Mỹ-Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ: Thế giới ngày càng dè chừng mối đe dọa Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, thế giới ngày càng nhận thức rõ tham vọng của Trung Quốc và sẽ chuyển sang ủng hộ Washington.
“Thế giới đã thức tỉnh. Tôi cho rằng đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của thế giới về mối đe dọa từ Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương - viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Washington, Mỹ hôm 15/9.
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng, ưu tiên lớn nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump là giúp người Mỹ hiểu mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.
“Hàng chục triệu việc làm đã bị đánh cắp thông qua hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Mỹ”, ông Pompeo nói, đồng thời tuyên bố tình trạng này sẽ không thể tiếp tục. (SCMP)
WTO không ủng hộ Mỹ áp đặt thêm thuế quan lên Trung Quốc
WTO ngày 15/9 đã ra phán quyết rằng các mức thuế bổ sung mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD từ Trung Quốc là "không phù hợp" với các quy định thương mại toàn cầu, đồng thời "khuyến cáo Mỹ cần đưa ra các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết của mình".
Tuy nhiên, dù phán quyết trên ủng hộ các khiếu nại của Trung Quốc, Washington có thể phủ quyết quyết định này bằng cách đưa ra kháng cáo trong vòng 60 ngày tới.
Trong một phản ứng đầu tiên, Mỹ đã tuyên bố phán quyết trên là không công bằng và WTO đã thiên vị Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ, Mỹ "phải được quyền tự vệ trước những quy tắc thương mại không công bằng và chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không để Trung Quốc lợi dụng WTO để có lợi thế hơn công nhân, doanh nghiệp, nông dân và chủ trang trại Mỹ".
Trung Quốc cho rằng, các mức thuế nói trên vi phạm quy định tối huệ quốc của WTO vì các biện pháp trên không được áp dụng tương tự với các nước khác. Trung Quốc cũng cáo buộc rằng, các mức thuế trên đã vi phạm quy định chủ chốt trong giải quyết tranh chấp, đòi hỏi các nước phải khiếu nại lên WTO trước khi áp đặt các biện pháp trả đũa một nước khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn nhấn mạnh, Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ tôn trọng phán quyết của WTO. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
'Chính trị bản sắc' làm trầm trọng thêm căng thẳng Mỹ-Trung Quốc ? |
Ấn Độ-Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ: Căng thẳng biên giới Trung-Ấn là ‘nghiêm trọng’
Phát biểu trước Quốc hội ngày 15/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói rằng, tình hình biên giới Trung-Ấn đang căng thẳng xét cả về mức độ huy động binh lực của hai bên cũng như số lượng những điểm nóng tranh chấp. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, New Delhi theo đuổi giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Theo Bộ trưởng Rajnath Singh, căng thẳng hiện tại trên tuyến biên giới Trung-Ấn là nghiêm trọng và đó là hệ quả của việc Bắc Kinh vi phạm các thỏa thuận biên giới đã ký kết, khi cho tăng cường binh lực dọc đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) chạy qua khu vực Ladakh.
Ông Rajnath Singh bày tỏ, New Delhi quyết tâm giữ hòa bình, ổn định ở tuyên biên giới, nhưng cả Ấn Độ và Trung Quốc hiện vẫn chưa thể tìm ra giải pháp chấp nhận được với cả hai. Bế tắc nằm ở chỗ, có sự khác biệt lớn về quan điểm đối với vùng tranh chấp dọc LAC, đoạn phân chia lãnh thổ Trung Quốc với vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở Ladakh ở miền Đông tới bang Arunachal Pradesh ở miền Tây Ấn Độ. (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Bất ngờ đằng sau Tuyên bố chung Ấn Độ-Trung Quốc |
Trung Đông
UAE, Bahrain chính thức ký thỏa thuận hòa bình với Israel
Ngày 15/9, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã chính thức hòa giải với Israel bằng việc ký các thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian tại buổi lễ diễn ra ở Nhà Trắng. Thỏa thuận UAE-Israel được xác định là một hiệp ước hòa bình, trong khi thỏa thuận Bahrain-Israel là một tuyên bố hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tất cả các văn kiện này cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và ngoại trưởng hai nước UAE và Bahrain. Hai quốc gia này lần lượt trở thành quốc gia Arab thứ 3 và thứ 4 bình thường hóa quan hệ với Israel sau Ai Cập vào năm 1979 và Jordan vào năm 1994.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố nỗ lực hòa bình mới của Mỹ có khả năng chấm dứt xung đột Arab-Israel mãi mãi. "Đây là điểm then chốt của lịch sử, báo hiệu một khởi đầu mới về hòa bình", ông Netanyahu nói.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã hoan nghênh "một khởi đầu mới" cho Trung Đông sau 2 thỏa thuận này. Phát biểu trước hàng trăm người tham dự lễ ký thỏa thuận tại Nhà Trắng, ông chủ Nhà Trắng cho biết: "Sau hàng thập kỷ bất đồng và xung đột, chúng ta đánh dấu một khởi đầu mới cho Trung Đông. Chúng ta có mặt ở đây chiều nay để thay đổi lộ trình lịch sử". (Sputnik)
Israel trúng tên lửa
Theo quân đội Israel, vào thời điểm quốc gia này ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain, 13 quả rocket từ Dải Gaza đã nhắm thẳng vào lãnh thổ nước này. Hệ thống tên lửa “Vòm Sắt” của Israel đã chặn 8 quả rocket, ít nhất 2 người ở miền Nam Israel đã bị thương.
Sau đó, Tel Aviv đã đáp trả bằng khoảng 10 đợt không kích ở Dải Gaza, trong đó trúng nhiều mục tiêu quan trọng như một nhà máy sản xuất vũ khí và chất nổ, cùng một khu vực được Hamas sử dụng để luyện quân và thử nghiệm tên lửa.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16/9 đã chỉ trích loạt vụ không kích từ Dải Gaza vừa xảy ra là nhằm ngăn chặn các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của Israel với các quốc gia Arab vùng Vịnh. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ, ông không ngạc nhiên về các vụ tấn công vừa qua và Israel vẫn "sẽ mở rộng vòng tay cho tất cả những ai tiếp cận với chúng tôi để tạo lập hòa bình."
Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho rằng, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE, Bahrain và Israel sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông. Ông Abbas khẳng định, chỉ khi nào Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng thì Trung Đông mới có hòa bình. (Times of Israel/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Dư luận Trung Đông về thỏa thuận 'hòa bình' mà Israel vừa ký với UAE và Bahrain |
Nhật Bản
Nhật Bản có Thủ tướng và Nội các mới
Ngày 16/9, trong phiên họp bất thường, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Suga Yoshihide, tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm Thủ tướng thứ 99 ở nước này.
Theo dự kiến, tân Thủ tướng Suga sẽ sớm công bố thành phần Nội các mới và chính thức tuyên thệ nhậm chức tại một buổi lễ được tổ chức ở Hoàng Cung. Sau đó, ông sẽ tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị mới.
Tân Thủ tướng Suga đã công bố thành phần Nội các mới, trong đó ông giữ lại 8 vị trí trong Nội các của người tiền nhiệm Abe Shinzo, điều chuyển 2 vị trí và bổ nhiệm mới các vị trí còn lại. Hai vị trí được điều chuyển gồm Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato làm Chánh Văn phòng Nội các.
Bên cạnh đó, ông Suga cũng bổ nhiệm ông Nobuo Kishi, em trai của Thủ tướng Abe Shinzo và đã từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao, sẽ làm Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông Taro Kono. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Ba câu hỏi tân Chủ tịch LDP Suga Yoshihide cần giải đáp |
Tình hình Belarus
Bộ trưởng Quốc phòng Nga bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Belarus
Bộ Quốc phòng Belarus ngày 16/9 thông báo phái đoàn quân sự Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Soigu dẫn đầu cùng ngày đã đến Thủ đô Minsk trong chuyến thăm làm việc tại Belarus.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Belarus nêu rõ:"Mục đích chuyến thăm là thảo luận các vấn đề hợp tác quân sự giữa hai nước". Chuyến thăm diễn ra cùng thời điểm tại Belarus đang diễn ra cuộc tập trận Nga - Belarus mang tên Slavic Brotherhood (Anh em Slavo) 2020.
Trước đó ngày 14/9, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tới Nga và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi, bên bờ Biển Đen. Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí duy trì hợp tác quốc phòng. Tổng thống Nga cam kết thực hiện tất cả các thỏa thuận hợp tác với Belarus, bao gồm trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Nhà nước Liên minh. Tổng thống Putin cũng cho rằng, người dân Belarus cần tự giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay thông qua đối thoại với nhau mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Số phận của ông Lukashenko đang nằm trong tay Tổng thống Putin? |
Đại dịch Covid-19
Covid-19 đe dọa các mục tiêu phát triển bền vững
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), thế giới đang tụt hậu trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 như đã đề ra và tình hình thậm chí còn khó khăn hơn do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Liên hợp quốc (LHQ) coi 17 SDGs đặt ra từ năm 2015 là “kế hoạch chi tiết” hướng tới một tương lai bền vững hơn cho thế giới. Trong báo cáo mang tựa đề “Đánh giá các chỉ số lương thực và nông nghiệp liên quan đến SDGs năm 2020” công bố ngày 15/9, FAO nhận định đại dịch toàn cầu Covid-19 thậm chí “đang khiến cho việc thực hiện các mục tiêu (phát triển bền vững) trở thành thách thức”. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tình trạng đói nghèo cũng như nguy cơ mất an ninh lương thực trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero, cho rằng, các nước cần nắm bắt những thay đổi tình hình do đại dịch Covid-19 gây ra và các nhân tố khác để có thể bù đắp một cách hiệu quả. Ông nhận định: "Việc biết mình đang ở đâu, tiến chậm hoặc nhanh như thế nào sẽ giúp chúng ta tập trung nỗ lực và hành động với các biện pháp can thiệp cụ thể để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững". (Tân Hoa xã)
| Cập nhật 7h ngày 16/9: Số người mắc Covid-19 tại Ấn Độ vượt 5 triệu; Hơn 200.000 ca tử vong ở Mỹ; Đã tìm ra 'cứu tinh' cho thế giới? TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 16/9, toàn cầu ghi nhận 29.697.086 người mắc Covid-19, trong đó có 938.062 bệnh nhân ... |
| Tin thế giới 15/9: Indonesia-Trung Quốc 'nổi sóng' Biển Đông; Thêm nước Arab sắp 'hòa bình' với Israel; Lý do Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh từ chức TGVN. Căng thẳng mới giữa Indonesia-Trung Quốc ở Biển Đông, thỏa thuận hòa bình giữa các nước Arab với Israel, bầu cử Mỹ 2020, tình ... |
| Tin thế giới ngày 14/9: Ông Trump 'ấm ức'; Tổng thống Belarus đến Nga; Triều Tiên sẽ gửi 'cành olive' cho tân Thủ tướng Nhật Bản? TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, tình hình Belarus, Thủ tướng Nhật Bản, vụ chính trị gia đối lập Nga bị hôn mê và căng thẳng ... |