📞

Tin thế giới 17/5: Nga tuyên bố Ukraine rút khỏi đàm phán, thờ ơ trước việc hai nước Bắc Âu vào NATO, Israel bắn rơi máy bay Hezbollah

Minh Vương 19:45 | 17/05/2022
Nga không đàm phán với Ukraine, thờ ơ trước động thái từ Phần Lan và Thụy Điển, Israel bắn rơi máy bay Hezbollah…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ 'không có nhiều khác biệt'. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga không đàm phán với Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào: Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 17/5 cho biết Nga và Ukraine sẽ không tổ chức đàm phán “dưới bất kỳ hình thức nào”.

Interfax trích dẫn ông Rudenko cho hay: “Không, các cuộc đàm phán không diễn ra. Ukraine trên thực tế đã rút khỏi quá trình thương lượng”. (Interfax)

* Nga: Bính lính Ukraine đầu hàng sẽ được đối xử nhân đạo: Ngày 17/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskovcho biết các quân nhân Ukraine đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal sẽ được đối xử “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế” và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo điều này.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 17/5, hơn 250 quân nhân Ukraine ẩn nấp trong nhà máy thép Azovstal tại Mariupol đã ra đầu hàng sau nhiều tuần bị bao vây.

Cùng ngày, Hạ viện Nga đang xem xét cấm trao đổi tù binh Nga với binh lính trung đoàn Azov của Ukraine. TASS dẫn lời người phát ngôn Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho rằng không nên trao đổi tù binh với “tội phạm phát xít”. (Reuters)

* Nga thờ ơ trước động thái mới từ hai nước Bắc Âu: Ngày 17/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ “không có nhiều khác biệt” vì hai nước đã tham gia các cuộc tập trận của NATO từ lâu.

Ông Lavrov nói thêm: “Phần Lan và Thụy Điển, cũng như các nước trung lập khác, đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của NATO trong nhiều năm. NATO có tính đến lãnh thổ của họ khi lập kế hoạch thúc đẩy các hoạt động quân sự sang phía Đông. Vì vậy, theo nghĩa này có lẽ không có nhiều khác biệt. Hãy xem các vùng lãnh thổ nào trên thực tế được NATO sử dụng trong các cuộc tập trận”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã trục xuất 2 nhà ngoại giao tại đại sứ quán Phần Lan ở Moscow để trả đũa việc Helsinki quyết định trục xuất hai nhà ngoại giao Nga trước đó. Trong một tuyên bố, bộ này cũng cho biết Nga phản đối những gì nước này nói là “đường lối đối đầu của Phần Lan đối với Nga”. (Reuters)

* Điện Kremlin cáo buộc phương Tây tìm cách ngăn chặn Nga phát triển: Ngày 17/5, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng sự tồn tại của Nga là một tác nhân gây khó chịu khiến các nước phương Tây sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn Liên bang Nga phát triển.

Ông Peskov nói: “Đôi khi có vẻ như chính sự tồn tại của nước Nga là một tác nhân gây khó chịu đáng kể cho phương Tây, và họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn cản chúng ta phát triển và sống theo cách chúng ta muốn”.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết việc Nhóm Các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) cho phép Ukraine sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng của Nga sẽ là “hành vi ăn cắp trắng trợn”. Nga coi hành động này là bất hợp pháp và nói rằng một bước đi như thế sẽ nhận lấy sự đáp trả thích đáng.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết ông không phản đối ý tưởng thu giữ tài sản nhà nước của Nga để tài trợ việc tái thiết Ukraine và cho hay các đề xuất về kế hoạch đó đã được thảo luận giữa các nước G7 và EU. (Reuters/Sputnik)

* Nga chưa có kế hoạch ngăn chặn YouTube: Ngày 17/5, Interfax dẫn lời ông Maksut Shadaev, Bộ trưởng Bộ Phát triển kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông đại chúng Nga cho biết Nga không có kế hoạch chặn nền tảng lưu trữ video của công ty Alphabet Inc, YouTube.

Trước đó, Nga đã cảnh báo YouTube do nền tảng này không xóa các nội dung Moscow cho là bất hợp pháp và hạn chế quyền truy cập vào một số phương tiện truyền thông của Nga.

Tuy nhiên việc thiếu các nền tảng phù hợp khác thay thế YouTube, có thể khiến YouTube tránh được số phận giống một số nền truyền thông xã hội nước ngoài khác. Hiện Alphabet, công ty mẹ của Google chưa bình luận về vấn đề trên. (Interfax)

* Ukraine tìm cách sơ tán binh sỹ khỏi Mariupol: Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo, quân đội nước này đang nỗ lực thực hiện “giai đoạn tiếp theo” để sơ tán toàn bộ binh sĩ còn lại khỏi thành trì cuối cùng của họ ở cảng Mariupol bị bao vây, nhường quyền kiểm soát thành phố này cho Nga sau nhiều tháng bị bắn phá.

Cùng ngày, lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn cho biết 256 quân nhân Ukraine đang ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol miền Nam quốc gia Đông Âu này “đã đầu hàng” với 51 người bị thương.

Hôm 16/5, hơn 50 binh sĩ bị thương đã được đưa từ nhà máy Azovstal đến bệnh viện ở thị trấn Novoazovsk do Nga kiểm soát, trong khi hơn 200 người khác được đưa đến thị trấn Olenivka thuộc khu vực hiện do phe ly khai kiểm soát. (Reuters)

* Lãnh đạo Ukraine, Đức thảo luận về chiến sự và trừng phạt Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ngày 17/5, ông và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về tình hình trên chiến tuyến giữa Ukraine với Nga và cả khả năng gia tăng sức ép trừng phạt đối với Moscow.

Trên Twitter, ông Zelensky nói: “Đã tổ chức các cuộc nói chuyện hiệu quả với Thủ tướng Olaf Scholz. Thảo luận về tình hình ở chiến tuyến, gây thêm sức ép đối với Nga, gia tăng các lệnh trừng phạt, cũng như triển vọng hòa bình”.

Ông Zelensky nói thêm rằng Ukraine tin tưởng vào sự giúp đỡ hơn nữa của Đức cho tiến trình trở thành thành viên chính thức của EU.

Phát biểu về cuộc gặp, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết “Họ nhất trí rằng một thỏa thuận thương lượng ngoại giao giữa Ukraine và Nga sẽ yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch từ phía Nga và rút quân đội Nga khỏi Ukraine”.

Hai bên cũng thảo luận về các cách thức hỗ trợ Ukraine và nhất trí tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ. (Reuters)

* Phần Lan khẳng định có thể giải quyết quan ngại về NATO với Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 17/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết nước này và Thụy Điển có thể đạt một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc Ankara phản đối kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của họ.

Phát biểu trước quốc hội Thụy Điển, ông Niinisto nói: “Các tuyên bố từ Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nhanh chóng thay đổi và trở nên cứng rắn hơn trong vài ngày qua. Nhưng tôi chắc chắn rằng, với sự hỗ trợ từ các cuộc thảo luận mang tính xây dựng - chúng tôi sẽ giải quyết được tình hình”. (Reuters)

Trung Đông

* Libya: Đụng độ giữa các phe đối lập ở thủ đô Tripoli: Ngày 17/5, Văn phòng Thủ tướng Fathi Bashagha (Thủ tướng Libya được Quốc hội nước này bổ nhiệm) cho biết các cuộc đụng độ đã nổ ra ở thủ đô của Libya sau khi ông Fathi Bashagha tiến vào thủ đô Tripoli cùng với một lực lượng vũ trang để cố gắng giành quyền kiểm soát chính phủ từ một chính quyền đối lập từ chối nhượng lại quyền lực.

Kênh truyền hình al-Hadath đã công bố những hình ảnh cho thấy các cuộc đụng độ bằng súng ở trung tâm thành phố và khu vực cảng. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Fathi Bashagha cho biết thêm chỉ vài giờ sau khi cố gắng vào thành phố, ông Fathi Bashagha đã rời thủ đô Tripoli sau cuộc đụng độ giữa các phe đối địch.

Việc Quốc hội Libya bổ nhiệm ông Bashagha làm thủ tướng hồi tháng 3 đã dẫn đến sự đối đầu giữa hai chính phủ đối lập đều tuyên bố tính hợp pháp và được hỗ trợ bởi các phe phái vũ trang ở Tripoli và miền Tây Libya, làm dấy lên lo ngại rằng hai năm hòa bình ở nước này có thể sớm kết thúc. (Reuters)

* Israel bắn rơi máy bay không người lái của lực lượng Hezbollah: Ngày 17/5, quân đội Israel cho biết đã nhận diện và bắn rơi một máy bay không người lái của lực lượng Hezbollah xâm nhập không phận Israel từ phía biên giới với Lebanon.

Theo thông báo từ quân đội Israel, vụ việc diễn ra trong đêm ngày 16/5, rạng sáng ngày 17/5. Thông báo cho biết: “Máy bay không người lái này nằm dưới sự giám sát của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trong suốt vụ việc”.

Trước đó, quân đội Israel đã nã pháo vào Lebanon sau khi một tên lửa được phóng đi từ lãnh thổ Lebanon rơi xuống miền Bắc Israel vào hôm 25/4, đánh dấu một đợt bùng phát hiếm hoi ở biên giới giữa hai nước. (Tân Hoa xã)

Bán đảo Triều Tiên

* Ngoại trưởng Hàn Quốc và Trung Quốc thảo luận về Triều Tiên: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các nhà ngoại giao hàng đầu của nước này và Trung Quốc đã hội đàm trực tuyến ngày 17/5 về hợp tác trong các nỗ lực giúp Triều Tiên đối phó dịch Covid-19, cũng như kiểm soát và ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc thảo luận đầu tiên kể từ khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nhậm chức hồi tuần trước, ông Park và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ lo ngại về dịch Covid-19 ở Triều Tiên và viện trợ nhân đạo cho nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Park nhấn mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có nguy cơ đe dọa sự ổn định của khu vực. Ông kêu gọi sự hợp tác giữa Seoul và Bắc Kinh để ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng vạch ra tầm nhìn của chính quyền Seoul để trở thành một “:quốc gia nòng cốt toàn cầu” dựa trên các giá trị và lợi ích chung, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển quan hệ song phương dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau” và “sự hợp tác chặt chẽ”.

Ông Vương Nghị coi Hàn Quốc là “đối tác hợp tác chiến lược”của Trung Quốc và đề nghị làm sâu sắc thêm quan hệ song phương thông qua liên lạc cấp cao, hợp tác và trao đổi văn hóa, nhất là nhân 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Hai bên nhất trí thúc đẩy "thông tin liên lạc chiến lược" để phối hợp chặt chẽ, bao gồm các chuyến thăm qua lại của lãnh đạo hai nước, cũng như hợp tác về kinh tế, y tế, biến đổi khí hậu và mở rộng giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân. (Yonhap)