Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: UNIAN) |
Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine
Ngày 16/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng chủ đề thảo luận cần được chuẩn bị rõ ràng và hướng tới việc đạt được kết quả.
Phát biểu trước báo giới, ông Peskov nói: “Tổng thống Putin vẫn sẵn sàng đối thoại (với Tổng thống Ukraine Zelenskyy), chúng tôi muốn đối thoại. Nhưng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng phải được chuẩn bị và tập trung vào việc đạt được kết quả cụ thể”.
Ông Peskov cho biết hiện chưa rõ chương trình nghị sự của cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine cũng như những quyết định được kỳ vọng. (Sputnik)
Ukraine nói Nga chưa có dấu hiệu rút quân khỏi biên giới
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh - Quốc phòng Ukraine cho biết hiện đang có 92.000 binh sĩ Nga tập trung ở khu vực biên giới.
Ông Danilov nhấn mạnh Kiev rất quan ngại về việc Nga gia tăng hiện diện quân sự. Tình hình vẫn chưa có gì thay đổi kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng các hành động gây hấn ở biên giới trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 7/12.
Để đối phó với Moscow, Kiev bày tỏ hy vọng phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine về vũ khí. (Reuters)
Ukraine nói NATO không đạt được đồng thuận về tư cách thành viên của Kiev
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/12 cho biết không có sự đồng thuận giữa các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc cho phép Ukraine gia nhập liên minh cũng như vấn đề hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Trong một phát biểu, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Không có quyết định được nhất trí nào giữa 30 đồng minh trong NATO về việc Ukraine gia nhập liên minh, và cũng không có quyết định nào được nhất trí về việc cung cấp vũ khí cho Kiev, nhưng chúng tôi liên tục thảo luận về điều đó và chúng tôi sẽ tìm thấy sự đồng thuận”. (Sputnik)
Đức trục xuất hai nhà ngoại giao Nga
Ngày 15/12, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo rằng, hai nhân viên làm việc trong Đại sứ quán Nga bị tuyên bố là ‘nhân vật không được hoan nghênh’ (persona non grata). Đồng thời Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Nga tới để thông báo về vấn đề này.
Theo hãng RT, động thái trên được giới chức Đức thực hiện có liên quan tới vụ phần tử ly khai Chechnya Zelimkhan Khangoshvili bị giết ở Berlin hồi năm 2019. Vụ việc đã gây ra căng thẳng giữa Nga và Đức, khi giới chức Berlin khi đó cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ việc bất chấp sự bác bỏ mạnh mẽ của chính quyền Moscow.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ "những cáo buộc vô căn cứ" của phán quyết trên. Đồng thời, ngày 16/12, Điện Kremlin cho biết phán quyết tòa án Đức là một tình tiết khó chịu nhưng không ảnh hưởng tới quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Reuters/TASS)
Tổng thống Belarus kêu gọi không để ‘trò chơi trừng phạt’ ảnh hưởng tới vấn đề trong nước
Trong một cuộc họp với các thành viên nội các ngày 16/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết mối quan hệ dựa trên các biện pháp trừng phạt với phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến các diễn biến chính trị trong nước.
"Những trò chơi trừng phạt này không được phép ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị trong nước sắp tới. Không sớm thì muộn, chúng tôi sẽ thoát ra khỏi cuộc đua trừng phạt và trả đũa trừng phạt này. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, chúng tôi phải đáp trả sức ép đang diễn ra", ông Lukashenko nói. (TASS)
Lithuania đề nghị EU giúp đỡ đối phó với Trung Quốc
Ngày 16/12, Cố vấn Tổng thống Lithuania, bà Asta Skaisgiryte, cho biết Tổng thống Gitanas Nauseda sẽ đề nghị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ do căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Trong một phát biểu, bà Skaisgiryte nói: “Chúng tôi nghĩ điều này sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận về cách thức mà EU và đặc biệt là Ủy ban châu Âu có thể giúp Lithuania trong vấn đề này. Chúng tôi muốn các đối tác châu Âu hiểu rõ về cuộc xung đột này và các hoạt động kinh tế phải được thực hiện nhiều nhất có thể”. (Reuters)
Quân đội Mỹ viết phần mềm dự đoán phản ứng của Trung Quốc
Quân đội Mỹ đã thiết lập một công cụ phần mềm có thể dự đoán phản ứng của chính phủ Trung Quốc trước các hành động của Washington tại Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks đã đề cập đến công cụ mới này trong chuyến thăm Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Hawaii ngày 14/12.
Phần mềm này sẽ tính toán “sự va chạm chiến lược”, nghiên cứu dữ liệu từ đầu năm 2020 và đánh giá các động thái đáng kể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Phần mềm này dự kiến hỗ trợ Lầu Năm Góc dự đoán những hành động sẽ kích thích phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Phần mềm mới này sẽ tạo điều kiện để các quan chức Mỹ xem xét kế hoạch hành động trước 4 tháng. (Reuters)
Mỹ sẽ mời Đài Loan tham gia tập trận?
Thượng viện Mỹ ngày 15/12 đã bỏ phiếu với đa số ủng hộ cho một dự luật chi tiêu quốc phòng mà trong đó bao gồm các mục kêu gọi Đài Loan (Trung Quốc) tham gia Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) cũng như khuyến nghị tăng cường những khả năng phòng thủ bất tương xứng của hòn đảo tự trị này.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho tài khóa 2022 (FY 2022 NDAA) đã được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng với tỉ lệ 88 phiếu thuận và 11 phiếu chống.
Mục 1243 kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng trình một báo cáo vào ngày 15/2/2022 tới về “tính khả thi và thích hợp” của hợp tác tăng cường giữa Vệ binh Quốc gia Mỹ và Đài Loan. Trong mục 1247, dự luật kêu gọi tiếp tục ủng hộ quân đội Đài Loan để lực lượng này có thể duy trì một “khả năng tự phòng thủ đầy đủ”.
Trong muc 1248, dự luật cho hay “các lực lượng hải quân của Đài Loan nên được mời tham gia RIMPAC diễn ra vào năm 2022”. (Taiwan News)
Syria tuyên bố chặn hầu hết tên lửa từ Israel
Quân đội Syria cho biết tên lửa của Israel đã bắn trúng các đồn quân sự ở miền nam đất nước vào sáng sớm hôm nay (16/12), làm thiệt mạng một binh sĩ và gây thiệt hại về cơ sở vật chất.
Truyền thông nhà nước Syria dẫn lời một quan chức quân sự giấu tên cho biết các tên lửa bắn từ Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng đã kích hoạt hệ thống phòng không của Syria và hầu hết các tên lửa bay tới đều bị đánh chặn.
Tuy nhiên, một binh sĩ Syria đã thiệt mạng và có thiệt hại cho khu vực, quan chức này nói thêm nhưng không nêu rõ vị trí tên lửa bắn trúng miền nam Syria. (Alarabiya)
Omicron dần ‘thâm nhập’ Đông Nam Á
Kể từ khi được công bố vào cuối tháng 11 vừa qua, biến thể Omicron đã lây lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á là: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.
Cụ thể, Indonesia ghi nhận 2 ca nhiễm Omicron, đều là người nhập cảnh. Campuchia phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 14/12.
Thái Lan hiện đã xác nhận 11 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là người đến từ nước ngoài. Cục Dịch vụ Y tế (DMS) của Thái Lan đang kêu gọi người dân nước này tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa Covid-19 do lo ngại khả năng gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron sau kỳ lễ Giáng sinh và đón năm mới.
Một số tin quốc tế nổi bật khác:
Tiêu điểm thượng đỉnh trực tuyến Nga-Trung Quốc: Ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một tuần sau cuộc đàm thoại trực tuyến ngày 7/12 của nhà lãnh đạo Nga với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoại trưởng Mỹ buộc phải cắt ngắn chuyến thăm Đông Nam Á: Đêm 15/12, tờ Bangkok Post dẫn nguồn Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm tới Thái Lan dự kiến vào ngày 16/12 sau khi một phóng viên đi cùng phái đoàn của ông mắc Covid-19.