Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Israel-Palestine: 'Thùng thuốc súng' chực chờ phát nổ
Chảo lửa Trung Đông rực đỏ, Mỹ chuẩn bị hành động?
"Thùng thuốc súng" ở Trung Đông đang có nguy cơ phát nổ khi bạo động và bạo lực ở Đông Jerusalem giữa người Palestine và Israel nổ ra không kiểm soát, với ít nhất 300 người thương vong kể từ ngày 7/5, trong khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza cũng leo thang nghiêm trọng.
Chỉ trong vòng 4 ngày, quân đội Israel cho biết họ đã tấn công Gaza hơn 600 lần trong khi Hamas đã bắn hơn 1.600 quả rocket về phía Israel.
Cơ quan y tế của Hamas cho biết, tổng số người thiệt mạng sau hơn 2 ngày không kích của Israel vào Gaza đã tăng lên 83, trong đó có 17 trẻ em, và 487 người khác bị thương. Tại Israel, các quan chức y tế cho biết, có 7 người thiệt mạng trong phần đất của nhà nước Do Thái.
Trong bối cảnh đó, quốc tế đồng loạt kêu gọi ngừng bắn và quan ngại về tình hình đang diễn ra tại vùng trũng Trung Đông này.javascript:void('h3')
Trước tình hình thực tế, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, đặc phái viên về Trung Đông của chính phủ Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Hady Amr, sẽ tới gặp lãnh đạo Israel và Palestine để tìm cách ngăn chặn vòng xoáy bạo lực hiện nay.
Israel kêu gọi tái ngũ khẩn cấp 10 đại đội
Ngày 13/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã ra lệnh khẩn cấp gọi tái ngũ 10 đại đội Cảnh sát Biên phòng và triển khai tới nhiều địa điểm trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm kiềm chế làn sóng bạo động và bạo lực nổ ra trên các đường phố của nước này trong mấy ngày qua.
Khoảng 374 người đã bị bắt giữ sau các vụ căng thẳng liên tiếp giữa người Do Thái và người Arab cũng như các vụ bạo động nổ ra trong ngày 12/5 và cuộc chiến đang tiếp diễn giữa Israel với Hamas tại Dải Gaza. (Jerusalem Post)
Israel quyết 'truy sát' Hamas đến cùng
Cùng ngày, các lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã trình lên Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Aviv Kohavi dự thảo kế hoạch triển khai bộ binh tiến vào Dải Gaza. Đến chiều cùng ngày, ông Kohavi sẽ trình kế hoạch lên cấp chính trị để phê duyệt.
Người phát ngôn IDF, Chuẩn tướng Hidai Zilberman cho biết, trong những ngày qua IDF đã tấn công vào các mục tiêu chính quyền, ngân hàng và các chỉ huy cấp cao của tổ chức khủng bố Hamas.
Ông nêu rõ, rạng sáng cùng ngày, Israel đã bắt đầu phá hủy các mục tiêu chính quyền ở Dải Gaza, như ngân hàng trung ương và các cơ quan an ninh của họ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã xác nhận rằng, nội các an ninh nước này đã chính thức bác đề xuất ngừng bắn của Hamas. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh muốn giải quyết các bất đồng với Mỹ qua đối thoại
Ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh, nước này và Mỹ nên giải quyết các mối quan ngại của nhau thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ông Cao Phong đưa ra lời kêu gọi khi được yêu cầu bình luận về việc Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai gần đây bày tỏ hy vọng sẽ gặp các quan chức thương mại Trung Quốc trong thời gian tới.
Quan chức này cho rằng: "Bản chất của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là đôi bên cùng có lợi. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề thuế quan là rất rõ ràng. Việc áp đặt các biện pháp thuế quan bổ sung một cách đơn phương không có lợi cho Trung Quốc, Mỹ hay toàn thế giới". (THX)
Trung Quốc coi nhẹ cuộc tập trận chung của các nước ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, Lực lượng Phòng vệ nước này sẽ tập trận chung với quân đội Australia, Mỹ và Pháp ở Biển Đông.
Trước đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 11/5 đã cùng các binh sĩ Mỹ và Pháp bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "ARC21" ở Tây Nam Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 17/5
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan "định hướng chống Trung Quốc" trong các cuộc tập trận của các quốc gia trên ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhận định, hoạt động này không thể "hù dọa" cũng như sẽ "không có bất kỳ tác động nào" với Bắc Kinh.
Theo quan chức ngoại giao này, các quốc gia trên "cần phải xem xét lại lịch sử của chính mình và đóng góp cho hòa bình của khu vực và toàn cầu, chứ không hướng các hành động của mình chống lại Trung Quốc". (Sputnik)
Đài Loan 'dính' Sự cố mất điện trên diện rộng
Ngày 13/5, chính quyền Đài Loan thông báo, nhà máy điện Hsinta đặt tại thành phố cảng Cao Hùng ở miền Nam gặp sự cố và sẽ bắt đầu thực hiện cắt điện luân phiên trên khắp vùng lãnh thổ này.
Người phát ngôn của chính quyền Đài Loan Lo Ping-cheng khẳng định, cơ quan chức năng đã nhanh chóng kiểm soát tình hình và kêu gọi người dân bình tĩnh, không lo lắng quá mức.
Theo người phát ngôn này, tất cả các tổ máy tại nhà máy điện Hsinta đã tạm dừng hoạt động sau khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, người phát ngôn không cung cấp thông tin cụ thể hay nguyên nhân gây ra sự cố tại nhà máy điện lực quan trọng của vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, Taipower, công ty cung cấp điện tại Đài Loan cho biết nhà máy điện Hsinta gặp sự cố kỹ thuật và tạm thời, kế hoạch cắt điện luân phiên sẽ được thực hiện trong thời gian khắc phục sự cố.
Trong khi đó, Cơ quan Kinh tế của Đài Loan đặt mục tiêu đến tối 13/5 khôi phục công suất đầy đủ của toàn mạng lưới điện.
Cơ quan Giao thông Đài Loan cho biết, sân bay quốc tế chính của vùng lãnh thổ này ở Đài Bắc và tuyến tàu cao tốc của khu vực vẫn hoạt động bình thường. Hiện chưa rõ sự cố có ảnh hưởng đến các khu công nghiệp quan trọng ở Đài Loan hay không. (Taiwan News)
Nga-Mỹ:
Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có phát ngôn viên Đại sứ quán
Ngày 12/5, tờ Moscow Times đưa tin, Nga đã tiến hành trả đũa các đòn trừng phạt của Mỹ khi tuyên bố trục xuất phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Moscow Rebecca Ross cùng 9 nhà ngoại giao Mỹ khác.
Các nhà ngoại giao này sẽ phải rời khỏi Nga trước ngày 21/5.
Trong bối cảnh ăn miếng trả miếng lẫn nhau, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày thông báo, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã điện đàm và nhất trí gặp mặt tại thủ đô Reykjavik của Iceland vào ngày 20/5, bên lề cuộc họp Hội đồng Đại Tây Dương.
Tấn công mạng ở Mỹ: Nhóm tin tặc bất ngờ xin lỗi
Ngày 12/5, nhóm tin tặc DarkSide thực hiện vụ tấn công mạng tống tiền nhằm vào hệ thống ống dấn dầu Colonial Pipeline, dài khoảng 5.500m và vận chuyển tới 45% lượng nhiên liệu cho khu vực Bờ Đông hôm 7/5 đã bất ngờ lên tiếng xin lỗi.
Cụ thể, hãng tin BBC News trích dẫn thông điệp của nhóm này: "Chúng tôi là nhóm phi chính trị, không có bất kỳ mục đích chính trị nào, các bạn không cần phải gắn chúng tôi với mới một nhà nước và cũng không cần điều tra động cơ của chúng tôi".
Theo thông điệp, DarkSide tuyên bố mục đích của đợt tấn công trên chỉ là kiếm tiền và không gây ra xáo trộn xã hội. Kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ kiểm duyệt và chọn lọc mục tiêu kỹ hơn để tránh gây ảnh hưởng tới xã hội".
Nga- Ukraine:
Nga không có kế hoạch tiếp quản Donetsk, Lugansk
Ngày 13/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Nga chưa bao giờ có bất kỳ kế hoạch tiếp quản nào, cũng như sẽ không có bất kỳ kế hoạch nào trong tương lai với vùng Donbass. Moscow chưa bao giờ làm bất cứ điều gì như thế".
Tuyên bố trên nhằm phản ứng với cáo buộc của Liên minh châu Âu (EU) rằng, Nga có ý định tiếp quản các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.
Ông Peskov đã nhiều lần nhắc lại rằng, vấn đề tiếp quản Donbass không nằm trong chương trình nghị sự của Điện Kremlin, đồng thời nhấn mạnh, Nga vẫn duy trì lập trường nhất quán và có trách nhiệm về bảo vệ lợi ích của cộng đồng người nói tiếng Nga ở Donbass. (TASS)
Ukraine khám xét nhà riêng nghị sĩ thân Nga
Ngày 11/5, Ukraine cho biết đang khám xét nhà riêng của nghị sĩ thân Nga Viktor Medvedchuk ở thủ đô Kiev.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra đang diễn ra về tội phản quốc nhằm vào ông Medvedchuk mà ông cho là bịa đặt.
Ông Medvedchuk, 66 tuổi, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nhiều lần bị chỉ trích vì hoạt động kinh doanh ở Nga.
Hồi tháng 2, ông Medvedchuk và phu nhân, bà Oksana Marchenko, đã bị đưa vào danh sách điều tra hình sự về hành vi “tài trợ khủng bố”.
Trong một tuyên bố ngày 13/5, các công tố viên nhà nước Ukraine cho biết, họ đã đề nghị tòa án Kiev yêu cầu nghị sỹ đối lập thân Nga Viktor Medvedchuk nộp tiền bảo lãnh tại ngoại 300 triệu Hryvnia (10,85 triệu USD) để tránh bị bắt giữ. (RFERL)
Vấn đề Triều Tiên:
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ thăm Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên
Sáng 13/5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines đã đến thăm Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên trong bối cảnh Washington tìm cách hoàn thiện chính sách của mình đối với Bình Nhưỡng.
Hiện vẫn chưa rõ Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ sẽ đến thăm khu vực nào trong DMZ, song dự kiến bà sẽ có chuyến tham quan ngắn Khu vực an ninh chung ở làng đình chiến liên Triều Panmunjom cùng các khu vực khác.
Đại sứ quán Mỹ hiện chưa bình luận về các thông tin liên quan đến chuyến thăm của bà Haines và hiện cũng chưa rõ phái đoàn Mỹ có đề nghị một cuộc hội đàm với giới chức Triều Tiên nhân chuyến thăm này hay không. Cơ quan tình báo Hàn Quốc từ chối bình luận về chuyến thăm vì lý do an ninh.
Theo lịch trình dự kiến, trong thời gian ở Seoul, bà Haines có thể đến chào xã giao Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon trong bối cảnh hai nước chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên giữa ông Moon và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 21/5 tới tại Washington.
Trong cuộc hội đàm với các quan chức Hàn Quốc, bà Haines có khả năng sẽ thảo luận các chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng mà theo các quan chức Mỹ là cách tiếp cận "hiệu chỉnh, thực tế" hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Seoul, bà Haines cũng có thể tìm cách khuyến khích Hàn Quốc và Nhật Bản vượt qua những bất đồng xuất phát từ lịch sử, cùng tập trung đối phó với các thách thức chung. (Yonhap)