Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua một số tin thế giới nổi bật trong ngày.
Nga trả đũa Romania
Ngày 11/5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Moscow đã quyết định trục xuất một phó tùy viên quân sự Romania để đáp trả việc Bucharest trục xuất một nhân viên ngoại giao Nga trước đó.
Theo đó, Bộ này tuyên bố, phó tùy viên quốc phòng của Đại sứ quán Romania ở Moscow là nhân vật không được hoan nghênh và ông này phải rời khỏi Nga trong vòng 72 giờ.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã triệu Đại sứ Romania tại Moscow Christian Istrate và trao công hàm về quyết định. (Reuters)
Pháp vào không phận Biển Đen, buộc Nga phải ngăn chặn
Theo bộ phận hỗ trợ thông tin của Hạm đội Biển Đen Nga, ngày 11/5, một máy bay chiến đấu Su-30 của nước này đã đánh chặn hai máy bay chiến đấu Dassault Mirage 2000 và một máy bay tiếp nhiên liệu C-135 của Không quân Pháp trên Biển Đen, thuộc Quân khu Nam, gần biên giới Nga.
Sau đó, máy bay Su-30 của không quân Nga đã hộ tống các máy bay Pháp qua Biển Đen.
Quân đội Nga cho biết, chuyến bay của máy bay Nga được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận. (TASS)
Nga đề cao cảnh giác trước nguy cơ nước ngoài can thiệp bầu cử
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết, nước này cho rằng, nhiều khả năng một số nước sẽ tìm cách "tham gia" vào cuộc bầu cử Hạ viện Nga (Duma quốc gia) theo cách phá hoại.
Khi được hỏi về khả năng liệu các đại sứ quán nước ngoài có thể làm bất ổn tình hình trước, trong và sau cuộc bầu cử Hạ viện hay không, ông Syromolotov nhấn mạnh, việc các nhân viên ngoại giao nước ngoài tham gia vào các cuộc biểu tình không được cấp phép tại Nga đã gây quan ngại.
Ông Syromolotov nói: "Giới chức thực thi pháp luật Nga đã nhiều lần ghi nhận mưu đồ của các nhà ngoại giao nước ngoài nhằm gây ảnh hưởng đến các quy trình chính trị ở nước ta (Nga) bằng cách nào đó. Với cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới, chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng một số nước sẽ "tham gia theo cách phá hoại vào sự kiện quan trọng này."
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng khẳng định, Moscow đã đưa ra những cảnh báo ở mức cao nhất đối với các phái đoàn ngoại giao nước ngoài về sự cần thiết của việc tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. (Sputnik)
Mỹ lên tiếng về việc Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Ngày 11/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, nước này đang xem xét lại việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở của chính quyền tiền nhiệm trong bối cảnh Nga có động thái chính thức rút khỏi hiệp ước này.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: "Chúng tôi chưa ra quyết định về tương lai của việc Mỹ tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở. Chúng tôi đang tích cực xem xét các vấn đề liên quan Hiệp ước này. Việc phía Nga tiếp tục không tuân thủ Hiệp ước nằm trong một số yếu tố mà chúng tôi đang xem xét".
Ông Price nhấn mạnh, trong khi tiến trình xem xét này đang diễn ra, Mỹ kêu gọi Nga có những biện pháp trở lại tuân thủ Hiệp ước. (Eminetra)
Mỹ, Ukraine tập trận hải quân chung ở Biển Đen
Ngày 12/5, hải quân Ukraine thông báo, nước này và Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đen.
Hải quân Ukraine cho biết, tham gia cuộc tập trận có 1 tàu tuần tra và 1 máy bay trực thăng chống ngầm của Lực lượng Hải quân Ukraine, 1 tàu chỉ huy của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine, cùng 1 tàu lớp Legend của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ.
Cuộc tập trận được tổ chức nhằm "đảm bảo an ninh" ở Biển Đen và cải thiện khả năng tương thích của hải quân Mỹ và Ukraine trong các chiến dịch chung trên biển như một phần của các nhóm chiến thuật đa quốc gia theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (THX)
Mỹ bắn cảnh cáo tàu Iran
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, các tàu chiến Mỹ đã phải bắn khoảng 30 phát súng cảnh báo trước khi các tàu cao tốc của Iran rời xa khỏi các tàu chiến Mỹ một khoảng cách an toàn.
Ngày 10/5, Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ đã công bố một đoạn video về cuộc chạm trán giữa một nhóm tàu chiến Mỹ với một nhóm tàu của Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) tại eo biển Hormuz. Theo đó, Lầu Năm Góc gọi cách tiếp cận của Iran là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".
"Việc IRGCN quấy rối các tàu chiến Mỹ không còn là hiện tượng quá mới lạ. Nó không an toàn và rất thiếu chuyên nghiệp. Việc quấy rối của IRGCN là các hoạt động dễ khiến người khác bị thương và có thể dẫn đến một tính toán sai lầm thực sự trong khu vực" - ông Kirby cho biết.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, các tàu của họ đã hành động đúng với các quy định của luật pháp quốc tế về ngăn ngừa sự cố trên biển. Theo đó, họ có quyền đi qua vùng biển ở khu vực eo biển Hormuz. (Sputnik)
Căng thẳng Dải Gaza:
Israel và Hamas liên tục bắn tên lửa, rocket
Tối 11/5, căng thẳng giữa Israel và phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza tiếp tục leo thang, khi hai bên tiếp tục thực hiện các đợt tấn công tên lửa và rocket vào các khu vực của nhau.
Một toà tháp 13 tầng đã bị san phẳng sau khi trúng nhiều tên lửa từ máy bay chiến đấu Israel.
Nhằm trả đũa, Hamas đã phóng 130 quả tên lửa vào Tel Aviv và khu vực lân cận.
Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, các phiến quân ở Dải Gaza sẽ “phải trả một cái giá rất đắt”.
Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua các vụ không kích của Hamas nhằm vào thành phố Tel Aviv, trung tâm kinh tế của Israel. Ngoài ra, Hamas cho biết, đã sử dụng một loại tên lửa mới có tên "Sijeel" để vượt qua hệ thống đánh chặn Vòm Sắt của Israel.
Xung đột giữa Israel và các nhóm phiến quân ở dải Gaza được khơi mào bởi vụ đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel ở đền al-Aqsa, Jerusalem, hôm 10/5. (Reuters)
Thế giới kêu hai bên giảm căng thẳng
Phản ứng về tình hình leo thang nguy hiểm, Nhà Trắng đã lên án những cuộc tấn công bằng rocket mà Hamas và các nhóm vũ trang Palestine khác đang thực hiện nhằm vào những mục tiêu ở Israel, đồng thời cho rằng, quốc gia Do Thái có quyền tự vệ hợp pháp.
Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi cả Israel và Palestine tránh gây ra những cái chết “vô cùng đáng tiếc” cho dân thường sau các cuộc không kích.
Cũng trong ngày 11/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cảnh báo, tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng giữa Israel và Hamas “đang leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện”, đồng thời cho rằng, lãnh đạo của tất cả các bên phải chịu trách nhiệm đẩy lùi tình trạng này.
Ngày 12/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Israel và Palestine lùi xa bờ vực chiến tranh và kiềm chế.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Moscow nhìn nhận diễn biến nguy hiểm của các sự kiện với mối quan ngại sâu sắc. Chúng tôi mạnh mẽ lên án các vụ tấn công vào dân thương, bất kể quốc tịch hay tôn giáo của họ”.
Chủ tịch ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Moussa Faki Mahamat lên án các vụ oanh tạc của Israel tại Dải Gaza, cũng như các vụ tấn công bạo lực của lực lượng an ninh nước này vào khu Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết: "Thông qua Bộ Ngoại giao, Chính phủ Mexico bày tỏ quan ngại về tình hình đang xấu đi nhanh chóng tại Israel và Palestine, đồng thời hối thúc tất cả các bên dừng ngay mọi hành động đe dọa mạng sống và an toàn của người dân".
Tuyên bố cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp nhằm giảm tình trạng bạo lực và đề xuất các bên ngồi vào bàn đàm phán. (Reuters/AP/AFP)
Lãnh đạo tình báo Hàn Quốc, Nhật Bản thảo luận về vấn đề Triều Tiên
Truyền thông Nhật Bản ngày 12/5 đưa tin, các quan chức tình báo hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp tại thủ đô Tokyo để thảo luận về tình hình Triều Tiên cũng như các vấn đề song phương khác.
Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won đã gặp Giám đốc tình báo nội các Nhật Bản Takizawa Hiroaki trong ngày 11/5. Hai quan chức này cũng sẽ có cuộc gặp 3 bên với Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn thành việc xem xét lại chính sách Triều Tiên của mình. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng liên quan đến vấn đề cưỡng ép lao động và nô lệ tình dục từ thời chiến.
Sau khi tham dự cuộc họp 3 bên với các lãnh đạo tình báo Hàn Quốc và Nhật Bản, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines nhiều khả năng sẽ tới Hàn Quốc và thăm khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên. Bà Haines cũng có kế hoạch gặp Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in và Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon. (Yonhap)
Tình hình Myanmar: Liên hợp quốc kêu gọi thiết lập lại hòa bình và ổn định
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 11/5 đã kêu gọi Myanmar trở lại hòa bình và ổn định.
Trong một tuyên bố của LHQ, ông Guterres cũng khuyến khích Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhanh chóng tuân thủ các cam kết của chính mình và cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực trong khu vực. Ông Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân đạo gia tăng.
Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Myanmar - Christine Schraner Burgener, hiện đang ở trong khu vực và tiếp tục liên lạc chặt chẽ với một loạt các bên liên quan chính. (THX)
Tàu sân bay Anh sắp ‘phô diễn sức mạnh’
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vừa rời cảng Portsmouth cùng Biên đội tàu sân bay số 21 của Anh để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Strike Warrior cùng các nước đồng minh.
Tàu HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi các khu trục hạm HMS Defender và HMS Diamond cùng các khinh hạm HMS Richmond và HMS Kent của Anh.
Hơn 20 tàu chiến, 3 tàu ngầm và 150 máy bay từ 11 quốc gia sẽ tham gia cuộc tập trận.
Sau cuộc tập trận này, biên đội của Anh sẽ được triển khai lần đầu ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương. (Reuters)