📞

Tin thế giới 18/2: Trung Quốc nhắc Mỹ xem xét quan ngại của Nga về Ukraine, Anh tiến gần hơn tới CPTPP

Minh Vương 19:47 | 18/02/2022
Trung Quốc nhắc Mỹ xem xét đề nghị của Nga về Ukraine, Berlin hoãn xử gián điệp từ Moscow, Anh tiến gần hơn tới CPTPP… là một số tin thế giới nổi bật ngày 18/2.
Tin thế giới 18/2: Trung Quốc nhắc Mỹ xem xét quan ngại của Nga về Ukraine, Anh tiến gần hơn tới CPTPP. (Nguồn: TASS)

Nga-Ukraine

Nga hoan nghênh lập trường của Ấn Độ về Ukraine

Ngày 18/2, Nga đã hoan nghênh lập trường của Ấn Độ về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước NATO và Moscow leo thang liên quan đến tình hình ở đất nước Đông Âu này.

Phản ứng trên được đưa ra một ngày sau khi Ấn Độ phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) rằng cần áp dụng biện pháp “ngoại giao hòa nhã, mang tính xây dựng” và cần tránh bất kỳ bước đi nào có nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Viết trên Twitter, Đại sứ quán Nga tại Ấn Độ khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh cách tiếp cận cân bằng, có nguyên tắc và độc lập của Ấn Độ”.

Trước đó một ngày, tại cuộc họp của HĐBA LHQ về tình hình Ukraine, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ TS Tirumurti đã kêu gọi lập tức giảm leo thang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cũng nói rằng New Delhi ủng hộ việc giảm căng thẳng ngay lập tức và giải quyết tình hình thông qua đối thoại ngoại giao bền vững. (Reuters)

Tổng thống Nga thảo luận vấn đề Ukraine với Hội đồng An ninh Quốc gia

Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, ngày 18/2, ông Vladimir Putin đã thảo luận với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga về tình hình ở Ukraine và các đề xuất của Moscow về đảm bảo an ninh.

Ông Peskov nêu rõ: “Tất nhiên, họ cũng thảo luận về tình hình xung quanh Ukraine, với trọng tâm là căng thẳng ngày càng gia tăng, mà chủ yếu do thế lực bên ngoài kích động. Một cuộc trao đổi đã diễn ra về vấn đề đảm bảo an ninh cho Nga, có tính đến tài liệu đã được chuyển cho các đối thủ phương Tây của chúng tôi hôm qua”.

Ông Peskov nhấn mạnh, việc thảo luận về đảm bảo an ninh của một nước phải suy xét lợi ích của tất cả các bên. Ngoài ra, ông cho hay, Moscow đang lo ngại tình hình ở khu vực Donbass - miền Đông Ukraine, và đánh giá tình hình tại đây rất nguy hiểm.

Trong cuộc họp báo, ông Peskov cũng bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga sẽ làm bùng phát hơn nữa căng thẳng với phương Tây. Người phát ngôn Tổng thống Nga khẳng định cuộc tập trận nằm trong quá trình huấn luyện thường xuyên và hoàn toàn minh bạch.

Trước đó, Nga thông báo sẽ tiến hành tập trận ngày 19/2. Điện Kremlin cho biết ông Putin có khả năng sẽ giám sát cuộc tập trận, trong đó có các vụ phóng tên lửa hành trình và đạn đạo. Tuy nhiên, ông Peskov không nêu thêm chi tiết. (Sputnik/Reuters)

Trung Quốc: Mỹ nên xem xét quan ngại của Nga về Ukraine

Ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Mỹ cần xem xét quan ngại của Nga và các nước khác về tình hình phức tạp hiện nay ở Ukraine.

Bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 17/2 về "kế hoạch xâm lược Ukraine của Nga" những ngày tới, ông Uông nói rằng Washington nên tránh đưa ra những bình luận có thể làm gia tăng căng thẳng tình hình.

Ông nhấn mạnh: “Mỹ chắc chắn không nên thực hiện các bước đi góp phần làm gia tăng đối đầu. Vấn đề Ukraine cần được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại, dựa trên những mối quan tâm chính đáng của các bên, trong đó có Nga”.

Người phát ngôn Uông Văn Bân cũng nêu bật sự cần thiết giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các thỏa thuận Minsk. Ông nói: “Hành động đe dọa, trừng phạt và gây sức ép là không đúng”. (TASS)

Australia lo ngại “điều tồi tệ nhất” đối với Ukraine

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 18/2 cho biết, báo cáo về các cuộc tấn công mạng ở Ukraine đã khiến ông “lo sợ điều tồi tệ nhất” đối với đất nước Đông Âu này, đồng thời cho rằng cuộc xâm lược của Nga “sắp xảy ra”.

Phát biểu tại họp báo vào chiều cùng ngày, ông Morrison nói: “Đây vẫn là một tình huống rất bất ổn. Chúng tôi thấy rất rõ ý định của các lực lượng Nga đang tập trung ở biên giới Ukraine. Chúng tôi đã xem các báo cáo về các cuộc tấn công mạng xảy ra ở Ukraine và đã thấy những nỗ lực tạo tiền đề cho một cuộc xâm lược".

Nhà lãnh đạo Australia nói thêm: “Một cuộc xâm lược Ukraine tất nhiên là điều sắp xảy ra. Tôi hy vọng điều đó không xảy ra, nhưng tôi nghĩ những gì chúng ta đang thấy khiến chúng ta sợ hãi điều tồi tệ nhất”.

Ông Morrison cũng nhận xét "cộng đồng quốc tế đang chuẩn bị cho cuộc xâm lược" và kêu gọi Trung Quốc "lên án các mối đe dọa từ Nga nếu muốn đóng một vai trò tích cực trong hòa bình toàn cầu". (ABC)

G7 thông báo họp trực tuyến về Ukraine

Ngày 18/2, Đức, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), thông báo lãnh đạo nhóm này sẽ họp trực tuyến vào ngày 24/2 tới, với chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một người phát ngôn Chính phủ Đức cho hay, các cuộc thảo luận trực tuyến sẽ là tiền đề cho một cuộc họp trực tiếp vào tháng 6 tới, song “cũng sẽ mở ra một cơ hội để trao đổi về các vấn đề hiện tại - đặc biệt là tình hình địa chính trị và đánh giá về tình hình ở các đường biên giới Nga-Ukraine”. (AFP)

Báo Mỹ: Tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine là “mưu kế” của Nga

Theo tờ Washington Post, Mỹ có thông tin tình báo cho thấy việc Nga tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine là "mưu kế" cố ý đánh lừa Washington.

Báo này dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Washington đã nhận được thông tin đáng tin cậy rằng tuyên bố của Nga (về việc rút quân) có thể là một phần của chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch nhằm đánh lừa đối phương”.

Bài báo nói thêm rằng hai nguồn tin Mỹ và một nguồn tin châu Âu đã xác nhận một cách riêng rẽ rằng họ cũng biết được thông tin này.

Ngày 17/2 vừa qua, có thông tin cho biết Mỹ không tin việc Nga rút hẳn quân khỏi biên giới Ukraine và dự báo thời điểm mới Nga sẽ tiến quân vào nước này là ngày 20/2. Báo Politico của Mỹ dẫn lời các nhà phân tích đưa ra thời điểm mới bắt đầu “chiến tranh Nga-Ukraine”. Báo này khẳng định thời điểm nói đến trước đó (ngày 16/2) là để "đánh lạc hướng" sự chú ý khỏi các mốc thời gian quan trọng hơn.

Nhà báo Michael Kofman chuyên đưa tin về Nga chỉ ra rằng chính những hành động của quân đội Nga sau khi kết thúc cuộc tập trận chung với Belarus ngày 20/2 sẽ giúp hiểu được ý định thực sự của Tổng thống Nga Putin. (Sputnik)

Đức-Nga

Đức xét xử nhà khoa học Nga bị cáo buộc làm gián điệp

Ngày 17/2, Đức đã đưa ra xét xử một nhà khoa học Nga, bị cáo buộc làm gián điệp cho Moscow khi đang công tác tại một trường đại học Đức. Vụ việc khoét sâu thêm mối quan hệ đang hết sức căng thẳng giữa Berlin và Moscow.

Bị cáo, được các công tố viên xác nhận là Ilnur N., bị bắt hồi tháng 6/2021 với cáo buộc chuyển thông tin cho phía Nga về các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đặc biệt là các giai đoạn phát triển khác nhau của tên lửa Ariane ở châu Âu. Chương trình Ariane của Cơ quan Vũ trụ châu Âu nghiên cứu một loạt tên lửa vận tải được chế tạo để vận chuyển các vật nặng, bao gồm cả vệ tinh vào vũ trụ.

Theo các công tố viên, từ cuối tháng 11/2019, Ilnur N. đã có “các cuộc họp định kỳ” với sĩ quan cấp cao của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) tại Đức. Ông bị cáo buộc đã nhận 2.800 USD tiền mặt để cung cấp thông tin cho phía Nga. Những thông tin này bao gồm nghiên cứu khoa học của ông Ilnur N. tại một trường đại học ở bang Bayern. Các công tố viên cho biết, ông Ilnur N. làm Trợ lý nghiên cứu tại khoa Khoa Tự nhiên và Công nghệ của trường đại học trên.

Trước đó, báo Bild xác nhận nghi phạm là Ilnur Nagaev. Hồ sơ của anh ta không được hiển thị trên trang web của trường Đại học Augsburg, nơi đã khẳng định nghi phạm làm việc ở đó vào thời điểm bị bắt tháng 6/2021.

Tuy nhiên, một tài khoản chưa được xác nhận, lấy tên nghi can trên ứng dụng LinkedIn cho biết, Ilnur từng là kỹ sư nghiên cứu tại Viện Luyện kim Baikov của Nga vào năm 2013 trước khi chuyển đến Đức vào năm 2016 để thực tập tại Viện Fraunhofer thuộc trường đại học Augsburg chuyên về kết cấu nhẹ. (DW)

Anh

Anh tiến thêm bước mới trong tiến trình tham gia CPTPP

Ngày 18/2, Nhật Bản thông báo, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí để Anh thúc đẩy nỗ lực tham gia hiệp định này, trong bối cảnh London tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo của Văn phòng Nội các Nhật Bản, nước đứng đầu nhóm công tác đàm phán kết nạp thành viên mới của CPTPP, các nước thành viên đã nhất trí rằng Anh có thể tiến hành giai đoạn đàm phán tiếp theo để tham gia hiệp định này.

Dự kiến, Anh sẽ đệ trình đề nghị tiếp cận thị trường, chẳng hạn như thuế quan, với các nước thành viên CPTPP trong 30 ngày tới. Thông báo nêu rõ: “Các bước tiếp theo đang được điều phối giữa các thành viên CPTPP và Vương quốc Anh.”

Tháng 6/2021, Anh đã khởi động đàm phán tham gia CPTPP, hiệp định mà nước này xem là chìa khóa trong chiến lược xoay trục khỏi châu Âu hậu Brexit và hướng tới các nền kinh tế xa hơn về mặt địa lý, nhưng phát triển nhanh hơn. (Reuters)