Con gái út của ông Thaksin, Paetongtorn Shinawatra, đang chiếm ưu thế trước thềm bầu cử Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* IAEA sẽ giúp ngăn chặn sự cố hạt nhân ở Ukraine: Viết trên Twitter ngày 16/1, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nêu rõ: “IAEA sẽ mở rộng sự hiện diện tại Ukraine để giúp ngăn chặn sự cố hạt nhân trong cuộc xung đột đang diễn ra. Tôi tự hào dẫn đầu sứ mệnh này tại Ukraine. Tại tất cả các nhà máy điện hạt nhân của nước này, chúng tôi đều có sự hiện diện nhằm cung cấp hỗ trợ về an toàn và an ninh hạt nhân”. (Sputnik)
* Mỹ bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraine ở Đức: Ngày 15/1, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tuyên bố: “Một đợt huấn luyện chiến đấu mở rộng mới do quân đội Mỹ tiến hành dành cho quân nhân Ukraine đã bắt đầu ở Đức ngày 15/1”. Một số nguồn tin cho biết một tiểu đoàn gần 500 quân sẽ trở lại Ukraine trong 5-8 tuần tới. Bản thân ông Milley cũng có kế hoạch đến thăm thao trường Grafenwöhr, bang Bayern, Đức trong ngày 16/1.
Cho đến nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa thông báo chính xác thời điểm bắt đầu chuấn luyện. Tới nay, Mỹ đã đào tạo hơn 3.100 quân nhân Ukraine về sử dụng và bảo dưỡng một số loại vũ khí và thiết bị, bao gồm lựu pháo, xe bọc thép và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Trước đó, trong điện đàm song phương, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí gửi thiết bị quân sự hạng nặng tới Kiev. Đức cũng tuyên bố sẵn sàng cấp xe chiến đấu bộ binh Marder và hệ thống phòng không Patriot cho quốc gia Đông Âu này. (AP)
Mỹ-Trung
* Quan chức cấp cao Mỹ-Trung sắp hội đàm về kinh tế và thương mại: Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 18/1 để trao đổi quan điểm về phát triển kinh tế và tăng cường liên lạc song phương. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai người là một phần trong cam kết của Washington và Bắc Kinh nhằm giảm căng thẳng sau hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 11/2022 tại Bali, Indonesia.
Sự kiện này sẽ diễn ra trước chuyến công du của bà Yellen tới ba nước châu Phi, nơi bà sẽ tăng cường quan hệ của Mỹ với lục địa từ lâu đã là trọng tâm của thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, cũng như vấn đề như an ninh lương thực. (Reuters)
Đông Nam Á
* Con gái ông Thaksin khẳng định sẵn sàng tranh cử Thủ tướng Thái Lan: Phát biểu trước các phóng viên hôm 15/1 tại vùng nông thôn Đông Bắc Thái Lan, thành trì của gia tộc Shinawatra từng mang lại cho họ thế đa số mạnh mẽ trong 5 cuộc bầu cử kể từ năm 2001, con gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tuyên bố sẵn sàng tranh cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử năm nay với tư cách ứng viên của đảng Phei Thai. Bà Paetongtarn khẳng định: “Tôi đã sẵn sàng… Chúng tôi muốn đảng giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử để có thể thực hiện những cam kết của chúng tôi với người dân”.
Hiện bà Paetongtarn, 36 tuổi, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho vị trí ứng cử viên Thủ tướng, vượt xa Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha, người đã kế nhiệm bà Yingluck Shinawatra, cô của bà Paetongtarn. Pheu Thai, được tầng lớp lao động và nông dân ở Thái Lan ủng hộ, đã giành nhiều ghế nhất trong bầu cử năm 2019 nhưng không thể thành lập chính phủ. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Thủ tướng Đức sắp công du Nhật Bản: Ngày 16/1, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz có kế hoạch công du Tokyo vào tháng 3 để hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio. Trong chuyến thăm, hai lãnh đạo có thể sẽ khởi động họp liên chính phủ với sự tham dư của các bộ trưởng để thảo luận về những vấn đề từ khủng hoảng năng lượng và lương thực do xung đột ở Ukraine đến củng cố chuỗi cung ứng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Sự kiện này sẽ diễn ra trong bối cảnh Berlin đang mở rộng sự hiện diện tại khu vực những năm gần đây, trong khi Tokyo tìm cách thúc đẩy quan hệ với Berlin để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trước quy mô kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. (Kyodo)
* Hàn Quốc, Ấn Độ nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt: Ngày 16/1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Ấn Độ đã tổ chức cuộc gặp cấp cao cùng ngày để thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ song phương thông qua tăng cường quan hệ “đối tác chiến lược đặc biệt”, trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm nay.
Trong đối thoại về chính sách đối ngoại tại Seoul, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyu Dong và người đồng cấp Ấn Độ Saurabh Kumar đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, thiết lập năm 2015, thông qua hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, hỗ trợ phát triển và văn hóa.
Theo Seoul, hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng các hành động khiêu khích của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh đối với khu vực và thế giới, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần đưa ra phản ứng thống nhất và kiên quyết. (Yonhap)
Nam Á
* Truyền thông Pakistan bất ngờ ca ngợi Thủ tướng Ấn Độ: Ngày 16/1, nhật báo hàng đầu của Pakistan The Express Tribune đã lần đầu tiên ca ngợi Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi. Bài viết trong chuyên mục bình luận của báo trên có đoạn: “Thủ tướng (Modi) đã đưa Ấn Độ đến điểm mà quốc gia này bắt đầu tạo ra một mạng lưới ảnh hưởng và tác động rộng lớn hơn”. Bài báo nhấn mạnh, dưới thời Thủ tướng Modi, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã có bước đi khôn khéo và GDP của nước này tăng lên hơn 3.000 tỷ USD.
Tác giả bài viết, chuyên gia phân tích chính trị, an ninh và quốc phòng nổi tiếng người Pakistan Shahzad Chaudhry gọi đó là “sự tiến bộ ngoại mục” và cho rằng Ấn Độ là điểm đến ưa thích của tất cả các nhà đầu tư. Ông lưu ý Ấn Độ cũng là nhà sản xuất lớn các sản phẩm nông nghiệp và công nghệ thông tin. Về nông nghiệp, năng suất của nước này vào hàng tốt nhất trên thế giới và dù là nước có hơn 1,4 tỷ dân, Ấn Độ vẫn là chính thể tương đối ổn định, chặt chẽ và năng động.
Chuyên gia này cũng đánh giá hệ thống quản trị của Ấn Độ đã vượt qua thử thách của thời gian và chứng minh khả năng phục hồi theo các nguyên tắc cơ bản cần thiết cho một nền dân chủ vững chắc. Theo ông, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã thiết lập không gian riêng trên mặt trận chính sách đối ngoại. (TTXVN)
* Vụ máy bay rơi ở Nepal: Đã tìm thấy hộp đen, Hàn Quốc tổ chức họp báo: Ngày 16/1, các quan chức Nepal thông báo lực lượng cứu hộ nước này đã tìm thấy các hộp đen chứa thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay từ máy bay chở khách ATR-72 gặp nạn trước đó một ngày, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Quan chức sân bay Kathmandu cho hay các hộp đen “hiện trong tình trạng tốt”. Hộp đen có thể giúp các nhà điều tra xác định nguyên nhân vụ việc. Theo giới chuyên gia, các vụ tai nạn hàng không thường do nhiều yếu tố kết hợp. Quá trình điều tra có thể mất vài tháng hoặc lâu hơn.
Cùng ngày, Nepal đã tuyên bố quốc tang trong ngày hôm nay và thành lập một hội đồng để điều tra thảm họa, đề xuất các biện pháp để tranh các sự cố tương tự.
Trong khi đó, ngày 16/1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul đã tổ chức họp liên ngành để thảo luận về vụ việc nêu trên, với hai công dân Hàn Quốc nằm trong số những người thiệt mạng. Tại cuộc họp do Thứ trưởng Ngoại giao Lee Do Hoon chủ trì, Bộ này đã chia sẻ tình hình mới nhất của công tác tìm kiếm và cứu nạn của Nepal. Dự họp còn có sự góp mặt các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng, Giao thông và Nội vụ Hàn Quốc. Các bên cam kết cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
Thông báo nhấn mạnh: “Phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc ở Nepal và chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để xác nhận tổng thiệt hại, cũng như đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân”. (Reuters/Yonhap)
Châu Âu
* Moscow cảnh báo âm mưu tấn công các cơ quan đại diện Nga ở nước ngoài: TASS (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Yevgeny Ivanov cho biết Moscow tiếp tục “ghi nhận các hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế ở nước ngoài, trong đó có các vụ xâm phạm an ninh của các đại sứ quán và lãnh sự quán Nga”, giữa lúc bối cảnh tâm lý chống Nga gia tăng do xung đột tại Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao của xứ bạch dương cũng cho biết thêm Ủy ban Điều tra Nga đã mở các cuộc điều tra hình sự đối với một số vụ việc như trên. (Sputnik)
* Đảng Xã hội Bulgaria được giao thành lập chính phủ mới: Ngày 16/1, lãnh đạo đảng Xã hội Bulgaria Kornelia Ninova cho biết Tổng thống Rumen Radev đã mời đảng này đứng ra thành lập chính phủ mới trong nỗ lực cuối cùng nhằm chầm dứt bế tắc chính trị kéo dài, song thừa nhận có rất ít khả năng thành công. Bà nêu rõ: “Chúng tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của tình hình. Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo sẽ có một chính phủ mới được thành lập”.
Dự kiến, đảng Xã hội Bulgaria sẽ đàm phán với tất cả các đảng khác trong Quốc hội. Giới phân tích cho rằng cơ hội thành công của đảng Xã hội Bulgaria là tương đói mong manh và nhiều khả năng quốc gia Balkan này sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử tiếp theo vào mùa Xuân. Hiện hai đảng lớn nhất trong Quốc hội là GERB và Chúng ta tiếp tục sự thay đổi (PP) đã tuyên bố sẽ không ủng hộ một nội các do đảng Xã hội Bulgaria lãnh đạo. Trước đó, cả hai đảng này cũng đã được Tổng thống Rumen Radev giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới, song đều thất bại.
Sau hàng loạt cuộc biểu tình chống tham nhũng nổ ra năm 2020, Bulgaria đã rơi vào bất ổn chính trị đến nay. Cuộc bầu cử ngày 2/10 năm ngoái là cuộc tổng tuyển cử thứ 4 ở Bulgaria trong vòng chưa đầy 2 năm. Việc chưa thể thành lập chính phủ mới sẽ gây khó khăn cho Bulgaria trong nỗ lực gia nhập khu vực đồng euro, cũng như trì hoãn nhiều cải cách về chống tham nhũng và cản trở việc sử dụng hiệu quả hàng tỷ euro từ các quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu (EU). Nếu đảng Xã hội Bulgaria tiếp tục thất bại, Tổng thống Radev sẽ phải giải tán Quốc hội và kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn trong vòng 2 tháng. (TTXVN)
* Bộ trưởng Quốc phòng Đức bất ngờ từ chức: Ngày 16/1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết đã đề nghị từ chức với Thủ tướng Olaf Scholz. Trước đó, nhiều ý kiến đã hoài nghi về năng lực của bà Lambrecht nhằm tăng cường sức mạnh của quân đội Đức trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Quân đội Israel cam kết không để chính trị can thiệp: Trước lo ngại các chính trị gia cực hữu và tôn giáo trong chính phủ mới có thể ảnh hưởng tới các quyết định trong quân đội, các lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 16/1 cam kết sẽ không để việc này xảy ra.
Phát biểu tại lễ thăng cấp và bổ nhiệm Tướng Herzi Halevi làm Tổng Tham mưu trưởng IDF, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant khẳng định: “Tôi sẽ bảo đảm sức ép từ bên ngoài – về chính trị, pháp lý và những sức ép khác – sẽ dừng lại ở chỗ tôi và không chạm tới cánh cổng của IDF”. Về phần mình, ông Halevi cũng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ duy trì một IDF có mục đích, nguyên tắc và chuyên nghiệp, tránh bất cứ quyết định nào không liên quan đến quốc phòng”.
Hiện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bổ nhiệm hai chính trị gia cực hữu trong liên minh đứng đầu một cơ quan thuộc IDF phụ trách Bờ Tây và chức Bộ trưởng An ninh Quốc gia. Động thái này khiến dư luận Israel lo ngại về khả năng duy trì sự độc lập của IDF trước những sức ép chính trị. Hiện chức Bộ trưởng Quốc phòng vẫn do một thành viên của đảng Likud nắm giữ. (TTXVN)