📞

Tin thế giới 16/5: Nga, Trung Quốc thắt chặt hợp tác quân sự, Anh không đưa quân tới Ukraine, Cuba tố Mỹ tài trợ kích động biểu tình bạo lực

Nhất Phong 20:06 | 16/05/2024
Trung Quốc, Campuchia bắt đầu tập trận Rồng Vàng, EU trừng phạt 4 cơ quan truyền thông Nga, Hezbollah phóng tên lửa vào khu quân sự của Israel, Panama phá đường dây buôn người di cư Trung Quốc… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin tại Bắc Kinh, ngày 16/5. (Nguồn: the New York Times)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Nga, Trung Quốc tuyên bố thắt chặt hợp tác quân sự: Theo tuyên bố chung được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ngày 16/5, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự và mở rộng quy mô các cuộc tập trận chung và huấn luyện quân sự.

Hai nước cũng dự kiến tổ chức các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển một cách thường xuyên, tăng cường phối hợp và hợp tác song phương cả song phương và đa phương, đồng thời tiếp tục nâng cao tiềm năng và mức độ ứng phó chung trước các thách thức và mối đe dọa.

Trong tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc khẳng định sự phát triển nhất quán trong hợp tác quốc phòng dựa trên mức độ cao về tin cậy chiến lược, qua đó "góp phần hiệu quả vào việc tăng cường an ninh khu vực và toàn cầu". (TASS)

*Nhật Bản, Singapore tăng cường quan hệ: Ngày 16/5 trong cuộc điện đàm đầu tiên diễn ra sau khi ông Lawrence Wong nhậm chức Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định hai nước là "những đối tác quan trọng cùng nhau giải quyết những thách thức mà khu vực và cộng đồng quốc tế phải đối mặt".

Thủ tướng Kishida còn nhấn mạnh: "Quan hệ Nhật Bản - Singapore đã đạt được tiến bộ ổn định thông qua các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau hai năm liên tiếp" và "phạm vi các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đang mở rộng". Thủ tướng Wong bày tỏ cảm kích trước thông điệp chúc mừng của Thủ tướng Kishida, tuyên bố sẵn sàng thực hiện các nỗ lực "thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực và nâng tầm mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Singapore lên một tầm cao hơn".

Ngày 15/5, ông Wong, 51 tuổi, trở thành thủ tướng đầu tiên sinh ra sau khi Singapore giành độc lập vào năm 1965 và trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore cho đến nay. (Kyodo)

*Trung Quốc, Campuchia bắt đầu tập trận Rồng Vàng: Ngày 16/5, quân đội Trung Quốc trình diễn những chú chó robot được trang bị súng máy chiến đấu khi bắt đầu cuộc tập trận Rồng Vàng - cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay với Campuchia.

Hơn 2.000 binh sĩ, trong đó có 760 quân nhân Trung Quốc, tham gia cuộc tập trận tại một trung tâm huấn luyện từ xa ở tỉnh miền Trung Kampong Chhnang và trên biển ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk. Cuộc tập trận kéo dài 15 ngày còn có sự tham gia của 14 tàu chiến, trong đó có 3 tàu của Trung Quốc, 2 trực thăng, 69 xe bọc thép và xe tăng, đồng thời bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật, chống khủng bố và cứu hộ nhân đạo.

Vũ khí được trưng bày bao gồm cái gọi là "robodog" - robot bốn chân được điều khiển từ xa với súng trường tự động gắn trên lưng. Khai mạc cuộc tập trận, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Campuchia Vong Pisen cho biết cuộc tập trận sẽ "nâng cao năng lực" của quân đội hai nước. (AFP)

*Trung Quốc đáp trả Mỹ liên quan xuất khẩu thiết bị quân sự: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 16/5 tuyên bố nước này có lập trường trách nhiệm về vấn đề xuất khẩu thiết bị quân sự, bao gồm cả việc xuất khẩu thiết bị bay không người lái dân sự.

Trả lời họp báo thường kỳ, khi được yêu cầu bình luận về cáo buộc của Mỹ rằng Bắc Kinh cung cấp cho Nga các nguyên vật liệu để sản xuất vũ khí, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn có lập trường thận trọng và có trách nhiệm trong vấn đề xuất khẩu quân sự, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu thiết bị lưỡng dụng, bao gồm cả xuất khẩu UAV dân sự”.

Theo ông Uông Văn Bân, Mỹ đang cung cấp cho Ukraine viện trợ thiết bị quân sự chưa từng có trước đây nhưng lại đưa ra những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào "hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga”. (Sputniknews)

*Malaysia mua UAV của Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát Biển Đông: Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) mua 3 thiết bị bay không người lái (UAV) Anka-S do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) sản xuất để giám sát vùng biển của mình ở Biển Đông.

Thông tin này đã được tiết lộ tại triển lãm Dịch vụ Quốc phòng châu Á 2024 diễn ra tại Kuala Lumpur. Đại diện RMAF cho biết việc sản xuất UAV Anka-S phiên bản dành riêng cho Malaysia đã khởi động tại cơ sở của TAI ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, thông tin chi tiết về chương trình huấn luyện phi công RMAF cho Anka-S chưa được công bố. Tuy nhiên, đại diện RMAF khẳng định mọi công tác chuẩn bị đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Trọng tâm là trang bị cho UAV các hệ thống chuyên dụng phù hợp với nhu cầu chiến lược của Malaysia, đặc biệt là trong lĩnh vực giám sát hàng hải. (Armyrecognition)

Châu Âu

*EU bổ sung 4 cơ quan truyền thông Nga vào danh sách trừng phạt: Đại sứ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/5 đã nhất trí về nguyên tắc bổ sung 4 cơ quan truyền thông nhà nước của Nga vào danh sách các thực thể bị trừng phạt của Brussels.

Trên mạng xã hội X, Ủy viên EU về Giá trị và Minh bạch Vera Jourova cho biết 4 mạng lưới tuyên truyền được thêm vào danh sách trừng phạt là Đài Tiếng nói châu Âu (Voice of Europe), RIA Novosti, IzvestijaRossiyskaya Gazeta đã.

Trước đó, Nga đã cảnh báo EU về động thái này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Nếu những biện pháp này được thực hiện nhằm vào giới truyền thông và báo chí Nga, thì bất chấp thực tế là các phóng viên phương Tây sẽ không mong muốn, họ cũng sẽ phải hứng chịu các biện pháp trả đũa của chúng tôi”.

Mặc dù Brussels không nêu rõ các biện pháp áp dụng đối với 4 cơ quan truyền thông nêu trên, nhưng các phương tiện truyền thông nằm trong danh sách trừng phạt trước đó đã mất quyền phát sóng trong phạm vi EU. (Politico)

*Armenia và Azerbaijan sắp bình thường hóa quan hệ: Giới chức Armenia và Azerbaijan ngày 16/5 cho biết hai nước đã nhất trí một thỏa thuận về các khu vực tranh chấp thuộc biên giới chung, một bước tiến mới hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai đối thủ lịch sử.

Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 16/5, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ca ngợi thỏa thuận này là một "cột mốc rất quan trọng để củng cố hơn nữa chủ quyền và độc lập của Armenia".

Theo ông Pashinyan, "lần đầu tiên kể từ khi độc lập (từ Liên Xô năm 1991), nước cộng hòa của chúng ta có đường biên giới được phân định chính thức. Điều này đưa an ninh và sự ổn định của chúng ta lên một tầm cao mới". (AFP)

*Anh loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết ông không thấy cần thiết phải đưa quân của phương Tây tới Ukraine và cũng khó có khả năng đề xuất việc này trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Shapps, các nước phương Tây không cần phải nghĩ ra những cách thức mới để giúp đỡ Ukraine, họ cần tăng cường sự hỗ trợ hiện có đến mức độ như Anh cung cấp. Trước đó, London tuyên bố sẽ cấp cho Kiev 3 tỷ bảng “viện trợ quân sự” hàng năm.

Hồi đầu tháng Tư, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine nếu Liên bang Nga đột phá tiền tuyến và có yêu cầu từ Ukraine. Theo Tổng thống Macron, “nhiều nước” đồng ý với cách tiếp cận của Pháp về khả năng gửi quân tới Ukraine. (Telegraph/Sputnik)

*Phần Lan có kế hoạch tuần tra biên giới với Nga: Chính phủ Phần Lan ngày 15/5 tuyên bố quốc gia Bắc Âu có kế hoạch thay đổi những quy tắc bắt buộc để cho phép hàng nghìn quân nhân dự bị tuần tra các khu vực biên giới với Nga nếu xảy ra làn sóng di cư đột ngột.

Phần Lan, gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi tháng 4/2023, cho rằng Nga trang bị vũ khí cho người di cư để chống lại quốc gia Bắc Âu, song Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc này.

Dữ liệu của Lực lượng Biên phòng Phần Lan ghi nhận khoảng 1.300 người xin tị nạn đã vượt biên giới từ Nga sang Phần Lan vào năm ngoái, nhưng con số của năm nay mới chỉ ở mức chưa tới 40 người, sau khi các cửa khẩu bị đóng.

Chính phủ Phần Lan cũng đã xây dựng dự luật cho phép lực lượng biên phòng từ chối tiếp nhận những người xin tị nạn ở biên giới Phần Lan-Nga mà không nhận được đơn xin tị nạn của họ. (Reuters)

Châu Phi – Trung Đông

*Hezbollah ồ ạt phóng tên lửa vào khu vực quân sự của Israel: Nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon ngày 16/5 tuyên bố họ đã phóng hơn 60 tên lửa Katyusha vào các vị trí quân sự của Israel ở cao nguyên Golan để trả đũa các cuộc không kích vào khu vực Baalbek ở phía Đông nước này trong đêm qua.

Một nguồn tin thân cận với Hezbollah nói với hãng thông tấn AFP rằng một trong những cuộc tấn công của Israel đã "đánh vào doanh trại quân sự của Hezbollah".

Ngày 15/5, Hezbollah đã phóng máy bay không người lái vào một căn cứ quân sự của Israel, đây là một trong những cuộc tấn công sâu nhất vào lãnh thổ Israel kể từ khi xung đột giữa hai bên nổ ra vào ngày 8/10/2023. (Al Jazeera)

*Hamas đổ lỗi cho Israel gây bế tắc trong đàm phán ngừng bắn: Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ngày 15/5 đã đổ lỗi cho Israel gây ra tình trạng bế tắc hiện tại trong tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza, khẳng định những nội dung sửa đổi của Tel Aviv đối với đề xuất ngừng bắn do các nhà trung gian hòa giải đưa ra đẩy cuộc thương lượng đi vào ngõ cụt.

Ông Haniyeh tuyên bố phản đối mọi thỏa thuận dành cho Gaza thời hậu chiến loại bỏ vai trò của Hamas, đồng thời nhấn mạnh phong trào này vẫn giữ nguyên yêu cầu về việc thỏa thuận ngừng bắn phải dẫn đến chấm dứt chiến tranh ở vùng lãnh thổ của Palestine. (Arab News)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Cuba cáo buộc Mỹ tài trợ cho các nhóm kích động biểu tình bạo lực: Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel ngày 15/5 lên tiếng cáo buộc Chính phủ Mỹ tài trợ các nhóm được cho là đã hành xử bạo lực trong những cuộc biểu tình hôm 17/3 tại một số địa phương ở đảo quốc Caribe.

Trả lời phỏng vấn nhà báo Tây Ban Nha Ignacio Ramonet, Chủ tịch Díaz-Canel phủ nhận cáo buộc cảnh sát đàn áp người biểu tình và khẳng định hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa. Tuy nhiên, ông Díaz-Canel cho biết “những nhóm nhỏ cư xử không hòa bình”, “nhiều người trong số này đã được Chính phủ Mỹ tài trợ và nhận tiền một cách có hệ thống để lợi dụng những tình huống như vậy và biểu tình chống Cách mạng”.

Chủ tịch Cuba khẳng định ngay cả trong những trường hợp nêu trên, chính quyền Cuba cũng không có “phản ứng đàn áp”, và “phản ứng tư pháp” chỉ giới hạn ở các đối tượng “thực hiện hành vi phá hoại và tấn công tài sản nhà nước, tài sản xã hội” và “gây rối trật tự công cộng”. (AFP)

*Panama triệt phá đường dây buôn người di cư Trung Quốc: Văn phòng Công tố Panama hôm 15/5 thông báo đã bắt giữ 5 đối tượng và tịch thu tài sản, tiền với tổng giá trị hơn 2 triệu USD trong khuôn khổ cuộc điều tra đường dây rửa tiền và buôn người di cư trái phép từ Trung Quốc.

Công tố viên chống tội phạm có tổ chức Emeldo Márquez cho biết cảnh sát Panama đã bắt giữ 4 nam giới và 1 phụ nữ đứng đầu đường dây trên. Nhóm tội phạm này đã mời gọi những người muốn di cư ở Trung Quốc thông qua mạng xã hội với mức giá 23.000 USD mỗi trường hợp để đến Costa Rica và sau đó bí mật vào Panama. (Reuters)