Mỹ-Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản đầu tư về kinh tế để mở rộng ảnh hưởng về chính trị.
“Chúng tôi đã quan sát các khoản đầu tư của Trung Quốc tại các nước và tất cả ban đầu dường như đều tuyệt vời, nhưng sau đó mọi thứ đều thất bại khi cái giá chính trị liên quan tới các khoản đầu tư đó trở nên rõ ràng. Trung Quốc thường thực hiện theo những cách trái ngược với những giá trị mà chúng tôi được nghe từ (Tổng thống Suriname Chan Santokhi), những thứ được cho là tốt nhất cho người dân Suriname”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong chuyến thăm tới Suriname hôm 17/9.
Ông Pompeo cho biết Mỹ hoan nghênh sự cạnh tranh thực sự của Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh đó không thường xuyên xảy ra dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. (Sputnik)
Mỹ chi 350 tỷ USD để đối phó Trung Quốc?
Phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ hôm 17/9 đã công bố một dự luật 350 tỷ USD nhằm đối phó Trung Quốc.
Dự luật có tên America LEADS Act, xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều năm. Cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa đều có chung quan điểm rằng Trung Quốc đã trở thành một mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu cũng như lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.
Trước đó, trong tháng 7, phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã công bố dự luật tương tự nhằm đối phó Trung Quốc.
Lý do Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ chức
Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad xác nhận ông sẽ từ chức và trở về Mỹ để đầu quân cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
"Con trai tôi đã tham gia tích cực vào chiến dịch. Và tôi cũng sẽ trở thành một tình nguyện viên để hỗ trợ ông ấy... nhưng sẽ chỉ hoàn toàn là một tình nguyện viên", Đại sứ Branstad cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Phoenix TV ngày 17/9.
Đây là bình luận đầu tiên của nhà ngoại giao 73 tuổi sau khi truyền thông Mỹ dẫn nguồn thạo tin hồi đầu tuần cho biết, ông quyết định từ chức và rời Bắc Kinh vào đầu tháng 10. (Reuters)
Belarus tái khẳng định tính hợp pháp của cuộc bầu cử Tổng thống
Ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Belarus ra tuyên bố khẳng định việc Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết không công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống của nước này khi ông mãn nhiệm vào tháng 11 tới và đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, là hành động gây hấn và không mang tính xây dựng.
Tuyên bố nêu rõ nước này thất vọng khi EP lại đưa ra nghị quyết trên khi chưa hiểu về những diễn biến tại Belarus. Bộ trên cũng nhấn mạnh việc kêu gọi trừng phạt và từ chối các mối quan hệ vì lợi ích của người dân châu Âu và Belarus sẽ gây ra nhiều tổn hại. (Sputnik)
Tổng thống Lukashenko thẳng tay "trảm" một số Đại sứ
Theo cổng thông tin Tut.By, ngày 17/9, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã miễn nhiệm Đại sứ nước này tại Latvia Vasily Markovich "vì thực hiện không đúng chức trách”.
Không có thông tin gì về việc ông Markovich có ủng hộ các cuộc biểu tình hay không, tuy nhiên, quan hệ giữa Minsk và Riga đã xấu đi vì Latvia chỉ trích cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/8 ở Belarus và các cuộc biểu tình nổ ra sau đó.
Bộ Ngoại giao Latvia ngày 18/8 đã triệu kiến ông Markovich để trao công hàm phản đối liên quan đến việc cảnh sát bắt giữ các công dân Latvia ở Belarus, đồng thời yêu cầu ông giải thích việc Tổng thống Lukashenko cáo buộc Riga tài trợ cho phe đối lập.
Ngoài ra, Tổng thống Lukashenko quyết định tước hàm ngoại giao của các cựu Đại sứ Belarus tại Pháp Pavel Latushko và Slovakia Igor Leshchenya - những người đứng về phe đối lập - với lời buộc tội "thực hiện các hành vi bôi nhọ cơ quan (ngoại giao) nhà nước”. (Sputnik)
Ấn Độ-Trung Quốc
Binh sĩ Ấn, Trung bắn hàng trăm phát đạn cảnh cáo ở biên giới
Reuters ngày 17/9 dẫn lời một số quan chức giấu tên của Ấn Độ tiết lộ, kể từ cuối tháng 8 đã có 3 lần xảy ra nổ súng cảnh cáo khi lực lượng Ấn - Trung chạm trán ở khu vực tranh chấp biên giới.
“Mọi trường hợp đều là bắn chỉ thiên và may mắn không phải nổ súng qua lại”, một quan chức tiết lộ với Reuters. Một trong các vụ nổ súng từ cuối tháng 8, một vụ đụng độ ở hồ Pangong Tso xảy ra chỉ 2 ngày trước cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 10/9.
Vụ nổ súng ngày 7/9 được chính phủ hai nước mô tả là lần đầu tiên xảy ra nổ súng ở khu vực tranh chấp biên giới trong 45 năm qua. Bắc Kinh và New Delhi trong nhiều thập kỷ đã cam kết không sử dụng vũ khí nóng ở khu vực tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya.
Indian Express ngày 16/9 tiết lộ vụ nổ súng xảy ra ở phía Bắc hồ Pangong Tso. Một quan chức cấp cao Ấn Độ nói các bên đã bắn chỉ thiên 100-200 phát đạn. Đụng độ xảy ra khi các bên cạnh tranh quyền kiểm soát một khu vực của vùng hồ. Đến nay, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều không xác nhận vụ việc. (Reuters)
Trung Quốc phản pháo Ấn Độ về căng thẳng biên giới
Ngày 14/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, trong cuộc xung đột nảy lửa tại thung lũng Galwan ngày 15/6, phía Trung Quốc đã phải chịu tổn thất thương vong rất nặng nề.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến ngày 17/9 lại nói rằng, trong cuộc xung đột đó, số binh sĩ Trung Quốc thương vong ít hơn nhiều so với đối phương.
"Tổng cộng 20 binh sĩ Ấn Độ thương vong, trong đó rất nhiều người bị thương nhưng không được chữa trị nên thiệt mạng vì lạnh. Tất nhiên, dù một người lính Trung Quốc thiệt mạng, đó cũng là một tổn thất nặng nề", ông này nói. (Reuters)
Bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc nhấn mạnh đối thoại là giải pháp hòa bình tốt nhất
Ngày 18/9, tại cuộc gặp với nhóm lãnh đạo cộng đồng Phật giáo, Tổng thống Moon Jae-in nhận định, Hàn Quốc sẽ có thể đạt được tiến trình hòa bình và thống nhất nếu không từ bỏ hy vọng đối thoại với Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Moon Jae-in lưu ý rằng ngày 19/9 tới, hai miền Triều Tiên sẽ đánh dấu kỷ niệm lần thứ hai ngày ký Thỏa thuận Thượng đỉnh Bình Nhưỡng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh: "Nếu (chúng ta) không từ bỏ hy vọng về các cuộc gặp và đối thoại (với Triều Tiên), chúng ta chắc chắn sẽ tiến tới con đường hòa bình và thống nhất".
Cùng ngày, trong bài phát biểu nhậm chức, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suk Wook đã cam kết duy trì tư thế phòng thủ sẵn sàng và thực thi đầy đủ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều để hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ vì nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
Đại dịch Covid-19
WHO: Thế giới vẫn chưa thể trở lại bình thường trước năm 2022
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo cuộc sống của người dân trên thế giới vẫn chưa thể trở lại bình thường trước năm 2022. Nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan hôm 17/9 cho biết, toàn bộ 170 quốc gia thành viên sẽ chỉ nhận được khoảng vài trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19, thông qua dự án đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine mang tên COVAX.
Số lượng này quá nhỏ so với nhu cầu người dân cần được tiêm vaccine nên sẽ không đủ để có thể sớm khống chế hoàn toàn được đại dịch.
Bà Swaminathan cũng giải thích thêm rằng thời gian để vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng đại trà trên toàn thế giới cũng không diễn ra sớm như nhiều người đang kỳ vọng. Theo đó, phải đến nửa cuối năm 2021 thế giới mới thực sự có các loại vaccine hiệu quả đã trải qua các thử nghiệm một cách đầy đủ. (AFP)