Tổng thống Ukraine công khai tuyên bố kế hoạch phá cầu Crimea. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Nga tuyên bố mọi cuộc đàm phán về Ukraine mà không có Moscow là vô nghĩa: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/4 tuyên bố bất kì cuộc đàm phán nào về Ukraine mà không có Nga đều là vô nghĩa.
Trong tuyên bố, ông Peskov khẳng định: "Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng các cuộc đàm phán mà không có Nga đều là vô nghĩa. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh chúng tôi vẫn để ngỏ cho quá trình đàm phán".
Chính phủ Thụy Sĩ ngày 10/4 thông báo sẽ tổ chức hội nghị cấp cao kéo dài hai ngày vào tháng 6 tới nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine, mặc dù phía Nga tuyên bố rõ rằng sẽ không tham gia hội nghị này. (Sputnik News)
Tin liên quan |
Mỹ bán vũ khí cho Ukraine, cảnh báo 'không ngồi yên' nếu Nga thắng |
*Quốc hội Ukraine thông qua dự luật huy động quân đội: Trong vòng rà soát thứ hai và cuối cùng, Quốc hội Ukraine ngày 11/4 đã thông qua dự luật về thắt chặt quy định huy động quân ở nước này.
Theo thông tin từ phiên họp, có 283 nghị sĩ bỏ phiếu tán thành dự luật, 21 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Các điều khoản của dự luật bao gồm việc thắt chặt thủ tục huy động, bao gồm các hình phạt đối với hành vi trốn tránh, làm rõ các đối tượng phải huy động.
Kết quả là hàng trăm nghìn người Ukraine dự kiến sẽ được huy động. Tờ Strana ước tính tiềm năng huy động của Ukraine vào khoảng 700.000 người. Trước đó, chính quyền cho biết cần huy động khoảng 500.000 người, mặc dù sau đó nhà chức trách cho hay con số này sẽ giảm nhẹ. Dự luật trên không cho phép những binh sĩ phục vụ lâu năm được giải ngũ. (AFP)
*Tổng thống Ukraine công khai kế hoạch phá cầu Crimea: Trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Đức Axel Springer, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai tuyên bố dự định tấn công các cầu và sân bay, trong đó có cây cầu Crimea huyết mạch nối phần đất liền của Nga với bán đảo Crimea.
Theo đó, phá hủy cầu sẽ là một nhiệm vụ trong đợt phản công mới năm 2024 của Ukraine. Các mục tiêu khác bao gồm các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhiệm vụ quân sự. Cầu Crime đã bị Ukraine phá hai lần vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023. Cả hai lần đều có thương vong và gây hư hại đáng kể song cầu Crime cho đến nay vẫn hoạt động.(AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lại bị tấn công, IAEA nói ai đó 'đang đùa với lửa' |
*Lưới điện của Ukraine bị tổn hại lớn: Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine - Ukrenergo ngày 11/4 cho biết các trạm biến áp điện và cơ sở sản xuất điện ở 5 khu vực của nước này đã bị hư hại do các cuộc tấn công qua đêm của Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay Nga đã tấn công Ukraine bằng hơn 40 tên lửa và 40 máy bay không người lái chỉ trong một đêm. Ông Oleksiy Kuleba, Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkov miền Đông Ukraine đã làm đứt đường dây điện của hơn 200.000 người tiêu dùng.
Cùng ngày, ông Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không để đối phó với các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga.(Reuters)
*Nga tấn công tên lửa vào nhiều thành phố ở Ukraine: Chính quyền Ukraine thông báo Nga đã tiến hành đợt tấn công tên lửa mới, gây ra hàng loạt vụ nổ ở các khu vực miền Đông Bắc, miền Nam và miền Tây của nước này sáng 11/4.
Trên trang Telegram, Thị trưởng Thành phố Kharkov - Ihor Terekhov cho biết người dân đã nghe thấy những tiếng nổ trong thành phố. Tương tự, các thống đốc vùng Zaporizhzhia và Lvov cũng thông báo về các vụ nổ.
Theo nguồn tin trên, lực lượng phòng không Ukraine đang hoạt động trong khu vực. (Sputnik news)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Mỹ, Australia, Nhật, Philippines sẽ tuần tra chung ở Biển Đông nhiều hơn: Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 11/4 tuyên bố Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines sẽ tiến hành nhiều cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông.
Theo quan chức này, trong hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines lần đầu tiên trong ngày 11/4, Washington sẽ công bố việc thực hiện các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển trong năm tới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên cuộc tuần tra đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển được tổ chức vào năm ngoái.
Cuối tuần trước, 4 nước trên đã tiến hành hoạt động tuần tra hàng hải đầu tiên ở Biển Đông nhằm phô trương lực lượng sau một số sự cố gần đây giữa tàu Trung Quốc và Philippines. (Sputnik news)
*Thủ tướng Hàn Quốc đề nghị từ chức: Ngày 11/4, các phương tiện truyền thông địa phương dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Thủ tướng nước này Han Duck Soo đã đề nghị từ chức sau thất bại nặng nề của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 10/4.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Yoon có chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Han Duck Soo và các trợ lý hay không. Quyền hành pháp ở Hàn Quốc tập trung nhiều vào Tổng thống. Thủ tướng đứng vị trí số 2 và sẽ lãnh đạo đất nước nếu Tổng thống mất năng lực. Trong một cuộc họp báo riêng, lãnh đạo đảng PPP Han Dong Hoon cho biết ông cũng sẽ từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại bầu cử. (Yonhap)
Châu Âu
*Phần Lan cân nhắc cho phép binh sĩ NATO đồn trú: Tân Tư lệnh quân đội Phần Lan Janne Jaakkola ngày 11/4 tuyên bố Helsinki sẽ cân nhắc việc cho phép binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện diện tại nước này.
Ông Jaakkola, người đảm nhận vai trò Tư lệnh các lực lượng quốc phòng Phần Lan hồi tuần trước, cho biết quốc gia Bắc Âu này có quân đội tương đối mạnh và không phải đối mặt với bất kì mối đe dọa trực tiếp nào, dù ông cũng cho rằng điều đó tùy thuộc vào diễn tiến cuộc xung đột ở Ukraine.
Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4/2023. Đây là quốc gia thành viên duy nhất ở sườn phía Đông không có binh sĩ nước ngoài đồn trú lâu dài. Phần Lan muốn đặt trụ sở các lực lượng mặt đất của NATO tại thành phố Mikkeli, cách biên giới với Nga khoảng 140 km.(Reuters)
*Ukraine và Latvia ký thỏa thuận an ninh song phương: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/4 tuyên bố ông và người đồng cấp Latvia đã ký một thỏa thuận an ninh song phương trong 10 năm.
Đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Tổng thống Latvia "và tôi vừa ký một thỏa thuận an ninh song phương... Thỏa thuận này dự kiến hỗ trợ quân sự hàng năm của Latvia cho Ukraine ở mức 0,25% GDP. Latvia cũng đưa ra cam kết 10 năm hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực phòng thủ mạng, rà phá bom mìn và các công nghệ không người lái, cũng như hỗ trợ quá trình kết nạp Ukraine vào EU và NATO".
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Zelensky khẳng định việc bảo đảm hệ thống phòng không là "ưu tiên số 1" đối với Kiev. Về phần mình, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda tuyên bố nước này “thực sự cam kết nỗ lực hết sức” để cung cấp cho Ukraine những thiết bị cần thiết. (AFP)
*Nga thắt chặt qui định về nhập cư: Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua trong lần rà soát đầu tiên dự luật thắt chặt thủ tục xin giấy phép cư trú tạm thời ở Nga theo hình thức đơn giản hóa.
Với quy định mới, cuộc hôn nhân kéo dài hai năm phải được tòa xác nhận. Nếu người nước ngoài bị tước quyền nuôi con liên quan đến con chung hoặc cuộc hôn nhân bị tòa tuyên bố vô hiệu thì giấy phép cư trú tạm thời sẽ không được cấp hoặc bị thu hồi. Cơ chế cấp giấy phép cư trú mới nhằm chống lại các cuộc hôn nhân giả với người nước ngoài.
Trước đó, để có giấy phép cư trú tạm thời, việc kết hôn với một công dân có hộ chiếu Nga là đủ. Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi thay đổi chính sách di cư sau vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall đồng thời cũng yêu cầu ngăn chặn việc lợi dụng các sự kiện này đây để kích động hận thù dân tộc, bài ngoại và bài Hồi giáo. (TASS)
Trung Đông – châu Phi
*Iran kêu gọi các nước Hồi giáo cắt đứt quan hệ với Israel: Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 10/4 kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cắt đứt quan hệ kinh tế và chính trị với Israel.
Phát biểu này được ông Raisi đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhằm thảo luận về tình hình ở Dải Gaza và vụ tấn công của Israel nhằm vào tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria hôm 1/4.
Ông Raisi cáo buộc thêm rằng sự hỗ trợ hiện nay của Mỹ và các nước phương Tây dành cho Israel, cũng như sự thờ ơ của các tổ chức quốc tế và các cơ quan nhân quyền đã tiếp tay cho những hành động gây hấn của Tel Aviv đối với người dân bị áp bức ở Dải Gaza.
Đề cập đến vụ tấn công tên lửa của Israel vào tòa nhà lãnh sự của Iran ở Damascus vào ngày 1/4 vừa qua, khiến 7 người Iran thiệt mạng, trong đó có 2 tướng lĩnh, ông Raisi cho biết Iran sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. (Al Jazeera)
*Nga kêu gọi kiềm chế ở Trung Đông: Điện Kremlin ngày 11/4 đã kêu gọi tất cả các quốc gia ở Trung Đông thể hiện hành vi kiềm chế và ngăn chặn khu vực rơi vào hỗn loạn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chưa có yêu cầu nào về việc Nga làm trung gian giữa Israel và Iran, mặc dù theo ông Peskov, cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự trong khu sứ quán Iran ở Damacus đã vi phạm tất cả các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Ông Peskov nhấn mạnh: "Ngay bây giờ điều quan trọng là các bên phải duy trì kiềm chế để không khiến tình hình trong khu vực mất ổn định hoàn toàn. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực thực hiện kiềm chế".
Iran đã thề sẽ trả thù vụ không kích hôm 1/4 vào khu vực thuộc đại sứ quán nước này ở Damacus khiến một vị tướng hàng đầu và 6 sĩ quan khác của quân đội Iran thiệt mạng. Vụ việc tiếp tục gây leo thang căng thẳng tại khu vực vốn đã bị cuộc chiến ở Gaza làm náo loạn. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Donald Trump chiếm ưu thế khi 'tấn công' vào 'điểm nóng', Tổng thống Biden gặp bất lợi |
*Israel sẵn sàng cho xung đột: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 11/4 cho biết Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho các kịch bản ở những khu vực khác. Tuyên bố này được ông Netanyahu đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc Israel sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.
Thủ tướng Netanyahu nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện đảm bảo an ninh của Nhà nước Israel cả về phòng thủ và tấn công”.
Trong khi đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức cho biết, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã điện đàm với người đồng cấp Iran về tình hình căng thẳng ở Trung Đông, kêu gọi tất cả các bên trong khu vực hành động có trách nhiệm và kiềm chế tối đa”. (Reuters)
*Thủ tướng Israel không biết về vụ sát hại con của thủ lĩnh Hamas: Truyền thông Israel ngày 11/4 đưa tin, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và Cơ quan An ninh nội địa (Shin Bet) nước này đã không xin ý kiến Thủ tướng Netanyahu và các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao khác trước khi sát hại 3 con trai của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh trong một cuộc không kích ở Gaza.
Hãng thông tấn này cho biết thêm các con trai của ông Ismail là Amir, Mohammad và Hazem đã trở thành mục tiêu của vụ không kích chứ không phải vì họ là con trai của nhà lãnh đạo chính trị của Hamas. Việc sát hại người thân của thủ lĩnh Haniyeh đã tạo thêm phức tạp cho các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza để đổi lấy sự trao trả 133 con tin Israel được cho là vẫn bị giam giữ tại Gaza. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Tổng thống Biden nới rộng cách biệt với Trump: Theo kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, đương kimTổng thống Mỹ Joe Biden đã nới rộng khoảng cách dẫn trước người tiền nhiệm Donald Trump trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, trong bối cảnh ứng cử viên Đảng Cộng hòa chuẩn bị đối mặt phiên tòa đầu tiên trong 4 phiên tòa hình sự chống lại ông.
Khoảng 41% cử tri đã đăng ký trong cuộc thăm dò 5 ngày kết thúc vào 8/4 cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, trong khi 37% chọn cựu Tổng thống Trump. Kết quả này cho thấy lợi thế của của ông Biden đã tăng lên so với với lợi thế dẫn trước chỉ 1 điểm % trong cuộc thăm dò cũng của Reuters/Ipsos vào tháng 3/2024.
Cuộc thăm dò mới cũng cho thấy đa số người Mỹ coi các cáo buộc mà cựu tổng thống Trump đang phải đối mặt là nghiêm trọng. Ông Trump sẽ xuất hiện tại tòa án Manhattan vào ngày 15/4 để bắt đầu phiên tòa đầu tiên trong số 4 phiên tòa hình sự sắp diễn ra. (CNN)
*Mỹ áp đặt trừng phạt với các công ty liên quan đến Nga, Trung Quốc: Ngày 10/4, Mỹ đã áp đặt biện pháp hạn chế thương mại với 5 công ty bị cho là đang giúp sản xuất và thu mua máy bay không người lái (UAV) để Nga sử dụng ở Ukraine và lực lượng Houthi sử dụng trong các cuộc tấn công trên Biển Đỏ.
Các công ty của Nga và Trung Quốc nằm trong số 11 công ty được bổ sung vào “Danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ, có nghĩa là các nhà cung cấp cần có giấy phép trước khi vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho những công ty nằm trong danh sách này. (Reuters)
| Mỹ bán vũ khí cho Ukraine, cảnh báo 'không ngồi yên' nếu Nga thắng Mỹ sẽ bán cho Ukraine thiết bị trị giá 138 triệu USD để bảo trì và nâng cấp hệ thống phòng không Hawk nhằm giúp ... |
| NATO tính toán lập căn cứ cách biên giới Nga hơn 100km, Lầu Năm Góc thừa nhận nỗi lo của Moscow Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để ngỏ khả năng lập trụ sở lực lượng mặt đất của liên minh cho các ... |
| Những điểm nhấn trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 8-9/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh ... |
| Tướng Mỹ nói Nga có số đạn pháo gấp 10 lần Ukraine, Lầu Năm Góc cố chặn quân đội Nga sử dụng một thứ Tướng Christopher Cavoli, Chỉ huy Bộ tư lệnh của Mỹ ở châu Âu (EUCOM), cảnh báo, có nguy cơ cao Ukraine sẽ gặp bất lợi ... |
| Ukraine 'gửi trọn niềm tin' vào Anh, London sẽ không làm Kiev phải thất vọng vì điều này Một thỏa thuận mới giữa Anh-Ukraine vừa ký kết được cho là dấu hiệu mới nhất về sự hỗ trợ không ngừng của Vương quốc ... |