Xung đột Armenia-Azerbaijan
Tổng thống Azerbaijan khuyên Yerevan cảm ơn ông Putin
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài RBK (Nga), Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho rằng, Nga vừa cứu Armenia "một lần nữa" trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Aliyev khẳng định: "Khi ông Pashinyan (Thủ tướng Armenia) ra tối hậu thư cho chúng tôi, khi ông ấy xúc phạm tình cảm của người dân Azerbaijan, ông ấy nên bị trừng phạt vì điều đó. Và chúng tôi đã làm như vậy. Ông ấy nên cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin vì một lần nữa, Nga đã đến cứu Armenia".
Ông chủ Điện Kremlin đã liên tục kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh khi các cuộc giao tranh nổ ra. Nga cũng đóng vai trò trung gian trong các nỗ lực giải quyết xung đột và hòa giải hai nước Armenia-Azerbaijan.
Tuy vậy, theo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Nga lại ở cùng phe với Armenia và có nghĩa vụ giúp Armenia nếu lãnh thổ được quốc tế công nhận của nước này bị tấn công.
Tổng thống Aliyev cho rằng, "sự phụ thuộc 100% vào Nga" của Armenia đồng nghĩa với việc Moscow có tầm ảnh hưởng lớn đối với Yerevan. Nhà lãnh đạo Azerbaijan cho biết, đích thân ông đã nhiều lần yêu cầu phía Nga thuyết phục Armenia "ngừng chiếm đóng" khu vực Nagorno-Karabakh, tuy nhiên đến nay Moscow vẫn chưa làm điều đó. (RT)
Tình hình Syria
Mỹ đang xây dựng căn cứ quân sự mới ở Đông Syria
Sputnik đưa tin, quân đội Mỹ đã bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự mới ở thị trấn Al-Baghouz trên vùng nông thôn Đông Nam Deir Ezzor. Đây sẽ là căn cứ quân sự thứ 4 ở tỉnh này và là căn cứ thứ 9 ở miền Đông Syria.
Một thông tín viên của Sputnik tại tỉnh Al-Hasakah dẫn các nguồn tin địa phương tại vùng nông thôn Deir Ezzor cho biết, quá trình xây dựng căn cứ mới này đã được bắt đầu từ vài ngày trước.
Các nguồn tin cho hay, Mỹ ưu tiên hoàn thiện một bãi đáp trực thăng để đảm bảo cung cấp hậu cần cho căn cứ. Đáng chú ý là trước đó, Quân đội Mỹ đã xây dựng và đưa quân tới đồn trú tại 3 căn cứ ở tỉnh Deir Ezzor, đặc biệt là gần các mỏ dầu khí. (Sputnik)
Bầu cử Mỹ 2020
Hơn 10 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, mô hình dự đoán ông Biden có 91% cơ hội thắng cử
Reuters dẫn nguồn thông tin bầu cử của Đại học Florida cho biết, tính đến tối 12/10, gần 10,4 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu tại các bang ghi nhận dữ liệu bỏ phiếu sớm khi chỉ còn 3 tuần đến ngày bầu cử chính thức 3/11. Số liệu trên cao hơn đáng kể so với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong khi đó, tạp chí Economist dựa trên mô hình dự đoán mô phỏng 20.000 kết quả bầu cử cho hay, ông Biden có 91% cơ hội chiến thắng bằng số phiếu đại cử tri, trong khi tỷ lệ này với ứng viên Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, là 9%.
Mô hình dự đoán của Economist cũng cho thấy cựu Phó Tổng thống Dân chủ có 99% cơ hội chiến thắng phiếu bầu phổ thông.
Tuy nhiên, mô hình này cũng dự đoán, có gần 1% cơ hội hai ứng viên không giành đủ 270 phiếu đại cử tri để đắc cử. (Reuters, Economist)
Đông Địa Trung Hải
EU 'nóng mặt' vì trò 'tung hứng' của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 13/10, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ nên kiềm chế các hành động khiêu khích xoay quanh tranh chấp về khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, đồng thời khẳng định, Đức cũng giống như các đối tác khác trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ đoàn kết cùng với Cyprus và Hy Lạp.
Phát biểu trước khi công du tới Cyprus và Hy Lạp, ông Mass cho rằng: "Ankara phải chấm dứt trò tung hứng giữa tình trạng giảm leo thang và sự khiêu khích nếu họ quan tâm tới các cuộc đàm phán".
Trước Đức, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng đã lên án động thái gây căng thẳng mới của Ankara. (Reuters)
Trung Quốc-Australia
Căng thẳng gia tăng quanh nghi vấn cấm nhập than, Australia yêu cầu Trung Quốc làm rõ
Ngày 12/10, S&P Global Platts, công ty chuyên về thông tin thị trường năng lượng và hàng hóa tại Australia và Argus Media, công ty truyền thông chuyên về lĩnh vực năng lượng quốc tế dẫn một số nguồn tin giấu tên xác nhận, các công ty điện và nhà máy sản xuất thép do thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã nhận được chỉ thị miệng từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc yêu cầu việc ngừng nhập khẩu than từ Australia "có hiệu lực ngay lập tức".
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 13/10, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết đã thảo luận với các doanh nghiệp nước này và đã thông qua các kênh ngoại giao đặt ra câu hỏi đề nghị Trung Quốc làm rõ. (Bloomberg, AFP)
Vấn đề Đài Loan
Mỹ thúc đẩy thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc dọa trả đũa
Ngày 12/10, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trong những ngày gần đây, Nhà Trắng đã gửi thông báo về các thỏa thuận trong 3 vụ bán vũ khí tối tân cho Đài Loan tới Quốc hội Mỹ để thông qua trong động thái nhằm thúc đẩy các thương vụ này.
Theo các nguồn tin giấu tên, lãnh đạo các Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã được thông báo rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua 3 thương vụ này.
Phản ứng trước thông tin này, ngày 13/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh sẽ có phản ứng "phù hợp và cần thiết". Ông Triệu Lập Kiên cảnh báo Mỹ nên chấm dứt ngay lập tức các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. (Reuters)
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Mỹ đề cao vai trò của nhóm Bộ Tứ, khuyến khích tăng cường cam kết với ASEAN
Ngày 12/10, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết, nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ có thể được mở rộng đối với các quốc gia khác nhằm ủng hộ một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ông Biegun nhấn mạnh: “Bất cứ nước nào tìm kiếm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và sẵn sàng triển khai các bước đi để đảm bảo điều đó, sẽ được hoanh nghênh hợp tác với chúng tôi”.
Cũng theo ông Biegun, các đối tác trong nhóm Bộ Tứ có thể tăng cường cam kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hợp tác để bảo vệ quyền tự do tại các vùng biển. (Reuters)
Pháp bổ nhiệm Đại sứ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 12/10, tờ Sydney Morning Herald (Australia) đưa tin, Đại sứ Pháp tại Australia Christophe Penot sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ mới, trở thành đại sứ đầu tiên của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày càng tăng.
Động thái chuyển ông Penot từ vị trí đại sứ tại Australia đến khu vực kinh tế rộng lớn hơn là bước leo thang rõ nét nhất trong chiến lược của Pháp tại khu vực này, khi Đức và Pháp thúc đẩy EU trở nên quyết đoán hơn trong chiến lược đối với Trung Quốc. Pháp là cường quốc châu Âu gần đây nhất có động thái thay đổi cách nhìn về Trung Quốc và khu vực.
Đức, vốn từ lâu có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 9 vừa qua. (Sydney Morning Herald)
Trung Đông
Thủ tướng Palestine kêu gọi EU đóng vai trò tích cực
Ngày 12/10, trong cuộc họp trực tuyến với Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu với sự tham dự của 80 đại biểu đại diện cho các quốc gia và đảng, phái ở châu lục, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye kêu gọi EU công nhận một nhà nước Palestine độc lập và đóng vai trò tích cực trong tiến trình chính trị thời gian tới liên quan đến chính nghĩa của người Palestine.
Ông Ishtaye cũng kêu gọi châu Âu "chấm dứt sự độc quyền của Mỹ trong việc bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua một hội nghị quốc tế vì hòa bình mà tất cả các bên đều tham gia".
"Bất kỳ tiến trình chính trị nào cũng phải dựa trên việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine theo tầm nhìn của hai nhà nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc", Thủ tướng Palestine lưu ý.
Thủ tướng Ishtaye kêu gọi EU gây áp lực lên Israel để cho phép người Palestine tổ chức bầu cử ở Đông Jerusalem, vì giới lãnh đạo Palestine quyết tâm tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử ở các vùng lãnh thổ của Palestine. (THX)
Vụ đầu độc Navalny
Đức nêu quan điểm vụ chính trị gia đối lập Nga
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/10 với Sputnik, Ngoại trưởng Đức Heilo Mass cho rằng, vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị hôn mê mà Đức và EU cho là bị đầu độc cần phải do các quan chức thực thi pháp luật của Liên bang Nga điều tra.
“Tất cả các dấu vết, nhân chứng, bằng chứng cần thiết cho cuộc điều tra, cũng như các xét nghiệm máu đầu tiên đang nằm ở Nga. Hai ngày sau vụ ám sát, ông Alexei Navalny mới được đưa đến Đức để điều trị", ông Mass nói.
Theo Ngoại trưởng Đức, vụ việc của ông Navalny không phải là vấn đề trong chương trình nghị sự song phương của Đức và Nga, mà liên quan đến toàn bộ cộng đồng quốc tế và đó là lý do mà Đức mời Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tham gia với "tư cách là một cơ quan quốc tế độc lập".
Cho rằng Đức chỉ là "nhân chứng cho một vụ án đầu độc", ông Mass lưu ý việc 5 phòng thí nghiệm độc lập đều xác nhận việc sử dụng vũ khí hóa học để đầu độc Navalny và điều này "củng cố yêu cầu của đối với Nga là cần giải thích những gì đã xảy ra".
Cũng trong ngày 12/10, EU đã nhất trí quyết định chính trị về việc sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến vụ việc của chính trị gia đối lập Navalny. (Sputnik)