Ngày 18/7, 26 đảng tại Ấn Độ đã lập thành Liên minh đối lập với đảng BJP cầm quyền - Ảnh: Lãnh đạo đảng Quốc đại (CPP), bà Sonia Gandhi (giữa) và ông Mallikarjun Kharge (ngoài cùng bên phải) tại buổi họp của Liên minh các đảng đối lập ở Bengaluru, Ấn Độ. (Nguồn: ANI) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga tiến sâu vào Đông Bắc Ukraine, ngăn chặn thêm đợt tấn công Crimea: Ngày 18/7, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Quân đội Nga đã tiến sâu vào khu vực hạn chế ở mặt trận Kharkov, Đông Bắc Ukraine, gần Kupyansk, sau đợt tấn công thành công…Họ giành lợi thế tới 2 km dọc theo mặt trận này và tiến sâu tới 1,5 km”. Tuy nhiên, không rõ chiến dịch này diễn ra vào khoảng thời gian cụ thể nào.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga đã hạ 28 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trên bầu trời bán đảo Crimea. Giới chức Moscow khẳng định đợt tấn công này không gây thương vong hay thiệt hại. (AFP/Reuters)
* Nga sẽ đáp trả vụ tấn công ở Crimea: Trong cuộc họp tối ngày 17/7 về tình hình cầu bắc qua biển Kerch nối Krasnodar (Nga) với bán đảo Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Bộ Quốc phòng nước này đang chuẩn bị các đề xuất đáp trả.
Nhà lãnh đạo này cho rằng, vụ tấn công rạng sáng cùng ngày là hành động khủng bố, khiến cho một gia đình mất cha mẹ. Ông Putin chỉ thị cho Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và Ủy ban điều tra xem xét chi tiết vụ việc.
Trước đó, một vụ trên cây cầu bắc qua eo biển Kerch đã xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng 17/7. Ủy ban điều tra Nga đã khởi tố vụ án hình sự theo điều luật về hành động khủng bố. Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga cho biết hai xuồng không người lái đã làm nổ nhịp cầu. (TASS)
* Su-25 Nga rơi ở biển Azov: Trong tuyên bố trên mạng xã hội ngày 17/7, các quan chức địa phương cho hay một máy bay chiến đấu Su-25 của Nga đã rơi ở khu vực Biển Azov gần thị trấn Yeysk cùng ngày. May mắn thay, phi công đã kịp phóng ghế thoát hiểm. Các đoạn video chưa trên mạng xã hội cho thấy dường như một chiếc dù hạ xuống gần một bãi biển. Song các nguồn tin sau đó xác nhận phi công đã thiệt mạng sau khi nhảy dù. Yeysk là thị trấn nằm bên bờ biển Azov, bờ bên kia là khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Donetsk. (TASS)
* Ukraine kích hoạt hệ thống phòng không ở Odessa: Sáng ngày 18/7, cơ quan chức năng cho biết Ukraine đã kích hoạt hệ thống phòng thủ trên không ở thành phố Odessa, vài giờ sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ khu vực này. Trên Telegram, người phát ngôn của lực lượng quân đội Ukraine ở Odessa, ông Sergiy Bratchuk, cho hay: “Tác chiến phòng không tại Odessa, vẫn tiếp tục”.
Odessa là nơi có các bến cảng đóng vai trò quan trọng với thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen giữa Moscow và Kiev. Trên Telegram, người đứng đầu chính quyền quân quản Odessa, ông Oleg Kiper cho biết Nga đang “tấn công miền Nam Ukraine bằng UAV” và cảnh báo mọi người trú ẩn. Báo động không kích cũng được đưa ra ở Mykolayiv, Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, Kharkov, Dnipropetrovsk, Poltava, Kirovograd và Cherkasy. (AFP)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc cam kết xây dựng quan hệ ổn định với Mỹ: Ngày 18/7, tiếp nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho rằng xứ cờ hoa nên đưa ra đánh giá chiến lược hợp lý về cường quốc châu Á. Đồng thời, Bắc Kinh cam kết xây dựng quan hệ song phương ổn định, có thể dự đoán và mang tính xây dựng, đồng thời hy vọng Washington có thể hợp tác để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước. (Reuters)
Đông Nam Á
* Campuchia ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Thượng viện khóa V: Cụ thể, Điều 1, Quyết định số 54/SSR, ngày 18/7/2023 ký bởi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nêu rõ ấn định Chủ Nhật, ngày 25/2/2024 là ngày bầu cử Thượng viện khóa V. Theo quy định, Campuchia tổ chức bầu cử Thượng viện định kỳ 5 năm/lần. Cuộc bầu cử gần nhất diễn ra vào ngày 25/2/2018. (TTXVN)
* Đảng Vì nước Thái sẽ đề cử ứng viên thủ tướng Thái Lan: Ngày 18/7, bà Paetongtarn Shinawatra cho biết đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) sẽ đề cử ông Srettha Thavisin làm ứng cử viên thủ tướng. Tuy nhiên, bà cũng cho biết kịch bản này chỉ diễn ra nếu lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat một lần nữa không nhận được Hạ viện và Thượng viện chấp thuận ngày hôm sau. Ban lãnh đạo Pheu Thai sẽ họp bàn để đưa ra quyết định cuối cùng sau phiên họp quốc hội ngày 19/7. Bà lưu ý đảng này sẽ triển khai từng bước để không gây hoang mang dư luận.
Chính trị gia này cũng khẳng định trong số ba ứng cử viên thủ tướng đảng Pheu Thai đã đăng ký với Ủy ban bầu cử trước khi tổ chức tổng tuyển cử hôm 14/5, ông Srettha là người phù hợp nhất. Đáng chú ý, bà Paetongtarn, con gái cựu Thủ tướng Shinawatra, cũng là một trong ba ứng cử viên thủ tướng của đảng này.
Về phần mình, phát biểu một ngày trước thềm phiên bỏ phiếu thứ hai, ông Pita Limjaroenrat sẵn sàng giảm tốc độ chương trình cải cách đầy tham vọng của đảng Tiến bước. Tuy nhiên, ông sẽ không từ bỏ việc sửa luật cấm xúc phạm hoàng gia. Trước đó, Liên minh 8 đảng cũng cam kết ủng hộ ông Pita Limjaroenrat, bất chấp thất bại của ông trong phiên bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 13/7 với kết quả 324/750 phiếu. (Bangkok Post/Reuters)
Nam Á
* Ấn Độ: 26 đảng đối lập thành lập liên minh: Ngày 18/7, các nhà lãnh đạo đảng đối lập, trong đó có thủ lĩnh Sonia Gandhi của đảng Quốc đại đã tham gia cuộc họp này kéo dài 2 ngày ở thành phố miền Nam Bengaluru, bang Karnataka. Tại đây, các nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề như phân chia ghế, số lượng ghế tranh cử, cùng với một nghị trình chung cho cuộc bầu cử quốc hội năm 2024.
Cuối cuộc họp, 26 đảng đối lập ở Ấn Độ cho biết họ đã thành lập Liên minh hòa nhập phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) để đối đầu Đảng nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi trong bầu cử quốc hội năm tới. Liên minh bao gồm đảng Quốc đại, AAP, RJD, đảng Đại hội dân tộc, đảng Dân chủ nhân dân, đảng Cộng sản Ấn Độ Marsist (CPI – M), đảng Cộng sản Ấn Độ CPI)…
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch đảng Quốc đại, ông Mallikarjun Kharge nói: “Chúng tôi đang gạt bỏ các khác biệt chính trị sang một bên để cứu vãn nền dân chủ”. Tuy nhiên, ngay cả khi phe đối lập đoàn kết, đối đầu đảng BJP của ông Modi, vốn đã giành tới 300/543 ghế tại Hạ viện năm 2019, sẽ là thách thức lớn. Dự kiến, Liên minh INDIA sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo tại thành phố Mumbai. (TTXVN)
* Pakistan sớm giải tán chính phủ: Ngày 18/7, đài GeoTV (Pakistan) cho biết liên minh cầm quyền Pakistan đã đồng ý giải tán chính phủ sớm vào ngày 8/8. Bước đi này sẽ đưa Pakistan tiến gần hơn tới một cuộc tổng tuyển cử. Theo Hiến pháp, chính phủ liên minh dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm ngày 12/8 tới. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Tổng thống Hàn Quốc nêu thành quả công du châu Âu: Trong cuộc họp nội các ngày 18/7, ông Yoon Suk Yeol đã trình bày về thành quả ngoại giao trong chuyến thăm châu Âu kéo dài 8 ngày qua. Nhà lãnh đạo này Yoon cũng đã giải thích về lý do kéo dài thời gian công du và chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, nhấn mạnh rằng chuyến đi là thông điệp về sự đoàn kết và hy vọng gửi tới người dân Ukraine.
Thông qua cuộc hội đàm thượng đỉnh với hai người đồng cấp Ukraine và Ba Lan, Tổng thống Hàn Quốc đã thiết lập được một cơ chế hợp tác giữa Seoul, Warsaw và Kiev về tái thiết đất nước Đông Âu sau xung đột. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào dự án tái thiết Ukraine.
Ngoài ra, ông Yoon Suk Yeol đã mở rộng được chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác quân sự với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại họp Nội các, Tổng thống Yoon đã chỉ thị các bộ ngành hữu quan thực hiện các bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa những thỏa thuận đã đạt được. (Yonhap)
* UNC: Công dân Mỹ vượt ranh giới quân sự Triều Tiên: Ngày 18/7, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của Khu phi quân sự (DMZ), cho biết một công dân nước này đã vượt qua ranh giới quân sự ngăn cách hai miền một cách bất hợp pháp.
Theo UNC, người này đã tới Triều Tiên trong chuyến tham quan Khu vực an ninh chung ở DMZ và được cho là đang bị Bình Nhưỡng giam giữ. UNC không nêu chi tiết về giới tính hay các thông tin khác. UNC nêu rõ: “Chúng tôi... đang làm việc với đối tác trong quân đội Triều Tiên để giải quyết vụ việc này”. (Yonhap)
Châu Âu
* Tổng thống Nga chỉ thị điều chỉnh Chiến lược chính sách quốc gia: Ngày 17/7, theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị điều chỉnh Chiến lược chính sách quốc gia của Nga đến năm 2025, có tính đến các khu vực nước này đã tuyên bố sáp nhập. Chỉ thị này của Tổng thống đã được trao cho Chính phủ Nga cùng với Hội đồng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga về quan hệ giữa các sắc tộc. Trước đó, Tổng thống Putin khẳng định nước Nga sẽ chỉ tiến lên theo cách riêng của mình song không tự cô lập mình với bất kỳ ai. (TASS)
* Nga cảnh báo về vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, châu Âu nói gì? Phát biểu ngày 18/7, Điện Kremlin cảnh báo việc vận chuyển ngũ cốc từ các cảng Ukraine trên Biển Đen mà không có bảo đảm an ninh của Nga sẽ tiềm ẩn nguy cơ, bởi Kiev sử dụng các vùng biển này cho các hoạt động quân sự. Trước đó, phản ứng trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể bảo vệ tàu chở ngũ cốc của Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow cũng bác bỏ chỉ trích của Washington về việc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, hay Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Ông khẳng định Nga sẽ tiếp tục cung cấp ngũ cốc cho các nước nghèo.
Về phần mình, chia sẻ trên đài truyền thanh RTS (Thụy Sỹ), ông Pierre-Yves Perrin, người đứng đầu Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ, cho biết: “Thụy Sỹ không hứng chịu quá nhiều tác động, song chúng ta có thể nhận thấy những khó khăn trong việc vận chuyển và hậu cần. Chúng tôi đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung”.
Liên quan tới nguy cơ thiếu ngũ cốc cho động vật trong giai đoạn tới, quan chức này cũng đánh giá: “Đây là vấn đề sẽ trở nên khó khăn nhất trong những tuần tới. Dù khá phức tạp, song chúng tôi tin rằng Thụy Sỹ sẽ nhận đủ số lượng cần thiết”.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cảnh báo Nga “đang sử dụng ngũ cốc như một loại vũ khí”. Đồng thời, ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giúp cải thiện các hoạt động hậu cần, trong bối cảnh ngũ cốc Ukraine sẽ bắt đầu được xuất khẩu nhiều hơn qua biên giới sau mùa gặt.
Về phần mình, ngày 17/7, trong thông báo đăng tải trên Twitter, Bộ Ngoại giao Áo đã hối thúc Nga duy trì thỏa thuận: “Chúng tôi đề nghị Nga nhất trí gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Đây là thỏa thuận quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu và mang tới hàng triệu tấn ngũ cốc, hạt giống cho những ai cần”. (AFP/Reuters/TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Iran: Mỹ gây bế tắc trong đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân: Ngày 17/7, bình luận về đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho rằng Mỹ đã nhân tố cản trở đàm phán và gây leo thang căng thẳng ở vùng Vịnh.
Song quan chức Iran cho biết hiện cánh cửa vẫn “mở” và việc khôi phục JCPOA có thể được tiếp tục qua kênh ngoại giao. Theo ông, Mỹ cần thể hiện sự quyết tâm và đưa ra quyết định chính trị “dứt khoát” cho mục tiêu này. (Tân Hoa xã)
* Tổng thống Israel lên đường thăm Mỹ: Ngày 17/7, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ theo lời mời của người đồng cấp chủ nhà Joe Biden.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 18/7, ông Herzog sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức cấp cao khác ở Washington.
Tổng thống Israel Herzog cũng sẽ phát biểu trước phiên họp toàn thể của Quốc hội Mỹ. Dự kiến, Chuyến thăm của Tổng thống Isaac Herzog sẽ kết thúc vào ngày 22/7, sau khi tới New York để gặp gỡ Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, lãnh đạo thành phố này cùng các thành viên của cộng đồng Do Thái.
Chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Isaac Herzog được đặc biệt chú ý trong bối cảnh xuất hiện những căng thẳng liên quan đến quan hệ Israel-Iran và tranh chấp chính trị nội bộ của Israel. Trước thềm chuyến thăm của ông Herzog, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và mời nhà lãnh đạo Israel thăm xứ cờ hoa sau thời gian dài chờ đợi. (The Times of Israel)