📞

Tin thế giới 13/6: Severodonetsk thêm 'nóng', Thủ tướng Đức tính thăm Kiev, quan hệ Trung Quốc-Australia sẽ khác?

Minh Vương 19:47 | 13/06/2022
Nga-Ukraine "tranh giành từng mét đất" ở Severodonetsk, Thủ tướng Đức tính thăm Kiev, Đại sứ Trung Quốc lạc quan về Australia... là một số tin thế giới nổi bật ngày 13/6.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể thăm Ukraine cuối tháng 6. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam xin điểm một số tin thế giới nổi bật ngày 13/6.

Nga-Ukraine

* Nga đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi trung tâm Severodonetsk: Ngày 13/6, Ukraine cho biết các lực lượng nước này đã bị đẩy lùi khỏi trung tâm thành phố công nghiệp trọng điểm Severodonetsk, nơi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky từng mô tả là một cuộc chiến “giành từng mét đất theo đúng nghĩa đen”.

Thành phố Severodonetsk và Lysychansk, vốn bị ngăn cách bởi một con sông, đã trở thành mục tiêu trong nhiều tuần vì là những khu vực cuối cùng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine ở khu vực Luhansk thuộc miền Đông.

Tỉnh trưởng tỉnh Luhansk, ông Sergiy Gaiday ngày 13/6 cho biết các lực lượng Nga đang “tập trung ngày càng nhiều thiết bị” để “bao vây” Severodonetsk và họ đã “đẩy quân của chúng tôi khỏi trung tâm và tiếp tục phá hủy thành phố của chúng tôi”.

Ông Gaiday nói thêm rằng nhà máy hóa chất Azot, nơi hàng trăm dân thường trú ẩn vẫn đang bị pháo kích. Tại Lysychansk, 3 dân thường đã thiệt mạng, trong đó có một bé trai. (AFP)

* Nga "xóa sổ" điểm tập kết lính đánh thuê người nước ngoài ở Lugansk: Ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo, tên lửa tầm xa dẫn đường với độ chính xác cao của nước này đã ‘xoá sổ’ điểm tập kết lính đánh thuê nước ngoài tại Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu họp báo, ông Konashenkov nói: “Tên lửa phóng từ trên không với độ chính xác cao đã phá hủy điểm triển khai tạm thời của lính đánh thuê nước ngoài ở khu vực Fedorovka thuộc Lugansk”.

Ngoài ra, ông nêu rõ: “Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, Nga đã phá huỷ tổng cộng 201 máy bay, 130 máy bay trực thăng, 1.196 UAV, 338 hệ thống tên lửa phòng không, 3.525 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 515 hệ thống tên lửa phóng loạt, 1.933 pháo dã chiến cũng như 3.583 xe quân sự đặc chủng”. Pháo binh Nga đã bắn trúng gần 250 cứ điểm tập trung nhân lực, 13 sở chỉ huy và 63 ổ hoả lực của Ukraine.

Quân đội Nga cũng đã sử dụng tên lửa tầm xa có độ chính xác cao phá hủy lô lớn vũ khí của phương Tây ở khu vực nhà ga đường sắt tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine. (Reuters/Sputnik)

* Phần Lan: Nga, Ukraine đang tăng cường sử dụng vũ khí hạng nặng: Ngày 13/6, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết hai bên trong xung đột tại Ukraine đang tăng cường sử dụng vũ khí hạng nặng, trong đó có cả bom nhiệt áp của Nga.

Phát biểu trong các cuộc hội đàm về chính sách an ninh tại dinh thự mùa Hè của mình ở Naantali (Phần Lan), ông Niinisto nói: “Chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine vũ khí hạng nặng ngày càng tăng. Và mặt khác, Nga cũng đã bắt đầu sử dụng vũ khí rất mạnh; bom nhiệt áp thực chất là vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Bom nhiệt áp, còn được gọi là bom chân không và có sức tàn phá khủng khiếp hơn nhiều so với thiết bị nổ thông thường. (Reuters)

Châu Âu

* Cao uỷ Borrell đánh giá triển vọng Ukraine gia nhập EU: Trong cuộc phỏng vấn của tuần báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 13/6, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh rằng Brussels đã hứa sẽ cho phép các nước vùng Tây Balkan gia nhập EU và Ukraine hoàn toàn yên tâm nhận quy chế ứng viên kết nạp vào khối này.

Ông nói: “Tại Thessaloniki, chúng tôi đã hứa với các nước Tây Balkan về một tương lai châu Âu. Một số nước sẽ nhận được quy chế ứng viên... (do đó) rại sao chúng tôi lại không làm như vậy với Ukraine?”.

Liên quan kiến nghị đối thoại với Moscow, ông cho rằng châu Âu phải cùng tồn tại với Nga sau khi kết thúc xung đột ở Ukraine. Do đó, khối cần nỗ lực duy trì đối thoại với Moscow.

Ông nhấn mạnh: “Nước Nga sẽ tiếp tục tồn tại. Điều quan trọng là phải phân định rõ ràng cách chúng ta dự định sống chung với Nga như thế nào. Tất nhiên sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta cần tương tác với người Nga trên lục địa này. Phải tiếp nối cuộc đối thoại với Nga”.

Ngày 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký đơn xin gia nhập EU. Khi đến Kiev hồi tháng 4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã chuyển cho ông Zelensky loạt câu hỏi dành để bắt đầu đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu.

Hiện tại, Uỷ ban châu Âu đang đánh giá các câu trả lời của Ukraine và như thông báo trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh ngày 23-24/6 tới, ủy ban cần trình khuyến nghị với các lãnh đạo EU về khả năng trao cho Ukraine quy chế ứng viên. (Sputnik)

* Thủ tướng Đức có thể thăm Ukraine trước Hội nghị thượng đỉnh G7: Tờ Bild am Sonntag dẫn các nguồn từ Chính phủ Ukraine và Pháp cho biết Thủ tướng Olaf Scholz đang lên kế hoạch cho một chuyến công du chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi tới Ukraine trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 26/6.

Theo báo trên, Paris và Berlin đã thảo luận về chuyến thăm chung tới thủ đô Kiev trong một thời gian vào một thời điểm gần nhất, nhưng nhà lãnh đạo Pháp Macron muốn chuyến thăm diễn ra sau cuộc bầu cử Quốc hội nước này, tức là có thể trước Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Schloss Elmau trên dãy Alps ở bang Bayern (Đức).

Các nguồn tin cho biết 3 nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy muốn phát đi tín hiệu về sự thống nhất của châu Âu trong chuyến công du chung này. Dù vậy, hiện cả Đức và Pháp vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin trên.

Trước đó, một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson, đã đến thăm Ukraine sau khi nổ ra cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, ông Scholz cho đến nay vẫn chưa tới quốc gia Đông Âu này. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock là thành viên nội các đầu tiên đến thăm Ukraine và sau đó có Bộ trưởng Nông nghiệp Cem Özdemir, Chủ tịch đảng đối lập Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz cũng đã đến thăm Ukraine. (DW)

* Phần Lan gợi ý các nước Bắc Âu cùng kiểm soát phòng không: Chủ tịch Quốc hội Phần Lan ngày 13/6 cho biết Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy nên xem xét tổ chức chung việc kiểm soát phòng không tại các vùng lãnh thổ phía Bắc tại Vòng Bắc Cực trong những năm tới.

Nếu Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành công, lần đầu tiên các nước Bắc Âu có thể xem xét tổ chức các bộ phận phòng thủ của họ cùng với nước láng giềng Na Uy, vốn đã là thành viên của NATO.

Phát biểu tại buổi thảo luận với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen cho biết: “Cả ba nước chúng ta - Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan - đều có lực lượng không quân tương đối mạnh và chúng ta phải kiểm soát biên giới và không phận của mình”. (Reuters)

Nga-Ấn Độ

* Nga luôn trân trọng và sẽ hợp tác với Ấn Độ: Đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov ngày 12/6 cho biết Nga vô cùng trân trọng mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng với Ấn Độ và quan hệ hợp tác nhiều chiều giữa hai nước là một trong những mối quan hệ “công phu nhất” trên thế giới. Nhận định trên được ông Alipov đưa ra trên tạp chí Russia Digest nhân dịp 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ông cũng cho biết: “Nga vô cùng trân trọng mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng với Ấn Độ. Sự hợp tác của chúng tôi đóng vai trò là nhân tố quyết định cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững toàn cầu, lập trường của hai nước về “các vấn đề cốt lõi vẫn tương đồng hoặc trùng khớp”.

Bên cạnh đó, ông Denis Alipov cho biết hợp tác giữa Ấn Độ và Nga đặc biệt trong lĩnh vực quân sự vẫn diễn ra tốt đẹp theo đúng tiến độ, trong đó có chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400, chương trình chế tạo súng trường AK-203, hợp tác trong lĩnh vực hàng không chiến đấu, chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực cũng như đóng các tàu khu trục nhỏ, tàu ngầm, hệ thống tên lửa Brahmos và nhiều dự án tên lửa khác.

Ngoài ra, ông Alipov cho biết Nga đang ưu tiên việc thực hiện dự án hành lang giao thông Bắc - Nam và sớm ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Ấn Độ.

Đồng thời, ông kêu gọi Ấn Độ đầu từ vào các dự án đang triển khai về kết nối, chế biến kim cương, chăm sóc sức khỏe, du lịch, đường sắt, luyện kim, hàng không dân dụng, đóng tàu, lọc dầu và hóa dầu, nơi có rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Ấn Độ tại thị trường Nga, sau khi nhiều công ty phương Tây rút lui. (The India Express)

Trung Quốc-Australia

* Đại sứ Trung Quốc đánh giá lạc quan về quan hệ Trung Quốc-Australia: Trong một đánh giá lạc quan về mối quan hệ căng thẳng gần đây giữa Australia và Trung Quốc, sau khi Australia có chính phủ mới, Đại sứ Trung Quốc tại Australia, ông Tiếu Thiên cho rằng quan hệ Trung Quốc và Australia đang bước vào “một giai đoạn mới”.

Phát biểu trước Hiệp hội Hữu nghị Trung Quốc Australia ở Tây Australia hôm 11/6, ông Tiếu Thiên cho rằng chương mới trong quan hệ Trung Quốc-Australia có thể sẽ bắt đầu. Bình luận này sau đó đã được đăng tải trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc ngày 13/6.

Ông Tiếu Thiên nói: “Bối cảnh quốc tế, chính trị và kinh tế đang trải qua những biến đổi sâu sắc và phức tạp. Mối quan hệ Trung Quốc-Australia đang ở một ngã rẽ mới, đứng trước nhiều cơ hội. Sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Australia phù hợp với lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước...

Do đó, chỉ cần cả hai bên đi đúng hướng trong quan hệ của chúng ta, đề cao nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, tăng cường đối thoại và liên lạc, xử lý đúng đắn các khác biệt, quan hệ Trung Quốc-Australia chắc chắn sẽ hướng tới một tương lai tươi sáng hơn”.

Bài phát biểu của Đại sứ Trung Quốc được đưa ra một ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa gặp người đồng cấp Australia Richard Marles bên lề Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore, đánh dấu cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng đầu tiên giữa hai nước trong hơn hai năm. (Tân Hoa xã)