Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 1/8: Mỹ, EU họp khẩn sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, Iran và đồng minh bàn cách trả đũa Israel, Nga sẵn sàng bắn hạ F-16 của Ukraine

Moldova trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, Ukraine không muốn Trung Quốc làm trung gian hòa giải, Hà Lan chuyển F-16 cho Ukraine, Cảnh sát Venezuela “bao vây” Đại sứ quán Argentina, HĐBA họp khẩn vì căng thẳng leo thang ở Trung Đông… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 1/8: Mỹ, EU họp khẩn sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, Iran và đồng minh bàn cách trả đũa Israel, Nga sẵn sàng bắn hạ F-16 của Ukraine
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị sát hại ngày 30/7 khi đến Tehran dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran khiến nguy cơ bùng phát xung đột trên diện rộng ở Trung Đông. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc bất ngờ thay chỉ huy chiến khu giám sát Biển Đông: Trung Quốc đã bổ nhiệm một chỉ huy quân đội mới cho khu vực phía Nam - động thái bất ngờ diễn ra sau các cuộc đụng độ gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 31/7 đưa tin Tướng Ngô Á Nam đã được bổ nhiệm làm Chỉ huy Bộ tư lệnh chiến khu miền Nam. Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam giám sát chiến lược quân sự ở Biển Đông. Ông Ngô Á Nam thay thế vị chỉ huy trước đó, ông Vương Tú Bân, 60 tuổi.

Không có lý do chính thức nào được đưa ra cho sự ra đi của ông Vương Tú Bân, cũng như các bước tiếp theo của vị tướng này. Ông Vương Tú Bân lần đầu tiên được tiết lộ là người đứng đầu Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam vào tháng 7/2021, khi ông được thăng quân hàm tướng. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng với tư cách đó là vào tháng 4/2024, khi ông gặp gỡ các quan chức Pháp đến thăm. (Bloomberg)

Tin liên quan
Chảo lửa Trung Đông: Iran tuyên bố quyền trả đũa hợp pháp sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, Israel dọa Chảo lửa Trung Đông: Iran tuyên bố quyền trả đũa hợp pháp sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát, Israel dọa 'cái giá đắt', Mỹ hối thúc tất cả dừng lại

*Ấn Độ triệu Đại sứ Sri Lanka để phản đối vụ va chạm trên biển: Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 1/8 đã triệu Đại sứ Sri Lanka để phản đối vụ va chạm giữa tàu đánh cá của nước này và tàu hải quân Sri Lanka khiến 1 ngư dân thiệt mạng, 1 người khác mất tích.

Vụ va chạm xảy ra cách Katchatheevu - hòn đảo tranh chấp giữa Ấn Độ và Sri Lanka - 5 hải lý về phía Bắc. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi luôn nhấn mạnh nhu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân một cách nhân đạo.

Về phần mình, Ngoại trưởng Sri Lanka Ali Sabry tuyên bố Colombo không muốn vấn đề leo thang và đang tìm cách hợp tác với New Delhi để tìm giải pháp. (Reuters)

*Hàn-Mỹ diễn tập mô phỏng tích hợp năng lực hạt nhân và thông thường: Các quan chức Hàn Quốc ngày 1/8 xác nhận Hàn Quốc và Mỹ trong tuần này đã tổ chức cuộc diễn tập mô phỏng đầu tiên về tích hợp năng lực quân sự thông thường của Seoul với năng lực hạt nhân của Washington.

Cuộc diễn tập “Iron Mace 24” kéo dài 3 ngày, kết thúc vào sáng 1/8 tại Trại Humphreys của Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 60 km về phía Nam, được tổ chức sau khi hai nước ký văn bản hướng dẫn chung về răn đe hạt nhân hồi tháng trước. Răn đe mở rộng đề cập đến cam kết của Mỹ về việc bảo vệ đồng minh bằng toàn bộ năng lực quân sự, trong đó có vũ khí hạt nhân.

Cuộc diễn tập được tiến hành trong bối cảnh Bình Nhưỡng đẩy mạnh các chương trình tên lửa đạn đạo nhằm củng cố năng lực triển khai vũ khí hạt nhân. (Yonhap)

*Nga tập trận trên đảo tranh chấp với Nhật Bản: Ngày 1/8, hãng thông tấn Interfax dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng tên lửa của nước này đã tiến hành tập trận trên đảo Matua thuộc quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nhật Bản (Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc).

Theo thông cáo, các binh sĩ thực hành di chuyển và và ngụy trang phương tiện của họ trên đảo Matua. Quân đội Liên Xô đã chiếm giữ 4 hòn đảo ngoài khơi Hokkaido của Nhật Bản vào cuối Thế chiến II và chúng vẫn thuộc quyền kiểm soát của Moscow. Tranh chấp đối với quần đảo này đã ngăn cản hai nước ký kết hiệp ước hòa bình. (Reuters)

*Triều Tiên muốn nối lại đàm phán hạt nhân với chính quyền Trump: Hãng Reuters ngày 31/7 đưa tin trong trường hợp ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Triều Tiên có kế hoạch nối lại đàm phán hạt nhân với chính quyền của ông Trump.

Thông tin trên được đưa ra sau cuộc phỏng vấn một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên vừa trốn sang Hàn Quốc Ri Il Gyu. Theo ông này, Triều Tiên xác định quan hệ với Nga, Mỹ và Nhật Bản là ưu tiên chính sách đối ngoại trong những năm tới. Ông Ri giải thích rằng các nhà ngoại giao Triều Tiên đang trông chờ vào việc nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và nhận được hỗ trợ kinh tế.

Ngày 29/7, Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể thử vũ khí hạt nhân trước cuộc bầu cử Mỹ. Lần cuối cùng Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân là vào tháng 9/2017. (Reuters)

Châu Âu

*Moldova triệu đại sứ, trục xuất nhân viên ngoại giao Nga: Bộ Ngoại giao Moldova ngày 1/8 cho biết đã trục xuất 1 nhân viên ngoại giao và triệu Đại sứ Nga đến để trao công hàm phản đối chính thức sau khi các cơ quan thực thi pháp luật Moldova bắt giữ 2 quan chức với cáo buộc phản bội Tổ quốc và câu kết với nước ngoài.

Một nguồn tin an ninh Moldova xác nhận 2 nghi phạm bị bắt giữ hôm 30/7 do bị tình nghi cung cấp thông tin cho Phó Tùy viên Quốc phòng Nga tại Chisinau, thủ đô của Moldova. (Reuters)

*Nga để ngỏ mọi khả năng hợp tác giải quyết khủng hoảng Ukraine: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moscow sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên tìm cách tạo điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, có tính đến lợi ích của Nga và thực tế hiện tại.

Bình luận về chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Vatican Pietro Parolin tới Ukraine, bà Zakharova nhận định các tuyên bố của ông nhìn chung phù hợp với những nỗ lực hòa giải của Vatican. Bà Zakharova nêu rõ: “…Đất nước chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả những ai tìm cách tạo điều kiện giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có tính đến các lợi ích của Nga và các diễn biến thực tế hiện nay”. (Sputnik)

*Hà Lan chuyển 6 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine: Báo The Times của Anh dẫn một nguồn tin cho biết Hà Lan đã chuyển 6 máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ thế hệ thứ tư F-16 cho Ukraine.

Theo The Times, ngoài 6 chiến đấu cơ này, theo công bố, Kiev sẽ sớm nhận được một lô F-16 từ Chính phủ Đan Mạch. Trước đó, Telegraph cũng cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trên chiến đấu cơ F-16.

Bức ảnh được đăng tải trên kênh Telegram có tên “Người cung cấp thông tin quân sự” cũng là bằng chứng cho thấy các chiến đấu cơ F-16, mà phương Tây cam kết chuyển giao cho Ukraine, thực sự đã đến lãnh thổ nước này. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Sau lời phàn nàn, Kiev nói sẽ sớm tiếp nhận F-16 từ Ba Lan; Nga bắn hạ 11 UAV của Ukraine

*Ba Lan phát động chiến dịch an ninh ở biên giới với Belarus: Ba Lan bắt đầu chiến dịch “Podlaskie an toàn” ở biên giới giáp Belarus, theo đó Warsaw sẽ huy động thêm lực lượng quân đội và trang thiết bị quân sự để bảo vệ biên giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Vladislav Kosinyak-Kamysh cho biết trách nhiệm về chiến dịch này thuộc về Sư đoàn cơ giới số 18. Ông nói rằng gần đây tình hình ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus ngày càng trở nên tồi tệ. Đồng thời, vào ngày 1/8, Ba Lan bắt đầu chiến dịch có mật danh “Bình minh trên không” để tăng cường phòng không ở biên giới phía Đông.

Hồi giữa năm 2021, hàng nghìn người di cư đã đổ về biên giới Ba Lan-Belarus với hy vọng đến được các nước EU. Kể từ đó mỗi tháng có hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp cố gắng vượt biên giới sang Ba Lan. Chính quyền nước này đã siết chặt an ninh biên giới, triển khai quân đội và trấn áp các nỗ lực nhập cư bất hợp pháp, đồng thời đổ lỗi cho Minsk về cuộc khủng hoảng di cư này. (Sputnik)

*Ukraine không muốn Trung Quốc làm trung gian hòa giải xung đột với Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 31/7 cho biết Kiev không muốn Trung Quốc hành động với tư cách là một nhà trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga, nhưng hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ gây sức ép lớn hơn đối với Moscow để chấm dứt cuộc chiến.

Ông Zelensky nói: “Nếu Trung Quốc muốn, Trung Quốc có thể buộc Nga chấm dứt cuộc chiến này. Tôi không muốn Trung Quốc hành động với tư cách là một nhà trung gian hòa giải. Tôi muốn Trung Quốc gây sức ép đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến”. Ông Zelensky cũng cho hay: “Giống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang gây sức ép đối với Nga, một quốc gia càng có nhiều ảnh hưởng, quốc gia đó càng nên gây sức ép lớn hơn đối với Nga”. (Reuters)

*Nga sẵn sàng bắn hạ máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine: Điện Kremlin ngày 1/8 tuyên bố lực lượng Nga đã sẵn sàng bắn hạ các máy bay chiến đấu F-16 trong lô đầu tiên mà Hà Lan vừa chuyển cho Ukraine, đồng thời khẳng định loại tiêm kích này sẽ không phải là “thần dược” cho quân đội của Kiev.

Trước đó, ngày 31/7, các quan chức Litva và Mỹ xác nhận Ukraine đã nhận được những chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên, được trang bị pháo 20 mm và có thể mang bom, rocket, tên lửa. (TASS)

Trung Đông – châu Phi

*HĐBA họp khẩn vì căng thẳng leo thang ở Trung Đông: Chiều 31/7 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp phiên khẩn cấp để thảo luận về tình hình leo thang căng thẳng nguy hiểm ở Trung Đông.

Cuộc họp diễn ra theo đề nghị của Iran và được Nga, Trung Quốc, Algeria ủng hộ. Tại cuộc họp, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo đã tái khẳng định nhu cầu cấp thiết phải hạ nhiệt căng thẳng khu vực, đồng thời hối thúc cơ quan quyền lực nhất LHQ “có hành động ngoại giao nhanh chóng và hiệu quả”.

HĐBA triệu tập cuộc họp trong bối cảnh Trung Đông đối mặt với diễn biến leo thang căng thẳng mới sau khi Israel không kích thủ đô Beirut của Lebanon và thủ lĩnh cấp cao phong trào Hamas bị ám sát tại Iran. (Al Jazeera)

*Trung Quốc hy vọng sớm thành lập Nhà nước Palestine độc lập: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến ngày 1/8 cho biết Trung Quốc hy vọng các phe phái Palestine có thể thành lập nhà nước độc lập càng sớm càng tốt.

Phản hồi câu hỏi về vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Iran, ông Lâm Kiến bày tỏ: “Trung Quốc tha thiết mong đợi tất cả các phe phái Palestine, trên cơ sở hòa giải nội bộ, thành lập Nhà nước Palestine độc lập càng sớm càng tốt”. (Al Jazeera)

*Iran khẳng định quyền đáp trả Israel một cách hợp pháp: Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani ngày 1/8 đã điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan để thảo luận về mối quan hệ song phương và những diễn biến mới nhất liên quan đến cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.

Tại cuộc điện đàm, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran tuyên bố: “Với hành vi xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, chế độ Do Thái đã ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh”. Theo ông Kani, hành động của Israel đi ngược lại luật pháp quốc tế và trái với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Quyền Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh Tehran có quyền hợp pháp để đáp trả một cách dứt khoát và tương xứng.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas vi phạm trắng trợn các ranh giới đỏ và toàn vẹn lãnh thổ của Iran, đồng thời khẳng định Ankara sẽ nỗ lực hết sức ủng hộ sáng kiến hợp pháp của Tehran. (Mehrnews)

*Mỹ kêu gọi các bên ở Trung Đông chấm dứt leo thang: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 1/8 đã kêu gọi “tất cả các bên” ở Trung Đông chấm dứt “những hành động leo thang” và đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, sau khi thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh bị sát hại trong một cuộc tấn công mà Iran đổ lỗi cho Israel.

Phát biểu với các phóng viên ở Mông Cổ, ông Blinken cho rằng đạt được hòa bình “bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn và để thực hiện thành công mục tiêu đó, trước tiên đòi hỏi tất cả các bên phải đàm phán (và) chấm dứt thực hiện bất kỳ hành động leo thang nào”.

Trước đó, ngày 31/7, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ không liên quan đến vụ ám sát ông Haniyeh. Thủ lĩnh chính trị Hamas đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào nơi ở của ông tại Tehran, khi ông đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Iran Masoud Pezeshkian. (AFP)

*Thủ tướng Israel kiên quyết không dừng chiến dịch ở Gaza: Phát biểu ngày 31/7, Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh: "Trong nhiều tháng qua, chúng tôi liên tục nhận được lời kêu gọi từ trong và ngoài nước yêu cầu chấm dứt chiến tranh... Tôi đã không nghe theo những lời kêu gọi đó trước đây và tôi cũng sẽ không nghe theo chúng ngày hôm nay".

Thủ tướng Netanyahu cũng cảnh báo người dân về "những ngày khó khăn" sắp tới. Ông Netanyahu tuyên bố: "Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi kịch bản, chúng tôi sẽ đoàn kết và kiên quyết đối mặt với mọi mối đe dọa".

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Israel tiến hành không kích vào ngoại ô phía nam Beirut và vụ ám sát lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran. Hamas đã đổ lỗi cho Israel và Mỹ về cái chết của Haniyeh và tuyên bố sẽ không để vụ tấn công này trôi qua mà không đáp trả. (Spuntiknews)

TIN LIÊN QUAN
Tổng thống Masoud Pezeshkian: 'Làn gió mới' tại Iran

*Iran và các đồng minh khu vực bàn cách trả đũa Israel: Năm nguồn thạo tin cho biết các quan chức cấp cao của Iran đã gặp đại diện các đồng minh khu vực của nước này từ Lebanon, Iraq và Yemen trong ngày 1/8 để thảo luận về khả năng trả đũa Israel. Động thái này diễn ra sau khi Israel ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas - Ismail Haniyeh ở Tehran.

Trung Đông đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột gia tăng giữa Israel, Iran và các lực lượng thân cận sau vụ ám sát ông Haniyeh ở Tehran hôm 31/7 và vụ sát hại chỉ huy cấp cao của phong trào Hồi giáo Hezbollah hôm 30/7 trong một cuộc tấn công của Israel vào vùng ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon. (Al Jazeera)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Bạo loạn nhà tù tại bang Nevada, Mỹ: Giới chức nhà tù tại bang Nevada của Mỹ cho biết bạo loạn xảy ra tại một nhà tù được canh gác nghiêm ngặt tại bang này đã làm 3 tù nhân thiệt mạng và 9 người khác phải nhập viện.

Theo nguồn tin trên, vụ bạo loạn xảy ra chiều 30/7 (theo giờ địa phương) tại nhà tù Ely vốn được đảm bảo an ninh tối đa ở thị trấn cách thành phố Las Vegas khoảng 400 km về phía Bắc. Văn phòng Thống đốc bang Nevada cho biết vụ bạo loạn liên quan đến bạo lực băng đảng. Không có nhân viên cải huấn nào bị thương trong vụ bạo loạn này. Các nhân viên quản lý nhà tù Ely cho biết nhà tù đã bị phong tỏa sau khi xảy ra vụ việc.

Nhà tù Ely có thể giam giữ tối đa 1.183 tù nhân và có hơn 400 nhân viên. (Reuters)

*Mỹ, EU họp khẩn sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas: Tờ Financial Times đưa tin các nhà ngoại giao Mỹ và EU đã tiến hành các cuộc họp khẩn cấp ở Trung Đông để ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện sau vụ ám sát ông Ismail Haniyeh, người đứng đầu Bộ Chính trị phong trào Hamas của Palestine.

Theo nguồn tin, các cuộc họp nhằm mục đích thuyết phục Iran không trả đũa Israel hay thực hiện những hành động mang tính biểu tượng.

Trước đó ngày 31/7, phong trào Hamas của Palestine thông báo về cái chết của ông Haniyeh, người đứng đầu Bộ Chính trị của phong trào, do cuộc tấn công của Israel vào nơi ở của ông ở Tehran. Hamas cáo buộc Israel và Mỹ là thủ phạm sát hại ông Haniyeh và tuyên bố sẽ đáp trả vụ tấn công này. (FT)

*Cảnh sát Venezuela “bao vây” Đại sứ quán Argentina tại Caracas: Ngày 31/7, báo chí Argentina đưa tin cảnh sát Venezuela hiện đang “bao vây” xung quanh Đại sứ quán Argentina tại thủ đô Caracas.

Đây là lần thứ hai cảnh sát Venezuela bao vây trụ sở cơ quan đại diện Argentina tại Caracas sau khi cắt điện tòa nhà này từ ngày 29/7. Theo dự kiến, ngày 1/8, tất cả nhân viên ngoại giao Argentina tại Venezuela cùng 6 công dân Venezuela được Buenos Aires cấp quy chế tị nạn, đang tá túc tại Đại sứ quán nước này từ cuối tháng 3, sẽ rời Caracas.

Hiện tại, Đại sứ quán Argentina chỉ còn 8 nhân viên. Đại sứ Argentina đã rời Caracas sau khi Chính phủ Tổng thống Javier Milei tố cáo có sự gian lận trong cuộc bầu cử hôm 28/7 tại Venezuela và không công nhận kết quả với chiến thắng thuộc về Tổng thống Nicolás Maduro. Ngay lập tức, Chính phủ Venezuela đã yêu cầu các nhân viên ngoại giao Argentina rời khỏi Venezuela trong vòng 72 giờ. (AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố  ‘vũ khí phương Tây yếu kém’, Venezuala muốn mua vũ khí mới của Moscow

Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố ‘vũ khí phương Tây yếu kém’, Venezuala muốn mua vũ khí mới của Moscow

Phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow ngày 15/8 với sự tham gia của người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc, ...

Slovakia dọa trả đũa Ukraine liên quan đến dầu Nga; Kiev sẵn sàng giải quyết các vấn đề có thể gây rắc rối

Slovakia dọa trả đũa Ukraine liên quan đến dầu Nga; Kiev sẵn sàng giải quyết các vấn đề có thể gây rắc rối

Ngày 30/7, Thứ trưởng Năng lượng Ukraine Roman Andarak tuyên bố, Kiev bảo đảm việc trung chuyển dầu cho các công ty không phải là ...

Tổng thống Ukraine không muốn Trung Quốc làm trung gian hòa giải với Nga, úp mở việc từ bỏ điều kiện tiên quyết với Moscow?

Tổng thống Ukraine không muốn Trung Quốc làm trung gian hòa giải với Nga, úp mở việc từ bỏ điều kiện tiên quyết với Moscow?

Ngày 31/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không muốn Trung Quốc hành động với tư cách là một nhà trung gian hòa ...

Ukraine nói các đối tác nên từ chối dầu Nga 'càng nhiều càng tốt', quyết không 'nương tay' với Lukoil

Ukraine nói các đối tác nên từ chối dầu Nga 'càng nhiều càng tốt', quyết không 'nương tay' với Lukoil

Ngày 31/7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, trong cuộc điện đàm mới đây với người đồng cấp Slovakia Robert Fico, ông đã khẳng ...

Trung Đông 'ngàn cân treo sợi tóc': Mỹ-EU họp khẩn, Nga cảnh báo hòa bình mong manh, Trung Quốc thúc giục

Trung Đông 'ngàn cân treo sợi tóc': Mỹ-EU họp khẩn, Nga cảnh báo hòa bình mong manh, Trung Quốc thúc giục

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện ở Trung Đông sau vụ việc ...