Nga thông báo, gần 1.000 binh sĩ Ukraine ở nhà máy Azovstal đã ra đầu hàng. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga thông báo gần 1.000 binh sĩ Ukraine ở Azovstal ra hàng: Sáng 18/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, từ 16/5, có 959 quân nhân Ukraine và đơn vị Azov - vốn cố thủ trong nhà máy luyện kim Azovstal ở thành phố Mariupol, miền Nam Ukraine - đã ra hàng.
Tổng cộng, có 80 tay súng bị thương ra hàng. Những quân nhân bị thương thuộc Các lực lượng vũ trang Ukraine đã được đưa vào điều trị tại bệnh viện ở Novoazovsk của khu vực ly khai Donetsk.
Trước đó, Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk cho biết, nước này sẽ đàm phán với Nga về việc trao đổi các quân nhân Ukraine từ Azovstal để lấy các tù binh Nga. Các đại diện chính thức của Liên bang Nga vẫn chưa nói rõ ràng về quy chế dành cho các quân nhân Azov bị bắt và không đảm bảo việc trao đổi tù binh.
Cùng ngày, truyền thông địa phương đưa tin, lãnh đạo vùng Donetsk Denis Pushilin cho biết, một tòa án sẽ quyết định số phận của các tay súng Ukraine đầu hàng ở nhà máy Azovstal.
Tuy nhiên, theo ông Pushilin, các chỉ huy hàng đầu của Ukraine ở nhà máy Azovstal hiện vẫn đang cố thủ bên trong nhà máy và chưa đầu hàng. (Reuters)
* Nga không cho phép bùng nổ Thế chiến III, theo tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev.
Ông Medvedev gọi lá chắn hạt nhân của Nga là một kho vũ khí hiện đại, đáng tin cậy và hiệu quả, “thậm chí ngày nay còn dập tắt tham vọng của những kẻ sẵn sàng khơi mào Thế chiến III bằng tay mình hoặc tay kẻ khác”. (TASS)
* Lãnh đạo Ukraine, Pháp và Đức điện đàm riêng rẽ trong ngày 17/5 về tình hình ở chiến tuyến, triển vọng hòa bình và các biện pháp trừng phạt hơn nữa của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga liên quan xung đột tại Ukraine.
* Ukraine nêu điều kiện về lệnh ngừng bắn với Nga: Ngày 17/5, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn lời thành viên của phái đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak tuyên bố, Kiev sẽ không nhất trí về một lệnh ngừng bắn với Nga nếu Moscow không rút quân.
Ông cũng bác bỏ khả năng Ukraine sẽ ký một thỏa thuận với Nga tương tự như các thỏa thuận hòa bình Minsk, cho rằng, điều này chỉ dẫn tới cuộc xung đột tạm thời "bị đóng băng" chứ không phải nền hòa bình bền vững.
* ICC cử nhóm điều tra lớn nhất đến Ukraine: Công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan thông báo, ngày 17/5, Tòa án này đã cử một nhóm gồm 42 nhà điều tra, chuyên gia pháp y và nhân viên hỗ trợ đến Ukraine để điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Đây là đợt cử phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay của ICC đến hiện trường, kể từ khi tòa này thành lập. (AFP)
NATO
* Phần Lan, Thụy Điển chính thức nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong ngày 18/5 tại trụ sở của liên minh.
Việc thiết lập quá trình gia nhập dự kiến mất vài tuần, trong khi để nhận được phê chuẩn từ tất cả 30 quốc hội của các nước trong liên minh có thể mất tới một năm.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phản đối hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. (Reuters)
* NATO trông đợi nhanh chóng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18/5 tuyên bố, liên minh quân sự này đang trông đợi "những bước đi nhanh chóng" để chính thức hóa quy chế thành viên của Thụy Điển và Phần Lan, sau khi họ đệ đơn xin gia nhập khối.
Tổng thư ký Stoltenberg nêu rõ: "Lá đơn của các bạn hôm nay là bước đi lịch sử. Các đồng minh sẽ xem xét bước đi tiếp theo. Lợi ích an ninh của tất cả các nước đồng minh phải được tính đến. Chúng tôi mong muốn xem xét tất cả các vấn đề và đạt được quyết định nhanh chóng".
Ông tái khẳng định quan điểm của NATO rằng, “mọi quốc gia đều có quyền tự quyết định con đường của mình”, đồng thời nhấn mạnh: "Hai nước đã thực hiện sự lựa chọn sau khi trải qua các quy trình dân chủ. Tôi nồng nhiệt hoan nghênh đề nghị của Phần Lan và Thụy Điển".
Theo ông Stoltenberg, tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu trong NATO sẽ củng cố an ninh chung. (Sputnik)
* Áo tái khẳng định lập trường trung lập: Ngày 18/5, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg khẳng định, nước này sẽ duy trì lập trường trung lập, kể cả khi các đồng minh EU - Thụy Điển và Phần Lan - điều chỉnh lập trường hàng thập kỷ qua trong chính sách đối ngoại và nộp đơn xin gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Schallenberg nhấn mạnh: "Tình hình đối với chúng tôi dường như hơi khác một chút", chỉ ra đa số công chúng ủng hộ lập trường trung lập của Áo.
Theo ông Schallenberg, Áo - quốc gia với 80% tỷ trọng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga - sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine thay vì vũ khí sát thương. (Reuters)
Châu Âu:
* Nga hé lộ chiến thuật mới về thanh toán nợ nước ngoài: Ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay, Moscow sẽ thực hiện nghĩa vụ nợ nước ngoài của mình bằng đồng Ruble nếu Mỹ phong tỏa các lựa chọn khác.
Quan chức Nga nhấn mạnh, nước này sẽ không rơi vào tình trạng vỡ nợ vì nước này có tiền để trả các khoản nợ của mình.
Tuyên bố trên được đưa ra nhằm phản ứng thông tin trước đó cho rằng, Washington đang xem xét việc chặn khả năng thanh toán của Moscow cho các trái chủ Mỹ thông qua việc áp đặt hạn chót được hưởng quyền miễn trừ quan trọng là tuần tới. (Reuters)
* Nga chào bán hệ thống vũ khí laser thế hệ mới: Ngày 18/5, Nga đã chào hàng hệ thống vũ khí laser di động thế hệ mới được Tổng thống Vladimir Putin công bố lần đầu tiên vào năm 2018.
Hệ thống trên được đặt tên là Peresvet, nó có thể "làm mù" các vệ tinh ở độ cao 1.500 km so với Trái đất. Trong một thử nghiệm Peresvet đã đốt cháy một chiếc máy bay không người lái cách đó 5 km trong vòng 5 giây. (Reuters)
* Nga triệu Đại sứ Pháp tới làm việc: Ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu Đại sứ Pháp tại Moscow Pierre Levy tới làm việc để bày tỏ sự phản đối liên quan quyết định của Paris tuyên bố 41 nhân viên ngoại giao Nga tại Pháp là “những người không được hoan nghênh”.
Bộ trên cho biết, Moscow đã quyết định trục xuất 34 nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao Pháp tại Nga để trả đũa.
Những nhân viên ngoại giao phải rời khỏi lãnh thổ Nga trong vòng hai tuần kể từ ngày gửi công hàm cho Đại sứ”. (Reuters)
* Nga trục xuất 24 nhà ngoại giao Italy: Ngày 18/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Moscow sẽ trục xuất 24 nhân viên Đại sứ quán Italy tại Nga để trả đũa động thái tương tự của Rome.
Bộ trên đã triệu Đại sứ Italy tại Nga Giorgio Starace để thông báo về quyết định trên. (Sputnik)
* Moldova tạm gác lại vấn đề Transnistria: Ngày 17/5, Chủ tịch Quốc hội Moldova kiêm lãnh đạo đảng Hành động và đoàn kết ủng hộ châu Âu Igor Grosu cho biết, nước này quay trở lại giải quyết vấn đề Transnistria sau khi tình hình ở Ukraine được giải quyết.
Theo ông, nguyên nhân là do các cuộc đàm phán theo định dạng 5+2 (Moldova, Transnistria, OSCE, Nga, Ukraine và các quan sát viên từ Mỹ và EU) về Transnistria đã bị đình chỉ và sẽ "thật sai lầm khi đề xuất bất kỳ giải pháp nào trong tình hình này". (TASS)
* Serbia chịu sức ép lớn vì không trừng phạt Nga: Ngày 17/5, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cáo buộc, nước này phải hứng chịu gần 100 lời đe dọa đánh bom khi từ chối trừng phạt Nga liên quan xung đột Ukraine.
Các lời đe dọa qua email đã được gửi tới hơn 90 trường học và các địa điểm trong đó có Phủ Tổng thống, các trung tâm mua sắm, nhà hàng, vườn thú Belgrade và một sân vận động bóng đá.
Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin cho biết, lời đe dọa đánh bom là "một phần của chiến tranh đặc biệt" chống Serbia, đồng thời cho biết thêm cảnh sát, trực thuộc Bộ của ông, đang điều tra. (Reuters)
* Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic vào ngày 17/5, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và phương Tây do cuộc xung đột ở Ukraine. (AFP)
* Nga để ngỏ việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Armenia, Azerbaijan, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko. (AFP)
Đông Bắc Á
* Triều Tiên không phản hồi đề nghị hỗ trợ của Hàn Quốc về dịch Covid-19: Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 18/5 cho biết, sang tới ngày thứ ba, Triều Tiên vẫn không phản ứng trước đề xuất của Hàn Quốc về việc tăng cường sự giúp đỡ Bình Nhưỡng chống lại sự bùng phát Covid-19.
Bộ trên đã tìm cách gửi thông điệp tới Triều Tiên hôm 16/5 thông qua văn phòng liên lạc liên Triều để tổ chức các cuộc đàm phán và đề nghị hỗ trợ cung cấp vật tư y tế cho Bình Nhưỡng. (Yonhap)
* Mỹ-Hàn cảnh giác cao độ trước khả năng Triều Tiên thử ICBM, theo lời một quan chức giấu tên của Hàn Quốc ngày 18/5, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công du Đông Bắc Á.
Quan chức trên cho hay: "Giới chức tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đang tập trung chú ý vào những động thái liên quan trong khi duy trì trạng thái sẵn sàng vững chắc".
Trong khi đó, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho rằng, Triều Tiên sắp tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới, tuy nhiên Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân trong tuần này khi Tổng thống Biden thăm Seoul.
Ông cũng lưu ý, Mỹ đã sẵn sàng để huy động "các tài sản chiến lược" của quân đội trong trường hợp Triều Tiên có thêm hành động nghiêm trọng. (Yonhap)
* Bắc Kinh hối thúc chính quyền mới của Hàn Quốc giúp giảm bớt quan điểm chống Trung Quốc và tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Đề nghị được đưa ra trong cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin, vài ngày trước khi tân Tổng thống Yoon Suk-yeol có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tuần này.
Ngoại trưởng Trung Quốc nêu rõ: "Ngày nay, lợi ích cơ bản của Trung Quốc và Hàn Quốc là duy trì một khu vực cởi mở và hòa nhập, đề phòng nguy cơ xảy ra Chiến tranh Lạnh mới và phản đối sự đối đầu giữa các bên". Ông Vương đề nghị cả hai bên nỗ lực thúc đẩy hợp tác để giải quyết bất đồng. (SCMP)
* Trung Quốc thông báo thời điểm tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng BRICS: Ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngoại trưởng các quốc gia Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ nhóm họp vào ngày 19/5 tới.
Bên lề cuộc gặp này sẽ diễn ra cuộc đối thoại BRICS+ với ngoại trưởng từ các quốc gia thị trường mới nổi khác. (Reuters)
* Philippines khẳng định quan hệ với Trung Quốc: Sáng 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand Romualdez Marcos về quan hệ song phương và phát triển.
Ông Tập hối thúc cả hai nước tiếp tục duy trì tình hữu nghị song phương và giữ nguyên nguyện vọng ban đầu, đồng thời nên nắm bắt xu thế chung, vun đắp tình hữu nghị Trung Quốc-Philippines trong thời kỳ mới.
Về phía Philippines, Tổng thống đắc cử Marcos tuyên bố, quan hệ song phương giữa nước này với Trung Quốc sẽ được mở rộng và lên một tầm cao mới dưới thời chính quyền của ông, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh đã đưa ra đảm bảo rằng, nước này sẽ ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập của Manila. (Reuters, THX)
Châu Mỹ
* Tổng thống Guatemala tuyên bố không tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới ở Los Angeles, Mỹ.
Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei khẳng định: “Miễn là tôi còn làm Tổng thống, đất nước này sẽ được tôn trọng và chủ quyền quốc gia sẽ được tôn trọng”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ chính thức trừng phạt Tổng chưởng lý Guatemala Consuelo Porras vì tham nhũng, chỉ vài giờ sau khi bà được tái bổ nhiệm nhiệm kì thứ hai. (Reuters)
* Mỹ nới trừng phạt, đối thoại Venezuela nối lại: Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez đã tổ chức cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 10/2021 với Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Gerardo Blyde.
Động thái diễn ra chỉ vài giờ sau khi Mỹ công bố quyết định nới lỏng có giới hạn một số biện pháp trừng phạt Venezuela nhằm thúc đẩy tiến trình đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập ở quốc gia Nam Mỹ này. (Reuters)
* Mexico hoan nghênh Mỹ nới lỏng một số hạn chế với Cuba: Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 17/5 đã hoan nghênh các biện pháp được Mỹ công bố nhằm nới một số hạn chế trong chính sách nhập cư và lãnh sự với Cuba.
Nhà lãnh đạo Mexico cho rằng, quyết định của Washington là một sự tiến bộ, dù còn “hạn chế”. (Reuters)
Trung Đông
* Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen, trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Yemen và lực lượng Houthi sẽ hết hiệu lực trong 2 tuần tới.
Đặc phái viên LHQ về Yemen Hans Grundberg khẳng định, thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 tháng có hiệu lực từ ngày 2/4 đã tạo ra "tác động tích cực đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân Yemen", khi số dân thường thương vong cũng như các cuộc giao tranh giảm mạnh. (AFP)
* Israel sẽ sử dụng mọi loại vũ khí để ngăn chặn nguy cơ khủng bố từ Palestine, theo lời Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 17/5.
Ông Bennett nêu rõ: "Chỉ thị rất rõ ràng: tấn công khủng bố ở bất cứ địa điểm nào, bằng mọi loại vũ khí. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức cho IDF và cảnh sát Israel để tấn công khủng bố ở Jerusalem, Judea và Samaria và bất kỳ nơi nào khác". (The Jerusalem Post)
* Israel tập trận mô phỏng sử dụng lượng lớn máy bay để tấn công các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ quốc gia, trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay.
Theo Lực lượng Vũ trang Israel (IDF), cuộc tập trận này sẽ cho phép quân đội duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao tại khu vực luôn có nhiều biến động. Cuộc tập trận cũng nhằm nâng cao năng lực tác chiến của quân đội trong một cuộc chiến tranh ác liệt, diễn ra trên nhiều mặt trận và mọi khu vực biên giới của Israel. (Times of Israel)
Ấn Độ thử thành công tên lửa chống hạm nội địa
Thông cáo chính thức cho biết, ngày 18/5, Ấn Độ đã thử thành công tên lửa chống hạm hải quân đầu tiên được sản xuất trong nước, từ trực thăng Seaking 42B.
Vụ thử diễn ra trên các vùng biển ngoài khơi của Bãi phóng tích hợp (ITR), Balasore và bang Odisha ở miền Đông Ấn Độ.
Thông cáo xác nhận: "Vụ phóng này là một bước đi quan trọng hướng tới đạt được khả năng tự chủ trong công nghệ tên lửa và khẳng định cam kết của Hải quân Ấn Độ đối với vấn đề nội địa hóa". (India Today)