào thời điểm hiện nay vì Ankara muốn duy trì đối thoại một cách tin cậy với Moscow. (Sputnik
Triều Tiên lên kế hoạch thử tên lửa ‘khổng lồ’ trước tháng 4
Theo AFP, các nhà phân tích nhận định Triều Tiên đang ngụy trang việc thử vệ tinh để thử nghiệm các bộ phận của cái gọi là tên lửa “khổng lồ”, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một hành động phá vỡ lệnh trừng phạt trước thềm một lễ kỷ niệm quan trọng của nước này.
Triều Tiên đã tiến hành 9 vụ thử tên lửa từ đầu năm tới nay. Các chuyên gia coi đây là một nỗ lực nhằm từng bước có được các vũ khí chiến lược trong một danh sách dài mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đưa ra.
Ưu tiên hàng đầu là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể mang nhiều đầu đạn Hwasong-17, được mệnh danh là "tên lửa khổng lồ", ra mắt lần đầu tiên tại một cuộc diễu binh hồi tháng 10/2020. (AFP)
Mỹ không muốn giảm trừng phạt với Triều Tiên
Phó đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak ngày 10/3 tuyên bố Mỹ phản đối việc giảm hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong bối cảnh chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục nâng cao năng lực hạt nhân và tên lửa của mình.
Bà Pak cũng lưu ý rằng Mỹ vẫn duy trì đối thoại với Triều Tiên nhưng điều đó sẽ không ngăn được việc Washington lên tiếng chỉ trích hành vi xấu của Bình Nhưỡng.
Nhà ngoại giao Mỹ nói: "Tôi biết rằng đã có một số lời kêu gọi giảm bớt các biện pháp trừng phạt hay dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hoặc đưa ra nhiều vấn đề nhượng bộ để khiến CHDCND Triều Tiên đối thoại với chúng tôi. Nhưng tôi thực sự không đồng ý với những người đề xuất biện pháp giảm trừng phạt cho Triều Tiên ngay cả khi chúng ta biết rằng nước này đang thúc đẩy và thể hiện khả năng hạt nhân và vũ khí hạt nhân của mình". (Yonhap)
Thủ tướng Trung Quốc thông báo thời điểm từ chức
Ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận kế hoạch từ chức sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào tháng 3/2023.
Phát biểu họp báo sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Khóa XIII, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Đây là năm cuối tôi đảm đương cương vị Thủ tướng". (Reuters)
Trung Quốc bị tấn công mạng, dùng để tấn công Nga, Ukraine và Belarus
Các tin tặc hoạt động chủ yếu từ Mỹ đã chiếm quyền kiểm soát các máy tính ở Trung Quốc và sử dụng chúng để tấn công mạng những mục tiêu ở Nga, Belarus và Ukraine.
Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc bắt đầu phát hiện hoạt động gây hại như trên vào cuối tháng 2. Theo báo cáo, kể từ thời điểm đó, hệ thống Internet của đại lục liên tục bị tấn công từ nước ngoài.
Hãng tin dẫn lời các quan chức Trung Quốc tiết lộ, phần lớn các cuộc tấn công mạng đã được truy ngược nguồn gốc từ Mỹ và chỉ riêng ở bang New York đã có 10 địa chỉ như vậy. Giới chức Trung Quốc nói, các máy tính của Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu tập kích của tội phạm công nghệ cao từ Đức, Hà Lan và một số quốc gia khác.
Theo các số liệu được truyền thông Trung Quốc trích dẫn, Nga là mục tiêu chính trong khoảng 87% các cuộc tấn công mạng được thực hiện thông qua máy tính ở Trung Quốc. (THX)
| Tổng thư ký LHQ kêu gọi thế giới 'xích lại gần nhau' Trong bối cảnh xung đột leo thang trên khắp thế giới, ngày 10/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres lên tiếng kêu ... |
| Tin thế giới 10/3: Tổng thống Nga và Ukraine sẽ gặp mặt trực tiếp? Ukraine kêu gọi thỏa hiệp; Covid-19 còn lâu mới kết thúc Đàm phán Nga-Ukraine, Xung đột Nga-Ukraine, Hàn Quốc và Hungary có tân Tổng thống; Triều Tiên phát triển vệ tinh do thám quân sự... là ... |