Biểu tình phản đối chiến tranh ở Quảng trường Độc lập, thủ đô Kiev, Ukraine ngày 12/2. (Nguồn: CNN) |
Mỹ và đồng minh, một mũi tên nhằm nhiều đích
Cuộc chiến tranh thông tin về căng thẳng Ukraine-Nga do Mỹ và phương Tây khởi xướng đang vào hồi cao trào. Có cả “dàn đồng ca”, gồm nhà cầm quyền, quan chức, tướng lĩnh, chuyên gia, trên truyền thông, trong hội nghị, trên diễn dàn Liên hợp quốc.
Mọi động thái của Nga đều được quy là chuẩn bị chiến tranh. Cảnh báo, đe dọa xuất hiện với tần suất dày đặc. Không chỉ nói nhiều, mà thông tin rất cụ thể, vẽ ra các kịch bản tạo cớ, ngày giờ, kế hoạch, phương án tiến công... Ảnh vệ tinh, tin tình báo, tuyên bố của quan chức được viện dẫn để tăng độ tin cậy.
Mỹ và phương Tây nói như đinh đóng cột là chiến tranh sẽ nổ ra vào trung tuần hoặc cuối tháng 2. Đó là thời điểm các cuộc diễn tập của Nga ở Crimea, Biển Đen, Biển Baltic, Belarus đang và sẽ kết thúc, muộn nhất ngày 20. Mỹ và đồng minh đánh giá, Nga đã hoàn tất kế hoạch, lực lượng, vũ khí, chỉ cần phát lệnh là 3 hướng tấn công sẽ tiến vào Ukraine.
Hàng chục nước phương Tây khuyến cáo công dân rời Ukraine, chuẩn bị sơ tán nhân viên Đại sứ quán. Mỹ, Anh lệnh rút quân nhân đang có mặt hoạt động ở Ukraine. Hàng ngàn tấn vũ khí của Mỹ, NATO ùn ùn đến Ukraine. Mỹ đặt 8.500 quân vào trạng thái sẵn sàng, điều động binh sĩ, vũ khí hiện đại, cả tên lửa, siêu tiêm kích F35-A đến Đức, Romania, Ba Lan. NATO tăng cường lực lượng phòng thủ, răn đe trên hướng Đông. Không chỉ Ukraine mà cả châu Âu nóng hầm hập.
Câu nói của Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Joseph Goebbels, cách đây gần 80 năm, sự thật là những điều không có thật (dối trá) được lặp lại rất nhiều lần, đang được áp dụng trong cuộc chiến truyền thông. Động thái đẩy căng thẳng lên cao, khiến dư luận tin Nga đang sẵn sàng chiến tranh là một mũi tên nhằm nhiều đích.
Thứ nhất, kích động làn sóng phản đối quốc tế mạnh mẽ, bó tay, cô lập cao độ, đẩy Nga vào thế bị động, khó khăn. Thứ hai, làm mất tính bất ngờ và chặn mọi lý do biện minh cho hành động quân sự của Nga. Thứ ba, tạo điều kiện để tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở Đông Âu. Thứ tư, hàn gắn rạn nứt nội bộ trong chính sách đối phó Nga. Thứ năm, được tiếng ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình. |
Cội nguồn căng thẳng
Mỹ và phương Tây quả quyết việc Nga duy trì gần 150.000 quân gần biên giới Ukraine, tiến hành liên tiếp các cuộc diễn tập quân sự là nhân tố làm bùng phát căng thẳng. Theo họ, một nước đưa nhiều quân tới biên giới, nhằm vào nước khác là động thái bất thường, đe dọa xung đột, chiến tranh.
Lập luận thế cũng là chuyện thường. Nhưng nhiều năm nay, Mỹ vẫn duy trì lực lượng, vũ khí tiến công chiến lược ở châu Âu, tiếp tục triển khai ở các nước thành viên NATO mới và khởi xướng kết nạp Ukraine. Vòng vây dần áp sát xung quanh Nga, là điều khó chối cãi. Đặt trong bối cảnh đó, hành động của Nga cũng được xem là bước đáp trả tương ứng.
Thông tin không được chính thức xác nhận nói Nga có thể phản ứng bằng cách triển khai lực lượng, tên lửa chiến lược ở một số nước khác, như Cuba, Venezuela… Mới nghe, Mỹ đã nhảy dựng lên phản đối, cảnh báo. Có thể coi đó như một phản đề về tiêu chuẩn kép, được với người này, nhưng không được với người khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nếu được kết nạp vào NATO, Ukraine sẽ tấn công Crimea, Donbass, buộc Nga phải đáp trả. NATO sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh tổng lực khủng khiếp mà không ai giành thắng lợi.
Bằng cách cắt lát sự kiện, Mỹ và NATO quy kết Nga là nguyên nhân gây căng thẳng. Nhưng xét một cách tổng thể, toàn diện, không khó để thấy cội nguồn căng thẳng là ở đâu. Bởi an ninh của một, một số quốc gia, không thể tách rời an ninh của các quốc gia khác. Đó là điều Nga mong muốn.
Câu nói của Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Joseph Goebbels, cách đây gần 80 năm, sự thật là những điều không có thật (dối trá) được lặp lại rất nhiều lần, đang được áp dụng trong cuộc chiến truyền thông. |
Đối thủ khó đoán, khó lường
Động thái quân sự gần đây của Nga và tuyên bố cứng rắn về “lằn ranh đỏ”, đưa ra gói điều kiện bảo đảm an ninh…, làm cả Mỹ và châu Âu náo động. Tiền, vũ khí xuất ra, quân đội trong trạng thái sẵn sàng.
Cùng với đó là chiến dịch ngoại giao con thoi, các cuộc điện đàm của Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh và nhiều quan chức cấp cao khác nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine. Như vậy, Mỹ và đồng minh cũng đang căng thẳng.
Tuyên bố không đưa quân trực tiếp tham chiến, rút cố vấn, nhân viên quân sự khỏi Ukraine và một số nước thành viên NATO không muốn viện trợ vũ khí cho Kiev, phần nào cho thấy Mỹ và đồng minh cũng lo ngại chiến tranh với Nga.
Giữa một số thành viên NATO, EU dấy lên tranh cãi về việc Nga chuẩn bị chiến tranh, hay chỉ gây áp lực. Một số chính khách, chuyên gia nói Mỹ thổi phồng nguy cơ chiến tranh, gây căng thẳng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, mục đích chính của Nga là đạt được một thỏa thuận an ninh tốt hơn với phương Tây và chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ phát động chiến dịch tấn công Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói tình hình rất nguy hiểm, nhưng một số bộ trưởng lại cho rằng Nga chưa quyết định tấn công Ukraine và có thể không bao giờ làm điều này.
Động thái của Nga làm lộ rõ “vết rạn” trong lòng NATO, EU.
Trong khi Mỹ và đồng minh đang phấp phỏng nhìn thời gian nhích dần mốc 15-16/2, thì Bộ trưởng Quốc phòng Nga bất ngờ thông báo rút một phần lực lượng quân đội ở Crimea của Quân khu Nam và Quân khu Tây ở gần biên giới về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập.
Đó không khác gì quả bom gây bất ngờ cho Mỹ, phương Tây. Nó vừa thể hiện thiện chí, nói là làm của Nga; vừa là đòn ám chỉ tuyên bố của Mỹ và đồng minh về ngày bùng nổ chiến tranh, 15-16/2 là câu chuyện dối trá ngày “cá tháng Tư”.
Cùng với chủ động rút bớt lực lượng gần biên giới, bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán, Bộ Ngoại giao Nga công khai văn bản hồi đáp, cảnh báo sự phớt lờ yêu cầu bảo đảm an ninh của Mỹ và hành động quân sự của Ukraine ở Donbass.
Tổng thống Vladimir Putin tạm treo dự luật của Hạ viện Nga yêu cầu công nhận các vùng ly khai ở miền Đông Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bất ngờ xuất hiện tại Syria trùng thời gian diễn quân sự ở Địa Trung Hải.
Mỹ và NATO chủ động khởi xướng cuộc chiến thông tin, chiếm ưu thế đông quốc gia, nhiều công cụ. Nhưng thực tế cho thấy Nga sẵn sàng nhiều phương án, là đối thủ khó đoán, khó lường. Nga không dễ bị cuốn theo kịch bản của Mỹ và đồng minh.
Lợi thế, quyền chủ động không hoàn toàn nằm trong tay Mỹ và NATO. Nga không chỉ dừng ở mức yêu cầu Mỹ, NATO chịu lắng nghe, mà còn cho đối phương thấy rủi ro nếu phớt lờ yêu cầu bảo đảm an ninh của mình.
Động thái rút một phần lực lượng của Nga là một bước đi chủ động, thiện chí giảm căng thẳng, chuyển quả bóng sang sân đối phương. (Nguồn: TASS) |
Câu chuyện tiếp theo
Động thái rút một phần lực lượng của Nga không thể hiện thế yếu, mà là một bước đi chủ động, thiện chí giảm căng thẳng, chuyển quả bóng sang sân đối phương. Mỹ và đồng minh tiếp nhận một cách thận trọng, với những ý kiến trái chiều. Họ nói chưa thấy chứng cớ rút quân, là đòn tung hỏa mù, thậm chí còn tăng thêm quân, khẳng định căng thẳng chưa giảm.
Có chuyên gia cho rằng, dù Nga rút quân về căn cứ, thì việc cơ động lực lượng đến Ukraine cũng không mấy khó khăn. Chiến dịch không vận 3 ngày đưa hàng nghìn quân đến Kazakhstan đầu tháng 1 chứng tỏ khả năng cơ động rất cao của Nga.
Với cục diện và tương quan thế lực hiện nay, cuộc chiến tranh tổng lực, nếu xảy ra, sẽ quá rủi ro, tổn thất đến mức hủy diệt, không ai chắc chắn giành thắng lợi. Tình hình đó đòi hỏi các bên nhận thức lại khái niệm an ninh không tách rời. Thời thế không dễ áp đặt, buộc đối phương chấp nhận mọi điều kiện, yêu sách của mình.
Chiến dịch ngoại giao con thoi chưa mang lại kết quả đáng kể, nhưng cũng le lói tia sáng cuối đường hầm. Quan trọng nhất là các bên vẫn muốn tiếp tục đối thoại, đàm phán. Nga đã đi bước nhỏ đầu tiên. Việc rút quân không khó kiểm chứng. Đến lượt Mỹ và đồng minh có hành động tương ứng.
Cần tiếp tục những động thái giảm căng thẳng, tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh, trong đó có tạm đóng băng việc NATO kết nạp Ukraine và tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận Minsk về giải quyết xung đột ở vùng Donbass. Mỹ, NATO ngừng cung cấp, rút vũ khí, cố vấn, dừng các cuộc diễn tập quân sự với Ukraine, đồng thời Nga tiếp tục giảm bớt lực lượng gần biên giới. Các hành động này cần minh bạch và giám sát quốc tế.
Nếu các bên thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Minsk năm 2015, trong đó có công nhận quyền tự trị của vùng Donbass, sẽ tự nhiên tạo cái chốt tạm ngăn giấc mơ của Ukraine mà NATO không phải công khai từ bỏ nguyên tắc. Chính một lãnh đạo phương Tây đã yêu cầu Kiev công khai cam kết không tấn công lực lượng li khai ở Donbass và bắn tin việc kết nạp Ukraine sẽ không diễn ra trong tương lại gần.
Các bước đi đầu tạo không khí thuận lợi, lòng tin để đàm phán về kiểm soát triển khai lực lượng, tên lửa ở châu Âu, minh bạch các hoạt động quân sự, xây dựng cấu trúc an ninh mới phù hợp, mang lại lợi ích chung cho các nước.
Điều này rất cần thiết, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, vì liên quan đến lợi ích, vị thế, chiến lược, chính sách đối ngoại và đối nội của các nước, nhất là nước lớn.
Vượt qua chính mình là điều rất khó khăn. Cuộc đấu trí, đấu lực sẽ kéo dài, cả năm 2022 và có thể hơn. Nhưng ít nhất, khi các bên chấp nhận ngồi đàm phán thì nguy cơ chiến tranh tạm thời bị đẩy lui.
| Căng thẳng Nga-Ukraine: Đống đổ nát sau đợt pháo kích tại khu vực phía Đông Ukraine Ngày 17/2, tình hình căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục "nóng" lên, khi quân đội Ukraine tố cáo lực lượng ly khai miền Đông bắn đạn ... |
| Căng thẳng Nga-Ukraine: Khi người Nga dùng chiến thuật của Mỹ ‘Miệng hố chiến tranh’, chiến thuật Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Lạnh đã một lần nữa xuất hiện, nhưng là dưới tay Nga tại ... |