Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, điều đó chủ yếu là khi Đảng Cộng hòa nắm quyền.
Hãng tin AP dẫn lời ông Bidon, đảng viên Dân chủ 84 tuổi sống gần Los Angeles, chia sẻ: “Nếu Tổng thống Joe Biden tái đắc cử, tôi không muốn ông Biden cần phải được Quốc hội, có khả năng do Đảng Cộng hòa kiểm soát, chấp thuận để ban hành các chính sách nhằm để làm chậm lại sự biến đổi khí hậu”. Bidon muốn các tổng thống có quyền đơn phương thay đổi chính sách và nói: “Nếu tổng thống là một thành viên Đảng Dân chủ, tôi ủng hộ một nhiệm kỳ tổng thống mạnh mẽ. Nếu là Đảng Cộng hòa, tôi không ủng hộ điều đó lắm”.
Tin liên quan |
NATO chỉ là ‘củ cà rốt’, Mỹ và đồng minh 'biết' Ukraine sẽ không bao giờ là thành viên |
Xu hướng tâm lý mới
Một cuộc thăm dò mới từ Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng (NORC) cho thấy, quan điểm của Bidon là khá phổ biến. Mặc dù người Mỹ nói rằng, họ không muốn một tổng thống có quá nhiều quyền lực, nhưng quan điểm đó sẽ thay đổi nếu ứng cử viên của đảng họ thắng cử tổng thống. Đó chính là quan điểm của các thành viên của cả hai đảng, mặc dù nó đặc biệt phổ biến hơn trong các đảng viên Cộng hòa.
Nhìn chung, chỉ có khoảng 2/10 người Mỹ nói rằng việc tổng thống tiếp theo có thể thay đổi chính sách mà không cần chờ đợi Quốc hội hay tòa án là “một điều tốt”. Trong khi có gần 6/10 đảng viên Đảng Cộng hòa nói rằng “điều đó sẽ tốt trong một tương lai mà Tổng thống Donald Trump có thể hành động đơn phương”, thì chỉ khoảng 4/10 đảng viên Đảng Dân chủ cũng nói như vậy nếu ông Biden tái đắc cử.
Tâm lý này xuất hiện trong bối cảnh sự phân cực đang leo thang và là dấu hiệu cho thấy công chúng Mỹ sẵn sàng xô đổ các ranh giới trong khuôn khổ chính trị đã duy trì nước Mỹ như một nền dân chủ ổn định trong hơn 2 thế kỷ. Trong cuộc thăm dò, chỉ có 9% người Mỹ cho rằng hệ thống kiểm soát và cân bằng của quốc gia đang hoạt động cực kỳ tốt hoặc rất tốt. Xu hướng này xảy ra sau khi Trump đưa ra lời thề sẽ “hành động như một nhà độc tài” vào ngày đầu tiên trong chính quyền mới để đảm bảo an ninh biên giới và mở rộng hoạt động khoan dầu khí.
Ông Bob Connor, một người từng làm nghề thợ mộc hiện bị khuyết tật sống ở Versailles, Missouri, muốn có một hành động quyết đoán như vậy về vấn đề biên giới. Ông đã từ bỏ hy vọng Quốc hội sẽ hành động. Ông Connor, 56 tuổi, cho biết: “Từ những gì tôi đã thấy, Đảng Cộng hòa đang cố gắng hoàn thành một số công việc, Đảng Dân chủ đang cố gắng hoàn thành một số công việc khác. Chẳng có gì được nhất trí ở đây. Chúng ta đang chưa đi được đến đâu cả”. Ông đổ lỗi trách nhiệm về dòng người di cư cho Biden vì đã đơn phương thu hồi một số chính sách an ninh biên giới mà Trump đã đơn phương áp đặt khi ông nhậm chức. Connor nói: “Tôi không phải là người cuồng Trump, nhưng những gì ông ấy nói rằng cần phải làm đều là đúng”.
Trong khi đó, Joe Titus, một đảng viên Đảng Dân chủ 69 tuổi đến từ Austin, bang Texas, tin rằng Đảng Cộng hòa đã phá hủy năng lực của Quốc hội trong việc thực hiện vai trò lập pháp truyền thống của mình và cho rằng Biden sẽ phải gánh lấy trách nhiệm này.
Ông Titus, một thợ cơ khí trong Lực lượng Không quân đã nghỉ hưu, nói về Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát: “Có cái gọi là ‘đa số’ trong Quốc hội, và họ là những người không bình thường. Đó không phải là cách mà công việc này nên được thực hiện”.
Quốc hội Mỹ hiện tại đang lập những kỷ lục mơ hồ: Là quốc hội kém hiệu quả nhất trong lịch sử đất nước, với chưa đến 30 dự luật được gửi đến bàn làm việc của Biden vào năm ngoái. Trước sự thúc giục của ông Trump, Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đóng băng viện trợ cho Ukraine và dự luật nhập cư lưỡng đảng.
Ông Titus nói rằng nhìn chung, ông phản đối việc mở rộng quyền lực của tổng thống nhưng sẽ ủng hộ Biden chi tiền cho nhiều vụ xét xử về vấn đề nhập cư hơn và gửi viện trợ bổ sung cho Ukraine. Ông nói: “Có một số điều mà đối với tôi, có vẻ như công chúng muốn nhưng bên kia đang ngăn cản".
Cương vị tổng thống đã từng bước tích lũy thêm quyền lực trong những năm gần đây khi tình trạng bế tắc ở quốc hội ngày càng trở nên phổ biến hơn. Càng ngày, người đứng đầu nhánh hành pháp quốc gia càng có xu hướng chuyển sang giải quyết các vấn đề thông qua chính sách hành chính hoặc mệnh lệnh hành pháp. Tòa án tối cao Mỹ dự kiến ra phán quyết vào cuối năm nay về một vụ kiện có thể làm suy yếu đáng kể khả năng ban hành các quy định của các cơ quan liên bang - và theo đó là của chính quyền tổng thống.
Trong khi đó, những người bảo thủ đang lên kế hoạch tiếp quản bộ máy quan liêu liên bang nếu họ giành được Nhà Trắng vào tháng 11 tới, một động thái có thể làm tăng năng lực của chính quyền trong việc tự mình thực hiện những thay đổi chính sách sâu rộng.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP) |
Chỉ là ý tưởng trừu tượng?
Cuộc thăm dò của AP kết hợp với NORC cho thấy quan điểm của cử tri về việc tổ chức nào nắm quá nhiều quyền lực bị chi phối bởi tính đảng phái của chính họ. Chỉ 16% đảng viên Đảng Dân chủ, đảng hiện đang kiểm soát Nhà Trắng, cho rằng tổng thống có quá nhiều quyền lực trong khi gần một nửa số đảng viên Đảng Cộng hòa tin vào điều đó. Ngược lại, khoảng 6/10 đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng Tòa án tối cao Mỹ, với đa số thuộc phe bảo thủ (6-3), có quá nhiều quyền lực.
Với việc Quốc hội được chia đều giữa hai đảng - Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện, Đảng Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện - người Mỹ có quan điểm tương tự về quyền lực của bất kể đảng nào. Khoảng 4/10 người từ cả hai đảng lớn đều cho rằng đảng kia có quá nhiều quyền lực.
Ý tưởng trừu tượng về một tổng thống với quyền lực gần như không bị kiểm soát nhìn chung vẫn không được ủng hộ.
Steven Otney, một tài xế xe tải đã nghỉ hưu ở Rock Hill, South Carolina, cho biết các chính sách lớn cần được Quốc hội thông qua và được tòa án chấp thuận. Nhưng ông cũng nói nó còn tùy thuộc vào từng vấn đề. Ông muốn thấy tổng thống tiếp theo, nếu là Trump, sẽ hành động nhanh chóng đối với một số vấn đề nhất định.
Otney, một đảng viên Đảng Cộng hòa, cho biết: “Một số việc cần phải được thực hiện ngay lập tức, chẳng hạn như việc hoàn thành bức tường biên giới”. Theo ông, đó chỉ là một vấn đề cần phải thực hiện theo đúng lẽ thường. Otney nói: “Nếu ông Trump bước vào đó và nói ‘tôi muốn ném bom Iran’, thì không, điều đó thật điên rồ. Nhưng trong phạm vi lý trí, đó cũng không phải điều gì ngu ngốc. Đó là điều giúp ích cho người dân Mỹ chứ không phải làm tổn thương chúng tôi”.
| Một nước Bắc Mỹ 'bơm' tiếp cho Ukraine 44 triệu USD, nâng tổng giá trị cam kết lên hơn 2,4 tỷ USD Ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair tuyên bố, nước này sẽ tài trợ thêm 44 triệu USD cho Ukraine để giúp Kiev ... |
| Nước châu Âu cảnh báo NATO 'lằn ranh đỏ' chớ vượt ở Ukraine, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng tỏ rõ lập trường Hồi cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak đã chỉ trích ý tưởng đưa lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại ... |
| Bầu cử Nga: Tổng thống Putin cảm ơn người dân sau khi thắng áp đảo, Moscow công bố con số kỷ lục của cả thế giới Cuộc bầu cử tổng thống Nga đã kết thúc với kết quả do Ủy ban Bầu cử trung ương (CEC) cho thấy, ứng cử viên ... |
| Trung Quốc nỗ lực 'đổ thêm tiền', doanh nghiệp chất bán dẫn lại vào 'tầm ngắm' của Mỹ Ngày 20/3, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc đưa vào danh ... |
| Fed mang tin vui đến với chính quyền Tổng thống Mỹ, lộ trình giảm áp lực giá cả không thay đổi Ngày 20/2, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định, các số liệu lạm phát cao gần đây không làm ... |