📞

Tin thế giới 18/11: 'Nước cờ cao tay' của ông Biden cuối nhiệm kỳ, đẩy ông Trump vào thế khó? Nga thận trọng trước tin chốt chặn Ukraine mở tung

Hoàng Hà 19:46 | 18/11/2024
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, thủ đô Washington, D.C (Mỹ) ngày 13/11. Quyết định, nếu được xác nhận, của ông Biden về việc gỡ hạn chế cho Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào Nga sẽ là một thách thức với chính quyền mới của ông Trump. (Nguồn: Reuters)

Nga-Ukraine

* Mỹ dỡ bỏ các quy định ngăn Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, theo tin từ New York Times và nhiều tờ báo lớn đăng tải. Chính quyền Mỹ chưa bình luận về thông tin này.

Thông tin trên được đưa ra khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump vào ngày 20/1/2025.

Nhà nghiên cứu Alexey Naumov nhận định, Nga có thể không vội đáp trả để tạo cơ hội cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đảo ngược quyết định khi lên cầm quyền. Theo chuyên gia này, đây là nước cờ của Tổng thống Biden nhằm "chứng tỏ quyền lực, tạo dấu ấn đối ngoại và đẩy ông Trump vào thế khó".

* Nga thận trọng trước tin Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa (ATACMS) tấn công sâu vào lãnh thổ.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, chính quyền ông Biden "đang đổ thêm dầu vào lửa và tìm cách leo thang xung đột ở Ukraine”. (TASS)

* Moscow nằm trong tầm ngắm của tên lửa tầm xa phương Tây nếu Ukraine được phép dùng và "bước đi chưa từng có" nguy cơ châm ngòi cho Thế chiến III, theo lời Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov ngày 18/11. (TASS)

* Cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga là một lựa chọn đang được xem xét và đã từng được Paris nói công khai, theo lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot. (Reuters)

* "Ukraine nên được phép sử dụng vũ khí chúng ta cung cấp không chỉ để phòng thủ mà còn để tấn công. Tôi tin đây là điều cần thiết và hy vọng các nước thành viên của khối sẽ nhất trí về vấn đề này", theo lời đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 17/11.

* Trung Quốc kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine, lưu ý rằng điều cần thiết hiện nay là phải hạ nhiệt tình hình. Theo Bắc Kinh, một lệnh ngừng bắn sớm và giải pháp chính trị sẽ có lợi cho tất cả các bên. Điều cấp thiết là phải hạ nhiệt tình hình". (AFP)

Châu Âu

* Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan yêu cầu hàng loạt quan chức cấp cao từ chức, nêu rõ rằng đây không phải là vấn đề cá nhân "mà là vấn đề hệ thống". Bộ trưởng Nội vụ Vahe Ghazaryan đã đệ đơn từ chức. (TASS)

* EU chia rẽ về đề xuất tạm ngừng đối thoại với Israel của đại diện cấp cao EU Josep Borrell. Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp ngày 18/11 bày tỏ không đồng tình với đề xuất và cho rằng, càng trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông, EU càng cần tiếp tục đối thoại. (AFP)

* Anh học hỏi Italy về mô hình ngăn chặn di cư trái phép, bằng cách trả tiền cho các nước khác tăng cường kiểm soát biên giới. (Sunday Times)

* Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến hành cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn tại Phần Lan, lần đầu tiên kể từ khi kết nạp quốc gia Bắc Âu này vào tháng 4/2023.

Cuộc tập trận với sự tham gia của 3.600 binh sĩ tới từ Phần Lan, Mỹ, Thụy Điển, Anh, Pháp và một số thành viên NATO khác, được tiến hành trong điều kiện nhiệt độ dưới 0°C tại trường bắn Rovajarvi thuộc vùng Lapland, phía Bắc Phần Lan. Đây là khu vực huấn luyện quân sự lớn nhất tại châu Âu. (AFP)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Brazil từ ngày 17/11, bày tỏ kỳ vọng tăng cường mối quan hệ giữa hai nước dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc và Brazil sẽ đẩy mạnh trao đổi ở mọi cấp độ - từ chính phủ đến các chính đảng, cơ quan lập pháp - đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển đất nước. (Sputnik)

* Philippines-Mỹ ký thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự, cho phép chia sẻ thông tin mật, có thể mang lại lợi ích cho quốc phòng của Manila. Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh, việc ký kết thỏa thuận là bước đi quan trọng nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, cùng việc tương tác giữa hai nước.

Việc ký kết diễn ra nhân chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin. (Reuters)

* Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ USS Columbia, tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ có trọng tải 6.000 tấn, đã đến căn cứ hải quân ở thành phố Busan, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 320 km về phía Đông Nam vào sáng 18/11, để tiếp tế nhu yếu phẩm. (Yonhap)

* Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên đã "vượt quá giới hạn" khi tiếp tục thả bóng bay chứa rác sang quốc gia láng giềng, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng phải chịu mọi trách nhiệm về hậu quả. (Yonhap)

* Nội các mới của Sri Lanka tuyên thệ nhậm chức với 21 bộ trưởng, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Anura Kumara Dissanayake vào ngày 18/11.

Đảng liên minh Quyền lực nhân dân quốc gia (NPP), dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Dissanayake, đã giành chiến thắng ấn tượng trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 14/11. Đặc biệt, đảng này còn giành được sự ủng hộ mạnh mẽ ở khu vực Jaffna – nơi sinh sống của cộng đồng thiểu số Tamil. (THX)

Trung Đông-châu Phi

* 30 quả đạn được bắn từ Lebanon vào lãnh thổ Israel sáng 18/11, theo tuyên bố của quân đội Israel. Sau khi còi báo động vang lên ở các khu vực Thượng và Tây Galilee, hệ thống phòng không đã đánh chặn được một số trong khoảng 30 quả đạn trên. (AFP)

* Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein tới Lebanon thảo luận lệnh ngừng bắn Hezbollah-Israel vào ngày 19/11. Theo một nguồn tin, Mỹ đã đệ trình đề xuất ngừng bắn mới tới chính phủ Lebanon nhằm chấm dứt xung đột kéo dài hơn một năm qua. (Voice of Lebanon)

* Hezbollah xác nhận người phát ngôn Mohammed Afif đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào trung tâm Beirut ngày 17/11. (AFP)

* Phong trào Houthi ở Yemen đã tấn công khu vực Jaffa lân cận Tel Aviv và thành phố Ashkelon của Israel bằng các thiết bị bay không người lái trong ngày 17/11. (TASS)

* Iran hy vọng đàm phán hạt nhân với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sắp tới không chịu "sức ép dã tâm và thiếu tinh thần xây dựng" của một số bên khác.

Iran khẳng định, mọi nỗ lực và trọng tâm thảo luận sẽ tạo điều kiện để IAEA thực hiện chuyên môn và các vấn đề giữa hai bên "tiếp tục được giải quyết dưới góc độ kỹ thuật, không liên quan sức ép và tính toán chính trị nào”. (Reuters)

* Đảng Pastef cầm quyền Senegal tuyên bố thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/11. Khoảng 7,3 triệu cử tri Senegal đã đăng ký bỏ phiếu để bầu ra 165 nghị sĩ với nhiệm kỳ 5 năm. (AFP)

Châu Mỹ

* Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil trong hai ngày 18-19/11.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình khí hậu và tài chính toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những điểm nóng trong chương trình nghị sự là vấn đề tài chính khí hậu, đặc biệt là việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài vấn đề khí hậu, hội nghị G20 lần này cũng thảo luận về việc tăng thuế đối với các tỷ phú và các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, G20 năm nay đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng dự báo có thể tác động đến các sáng kiến đa phương và làm gián đoạn các cuộc đàm phán quốc tế. (NHK, TTXVN)

* Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm lịch sử đến rừng nhiệt đới Amazon ngày 17/11, đồng thời tuyên bố, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Với tư cách là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông đã hành động nhiều hơn vì không khí, nguồn nước và năng lượng sạch, thúc đẩy dự luật được thông qua giúp phân bổ khoản ngân sách liên bang chưa từng có cho cuộc chiến ngăn Trái đất tiếp tục nóng lên. (CBS News)