Tình hình Nagorno-Karabakh căng thẳng trở lại sau khi lực lượng Armenia và Azerbaijan đụng độ tối ngày 12/9. (Nguồn: Sputnik) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật hôm nay.
Tình hình Nagorno-Karabakh
* Thỏa thuận ngừng bắn Azerbaijan-Armenia đổ vỡ sau ít phút: Sáng ngày 13/9, sau khi giao tranh nổ ra dọc khu vực Nagorno-Karabakh đêm ngày 12/9, Azerbaijan và Armenia nhất trí ngừng bắn vào lúc 5h00 GMT ngày 13/9 (12h00 theo giờ Hà Nội).
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ rất nhanh sau đó. Cũng trong ngày 13/9, các bộ trưởng quốc phòng của Nga và Armenia đã điện đàm và nhất trí thực hiện những biện pháp bình ổn tình hình ở biên giới Armenian-Azerbaijan. (Reuters)
* Nga nỗ lực xoa dịu căng thẳng Armenia-Azerbaijan: Ngày 13/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm mọi thứ có thể để giúp giảm leo thang các hành động thù địch giữa Armenia và Azerbaijan.
Ông Peskov nêu rõ: “Nhà lãnh đạo Nga đang nỗ lực hết sức để đóng góp vào mục tiêu giảm leo thang căng thẳng ở biên giới. Những nỗ lực này đang được tiếp tục”.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Vladimir Zaynetdinov thông báo CSTO đã kích hoạt một cơ chế nhằm giải quyết xung đột. Tổ chức này chỉ trích hành động sử dụng vũ lực ở khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan là không thể chấp nhận được và các bên cần có biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình. CSTO cũng đánh giá cao vai trò hòa giải của Nga về thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa hai nước trên. (Sputnik)
* EU, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về xung đột Armenia-Azerbaijan: Theo Chính phủ Armenia, Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan ngày 13/9 đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về tình trạng leo thang căng thẳng ở biên giới Armenia-Azerbaijan.
Ông Pashinyan đã cáo buộc Azerbaijan gây leo thang căng thẳng tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Về phần mình, ông Michel khẳng định Liên minh châu Âu (EU) đã “sẵn sàng nỗ lực ngăn chặn leo thang căng thẳng” và cho biết hiện “chưa có giải pháp thay thế nào cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoai và An ninh Josep Borrell đã lên tiếng kêu gọi thực thi lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Ông Borrell nêu rõ: “Giao tranh nghiêm trọng diễn ra dọc biên giới giữa Armenia và Azerbaijan những giờ qua gây ra nhiều thương vong. Các hành động thù địch bắt buộc phải dừng lại và các bên cần quay trở lại bàn đàm phán. Lực lượng của tất cả các bên nên quay trở lại vị trí trước khi xảy ra hành động leo thang và lệnh ngừng bắn phải được tôn trọng đầy đủ”.
Quan chúc này nhấn mạnh, EU sẽ tiếp tục “đóng vai trò là bên hòa giải trung thực giữa Armenia và Azerbaijan”. Ông thông báo một đặc phái viên của EU đang tới khu vực để ủng hộ giảm leo thang và thảo luận các bước tiếp theo trong tiến trình đối thoại giữa lãnh đạo hai nước.
Trong một tin liên quan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kêu gọi Armenia chấm dứt những hành động khiêu khích và tập trung vào tiến trình hòa đàm với Azerbaijan. (Reuters/Sputnik)
Châu Âu
* Đức mong ‘thoát’ năng lượng Nga cuối năm 2023: Ngày 13/9, phát biểu tại sự kiện Ngày của các nhà tuyển dụng Đức, Thủ tướng nước này Olaf Scholz kỳ vọng Berlin sẽ hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào cuối năm sau.
Theo nhà lãnh đạo Đức, nhờ các cơ sở nhập khẩu khí đốt hóa lỏng đang xây dựng và dự kiến hoàn thành năm 2023, Đức có thể nhập khí đốt từ Mỹ, Na Uy và nhiều quốc gia khác và hoàn toàn thoát khỏi phụ thuộc Nga.
Ông cũng cho biết thêm cơ sở tiếp nhận khí đốt hóa lỏng đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động tháng 1/2023, đồng thời các kết nối đường ống sẽ được thiết lập và mở rộng. Các cơ sở khác sẽ được tiếp tục hoàn thành trong năm để mở rộng việc nhập khẩu khí đốt hóa lỏng. (Reuters)
* Báo Anh: EU tính kế mới với khí đốt Nga: The Guardian (Anh) ngày 13/9 dẫn một tài liệu bị rò rỉ cho hay, Ủy ban châu Âu đang từ bỏ ý tưởng áp giá trần khí đốt Nga, song có thể áp dụng mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận “thặng dư” của các doanh nghiệp năng lượng.
Hiện dự thảo quy định của Ủy ban châu Âu về “công cụ khẩn cấp điện năng” không nêu bất kỳ nội dung gì về giá trần, bởi các nước thành viên không đạt được đồng thuận về vấn đề này hồi tuần trước. Thay vào đó, dự thảo gợi ý áp đặt mức thuế phụ thu đối với khoản lợi nhuận cao của các doanh nghiệp năng lượng, trong đó quy định mức giới hạn riêng rẽ đối với doanh thu từ các nhà sản xuất điện carbon thấp. (Reuters/Sputnik)
* Phái đoàn Nga được cấp thị thực tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc: Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 13/9 cho biết, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và các thành viên của phái đoàn Nga đã được cấp thị thực để dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trong nhiều tuần, Moscow đã chỉ trích Washington vì không cấp thị thực cho các thành viên của phái đoàn Nga tham dự phiên họp trên, dự kiến sẽ diễn ra tại New York ngày 13 - 27/9. (RIA Novosti)
Đông Bắc Á
* Giáo hoàng Francis sẵn sàng đến Trung Quốc: Trả lời câu hỏi của phóng viên trên chuyến bay tới Kazakhstan, Giáo hoàng Francis cho biết sẵn sàng có thể đến Trung Quốc bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, về khả năng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Nur-Sultan vào ngày 14/9, Giáo hoàng Francis nói hiện “chưa có tin tức” về cuộc gặp này. Hiện Giáo hoàng Francis đang tìm cách cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt giữa Tòa thánh và Trung Quốc. (Reuters)
* Phái đoàn Đài Loan (Trung Quốc) thăm Mỹ: Hãng tin CNA Đài Loan (Đài Loan) cho biết, ngày 12/9, 5 thành viên Lập pháp Viện Đài Loan đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Washington để họp kín với các nghị sỹ, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Phái đoàn trên gồm 4 thành viên thuộc Quốc dân đảng (KMT), thành viên còn lại thuộc đảng Dân Tiến (DPP) của Đài Loan; trong khi 2 thành viên nữa của DPP dự kiến gia nhập phái đoàn này. Theo CNA, chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương. (CNA Đài Loan)
Nam Á
* Ấn Độ và Trung Quốc hoàn tất rút quân ở Đông Ladakh: Ngày 13/9, quân đội của Ấn Độ và Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình rút quân khỏi Gogra Heights-Hot Springs gần Điểm tuần tra 15 ở Đông Ladakh. Đây là điểm xích mích cuối cùng được hai bên giải quyết.
Tiến trình rút quân bắt đầu diễn ra ngày 8/9, sau khi hai bên bắt đầu vòng đàm phán thứ 16 cấp Tư lệnh quân đoàn. Quân đội hai bên sẽ di chuyển từ vị trí hiện tại trở về các phía tương ứng của Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) và sau đó xác minh vị trí của nhau. Tiến trình rút quân bao gồm tháo dỡ cơ sở hạ tầng do hai bên xây dựng tại địa điểm đã triển khai quân cùng các tài sản khác.
Trước đó, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã thực hiện rút quân tại Galwal và hai bờ sông Pangong ở Đông Ladakh. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc đã giải quyết tất cả các điểm mâu thuẫn nảy sinh sau vụ việc hồi tháng 5/2020. (The Indian Express)