Khách dự Lễ tang cấp Nhà nước của Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster, London ngày 19/9. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật trong ngày 19/9.
Lễ tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II
* Lãnh đạo thế giới đến tiễn biệt Nữ hoàng Anh Elizabeth II: Ngày 19/9, các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới đã đến London để tiễn biệt Nữ hoàng Anh Elizabeth II, bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của người trị vì nước Anh trong 70 năm qua.
Trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà vua Nhật Bản Naruhito, Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Israel Isaac Herzog, Quốc vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng quần đảo Cook Mark Brown... cùng đại diện nhiều hoàng gia, chính phủ khác.
Được sự uỷ quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đến tham dự Lễ tang cố Nữ hoàng.
Các hoạt động tưởng niệm bắt đầu từ 11h (giờ địa phương), khoảng 2.000 khách tham dự trực tiếp các nghi lễ. Cố Nữ hoàng dự kiến sẽ được chôn cất vào lúc 19h30 cùng ngày tại nhà nguyện của Lâu đài Windsor trong một buổi lễ riêng tư.
Đến tham dự Lễ tang, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự tôn kính đối với nữ quốc vương 96 tuổi quá cố, người tại vị lâu nhất của Anh, cũng là người nhận được sự tôn trọng và yêu mến của nhiều người trên thế giới. “Nước Anh đã may mắn có được bà trong 70 năm”, ông nói. (Reuters)
Armenia-Azerbaijan
* Nga chỉ trích “tuyên bố ồn ào” của Chủ tịch Hạ viện Mỹ về Armenia-Azerbaijan: Ngày 19/9, Điện Kremlin cho rằng “tuyên bố ồn ào” của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi về nguyên nhân xung đột biên giới giữa Azerbaijan và Armenia khó có thể giúp ổn định tình hình.
Trao đổi qua điện thoại với các phóng viên, người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng một “cách tiếp cận kín đáo và chuyên nghiệp” với cuộc xung đột này sẽ mang lại kết quả: “Bất cứ điều gì... được thực hiện dựa trên cách tiếp cận kín đáo và mang tính chuyên nghiệp có thể góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ, ổn định tình hình trên biên giới. Tất cả những điều này có thể được hoan nghênh.
Liệu những hành động và tuyên bố ồn ào như vậy có thể thực sự góp phần vào việc bình thường hóa tình hình không? Hãy chờ xem”.
Trước đó, trong chuyến thăm Armenia từ ngày 17-19/9, bà Pelosi đã ca ngợi nền dân chủ của Armenia và lên án các cuộc tấn công biên giới của Azerbaijan, sau khi các cuộc đụng độ dọc biên giới song phương từ ngày 13-16/9 khiến hơn 200 người thiệt mạng. (Reuters)
Kyrgyzstan-Tajikistan
* Tổng thống Kyrgyzstan kêu gọi người dân bình tĩnh sau xung đột với Tajikistan: Ngày 19/9, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã kêu gọi người dân tin tưởng vào quân đội và các đối tác chiến lược, đồng thời cho biết không cần triển khai lực lượng tình nguyện ở biên giới với Tajikistan sau khi xảy ra các cuộc đụng độ chết người ở đó vào tuần trước.
Phát biểu trên truyền hình vào ngày quốc tang, ông Japarov nói: “Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan trong hòa bình. Tôi kêu gọi đàn ông và thanh niên sẵn sàng đến tỉnh Batken hãy giữ bình tĩnh... Chúng ta có những chiến binh dũng cảm và đủ lực lượng để đẩy lùi những kẻ xâm phạm biên giới”. (Reuters)
Nga-Mỹ
* Nga sẵn sàng đàm phán trao đổi tù nhân với Mỹ: Viết trên Telegram ngày 19/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã sẵn sàng đàm phán với Washington về trao đổi tù nhân để trả tự do cho các công dân Mỹ bị bỏ tù ở Nga: “Chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán để giải quyết số phận của các công dân Mỹ bị kết án ở Nga và các công dân Nga ở Mỹ”.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã “không hoàn thành nhiệm vụ chính thức” để duy trì đối thoại song phương.
Bà Zakharova đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Washington đang thuyết phục Moscow chấp nhận thỏa thuận đổi tù nhân.
Trước đó, hai công dân Mỹ Brittney Griner bị tuyên án 9 năm tù ở Nga vì tội liên quan đến ma túy, trong khi cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan lĩnh 16 năm tù về tội gián điệp.
Moscow đã cảnh báo Washington không dùng các phương tiện truyền thông quốc tế để đưa ra tuyên bố nhằm gây sức ép đối với Moscow, nhấn mạnh điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực đạt được một thỏa thuận trao đổi tù nhân. (Reuters)
Châu Âu
* Nga đánh giá cao “lập trường chủ quyền” của Hungary trong EU: Ngày 19/9, Nga đã hoan nghênh Hungary có “lập trường chủ quyền” về nhiều vấn đề trong Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh đang diễn ra tranh cãi giữa Budapest và Brussels liên quan tới khoản tài trợ 7,5 tỷ Euro của EU dành cho Hungary.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang theo dõi diễn biến liên quan đến Hungary sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cuối tuần qua khuyến nghị đình chỉ tài trợ cho Budapest vì vấn nạn tham nhũng của nước này.
Đề xuất trên sẽ được EC chuyển đến các quốc gia thành viên EU. Sau đó, các nước này sẽ có tối đa 3 tháng để đưa ra quyết định. Đồng thời, Budapest cần chứng minh với EC về việc thực hiện nghĩa vụ trước ngày 19/11. Sau đó, EC sẽ đánh giá kết quả và xác định lộ trình hành động tiếp theo. (Reuters)
* Đức mua LNG của UAE: Thủ tướng Olaf Scholz dự kiến sẽ ký các hợp đồng về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong chuyến thăm tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất vào ngày 25/9 tới.
Thông tin trên được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đưa ra ngày 19/9 sau chuyến tham quan một trạm LNG đang xây dựng ở Lubmin, miền Bắc nước Đức.
Ông Habeck, một lãnh đạo của đảng Xanh trong chính phủ liên minh Đức, đã thực hiện một số sáng kiến nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt sau khi bị chỉ trích vì từ chối nhập năng lượng từ Nga để phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong tuyên bố cùng ngày, phát biểu với báo giới ở thủ đô Berlin, người phát ngôn chính phủ Đức cho biết, ông Olaf Scholz sẽ thăm Saudi Arabia, UAE và Qatar vào từ ngày 24-25/9. Chuyến công du này sẽ tập trung vào tìm kiếm các nguồn năng lượng mới và thúc đẩy đầu tư tại Đức. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Tàu sân bay Mỹ tới Hàn Quốc: Ngày 19/9, các quan chức Hàn Quốc cho biết tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Ronald Reagan dự kiến tới căn cứ hải quân Busan ngày 23/9 để tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hải quân hai nước trong 5 năm qua gần khu vực Bán đảo Triều Tiên.
Hải quân Hàn Quốc nhấn mạnh thông qua cuộc tập trận này, hai bên muốn tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của liên minh Hàn-Mỹ trong duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
Nam Á
* Trung Quốc, Pakistan là “những người anh em đáng tin cậy nhất”: Ngày 19/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã hội đàm với Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan Qamar Javed Bajwa.
Ông Ngụy Phượng Hòa cho rằng, là đối tác hợp tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh, Trung Quốc và Pakistan sẽ luôn là những người bạn và người anh em đáng tin cậy nhất, bất kể tình hình thế giới thay đổi ra sao. Hai bên cần tiếp tục nâng cao năng lực để cùng giải quyết các nguy cơ và thách thức, bảo vệ lợi ích chung cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cảm ơn viện trợ của Trung Quốc sau thảm họa lũ lụt ở Pakistan, ông Bajwa khẳng định Islamabad kiên trì chính sách “Một Trung Quốc” và bày tỏ hy vọng quân đội hai nước sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong tập trận, huấn luyện chung cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. (Tân Hoa xã)
* Mỹ và Taliban trao đổi tù nhân: Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Amir Khan Muttaqi cho biết Mỹ và Taliban đã hoàn tất một cuộc trao đổi tù nhân ngày 19/9 tại sân bay Kabul, trong đó Taliban trao cho Mỹ 1 cựu lính hải quân bị giam giữ hơn 2 năm để đổi lấy việc phóng thích 1 đồng minh chủ chốt của phong trào này.
Theo ông Muttaqi, cựu lính hải quân Mỹ Mark Frerichs-bị bắt giữ năm 2020-đã được đổi lấy Bashar Noorzai, một lãnh chúa và là cộng sự của Taliban bị bỏ tù 17 năm tại Mỹ về tội buôn lậu ma túy. Việc trao đổi trên diễn ra sau các cuộc đàm phán kéo dài và ông Frerichs đã được trao cho một phái đoàn Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, khi bị bắt cóc, cựu binh Hải quân Mỹ này đang làm việc tại Afghanistan với tư cách kỹ sư dân sự trong các dự án xây dựng. (Reuters)
Trung Đông
* Nga nêu thực trạng đàm phán khôi phục JCPOA: Ngày 19/9, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhận định các bên đều muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), song vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhận định cuộc đàm phán JCPOA đang lâm vào bế tắc do lập trường của Iran. (Reuters/Sputnik)
* Iran: Mỹ phong tỏa tài sản “trái pháp luật”: Phát biểu trước Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 19/9, các luật sư đại diện Iran cho rằng việc Mỹ phong tỏa tài sản của Tehran đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Cụ thể, Mỹ đã vi phạm Hiệp ước hữu nghị 1955 khi cho phép tòa án của nước này tịch thu tài sản của doanh nghiệp Iran, bao gồm cả các khoản tiền trị giá 1,75 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Iran.
Washington nhận định khoản tiền này nhằm bồi thường cho nạn nhân của các vụ khủng bố “do Iran bảo trợ”, một cáo buộc mà Tehran bác bỏ.
Hiệp ước hữu nghị năm 1955 được ký kết trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ nhà lãnh đạo Iran được Mỹ ủng hộ và khiến quan hệ giữa hai nước bị cắt đứt.
Năm 2018, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước này, 2 năm sau khi Iran nộp đơn kiện lệnh phong tỏa kinh tế của Mỹ ra ICJ. Ngày 21/9 tới, Mỹ sẽ có phiên điều trần liên quan vụ kiện của Iran. (Reuters)