📞

Tin thế giới 19/12: Ukraine cân nhắc huy động phụ nữ vào quân đội, Hàn Quốc có Ngoại trưởng mới

Minh Vương 22:01 | 19/12/2023
Israel vô hiệu hóa nhân vật quan trọng của Hamas, Nga phản ứng khi Mỹ ký thỏa thuận quốc phòng với Phần Lan…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ông Cho Tae Yul (ngoài cùng bên phải), cựu Thứ trưởng Ngoại giao và cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc, sẽ là Ngoại trưởng mới dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine đề cập khả năng huy động phụ nữ vào quân đội: Ngày 18/12, UNIAN (Ukraine) dẫn lời nghị sĩ đảng “Tiếng nói” trong Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, bà Inna Sovsun nói: “Sẽ có quyết định không được lòng dân. Tôi không phủ nhận chúng ta có thể đi đến mức huy động phụ nữ nhập ngũ.... Các bạn, cần phải có một tuyên bố, hoặc chúng ta thua, hoặc chúng ta phải chấp nhận quyết định khó khăn trong việc huy động phụ nữ”. Bà cũng lưu ý rằng cần xác định đối tượng phụ nữ được huy động và các vấn đề khác có liên quan.

Trước đó, nghị sĩ Đảng “Đầy tớ Nhân dân” ủng hộ Tổng thống, bà Maryana Bezuglaya tuyên bố chuẩn bị một dự luật về bình đẳng nam nữ trong vấn đề đăng ký và nghĩa vụ quân sự. Điều này sẽ giúp huy động phụ nữ làm việc ở hậu phương, chứ không phải chỉ việc liên quan đến y tế.

Theo bà, các nghị sĩ có kế hoạch đưa ra khóa huấn luyện vũ khí kết hợp cơ bản bắt buộc cho nam và nữ từ 18 tuổi. Điều này sẽ bao gồm cả kiến thức cơ bản về chiến thuật và y học, kỹ năng xử lý vũ khí và thao tác với máy bay không người lái. (Reuters)

* Pháp, Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine: Ngày 19/12, phát biểu họp báo sau hội đàm ở Paris (Pháp) với người đồng cấp nước chủ nhà Catherine Colonna, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố: “Anh và Pháp là những nước ủng hộ trung thành của Ukraine và chúng tôi sẽ tiếp tục, chừng nào còn cần thiết. Tôi chắc chắn chúng tôi có thể đảm bảo Tổng thống Putin sẽ thua và điều cần thiết là ông ấy phải thua... Chúng ta phải tuyệt đối kiên quyết trong cách ủng hộ Ukraine”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Colonna tuyên bố: “Hai nước chúng ta, kề vai sát cánh ngay từ đầu, đã phối hợp cùng nhau để bảo đảm hành động của Nga sẽ không được đền đáp, thất bại và Ukraine có thể khôi phục lại tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ... Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác này”. (AFP)

Israel-Hamas

* Israel tiêu diệt nhân vật quan trọng của Hamas ở Dải Gaza: Ngày 19/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã vô hiệu hóa ông Subhi Ferwana, một nhà tài phiệt nổi tiếng của phong trào Hồi giáo sau vụ không kích vào thị trấn Rafah ở miền Nam Dải Gaza. Ông Ferwana và anh trai nhân vật này đã chuyển hàng triệu USD từ Iran và các nguồn khác cho Hamas để xây dựng lực lượng quân sự. Dù IDF đang tấn công Dải Gaza nhưng ông Ferwana vẫn tiếp tục cung cấp kinh phí để Hamas mua vũ khí và trả lương cho các tay súng.

Trong một diễn biến khác có liên quan, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã kiểm tra lại hoạt động tài chính của một doanh nghiệp nước này có cổ đông bị Mỹ trừng phạt vì cung cấp viện trợ cho phong trào Hamas và đi đến kết luận rằng không có hành vi lạm dụng hệ thống tài chính của Ankara.

Hôm 27/10, Mỹ đã cấm vận 3 cổ đông lớn của Quỹ đầu tư bất động sản Trend GYO ở Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị vì cung cấp tài chính cho Hamas. Quỹ này đã phủ nhận cáo buộc. Kho bạc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống tài chính của nước này tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc gia và các nghĩa vụ quốc tế, được cơ quan chức năng quản lý và giám sát chặt chẽ. (Reuters)

* Hamas bác bỏ dự thảo thỏa thuận con tin do Israel đề xuất: Ngày 19/12, Tờ báo Al-Araby Al-Jadeed (Qatar) dẫn nguồn tin từ Ai Cập cho biết, Nhà nước Do Thái đã đề nghị trao đổi con tin là những nữ binh sỹ và người lớn tuổi để đổi lấy những tù nhân Hamas đang chấp hành án tù dài hạn trong các trại giam của Israel. Tuy nhiên, phong trào Hồi giáo lại khăng khăng đòi Israel phải trao trả số tù nhân là lãnh đạo các phe phái khác của người Palestine đang bị Tel Aviv giam giữ.

Trong một diễn biến khác có liên quan, tờ báo Al Akhbar thân với phong trào Hezbollah, Lebanon cùng ngày đưa tin, Giám đốc Cơ quan tình báo bí mật Israel (Mossad) David Barnea dự kiến sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Tình báo Ai Cập Abas Kamal nhằm thảo luận về kịch bản Dải Gaza hậu xung đột. Theo tờ báo này, phía Cairo đã phản đối việc Nhà nước Do Thái sẽ kiểm soát an ninh tại Dải Gaza, trừ phi Chính quyền Palestine (PA) được phép quản lý vùng lãnh thổ này. (TTXVN)

* Palestine: Israel tấn công Rafah và Jabalia khiến nhiều người thiệt mạng: Ngày 19/12, AP cho biết một cuộc tấn công vào một ngôi nhà ở thị trấn Rafah, miền Nam Dải Gaza đã giết chết ít nhất 25 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Cũng theo AP, một cuộc tấn công khác của Israel vào miền Nam Dải Gaza đã khiến ít nhất 3 người Palestine thiệt mạng.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế Chính quyền Hamas ở Dải Gaza cùng ngày cho biết, ít nhất 13 người bị giết hại và 75 người khác bị thương trong vụ không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia, miền Bắc vùng lãnh thổ này. Dù chỉ rộng 1,4km2, song đây là trại lớn nhất khi chứa 116.000 người Palestine tị nạn và hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm khác từ Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).

Trong khi đó, phía IDF chưa đưa ra bất cứ bình luận gì liên quan các cáo buộc này. Trước đó IDF chỉ tuyên bố tiêu diệt một thủ lĩnh tài chính hàng đầu của Hamas trong vụ tấn công vào thị trấn Rafah. (AP)

* Pháp nối gót Mỹ trừng phạt người định cư Do Thái cực đoan: Ngày 19/12, phát biểu họp báo chung với Ngoại trưởng Anh David Cameron sau chuyến thăm tới Israel và Bờ Tây, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết: “Paris đã quyết định thực hiện các biện pháp… nhằm vào một số người định cư Israel cực đoan… Tôi đã được tận mắt chứng kiến hành vi bạo lực do một số người định cư cực đoan gây ra. Điều đó là không thể chấp nhận được”.

Trước đó, chính phủ Mỹ và Anh đã công bố trừng phạt người Do Thái cực đoan vì tấn công bạo lực nhằm vào người Palestine tại vùng Bờ Tây. Biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào các nước này và một số chế tài khác. (AFP)

Nga-Mỹ

* Nga không tham gia chiến dịch an ninh ở Biển Đỏ: Ngày 19/12, được hỏi về chiến dịch do Mỹ dần đầu nhằm bảo đảm an ninh ở Biển Đỏ, phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không tham gia chiến dịch này”.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố quyết định thành lập một chiến dịch đa quốc gia nhằm bảo đảm hoạt động thương mại ở Biển Đen, sau một loạt các vụ tấn công bằng tên lửa và UAV do phong trào Houthi của Yemen tiến hành. Theo ông, các nước tham gia gồm có Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. (Reuters)

Nga-Trung

* Nga sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc khắc phục hậu quả động đất: Ngày 19/12, phát biểu trong cuộc gặp ngày 19/12 với người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới người đứng đầu Hội đồng nhà nước Trung Quốc về những thiệt hại về người do hậu quả của trận động đất kinh hoàng ở hai tỉnh Cam Túc và Thanh Hải. Đồng thời, ông bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ tới gia đình, bạn bè của các nạn nhân và cầu chúc tất cả người bị thương sớm bình phục. Thủ tướng Nga nhấn mạnh theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin, Moscow sẵn sàng hỗ trợ khắc phục hậu quả của trận động đất thông qua Bộ Tình trạng khẩn cấp nước này nếu Trung Quốc cần.

Trước đó, ngày 18/12, hàng loạt rung chấn có độ lớn 6,2 đã được ghi nhận tại tỉnh Cam Túc. Chấn tiêu của các rung chấn nằm ở độ sâu 10 km. Chính quyền Trung Quốc đã ban bố cấp độ thứ hai trong bốn cấp độ ứng phó khẩn cấp (cấp thứ nhất là cấp độ cao nhất) sau trận động đất ở Cam Túc. Theo báo cáo mới nhất, số người thiệt mạng đã tăng lên ít nhất 118 người. Hơn 1.500 nhân viên ứng phó khẩn cấp đang tham gia tìm kiếm và cứu nạn tại những nơi xảy ra thảm họa này. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm Ngoại trưởng mới: Ngày 19/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bổ nhiệm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Cho Tae Yul, thay thế ông Park Jin làm Ngoại trưởng nước này. Ngoài ra, ông Yoon cũng bổ nhiệm Cố vấn An ninh Quốc gia Cho Tae Yong làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, thay thế ông Kim Kyou Hyun đã từ chức hồi tháng trước. (Yonhap)

* Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng với Triều Tiên: Ngày 19/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo Suk nhấn mạnh: “Trung Quốc là thành viên thường trực có trách nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốcvà là quốc gia có ảnh hưởng với Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng để Triều Tiên có thể chấm dứt các hành động khiêu khích và quay lại đối thoại”.

Theo quan chức này, Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên, xem đây là mối đe dọa với hòa bình khu vực và an toàn quốc tế. Ông nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác nhằm tìm ra cách ứng phó ở cấp độ Hội đồng Bảo an cũng như các biện pháp trừng phạt độc lập và đa phương với Triều Tiên”.

Dự kiến, Hội đồng Bảo an sẽ họp trong ngày 19/12 để thảo luận về vụ phóng ICBM nêu trên. Mặc dù vậy, bất kỳ nghị quyết mới nào nhằm phản đối Bình Nhưỡng đều có khả năng vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc và Nga, 2 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An có quyền phủ quyết. (Yonhap)

* Trung Quốc hối thúc Nhật Bản tôn trọng nỗ lực hòa binhcủa ASEAN: Ngày 19/12, trả lời về hợp tác giữa Tokyo và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc tin rằng mọi sự hợp tác đều có lợi cho sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc hơn giữa các nước khu vực và không nên nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào”. Theo ông, “tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông nhìn chung ổn định vào thời điểm hiện tại. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ nghiêm túc tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định”.

Tại Hội nghị cấp cao ở Tokyo cuối tuần qua, lãnh đạo Nhật Bản và ASEAN cam kết tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng, thúc sử dụng năng lượng bền vững và mở rộng giao lưu nhân dân trong nhiều lĩnh vực. (Anadolu)

Châu Âu

* Nga tuyên bố tăng cường lực lượng hạt nhân: Ngày 19/12, phát biểu trước các quan chức quốc phòng cấp cao, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước này đang nâng cấp kho vũ khí hạt nhân và duy trì lực lượng chiến lược ở mức độ sẵn sàng cao nhất khi phương Tây phát động xung đột “hỗn hợp” với Moscow.

Đồng thời, nhà lãnh đạo này khẳng định Nga sẽ tiếp tục các hoạt đông quân sự hiện nay ở Ukraine. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh mọi ý đồ nhằm gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga đã sụp đổ. Ông nêu rõ phương Tây tiếp tục tiến hành xung đột “hỗn hợp” chống lại Moscow bằng cách cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực và chuyển giao vũ khí cho Kiev. Theo nhà lãnh đạo này, trong số các loại vũ khí được chuyển giao, có các hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao, tên lửa tầm xa, đạn chùm, lượng lớn các UAV mới. Ông Putin cũng lưu ý phương Tây có kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 cho Ukraine và đang tiến hành đào tạo phi công ở phương Tây. (Reuters/Sputnik)

* Điện Kremlin: Nga sẽ phá vỡ lệnh của EU cấm nhập khẩu kim cương: Ngày 19/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố nước này tuyên bố sẽ phá vỡ lệnh của Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu kim cương từ Nga.. Ông nêu rõ: “Nhìn chung, gói thứ 12 cho thấy có lẽ nhóm lĩnh vực có thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đang cạn kiệt”.

Hôm 18/12, EU đã thông qua gói trừng phạt mới với Nga, bao gồm lệnh cấm với kim cương. Cụ thể, nó bao gồm kim cương tự nhiên, tổng hợp, đồ trang sức từ tháng 1 và kim cương Nga được cắt ở nước khác từ tháng 9/2024. (TTXVN)

* Thổ Nhĩ Kỳ thu lời từ dầu Nga: Ngày 18/12, Reuters cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Nga sau lệnh cấm vận của EU với dầu thô và tinh chế của Moskva, đã tiết kiệm được 2 tỷ USD trong năm nay,

Theo đó, việc dầu Nga giảm giá và vị trí địa lý đã mang lại lợi thế cho Ankara năm 2023. Tháng trước, các chuyến hàng dầu thô của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức kỷ lục 400.000 thùng/ngày, chiếm 14% tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga bằng đường biển. Con số này này có thể còn tăng sau khi báo cáo hồi tháng 10 cho biết nhà sản xuất dầu Lukoil đã đạt thỏa thuận với công ty dầu mỏ Azeri SOCAR để cung cấp dầu thô của Nga cho nhà máy lọc dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi EU cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua nhiều nhất các sản phẩm dầu của Nga, tiếp theo là Trung Quốc, nước đã mua 12% sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhập khẩu 4% dầu thô của Nga kể từ khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái. (Reuters)

* Nga triệu Đại sứ Phần Lan để phản đối thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ: Ngày 19/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Bhững ngày gần đây, Chính phủ Phần Lan đã chấp thuận ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ... Vì lý do đó, Đại sứ Phần Lan tại Nga đã được triệu tới Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/12. Đại sứ được thông báo rằng Nga sẽ không để yên cho việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố quân sự ở biên giới nước này vì động thái đó đe dọa an ninh của Nga”.

Theo bà, Helsinki phải chịu mọi trách nhiệm trong việc biến khu vực láng giềng tốt đẹp thành khu vực có thể xảy ra đối đầu.

Trước đó một ngày, tại thủ đô Washington DC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Phần Lan Elina Valtonen cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương.

Phát biểu tại lễ ký, ông Blinken tuyên bố thỏa thuận mới là minh chứng mới nhất cho nỗ lực toàn diện của Mỹ nhằm tăng cường an ninh xuyên Đại Tây Dương; NATO đang lớn mạnh và đoàn kết hơn bao giờ hết, trong đó một phần không nhỏ nhờ sự gia nhập của Phần Lan, không lâu nữa là Thụy Điển. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Phần Lan sẽ tăng cường hợp tác giữa hai bên, cũng như khả năng tương tác của NATO.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Antti Hakkanen ca ngợi thỏa thuận, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với việc bảo vệ Phần Lan và Bắc Âu. Dự kiến, Mỹ sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Đan Mạch cuối tuần này. (Reuters/Sputnik)

Trung Đông-châu Phi

* Liên hợp quốc: Biên giới Israel-Lebanon trong tình trạng nguy hiểm”: Ngày 18/12, phát biểu tại Beirut, Chỉ huy trưởng Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại Lebanon (UNIFIL) Aroldo Lazaro nêu rõ: “Như mọi người đều biết, tình hình hiện nay rất căng thẳng, khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi đang cố gắng duy trì vai trò trung gian và phối hợp để tránh xảy ra tính toán sai, hiểu lầm có thể dẫn đến sự leo thang mới”. Theo ông, Hezbollah đã sử dụng các tên lửa tầm xa tấn công Israel, trong khi Israel điều máy bay tấn công vào không phận của Lebanon. Giao tranh giữa hai bên có liên quan với diễn biến ở Dải Gaza giữa IDF và Hamas.

Kể từ ngày 8/10, các cuộc đụng độ qua biên giới giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon đã khiến 130 người thiệt mạng. Phần lớn trong số đó là các tay súng Hezbollah, nhưng cũng bao gồm một quân nhân và 17 dân thường của Liban. Về phía Israel, 4 dân thường và 7 binh sĩ đã thiệt mạng. LHQ thành lập UNIFIL vào năm 1978 nhằm giám sát việc Israel rút quân khỏi lãnh thổ Lebanon. (Reuters)