📞

Tin thế giới 19/6: Tổng thống Putin tiết lộ thứ quan trọng mang đến Triều Tiên, Nga dọa hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, Israel đã khiến Mỹ nổi giận?

Hoàng Hà 19:15 | 19/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Triều Tiên và hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Kim Jong-un, quan hệ Mỹ-Israel đứng trước sóng gió, tình hình Biển Đông, 'duyên nợ' Nga-Mỹ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nơi nghỉ sau khi ông đáp xuống sân bay Bình Nhưỡng tối 18/6. (Nguồn: KCNA)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Tổng thống Nga Putin thăm Triều Tiên, hội đàm với Chủ tịch Kim Jong-un: Ngày 19/6, sau khi đặt chân đến Bình Nhưỡng và được đón tiếp tại buổi lễ chính thức ở Quảng trường Kim Nhật Thành, ông Putin và ông Kim Jong-un đã có các cuộc hội đàm mở rộng và họp kín.

Khi bắt đầu hội đàm, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ ủng hộ vô điều kiện chính sách của Moscow, đồng thời đánh giá quan hệ hai bên "đang bước vào giai đoạn thịnh vượng mới". Triều Tiên bày tỏ ý định tăng cường hợp tác chiến lược với Nga.

Về phần mình, cảm ơn sự ủng hộ của Bình Nhưỡng, Tổng thống Nga tiết lộ: “Hôm nay, một tài liệu mới mang tính nền tảng đã được chuẩn bị, tạo cơ sở cho mối quan hệ lâu dài của hai nước”.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký Thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện. (AFP, Sputnik, Reuters)

* Hàn Quốc lo về quan hệ Nga-Triều Tiên: Ngày 19/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul bày tỏ quan ngại sâu sắc trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng "vào thời điểm Triều Tiên đang leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".

Bộ trên ra thông cáo nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò mang tính xây dựng vì hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa..."

Hàn Quốc đã truyền đạt lập trường này tới Trung Quốc trong cuộc đối thoại an ninh 2+2 giữa hai nước. (Yonhap)

* Hàn Quốc có lô máy bay P-8A Poseidon đầu tiên: Ngày 19/6, Hải quân Hàn Quốc thông báo, lô máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon đầu tiên đã được chuyển đến nước này, dự kiến sẽ tăng cường khả năng chống ngầm của Seoul.

Theo thông cáo, 3 máy bay Boeing P-8A đến Căn cứ Không quân của Hải quân Hàn Quốc ở Pohang, cách Seoul 262 km về phía Đông Nam vào chiều 19/6. Ba máy bay P-8A khác sẽ được bàn giao vào ngày 30/6.

Hải quân Hàn Quốc dự kiến sẽ triển khai P-8A vào năm 2025 sau một năm huấn luyện và đánh giá khả năng hoạt động. (Yonhap)

* Trung Quốc-Malaysia gia hạn hiệp ước hợp tác kinh tế thêm 5 năm, cam kết xem xét các thỏa thuận du lịch miễn thị thực giữa hai nước nhân chuyến thăm Kuala Lumper của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Ông Lý Cường đã đến Kuala Lumpur hôm 18/6 và gặp người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim tại thủ đô hành chính Putrajaya trong ngày 19/6. Sau cuộc gặp, hai bên chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận song phương, bao gồm cả thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia sang Trung Quốc.

Dự kiến, cũng trong ngày 19/6, Thủ tướng Lý Cường sẽ gặp Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim và dự lễ khởi công tại công trường xây dựng Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL), một phần trong Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc. (Reuters)

* Nhật Bản quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực dùng vũ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng hoặc bất kỳ hành động nào làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở vùng biển này, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này ngày 18/6.

Bộ trên khẳng định, phán quyết của trọng tài quốc tế là phán quyết cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông, bày tỏ hy vọng mạnh mẽ rằng việc các bên tuân thủ phán quyết sẽ dẫn đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Tokyo cũng khẳng định nhất quán ủng hộ việc thực thi luật pháp trên biển và sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước Mỹ, ASEAN để duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền. (Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

Châu Âu

* Nga không loại trừ khả năng hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ để đáp trả hành động tịch thu tài sản của Moscow, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 19/6. Bên cạnh đó, sự đáp trả cũng có thể gồm cả những biện pháp trả đũa đối với một số tài sản của phương Tây mà Nga có.

Thứ trưởng Ryabkov cho hay, tùy thuộc vào mức độ hành động của Mỹ, Nga sẽ điều chỉnh các biện pháp ứng phó, thậm chí có thể là một loạt các biện pháp cùng lúc và không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga hé lộ, nước này đã thảo luận với một số đối tác ở cả châu Á và Mỹ Latinh về vấn đề triển khai vũ khí tầm xa. (TASS)

* Nga tập trận phóng tên lửa trên Biển Barents: Hạm đội phương Bắc của Nga cho biết, ngày 19/6, các tàu tuần dương mang tên lửa hạt nhân của hạm đội đã phóng tên lửa hành trình hướng vào các mục tiêu trên biển trong khuôn khổ các cuộc tập trận trên biển Barents.

Trong khi đó, hãng tin Interfax cho biết, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Severodvinsk và Orel đã phóng tên lửa hành trình Kalibr và Granit ở khoảng cách khoảng 170 km vào mục tiêu mô phỏng phân đội tàu đổ bộ của kẻ thù giả định. (TASS, Interfax)

* Đức thận trọng xung quanh xung đột Ukraine: Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, nước này sẽ tuân thủ chính sách thận trọng đối với tình hình ở Ukraine và sẽ kiềm chế thực hiện những hành động mạo hiểm liều lĩnh.

Nhấn mạnh nhiệm vụ chính của Berlin là đảm bảo an ninh của châu Âu và đảm bảo "Ukraine có thể bảo vệ nền độc lập của mình", Thủ tướng Scholz kêu gọi không đánh mất tính khả thi của "triển vọng mang lại an ninh và sự hợp nhất của châu Âu".

Ông cũng mô tả hội nghị ở Thụy Sỹ về Ukraine cuối tuần qua “chỉ là bước đi nhỏ đầu tiên”. (TASS)

* Khả năng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trở thành Tổng Thư ký mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo Đài truyền hình NOS của nước này.

Theo NOS, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và tân Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini hiện đã hoàn toàn ủng hộ việc ông Rutte ứng cử vào vị trí người đứng đầu NATO, trong khi đối thủ nặng ký nhất là đương kim Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã rút lui.

Trong khi đó, Tổng Thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg đánh giá ông Rutte hiện là một ứng cử viên "rất nặng ký" để thay thế mình, đồng thời cho biết việc lựa chọn lãnh đạo mới của NATO "sắp hoàn tất".

* Thượng viện Italy bật đèn xanh cho cải cách hiến pháp của Thủ tướng Giorgia Meloni, với 109 phiếu thuận và 77 phiếu chống.

Theo đề xuất cải cách, thủ tướng sẽ được bầu với nhiệm kỳ 5 năm và liên minh ủng hộ ứng cử viên chiến thắng sẽ được trao ít nhất 55% số ghế, để đảm bảo liên minh này có được đa số khả thi ở cả hai viện của quốc hội.

Luật mới được giới thiệu là sẽ giúp chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị lâu năm tại Italy, quốc gia đã trải qua gần 70 chính phủ kể từ Thế chiến thứ II và ngày càng dân chủ hơn. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Israel khiến Mỹ nổi giận, hủy một cuộc họp chung: Ngày 19/6, tờ Haaretz (Israel) dẫn nguồn tin cho biết, Nhà Trắng đã quyết định hủy một cuộc họp quan trọng với Israel bàn về vấn đề hạt nhân Iran, sau khi Thủ tướng quốc gia Trung Đông Benjamin Netanyahu đăng tải một video công khai chỉ trích Tổng thống Joe Biden.

Trước đó, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích việc Mỹ trì hoãn cung cấp vũ khí và đạn dược cho Israel là “không thể tưởng tượng”. Trang tin Walla của Israel đưa tin, Đặc phái viên Amos Hochstein của Tổng thống Biden, hiện đang ở Israel, đã nói với ông Netanyahu rằng, điều này khiến giới lãnh đạo tại Washington tức giận.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, việc nước này gửi vũ khí tới Israel vẫn diễn ra "bình thường" ngoại trừ một chuyến hàng gồm 500 quả bom thông thường bị trì hoãn.

Theo ông, Mỹ đang tiếp tục cân nhắc việc gửi một lô hàng vũ khí bao gồm bom hạng nặng cho Israel do lo ngại việc sử dụng loại bom này tại khu vực đông dân cư như Rafah.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố: “Chúng tôi thực sự không biết ông Netanyahu đang nói về điều gì”.

* Quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tấn công Hezbollah ở Lebanon, theo xác nhận của Lực lượng phòng vệ nước này (IDF).

Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cảnh báo, phong trào Hezbollah sẽ bị tiêu diệt trong trường hợp xảy ra một “cuộc chiến tranh tổng lực”, trong khi Lebanon sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Ngoại trưởng Katz nói: “Chúng tôi đang tiến rất gần đến thời điểm quyết định thay đổi luật chơi chống lại Hezbollah và Lebanon". (Reuters)

* Sudan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) “đấu khẩu” căng thẳng tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) bàn về cuộc nội chiến Sudan.

Tại cuộc họp, Đại sứ Sudan tại LHQ Al-Harith Idriss Mohamed đã cáo buộc UAE cung cấp vũ khí và hậu thuẫn cho lực lượng đối địch với chính phủ Sudan trong cuộc xung đột kéo dài 14 tháng qua ở quốc gia châu Phi này.

Đáp lại, Đại sứ UAE tại LHQ Mohamed Abushahab đã chỉ trích những cáo buộc trên là bịa đặt nhằm làm trệch hướng “những sai phạm kinh khủng đang diễn ra trên thực địa”, đồng thời phủ nhận mọi liên quan đến các hành động hỗ trợ các bất kỳ bên tham chiến nào ở Sudan.

Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã kêu gọi các thực thể bên ngoài ngừng thúc đẩy và kéo dài cuộc xung đột ở Sudan bằng cách cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến ở nước này.

Theo bà Greenfield, không có giải pháp quân sự nào cho cuộc chiến vô nghĩa ở Sudan, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở quốc gia Đông Bắc Phi này. (Reuters)

Châu Mỹ

* Mỹ công bố các biện pháp bảo vệ mới dành cho hàng trăm nghìn người nhập cư sống bất hợp pháp tại nước này trong nhiều năm nhưng đã kết hôn với công dân sở tại.

Theo đó, những ngườiloại bỏ quy trình kéo dài và sự chia ly gia đình.

Khoảng 500.000 người không có giấy tờ hợp pháp và 50.000 trẻ em dưới 21 tuổi có bố hoặc mẹ là công dân Mỹ sẽ được chính sách này bảo vệ và có cơ hội làm việc hợp pháp tại đây.

Nếu được cấp quy chế thường trú nhân (thẻ xanh), cuối cùng, những người nhập cư trái phép này có thể nộp đơn xin quốc tịch Mỹ. (The White House)

* Tổng thống Brazil Lula da Silva sẽ cân nhắc tranh cử vào năm 2026 “nhằm ngăn chặn những kẻ xấu xa trở lại cầm quyền” tại quốc gia Mỹ Latinh này.

Nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, rằng “có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng” cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2026. (CBN)

* Canada tăng cường trừng phạt Moscow liên quan cái chết của thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, với khoảng 13 người trong cơ quan tình báo, lực lượng cảnh sát và hệ thống cải tạo Nga bị đưa vào danh sách.

Động thái được đưa ra bất chấp việc Nga phủ nhận mọi sự liên quan đến cái chết của ông Navalny. (Global News)

* Quân đội Argentina tháo dỡ công trình lấn sang lãnh thổ Chile tại một đơn vị quân đội, sau khi có phản ứng gay gắt của nước láng giềng.

Trước đó, ngày 17/6, Tổng thống Chile Gabriel Boric đã yêu cầu Argentina tháo dỡ ngay các tấm pin năng lượng mặt trời, bị lắp đặt “sai” theo giải thích từ Buenos Aires, của một đơn vị quân đội Argentina thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý giao thông biển tại mũi cực Nam châu Mỹ, ranh giới giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Chile Maya Fernández đã hoan nghênh hành động trên từ phía nước láng giềng và nhấn mạnh “việc bảo vệ biên giới là nền tảng trong mối quan hệ” hai bên. (Buenos Aires Herald)