📞

Tin thế giới 19/4: Khai trận Donbass, Nga nêu nguồn cơn của chiến dịch; Ukraine tuyên bố Moscow không đủ sức; Nhật Bản lo bị 'gió ngược'

Hoàng Hà 19:45 | 19/04/2022
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước vào giai đoạn mới, cập nhật diễn biến xung đột, các lệnh trừng phạt Nga, gia tăng căng thẳng Israel-Palestine, thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ.
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự mới ở miền Đông Ukraine, song, Kiev tuyên bố, 99% Moscow sẽ thất bại. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga bắt đầu giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự ở Ukraine: Ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo, Moscow đang bắt đầu một giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo đó, chiến dịch này đã bắt đầu ở miền Đông Ukraine và Ngoại trưởng Nga "chắc chắn đây sẽ là thời điểm rất quan trọng của toàn bộ chiến dịch".

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thông báo, Nga đã bắt đầu tiến hành cuộctấn công quy mô lớn tại vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine. (Reuters)

* Nga cân nhắc chỉ sử dụng vũ khí thông thường trong chiến dịch: Ngoại trưởng Lavrov cho hay, Moscow đang cân nhắc sử dụng vũ khí thông thường chứ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào giai đoạn này.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Nga đã thay đổi việc bố trí lực lượng ở Ukraine sau cuộc đàm phán trực tiếp ở Istanbul, nhưng cho rằng phía Kiev không coi trọng đúng mức. (Sputnik)

* Ukraine tuyên bố Nga không có đủ sức mạnh: Ngày 19/4, cố vấn Oleksiy Arestovych của Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng, đợt phản công mới của Nga ở Đông Ukraine đang diễn ra "rất thận trọng".

Theo ông, các lực lượng Nga đang cố tìm ra "điểm nhạy cảm" trong hàng phòng thủ của Ukraine song nhấn mạnh: "Đợt phản công của Nga sẽ thất bại - tôi đảm bảo 99% - họ đơn thuần không có đủ sức mạnh".

Quan chức Ukraine nêu rõ: "Trận chiến giành Donbass đang diễn ra rất thận trọng. Trận chiến sẽ không có lợi cho Nga".

Cùng ngày, các quan chức Ukraine cho hay, lực lượng Nga đang cố đẩy lùi phòng thủ của Ukraine dọc toàn bộ tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. (Reuters)

Theo Ngoại trưởng Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã "di chuyển tuyến phòng thủ về phía đông 5 lần mà không giải thích xem họ sẽ bảo vệ mình với ai". (TASS)

* Nga cáo buộc phương Tây tìm cách kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine: Hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, Moscow đang tìm cách "giải phóng" các vùng ly khai Dontesk và Luhansk ở miền Đông Ukraine.

Bên cạnh đó, quan chức cấp cao Nga cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây khác đang làm mọi cách để kéo dài chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Theo ông, số lượng vũ khí mà nước ngoài cung cấp ngày càng tăng rõ ràng cho thấy ý định của họ nhằm kích động chính quyền Kiev chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

* Nhật Bản quyết định hỗ trợ bổ sung Ukraine: Ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, chính quyền nước này có ý định cung cấp hỗ trợ bổ sung cho Ukraine dưới dạng trang trang phục đặc biệt và mặt nạ phòng vũ khí hóa học, cũng như máy bay không người lái.

Trên trang Twitter, bộ trên nêu rõ: "Cuộc chiến của người Ukraine để bảo vệ đất nước của họ vẫn tiếp tục nên Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ hết mình".

Hồi tháng 3 vừa qua, Nhật Bản đã chuyển áo chống đạn, mũ bảo hiểm, quần áo ấm, lều, sản phẩm vệ sinh và máy phát điện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để hỗ trợ Ukraine. (Kyodo)

* Nga phàn nàn về Liên hợp quốc trong giải quyết tình hình Ukraine: Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres không tìm cách liên lạc với Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi Moscow bắt đầu phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bà Zakharova nói: “Không ai liên lạc, mà cũng chẳng thông qua phái bộ thường trực của Nga tại Liên hợp quốc hay trực tiếp với Bộ Ngoại giao Nga".

Trong khi đó cùng ngày, Nga đã kêu gọi lực lượng Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài rời khỏi nhà máy luyện kim Azovstal ở thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine vào trưa nay (19/4) theo giờ Moscow (tức 16h theo giờ Việt Nam). (Reuters)

* Ukraine-Nga chưa đạt thỏa thuận về hành lang nhân đạo tại Kherson và Kharkov để sơ tán dân thường từ thành phố Mariupol đến Berdyansk. Đây là ngày thứ ba liên tiếp chính quyền Kiev quyết định dừng hoạt động sơ tán dân thường.

Phía Ukraine vẫn đang đàm phán về hành lang nhân đạo tại vùng Kherson tại miền Nam và Kharkov tại miền Đông Ukraine.

* Nga phẫn nộ về hành động phá hoại ở công viên Treptow, Đức: Đại sứ quán Nga tại Berlin đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Đức liên quan một cuộc tấn công phá hoại mới rạng sáng 18/4 nhằm vào đài tưởng niệm chiến tranh của Liên Xô ở công viên Treptow ở Berlin.

Trong công hàm, Đại sứ quán Nga nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng phẫn nộ trước hành động phá hoại mới nhằm vào đài tưởng niệm những người lính giải phóng của Liên Xô tại công viên Treptow ở Berlin..."

Cơ quan đại diện ngoại giao Nga kêu gọi các nhà chức trách Đức thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tái diễn những hành vi thái quá này trong tương lai. (Tagesspiege)

Nga

* Tổng thống Nga Putin sẽ dự hội nghị thượng đỉnh G20: Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 tới.

Theo Tạp chí Tempo, Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobieva đã khẳng định thông tin trên, đồng thời cho biết, ông Putin “hồi đáp tích cực” lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo.

Nhà ngoại giao Nga cũng đặt câu hỏi về đề xuất của các nhà lãnh đạo phương Tây trong việc mời Ukraine tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và cho rằng, sự hiện diện của Ukraine sẽ không giúp giải quyết các vấn đề kinh tế.

* Nhật Bản lo chịu "đòn ngược" từ các lệnh trừng phạt Nga: Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, Tokyo lo ngại rằng, lệnh trừng phạt chống Nga có tác động tiềm ẩn đến nền kinh tế Nhật Bản và dự định xem xét các biện pháp đối phó.

Từ ngày 19/4, gói trừng phạt mới của Nhật Bản nhằm vào Nga bắt đầu hiệu lực, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu 38 mặt hàng từ Nga.

Cụ thể, các mặt hàng nhập khẩu cơ bản thuộc diện bị hạn chế là gỗ dán với kim ngạch 67 triệu USD; gỗ thông và dăm gỗ, 1 triệu USD; các linh kiện động cơ tàu thủy và máy bay, 41,5 triệu USD; phụ tùng ô tô và xe máy mỗi loại 1 triệu USD; bia, khoảng 93.000 USD; rượu vodka, 294.000 USD và nhiều mặt hàng khác.

Trên thực tế, đây là lần đầu tiên Nhật Bản áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Nga. Ngoài ra, với những hàng hóa có hợp đồng ký kết trước khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực thì sẽ được nhập khẩu đến ngày 18/7. (Sputnik)

* New Zealand trừng phạt 18 thực thể tài chính của Nga: Ngày 19/4, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta thông báo, nước này sẽ trừng phạt 18 ngân hàng và thực thể tài chính lớn của Nga vì có liên quan lĩnh vực quốc phòng của Nga và tình hình xung quanh Crimea.

Các thực thể tài chính này chiếm khoảng 80% tổng tài sản ngân hàng của Nga, gồm "3 tổ chức tài chính cốt lõi là các ngân hàng và quỹ đầu tư chính của chính phủ Nga, 8 ngân hàng lớn nhất, 7 ngân hàng quan trọng khác" .

Cụ thể, 18 thực thể nằm trong danh sách trừng phạt là Ngân hàng Alfa-Bank, Ngân hàng Rossiya, Ngân hàng Otkritie, Ngân hàng Phát triển và Tái thiết Biển Đen, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Ngân hàng Tín dụng Moskva, Gazprombank, Ngân hàng GenBank, Ngân hàng Tiết kiệm Công nghiệp, Novikombank, Ngân hàng Nông nghiệp Nga, Ngân hàng Thương mại Quốc gia Nga, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, Sberbank, Sovcombank, Ngân hàng SMP, Vnesheconombank, VTB". (TASS)

* Mỹ sẽ tập trung gia tăng sức ép các cá nhân và thực thể né lệnh trừng phạt Nga: Ngày 18/4, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ kêu gọi các thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) gia tăng sức ép đối với Nga để nước này chấm dứt chiến sự tại Ukraine.

Bộ này cũng sẽ tập trung nỗ lực trấn áp các cá nhân và thực thể tìm cách né tránh các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với Nga liên quan cuộc chiến tại Ukraine, cũng như các bên tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Yellen sẽ không tham dự một số cuộc họp các quan chức tài chính của Nhóm G20 trong tuần này để nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng, Nga nên bị loại khỏi các thể chế tài chính toàn cầu. (Reuters)

Trung Quốc-Solomon ký thỏa thuận an ninh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo, nước này đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào ngày hôm nay (19/4).

ục đích của hợp tác an ninh Trung Quốc-Solomon là thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của quần đảo và khu vực Nam Thái Bình Dương".

Trung Đông

* Israel-Palestine leo thang căng thẳng tại Jerusalem, đặc biệt là khu đền Al-Aqsa (người Do Thái gọi là Núi Đền) - địa điểm linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái - khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo năm nay trùng với dịp lễ quan trọng của người Do Thái và Lễ Phục sinh của Thiên chúa giáo.

Ước tính trong dịp này có hàng chục nghìn tín đồ đổ về Thành cổ Jerusalem, địa điểm linh thiêng đối với cả 3 tôn giáo. Kể từ ngày 15/4, đụng độ giữa các lực lượng Israel và Palestine đã nổ ra tại khu đền Al-Aqsa, khiến ít nhất 200 người bị thương.

* Gia tăng căng thẳng giữa Israel và Jordan: Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Jordan triệu tập đại diện ngoại giao của Israel nhằm phản đối các động thái của Israel tại khu đền Al-Aqsa. Jordan cũng sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab để thảo luận về vụ việc trên.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Israel ra thông báo cáo buộc Jordan "phá hoại các nỗ lực thiết lập hòa bình ở Jerusalem" liên quan những phát biểu được cho là nhằm kích động người Palestine tiến hành các hành động bạo lực. (THX, Haaretz)

* Israel đánh chặn tên lửa từ Gaza: Ngày 18/4, hệ thống Vòm Sắt của Israel đã đánh chặn thành công một quả tên lửa bắn từ Dải Gaza. Không có thương vong nào trong vụ việc. Giới chức địa phương yêu cầu người dân ở trong nhà do lo ngại tiếp tục có tên lửa được bắn sang lãnh thổ Israel.

Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ bắn tên lửa nói trên. Israel lâu nay vẫn tuyên bố phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đang kiểm soát Dải Gaza phải chịu trách nhiệm cho bất cứ sự cố nào xuất phát từ Gaza.

Cùng ngày, các nhân chứng và Hamas cho biết, sau vụ việc trên, Israel đã tiến hành không kích miền Nam Dải Gaza, song không gây ra thương vong. (Jerusalem Post)

* Nhà lãnh đạo Palestine điện đàm với Quốc vương Jordan và Tổng thống Nga: Ngày 18/4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình hiện nay tại Trung Đông, đặc biệt là leo thang căng thẳng với Israel.

Trong cuộc điện đàm với Quốc vương Abdullah II, hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm tổ chức cuộc gặp, tiếp tục tham vấn, phối hợp và liên lạc với các bên liên quan nhằm ngăn chặn đụng độ tiếp diễn tại khu đền Al-Aqsa.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, hai bên thảo luận mối quan hệ song phương cùng những diễn biến gần đây tại Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và nỗ lực chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng đất của Palestine.

Cùng ngày, Tổng thống Putin và người đồng cấp Algeria Abdelmadjid Tebboune bày tỏ lo ngại về tình hiình xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực quốc tế tìm kiếm một giải pháp Trung Đông. (WAFA)