📞

Tin thế giới 15/7: Moscow tự tin nói quân đội Nga hiện đại nhất thế giới; Mỹ chi tiền tỷ đối đầu với Trung Quốc; Ấn Độ lên tiếng hòa dịu

Quang Đào 19:45 | 15/07/2021
Nga-Mỹ tìm lợi ích chung; Ấn Độ hòa dịu với Trung Quốc về biên giới; Mỹ chi tiền tỷ đầu tư AI... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Nga-Mỹ đang tìm những điểm chung trong quan hệ song phương. (Nguồn: BBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Quan hệ Nga-Mỹ

Lợi ích chung trong quan hệ Nga-Mỹ là gì?

Trong cuộc điện đàm vào tối 14/7 với đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chống biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực mà Nga và Mỹ có chung lợi ích và phương pháp tiếp cận giống nhau.

Theo đó, ông Putin nêu rõ, chính phủ Nga chú trọng việc đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chủ trương đối thoại mang tính chuyên môn và phi chính trị hóa trong lĩnh vực này.

Hai bên cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra tại Glasgow (Anh) từ ngày 31/10 – 12/11 tới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin và ông Kerry đã trao đổi quan điểm về các khía cạnh hợp tác song phương nhằm bảo vệ môi trường tại Bắc Cực trong bối cảnh Nga hiện giữ vai trò Chủ tịch của Hội đồng Bắc Cực. (Sputnik)

Moscow và Washington sẽ tổ chức đàm phán về ổn định chiến lược trong một tuần

Ngày 14/7, một nguồn tin từ phái đoàn Nga tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Dushanbe (Tajikistan) cho biết, các cuộc tham vấn giữa Nga và Mỹ về ổn định chiến lược sẽ được tổ chức trong vòng một tuần.

“Như phái đoàn Nga đã tuyên bố, Moscow và Washington đang bắt đầu tham vấn về ổn định chiến lược trong một tuần để vạch ra kế hoạch cho thời gian tới”, nguồn tin cho hay.

Theo nguồn tin trên, phía Nga ủng hộ thảo luận về tất cả các loại vũ khí mà không có ngoại lệ nào ảnh hưởng đến ổn định chiến lược và an ninh toàn cầu, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, chiến lược thông thường, tấn công và phòng thủ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 14/7 cho biết, vòng tham vấn Nga - Mỹ mới về ổn định chiến lược sẽ diễn ra trước thời điểm cuối tháng 7. (TASS)

Cạnh tranh Mỹ-Trung

Mỹ muốn lập "đường dây nóng" với Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét khả năng thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp với chính phủ Trung Quốc. Đây là cách Mỹ từng làm với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, cho phép Washington liên lạc trực tiếp với Điện Kremlin như một cách ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.

Ý tưởng này vẫn còn chưa cụ thể và chưa được chính thức đưa ra với Trung Quốc. Chính quyền ông Biden từ lâu đã muốn phát triển một công cụ liên lạc nhanh chóng để giảm nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, theo các nguồn thạo tin. (CNN)

Mỹ chi 1,5 tỷ USD để đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua AI

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, để giành chiến thắng trong cuộc đua AI với Trung Quốc, Mỹ sẽ chi gần 1,5 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển trí thông minh nhân tạo trong 5 năm tiếp theo.

“Ở lĩnh vực AI, cũng như những lĩnh vực khác, chúng ta hiểu rằng Trung Quốc là thách thức. Chúng ta sẽ cạnh tranh để thắng, nhưng chúng ta sẽ thực hiện điều đó theo cách đúng đắn” – ông Austin phát biểu tại Hội thảo quốc tế do Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ nhân tạo tổ chức.

Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Austin đã ký ban hành một văn kiện chiến lược cho hệ thống Kiểm soát và Chỉ huy chung trên mọi lĩnh vực (JADC2).

Ý tưởng đằng sau JADC2 là kết nối dữ liệu quan sát và do thám từ mọi nhánh quân đội vào một mạng lưới duy nhất. AI và các công nghệ khác sau đó có thể được dùng để xây dựng chiến lược tối ưu, từ đó cắt giảm thời gian giữa phân tích tình thế và đưa ra hành động. (Nikkei)

Mỹ không định tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không có kế hoạch nối lại đối thoại kinh tế thường kỳ Mỹ-Trung, một trụ cột của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thời hai tổng thống George Bush và Barack Obama.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan hữu quan khác của Mỹ vẫn duy trì liên lạc với đối tác Trung Quốc, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa có kế hoạch tái khởi động đối thoại kinh tế cấp cao chính thức.

Đối thoại kinh tế Mỹ-Trung đã bị dừng từ thời ông Trump, khi hai nước sa vào một cuộc chiến thương mại đến nay chưa có hồi kết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga: Quân đội Nga hiện đại nhất thế giới

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu, tuyên bố hôm 14/7 rằng, Lực lượng vũ trang Nga có tỷ lệ vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại cao nhất trong số các quân đội trên thế giới.

"Ngày nay, tất cả mọi người - có kẻ tức giận, có người tán thành - đều hiểu rằng, quân đội Nga có hơn 70%, hay chính xác hơn là gần 71% vũ khí và thiết bị hiện đại. Đây là tỷ lệ cao nhất trong tất cả các quân đội trên thế giới" - ông Shoigu nói trong cuộc gặp với tập thể nhân viên của công ty Rostvertol.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng hạt nhân chiến lược, "nền tảng của hệ thống răn đe hạt nhân, lá chắn hạt nhân của chúng ta (gồm tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm và trên mặt đất, cùng với tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ máy bay ném bom chiến lược), đã được trang bị công nghệ hiện đại.” (TASS)

Nga sẽ phản ứng "nóng" nếu Anh điều tàu đến biển Đen

Ngày 14/7, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Mikhail Popov cảnh báo Anh không nên điều tàu chiến đến gần báo đảo Crimea một lần nữa, trừ khi London muốn các thủy thủ bị thương.

Ông Popov nói rằng, thái độ và phản ứng của Anh sau vụ việc liên quan đến tàu khu trục HMS Defender là hết sức khó hiểu. Ông Mikhail Popov chỉ trích những lời ám chỉ của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng nước này Dominic Raab về khả năng lặp lại vụ việc.

“Các hành động tương tự sẽ bị Nga ngăn cản bằng các biện pháp quyết liệt nhất trong thời gian tới. Chúng tôi đề nghị các nước cân nhắc về việc liệu có nên thực hiện các hành vi mang tính khiêu khích đối với năng lực của lực lượng vũ trang Nga”, ông Mikhail Popov nói. (Rossiyskaya)

Ấn Độ không muốn căng thẳng với Trung Quốc

Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo, Ngoại trưởng nước này S. Jaishankar đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Dushanbe (Tajikistan) bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình dọc theo Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh và các vấn đề khác liên quan tới quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc.

Theo đó, ông Jaishnakar cho rằng việc Ấn Độ với Trung Quốc không giải quyết được những bất đồng về tranh chấp biên giới ở khu vực dãy Himalaya sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào, mà còn đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Kết thúc cuộc gặp, hai bộ trưởng nhất trí sẽ tìm kiếm một giải pháp được cả hai bên chấp nhận và đảm bảo sự ổn định ở khu vực biên giới bằng cách tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng. (ANI)

Lãnh đạo các nước xác nhận tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC

Ngày 15/7, Washington, Tokyo và Bắc Kinh đều khẳng định, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức vào ngày 16/7.

Hãng TASS đưa tin, hội nghị này cũng sẽ có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC để thảo luận về sự phục hồi Covid-19 và khủng hoảng kinh tế của khu vực.

Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand - nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên APEC - sẽ chủ trì hội nghị này.

Đây là hội nghị không chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo APEC, phản ánh nhu cầu đối phó đại dịch Covid-19. (Reuters/TASS)

Iran hy vọng sớm hoàn thành tiến trình đàm phán hạt nhân

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14/7 bày tỏ hy vọng người kế nhiệm ông - Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi có thể đạt được thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Phát biểu này được cho là ngụ ý tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ chưa thể kết thúc trước khi ông Rouhani kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 8 tới.

Phát biểu tại phiên họp nội các Iran, Tổng thống Rouhani cũng nhấn mạnh chính phủ của ông "đã thực hiện những gì được yêu cầu” để hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và người dân Iran có thể thấy rõ những nỗ lực đó.

Chính phủ của Tổng thống Rouhani khẳng định rằng lập trường cơ bản của Iran đối với tiến trình đàm phán hạt nhân sẽ được giữ nguyên.

Quyền lực chính trị tối cao ở Iran thuộc về Đại giáo chủ Ali Khamenei - người đã "bật đèn xanh" cho thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), cũng như những nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này. (Al Jazeera)