Đại diện Trung Quốc, Iran và Saudi Arabia tại buổi đàm phán về thỏa thuận nối lại quan hệ giữa Riyadh và Tehran ngày 10/3. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga “thể hiện thiện chí” trong gia hạn thỏa thuận ngũ cốc: Ngày 14/3, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh quyết định gia hạn là “cử chỉ thiện chí... với hy vọng rằng sau thời gian dài như vậy, những nghĩa vụ theo quy định sẽ được thực hiện”. Ông nói: “Rõ ràng là phần thứ hai của thỏa thuận, vốn liên quan đến chúng tôi, vẫn chưa được thực hiện... Thỏa thuận này không thể tồn tại một phía”. Quan chức này nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ), bao gồm cá nhân Tổng thư ký (Antonio) Guterres. Song đáng tiếc, bất chấp điều này, ông Guterres đã không vượt qua bức tường tập thể của phương Tây. Các điều kiện, vốn đã được thống nhất như một phần không thể thiếu của thỏa thuận, đã không được thực hiện”.
Cùng ngày, LHQ xác nhận “tham vấn” đang tiếp tục diễn ra sau khi Nga nhất trí gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc nêu trên, song chỉ trong 60 ngày thay vì 120 ngày như bình thường. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) Jens Laerke nói: "LHQ sẽ dốc sức để có thể để duy trì tính toàn vẹn của thỏa thuận và đảm bảo tính liên tục của nó”. (Reuters)
* Thổ Nhĩ Kỳ: Tiếp tục đàm phán về xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen: Ngày 14/3, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đàm phán nhằm gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen vẫn đang được tiến hành. Bộ này cũng dẫn tuyên bố của Nga về ủng hộ gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Sergei Vershinin khẳng định, Moscow không phản đối việc gia hạn một lần nữa Sáng kiến Xuất khẩu Ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận này vốn đã được gia hạn một lần và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/3 tới. (Reuters/Sputnik)
* Tổng thống Zelensky: Tương lai Ukraine phụ thuộc vào kết quả ở miền Đông: Trong phát biểu hàng đêm ngày 13/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/3 tuyên bố, tương lai của nước này sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc giao tranh với Nga ở miền Đông, bao gồm cả trong và xung quanh Bakhmut. Ông nói: “Tình hình miền Đông hết sức khó khăn, vô cùng gian khổ. Chúng ta phải tiêu diệt sức mạnh quân sự của đối thủ”.
Giao tranh ác liệt đã diễn ra hôm 13/3 để giành quyền kiểm soát trung tâm Bakhmut ở miền Đông Ukraine, cuộc đụng độ đẫm máu nhất từ đầu xung đột. Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, vốn tuyên bố dẫn đầu chiến dịch Bakhmut của Moscow, đang tấn công theo nhiều hướng, buộc các lực lượng của Kiev đang phải căng sức chống đỡ. (AFP/Reuters)
* Thống đốc Mỹ kêu gọi Washington không can thiệp sâu về Ukraine: Ngày 13/3, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, nhân vật đang cân nhắc khả năng tranh cử Tổng thống Mỹ tuyên bố xu hướng “dính líu sâu hơn vào tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Nga” không phải là lợi ích quốc gia sống còn của Washington. Trả lời câu hỏi về xung đột tại Ukraine, ông DeSantis bày tỏ: “Mặc dù nước Mỹ có nhiều lợi ích quốc gia sống còn... nhưng dính líu sâu hơn vào tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Nga không phải là một trong số đó”. Theo Thống đốc bang Florida, chính sách tài trợ “quá mức hào phóng” trong “chừng nào còn cần thiết” của chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine, mà không có bất kỳ mục tiêu xác định hoặc trách nhiệm giải trình nào, khiến Washington sao nhãng trước những thách thức cấp bách nhất đối với nước Mỹ. (Reuters)
Đông Nam Á
* Mỹ-Philippines tổ chức tập trận lớn nhất từ trước đến nay: Ngày 14/3, Đại tá Michael Logico, Giám đốc trung tâm huấn luyện của quân đội Philippines, người phát ngôn cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ, tuyên bố hai nước sẽ tiến hành tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào tháng tới. Liên quan tới khả năng cuộc tập trận chọc giận Trung Quốc, ông Logico nhấn mạnh: “Chúng ta có quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm nhằm bảo vệ lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta ở đây chứng tỏ chúng ta sẵn sàng chiến đấu”.
Cụ thể, cuộc tập trận chung “Balikatan” (Vai kề vai) sẽ diễn ra từ ngày 11-28/4 tới, có sự tham gia của 17.600 binh sỹ từ cả hai nước, riêng Mỹ là 12.000 người. Trong khuôn khổ tập trận, lực lượng hai nước lần đầu tiên sẽ “bắn đạn thật ra biển”. Trước đó, cuộc tập trận chung lớn nhất được tiến hành vào năm 2015 với sự tham gia của 11.000 binh sỹ. (Reuters)
Nam Á
* Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu than của Australia: Ngày 14/3, theo Australia Financial Review, Trung Quốc sẽ cho phép tất cả các công ty trong nước nhập khẩu than của Australia, động thái báo hiệu chấm dứt các biện pháp trừng phạt thương mại được áp đặt vào cuối năm 2020. Nguồn tin giấu tên cho biết các cảng và cơ quan hải quan đã được yêu cầu cho phép vận chuyển hàng hóa trở lại. Tuy nhiên, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Than của Australia chất lượng cao được các nhà máy thép và nhà máy điện của Trung Quốc ưa chuộng. Theo nhóm vận động hành lang than hàng đầu của Trung Quốc, nhập khẩu có thể đạt 1 triệu tấn chỉ trong nửa đầu tháng 3/2023. Trước đó, đầu năm 2023, Trung Quốc đã cho phép bốn nhà nhập khẩu lớn tiếp tục mua than của Australia và các chuyến hàng bắt đầu được vận chuyển vào tháng 1/2023. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc: Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn: Sáng ngày 14/3, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết vào lúc 7h41-7h51 sáng (giờ địa phương), Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) từ khu vực Jangyon, tỉnh Nam Hwanghae về phía ngoài khơi bờ biển Biển phía Đông nước này. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, nước này đang thu thập thông tin về tên lửa phía Triều Tiên phóng và hiện chưa xác nhận bất kỳ thiệt hại nào liên quan đến vụ phóng. (Yonhap)
* Thủ tướng Nhật Bản cân nhắc thăm Hàn Quốc: Nguồn tin chính phủ ngày 14/3 cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có thể mời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima tháng 5 tới. Đồng thời, ông Kishida cũng đang cân nhắc thăm Seoul ít lâu sau đó.
Trước đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ thăm Tokyo ngày 16-17/3 tới. Đây là chuyến công du đầu tiên của lãnh đạo Seoul tới Tokyo trong vòng 12 năm qua. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh), trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 16/3.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Sung Han khẳng định: “Chuyến thăm này sẽ báo hiệu mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang bước vào giai đoạn bình thường hóa một cách toàn diện”. (Kyodo/Reuters/Yonhap)
Trung Á
* Thủ tướng Armenia chỉ trích CSTO: Ngày 14/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh không phải Armenia rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà ngược lại, “CSTO đang rút khỏi Armenia, cho dù họ có muốn hay không”. Ông bày tỏ: “Chúng tôi lo ngại về điều đó”. Nhà lãnh đạo này cho rằng “nguy cơ leo thang dọc biên giới Armenia và ở khu vực Nagorno-Karabakh hiện đang rất cao”, lưu ý đến các tuyên bố mà ông cho là "ngày càng quyết đoán" từ Azerbaijan. (Reuters)
Châu Âu
* Nga: Mỹ đang tạo thêm căng thẳng ở Gruzia và Moldova: Ngày 14/3, phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại về tình hình ở Gruzia và Moldova. Mặc dù các quốc gia này ở rất xa, song Mỹ vẫn cố gắng nói với họ những gì nên và không nên làm. Cả hai nước đều là láng giềng trực tiếp của chúng tôi. Nga nhận thấy Mỹ và các vệ tinh vẫn đang tìm cách tạo ra nhiều điểm căng thẳng mới ở biên giới của chúng tôki”. Ông cũng cho rằng Washington đang cố “thiết lập một số kiểu cạnh tranh địa chính trị ở những khu vực này”, vốn rất quan trọng với an ninh Nga. (Sputnik)
* Nga nêu quan điểm về tiến độ điều tra vụ nổ Dòng chảy phương Bắc: Ngày 14/3, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky khẳng định Moscow chưa nhận được thông báo về tiến độ điều tra các vụ nổ xảy ra trên hai đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 hồi năm ngoái.
Đồng thời, quan chức ngoại giao Nga cũng cho biết nước này đã chuẩn bị “tài liệu chính thức” dựa trên thư từ trao đổi với Đan Mạch, Thụy Điển, Đức và đã gửi các bản sao của tài liệu đó cho Hội đồng Bảo an LHQ và Đại hội đồng LHQ. Trên trang Telegram, ông viết: “Những tài liệu này cho phép các đồng nghiệp của chúng tôi tại LHQ xác nhận rằng những luận điểm mà các quốc gia này đã thông báo cho chúng tôi về tiến trình điều tra của họ là không đúng sự thật”. (AFP)
* Thụy Điển: Phần Lan nhiều khả năng sẽ gia nhập NATO trước: Ngày 14/3, phát biểu tại Stockholm trước khi thăm Đức, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nêu rõ: “Chúng tôi chưa có xác nhận về trường hợp này, nhưng chúng tôi nghĩ rằng căn cứ vào đánh giá tổng thể sau nhiều cuộc đối thoại gần đây, khả năng (Phần Lan gia nhập trước) đã tăng lên”. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Đây không phải vấn đề liệu chúng tôi có gia nhập hay không, mà chính xác là khi nào Thụy Điển trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”. (AFP/Reuters)
Châu Mỹ
* Mỹ khẳng định về AUKUS, Nga-Trung Quốc nói gì? Ngày 14/3, một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết Australia, Anh và Mỹ đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về ý định bàn giao tàu ngầm hạt nhân cho Canberra “và Thỏa thuận Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Quan chức Mỹ nhấn mạnh: “Kể từ ngày đầu tiên hay giai đoạn tham vấn, chúng tôi luôn ưu tiên mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân và đã báo cho IAEA”. Theo đó, AUKUS sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân cao nhất. Australia tiếp tục là quốc gia phi hạt nhân, không sản xuất nhiên liệu cho tàu ngầm hạt nhân.
Tương tự, phát biểu ngay sau Tuyên bố AUKUS, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Australia sẽ duy trì chính sách phi hạt nhân, bất chấp quan hệ đối tác AUKUS và các kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân. Theo ông chủ Nhà Trắng, các tàu ngầm này “chạy bằng năng lượng hạt nhân, không được trang bị vũ khí hạt nhân”. Đồng thời, nhà lãnh đạo này khẳng định hải quân Mỹ cũng sẽ tăng cường các chuyến thăm cảng ở Australia, đồng thời lưu ý tàu ngầm hạt nhân USS Asheville lớp Los Angeles đã cập cảng thành phố Perth, Australia hôm 13/3.
Về phần mình, trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Với việc tạo ra các cấu trúc như AUKUS và với sự tiến bộ của cơ sở hạ tầng quân sự NATO tại châu Á, thế giới Anglo-Saxon đang đặt cược nghiêm trọng vào nhiều năm đối đầu” trong khu vực. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng thỏa thuận AUKUS làm dấy lên quan ngại liên quan tới vấn đề xung quanh mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định “cần có sự giám sát quốc tế”.
Trong khi đó, ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo: “Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng tỏ ba nước này, vì lợi ích địa chính trị của mình, hoàn toàn coi thường mối quan ngại của cộng đồng quốc tế và đang đi xa hơn trên con đường sai lầm và nguy hiểm”. (AFP/Reuters/TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Tehran: Bắc Kinh có vai trò quan trọng trong hàn gắn quan hệ Iran-Saudi Arabia: Phát biểu ngày 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nhấn mạnh, thông qua việc tiếp đón các phái đoàn Iran cùng Saudi Arabia và chuyển thông điệp qua lại giữa hai bên, Trung Quốc đã nỗ lực chuẩn bị cơ sở để tổ chức cuộc gặp thành công nhằm đạt được thỏa thuận giữa Tehran và Riyadh.
Theo ông Kanaani, khi quan hệ song phương trở lại trạng thái bình thường, hợp tác mở rộng giữa Iran và Saudi Arabia sẽ phục vụ lợi ích của hai nước, đồng thời tác động tích cực đến tiến trình đẩy mạnh hợp tác và hội nhập khu vực. Ngoài ra, thỏa thuận cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực trên trường quốc tế. (Tân Hoa xã)