Tình hình ở tỉnh Kursk của Nga đang rất căng thẳng, khi Ukraine chiếm quyền kiểm soát 28 điểm dân cư. (Nguồn: AP) |
Châu Âu
* Tình hình biên giới Nga khi Ukraine tấn công Kursk: Người đứng đầu huyện Krasnoyaruzhsky thuộc tỉnh biên giới Belgorod Andrei Miskov tuyên bố, hoạt động của quân đội Ukraine ở khu vực này khiến tình hình rất căng thẳng, do đó, các cửa ngõ vào vùng này đã hoàn toàn bị đóng từ ngày 12/8.
Khoảng 11.000 người dân địa phương đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Trong khi đó, tại tỉnh Kursk, quyền thống đốc Aleksey Smirnov báo cáo, Ukraine đã chiếm 28 khu vực dân cư với gần 2.000 người dân.
chặn đứng cuộc tiến công không kiểm soát của đối phương và tiêu diệt được nhân lực cùng trang thiết bị của Ukraine trong ngày thứ ba liên tiếp".
Tại cuộc họp với Hội đồng An ninh và chính phủ Nga, Tổng thống nước này Vladimir Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng phải đánh bật được quân đội Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk. (TASS, Telegram)
* Tình báo Nga nêu ứng viên được Mỹ xác định có thể thay thế Tổng thống Ukranie Volodymyr Zelensky là cựu Bộ trưởng Nội vụ của quốc gia Đông Âu Arsen Avakov.
Trong tuyên bố của Tổng cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR), cựu Bộ trưởng Avakov hiện đang được coi là một ứng viên phù hợp và Washington coi những điểm mạnh của ông Avakov là mối quan hệ chặt chẽ của ông này với các tổ chức dân tộc chủ nghĩa Ukraine cũng như việc ông này vẫn tiếp xúc với lãnh đạo các quốc gia châu Âu. (TASS)
* Belarus điều động các đơn vị cơ giới đến các khu vực biên giới với Ukraine nhằm tăng cường lực lượng. Bộ Quốc phòng Belarus công bố tin này cùng một đoạn video ghi lại cảnh một đoàn xe tăng đang di chuyển.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin, các đơn vị của Lực lượng tác chiến đặc biệt, lục quân và lực lượng tên lửa, bao gồm hệ thống tên lửa Polonaise và hệ thống tên lửa Iskander, được giao nhiệm vụ hành quân đến các khu vực được chỉ định. (Reuters)
* Serbia phủ nhận việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine: Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin bác tin của tờ báo Financial Times trước đó rằng, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Kiev có thể đã nhận được số đạn dược từ Belgrade trị giá khoảng 800 triệu Euro thông qua nước thứ 3.
Ông Vulin cho biết: “Chúng tôi là quốc gia duy nhất đặt ra quy định đối với các khách hàng mua vũ khí và đạn dược là không được bán cho nước thứ 3 nếu không có sự đồng ý của Serbia. Chúng tôi đã bổ sung quy định này và nhấn mạnh trong tất cả các hợp đồng".
Theo quan chức Serbia, chưa có yêu cầu nào từ các đối tác về việc bán sản phẩm của nước này cho quốc gia thứ 3. (Sputnik)
Trung Đông-châu Phi
* Căng thẳng Iran-Israel: Ngày 12/8, trang web của Nhà Trắng đưa thông báo cho hay, lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã thảo luận về tình hình Trung Đông và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với các nỗ lực nhằm xuống thang căng thẳng cũng như đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Gaza.
Họ cũng khẳng định ủng hộ bảo vệ Israel trước các hành động từ Iran cũng như trước các cuộc tấn công do những nhóm được Tehran hậu thuẫn tiến hành, đồng thời kêu gọi Iran rút lại những lời đe dọa về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Israel.
Trước đó, ba nước Pháp, Đức và Anh (E3) cũng ra tuyên bố chung kêu gọi Iran và các đồng minh kiềm chế các cuộc tấn công vào Israel sau vụ thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran hồi cuối tháng 7.
Ngày 13/8, Bộ Ngoại giao Iran đã đưa ra tuyên bô phản pháo, cho rằng lời kêu gọi kiềm chế là "thiếu logic chính trị và trái ngược với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".
Người phát ngôn bộ trên Nasser Kanaani cho biết, Tehran quyết tâm ngăn chặn Israel, đồng thời kêu gọi Paris, Berlin cùng London "một lần và mãi mãi đứng lên chống lại cuộc chiến ở Gaza" và hành động của Israel. (White House, IRNA)
* Israel đột kích vào miền Nam và Trung Dải Gaza: Ngày 13/8, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, họ đã tấn công các mục tiêu quân sự và tiến hành các cuộc đột kích vào các cơ sở được cho là nơi ẩn náu của các chiến binh Palestine ở miền Nam và miền Trung Dải Gaza trong 24 giờ qua.
Tuyên bố của IDF cho biết, quân đội Israel "đã phá dỡ các tổ hợp chiến đấu, các cơ sở hạ tầng" và tiêu diệt những chiến binh từ đơn vị tên lửa của Hamas gần thành phố Khan Yunis ở Nam Gaza.
Bên cạnh đó, Lực lượng không quân Israel cũng tấn công vào các khu vực đặt bệ phóng rocket của Hamas.
Ở Rafah, IDF "đã tìm thấy một lượng lớn vũ khí, bao gồm thuốc nổ, thiết bị quân sự và tài liệu tình báo" trong một chiến dịch dựa trên thông tin tình báo.
Tại miền Trung Dải Gaza, IDF "đã tấn công các cơ sở hạ tầng của khủng bố, bao gồm các trạm đặt bệ phóng rocket và súng bắn tỉa cũng như đài quan sát”. (Times of Israel)
* Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thăm Nga và có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin về tình hình Trung Đông hiện nay cũng như các vấn đề thời sự trong hợp tác song phương.
Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Mikhail Bogdanov thông báo, trong chuyến thăm của ông Abbas, hai bên sẽ tiến hành đối thoại quan trọng nhằm phân tích chung diễn biến trong khu vực, thống nhất cách tiếp cận phối hợp nhằm “thiết lập ở Trung Đông hòa bình và an ninh trên cơ sở công bằng và phù hợp với các quyết định của cộng đồng quốc tế”. (TASS)
* Lebanon thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo an ninh ở miền Nam, theo lời Thủ tướng nước này Najib Mikati.
Ông Mikati khẳng định đang tập trung tất cả các cuộc họp và tiếp xúc ngoại giao của mình vào việc thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, coi đây là nền tảng để đảm bảo sự ổn định và an ninh ở miền Nam Lebanon.
Theo ông, tất cả các bộ, ban ngành của Lebanon đang hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự có liên quan, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp và bước đi cần thiết trong khuôn khổ kế hoạch khẩn cấp của chính phủ, để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn và mọi kịch bản có thể xảy ra. (THX)
* Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko bất ngờ đến thăm Mali trong ngày 12/8. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Sonko tới một nước thuộc Liên bang các quốc gia Sahel bao gồm các quốc gia do quân đội lãnh đạo. (TRT Africa)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Myanmar, Thái Lan từ ngày 14-17/8, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến.
Ông Vương Nghị sẽ đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ IX và tham dự một "cuộc thảo luận không chính thức" giữa những người đồng cấp Lào, Myanmar và Thái Lan.
Chuyến thăm Myanmar của Ngoại trưởng Vương Nghị "nhằm mục đích làm sâu sắc hơn hợp tác song phương cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực". (AFP)
* Liên quân Mỹ-Hàn sẽ tập trận “Lá chắn tự do Ulchi” từ ngày 19-29/8 nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ chung trước các mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ bên ngoài. Dự kiến có hơn 19.000 binh sĩ Hàn-Mỹ tham gia cuộc tập trận, với tổng cộng 48 nội dung huấn luyện thực địa.
Cuộc tập trận dựa trên kịch bản chiến tranh toàn diện, bao gồm bài tập chỉ huy mô phỏng máy tính chính, huấn luyện thực địa đồng thời và diễn tập phòng thủ dân sự, với trọng tâm là đối phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt, tác chiến đa miền sử dụng các vũ khí đa dạng.
Các nước thành viên Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) cũng sẽ tham gia cuộc tập trận lần này. Ủy ban giám sát các quốc gia trung lập sẽ tiến hành giám sát để đảm bảo việc tuân thủ Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên. (Yonhap)
* Ấn Độ-Sri Lanka tiến hành tập trận chung “Mitra Shakti” ở quốc đảo Sri Lanka từ 12-25/8, tập trung vào các hoạt động trong môi trường bán đô thị, nhằm nâng cao năng lực quân sự của cả hai bên để thực hiện các hoạt động chống nổi dậy trong những tình huống bất thường theo Sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Tham gia cuộc tập trận chung, phía Ấn Độ cử 106 quân nhân, trong đó phần lớn thuộc quân số của Tiểu đoàn súng trường Rajputana; phía nước chủ nhà Sri Lanka cử các quân nhân thuộc Trung đoàn Gajaba. (PTI)
Châu Mỹ
* Mỹ quyết tâm với cuộc đàm phán về Sudan: Ngày 12/8, Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn trong tuần này về cuộc xung đột tàn khốc ở Sudan, ngay cả khi Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) không tham gia.
Tháng trước, Washington đã mời các bên tham chiến ở Sudan tham gia đàm phán ngừng bắn tại Thụy Sỹ, dự kiến bắt đầu vào ngày 14/8 và có thể kéo dài tới 10 ngày.
Trong khi Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nhanh chóng chấp nhận lời mời của Mỹ vô điều kiện thì chính phủ Sudan đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận của Washington và không đưa ra xác nhận nào về việc họ có tham gia hay không.
Đặc phái viên Mỹ tại Sudan Tom Perriello khẳng định, hòa đàm Sudan vẫn sẽ diễn ra và các bên đều nắm rõ điều này, song lưu ý, không thể có “sự hòa giải chính thức giữa hai bên nếu SAF không tham dự" và vì thế, cuộc đàm phán sẽ tiếp tục tập trung vào các "yếu tố quốc tế và kỹ thuật”. (Al Jazeera)
* Mỹ cảnh báo Iran sau khi chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump tố cáo bị một đối thủ nước ngoài xâm nhập các tài liệu của họ.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vedant Patel chỉ rõ: "Những nỗ lực mới nhất nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ không phải là điều gì mới đối với Iran... Chúng tôi tiếp tục có một số công cụ trong tay để buộc Iran phải chịu trách nhiệm và chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng chúng".
Tuy nhiên, ông không xác nhận liệu Washington có đánh giá rằng Tehran đứng sau vụ tấn công mạng bị cáo buộc hay không.
Iran chưa đưa ra bình luận về vụ việc.