Lãnh đạo Kyrgyzstan-Tajikistan đã nhất trí ngừng bắn và rút quân khỏi biên giới. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật ngày 16/9:
Nga-Ukraine
* Chính quyền thân Nga thông báo về chiến sự ở Kherson: Phó lãnh đạo chính quyền khu vực Kherson do Nga bổ nhiệm, ông Kirill Stremousov ngày 16/9 cho biết Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã bắn phá các tòa nhà chính quyền trong ngày, làm một người thiệt mạng và một người bị thương.
Tuy nhiên, ông Stremousov cho biết: “Mực nước trên sông Ingulets dâng cao đã phá hỏng các cây cầu do VSU dựng lên từ hữu ngạn sang tả ngạn sông, gần ranh giới với tỉnh Kherson. Giờ đây, họ thực sự bị bỏ lại mà không có nguồn cung cấp và thấy mình bị bao vây chiến thuật”. (Reuters)
* Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực giúp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine “càng sớm càng tốt”: Ngày 16/9, phát biểu tại Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan, trước người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói: “Chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) đang nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt thông qua ngoại giao”.
Về mối quan ngại của Nga, cho rằng ngũ cốc xuất khẩu khỏi Ukraine theo thỏa thuận trước đó không đến được các nước đang phát triển, ông Erdogan khẳng định Ankara sẽ nỗ lực hết sức để chuyển ngũ cốc đến những nơi cần nó nhất, đặc biệt là châu Phi.
Dự kiến, ông Erdogan sẽ gặp riêng với ông Putin bên thượng đỉnh SCO tối ngày 16/9. (AFP)
Châu Âu
* Nga diễn tập bắn tên lửa ở Bắc Cực: Ngày 16/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tàu ngầm năng lượng hạt nhân nước này đã bắn tên lửa hành trình ở Bắc Cực hôm 15/9. Hai tàu ngầm hạt nhân Omsk và Novosibirsk đã bắn tên lửa hành trình chống hạm trúng mục tiêu cách xa 400 km trên diễn ra ở Biển Chukchi, phía Đông của Bắc Băng Dương, ngăn cách Nga và bang Alaska (Mỹ).
Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy tên lửa được phóng đi từ các tàu nằm trên tuyến đường biển phía Bắc - một kênh vận tải được Nga coi là lựa chọn thay thế cho tuyến đường nối Âu-Á.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận Umka-2022 là một bài kiểm tra “khả năng và tính sẵn sàng trong bảo vệ Bắc Cực của Nga bằng phương tiện quân sự”.
Tháng trước, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg từng coi sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực là “thách thức chiến lược”. (Sputnik)
* NATO kêu gọi tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine: Ngày 16/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi các thành viên tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU). Theo ông, xung đột ở Ukraine sẽ còn kéo dài. Quan chức này lưu ý cuộc phản công của Ukraine rất hiệu quả, song đây chưa phải là kết quả cuối cùng và còn chặng đường dài ở phía trước.
Trước đó, ông Stoltenberg cũng cho biết kho vũ khí dự trữ ở các nước NATO đã giảm do cung cấp cho Ukraine. Tổng Thư ký NATO nhận định khối cần sớm có các biện pháp để khôi phục kho vũ khí. Đồng thời, để đẩy nhanh quá trình sản xuất vũ khí, quân đội hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng.
Ông Jens Stolteberg cũng hối thúc Kiev chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới. Đồng thời, NATO cần cung cấp các thiết bị, quân phục dùng trong giai đoạn này cho Ukraine. (Reuters)
* Lực lượng vũ trang Đức cần “bảo vệ tự do ở châu Âu”: Phát biểu ngày 16/9 tại hội nghị quốc phòng ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này cần giữ cam kết tăng ngân sách quốc phòng và quỹ quốc phòng trị giá 100 tỷ Euro hiện nay. Đồng thời, ngân sách quốc phòng cũng sẽ không trở lại mức (thấp) như trước đây. Theo ông, trước đó Đức đã “lảng tránh ưu tiên thực cho các nhiệm vụ” của quân đội liên bang.
Ông Olaf Scholz cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của quân đội liên bang là bảo vệ tự do ở châu Âu và tất cả các nhiệm vụ khác phải đi theo nhiệm vụ này. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng quân đội Đức sẽ trở lại nhiệm vụ then chốt là bảo vệ quốc gia và NATO. Trong đó, quân đội phải trở thành nền tảng của hệ thống phòng thủ thông thường ở châu Âu và là lực lượng vũ trang được trang bị tốt nhất ở châu Âu.
Chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht, Thủ tướng Olaf Scholz cũng ủng hộ hợp tác với các đối tác liên minh để phát triển các hệ thống vũ khí mới, đồng thời xem xét lại các quy tắc nghiêm ngặt hiện với xuất khẩu vũ khí được phát triển chung ở châu Âu.
Hiện nhiều ý kiến cho rằng chính những ràng buộc nghiêm ngặt này đang cản trở sự hợp tác sản xuất vũ khí ở châu Âu, bởi vũ khí được phát triển chung cho các dự án xuất khẩu phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt ở Đức. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc trừng phạt CEO tập đoàn quốc phòng Mỹ vì Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp đặt trừng phạt đối với giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Defense và Raytheon do liên quan đến thương vụ bán vũ khí mới nhất của Washington cho Đài Bắc.
Thông báo cho hay các biện pháp trừng phạt đối với ông Ted Colbert, CEO Quốc phòng, Không gian và An ninh của Boeing và ông Gregory Hayes, CEO của Raytheon Technologies là để đáp trả Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán thiết bị quân sự cho nhà cầm quyền Đài Bắc ngày 2/9.
Các vũ khí được bán bao gồm 60 tên lửa chống hạm và 100 tên lửa không đối không, trong đó các nhà thầu chính là Boeing Defense (một bộ phận của Boeing) và Raytheon.
Thông báo trên đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh xác định và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân của 2 công ty này. (Reuters)
Nam Á
* Thủ tướng Modi muốn đưa Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất: Ngày 16/9, phát biểu tại thượng đỉnh SCO lần thứ 22 tại Samarkand, Uzbekistan, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi tăng cường kết nối và biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất, “lấy con người làm trung tâm”.
Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định hiện có hơn 70.000 công ty khởi nghiệp và hơn 100 “kỳ lân” tại đất nước Nam Á.
Ông cũng bày tỏ vui mừng khi Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Đồng thời, Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ sẽ đi đầu trong thành lập một ủy ban công tác SCO mới về thuốc cổ truyền. (Indian Express)
Trung Á
* Kyrgyzstan và Tajikistan nhất trí ngừng bắn, rút quân khỏi biên giới: Văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan ngày 16/9 thông báo, tại cuộc gặp ở Uzbekistan, Tổng thống nước này Sadyr Japarov và người đồng cấp Tajikistan Emomali Rakhmon đã nhất trí ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực biên giới giữa hai nước.
Thông báo cũng cho biết: “Hai bên đã thảo luận về tình hình trên khu vực biên giới quốc gia giữa Kyrgyzstan và Tajikistan. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí chỉ thị cho các bộ phận liên quan ngừng bắn và rút lực lượng... khỏi đường ranh giới”.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng đồng ý thành lập một ủy ban để tiến hành điều tra vụ đụng độ gần đây ở khu vực biên giới.
Kyrgyzstan và Tajikistan đang tranh chấp gần một nửa đường biên giới chung dài 970km. Năm 2021, hai bên đã chứng kiến số lượng vụ đụng độ chưa từng thấy, khiến hơn 50 người thiệt mạng và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn hơn. (Sputnik/TASS)
Trung Đông-châu Phi
Tổng thống Iran: Cần có giải pháp mới ngăn trừng phạt của Mỹ: Ngày 16/9, phát biểu tại thượng đỉnh SCO, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết cần có các giải pháp mới nhằm ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Mỹ và SCO có thể chống lại chính sách đơn phương của Washington.
Ông Raisi cũng kêu gọi tăng cường hoạt động thương mại tự do giữa các nước thành viên SCO bên cạnh hợp tác về tài chính và ngân hàng.
Trước đó, ngày 15/9, Iran đã ký Bản ghi nhớ về tư cách thành viên đầy đủ của SCO. Theo Ngoại trưởng Iran Amir Abdollahian, với việc chính thức gia nhập SCO, Iran hiện đã bước vào một giai đoạn mới về hợp tác kinh tế, thương mại, vận tải và năng lượng. (Reuters)