Thủ tướng Anh Liz Truss đã đệ đơn từ chức chỉ sau 44 ngày tại nhiệm. (Nguồn: CNN) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga cáo buộc EU là “một phần trong cuộc xung đột” ở Ukraine: Ngày 20/10, phát biểu họp báo ở Moscow, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh hoạt động chuyển giao vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) cho phía Kiev đã biến khối này trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng thời, bà đồng thời cáo buộc các quốc gia “bơm” vũ khí cho Ukraine là “các nhà bảo trợ của chủ nghĩa khủng bố”.
Ngoài ra, bà Zakharova khẳng định Moscow sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, song đã bị phía Mỹ phong tỏa. Theo bà Zakharova, Washington đang “tống tiền” và “khủng bố” những bên cố gắng giao dịch với Nga, từ đó tác động tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, mặc dù Mỹ không trực tiếp nhắm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Nga, song các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động vận chuyển, bảo hiểm, hậu cần và hệ thống thanh toán của Nga đang cản trở nước này xuất khẩu mặt hàng phân bón và hóa chất quan trọng. (Reuters)
* EU nhất trí trừng phạt Iran liên quan việc chuyển giao UAV cho Nga: Ngày 20/10, đăng trên tài khoản Twitter, đại diện Czech, Chủ tịch luân phiên EU, thông báo sau 3 ngày nhóm họp, EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt các thực thể Iran do cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Nga.
“Các nước thành viên EU quyết định đóng băng tài sản của ba cá nhân và một thực thể chịu trách nhiệm chuyển giao UAV, đồng thời chuẩn bị mở rộng trừng phạt với bốn thực thể nữa của Iran, vốn đã được đưa vào danh sách trừng phạt trước đây”, thông báo cho biết. (Reuters)
* Không quân Nga tuần tra biên giới Belarus: Bộ Quốc phòng Belarus thông báo, trong ngày 20/10, lực lượng không quân Nga đã tuần tra theo lịch trình tại biên giới Belarus. Bộ này nêu rõ: “Ngay bây giờ, lực lượng không quân của Nga đang thực hiện một cuộc tuần tra trên không theo lịch trình ở biên giới thuộc Nhà nước Liên minh”.
Nga đã triển khai lực lượng đặc nhiệm tăng cường gồm 9.000 binh lính và hàng trăm thiết bị quân sự tới láng giềng sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố Belarus đang lo lắng về mối đe dọa từ Ukraine. (Reuters)
* Đức cảnh báo Nga sử dụng chiến thuật “tiêu thổ”: Phát biểu trước Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lợi dụng năng lượng và tình trạng đói nghèo làm vũ khí, nhưng đã "không phá vỡ được sự đoàn kết của phương Tây". Ông khẳng định Đức đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng đang nỗ lực để hạ giá năng lượng, bao gồm đảm bảo các hợp đồng cung cấp khí đốt mới từ các nước khác.
Đồng thời, nhà lãnh đạo này khẳng định Nga sẽ không đạt được mục tiêu chiến tranh thông qua các chiến thuật “tiêu thổ” (phá sạch – chiến lược phá hủy tất cả những thứ mà địch quân có thể sử dụng được trước khi rút khỏi một địa điểm)”.
Ông nhấn mạnh các hoạt động tấn công bằng bom và tên lửa của Nga “là hành động liều lĩnh trong tuyệt vọng - giống như việc động viên những người đàn ông Nga tham gia cuộc chiến”. (Reuters)
Châu Âu
* Thủ tướng Anh từ chức: Ngày 20/10, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo bà Liz Truss đã chính thức đệ đơn từ chức, qua đó trở thành Thủ tướng Anh có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử chỉ với 44 ngày.
Trước đó, bà Jason Stein, một trong những cố vấn cấp cao nhất của Thủ tướng Anh Liz Truss, đã bị đình chỉ công tác và phải đối mặt với cuộc điều tra chính thức. Cùng ngày, bà Liz Truss đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức của các nghị sĩ đối lập sau khi bà đảo ngược kế hoạch kinh tế do chính mình đề xuất. (Reuters)
* Đức nhận định hiệu quả của việc EU đề xuất áp trần giá khí đốt: Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 20/10, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng kế hoạch áp giá trần đối với mặt hàng khí đốt của EU để kiềm chế chi phí năng lượng tăng chỉ có hiệu quả khi có sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác ngoài EU như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông đánh giá: “Mức giá trần gây ra rủi ro khi các nhà sản xuất bán khí đốt cho chỗ khác còn châu Âu rốt cuộc chỉ mua được ít khí đốt hơn thay vì nhiều hơn. Đó là lý do tại sao EU phải phối hợp chặt chẽ với các nước tiêu thụ khí đốt khác, chẳng hạn với Nhật Bản và Hàn Quốc, để chúng ta không cạnh tranh mua”.
Thủ tướng Scholz cũng cho biết ông “bị thuyết phục” rằng các nước cùng ủng hộ Ukraine như Mỹ, Canada hay Na Uy “có lợi ích trong đảm bảo năng lượng ở châu Âu không trở nên cạn kiệt”.
Ngoài ra, Thủ tướng Scholz cho biết nhu cầu tài chính của Ukraine “thực tế đã được đáp ứng cho đến cuối năm” nhờ sự đóng góp then chốt của EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Tuy nhiên, ông cảnh báo Ukraine sẽ cần nhiều hơn nữa trong những năm tới để phục vụ công cuộc tái thiết.
Đức sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên G7 và tổ chức hội nghị bàn về công tác tái thiết Ukraine ngày 25/10 tới. (AFP)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc tìm cách phát triển hệ thống đánh chặn tân tiến: Ngày 20/10, Trong một báo cáo phục vụ cuộc kiểm toán thường niên của Quốc hội, quân đội Hàn Quốc tiết lộ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp-II (LAMD-II) nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên, như KN-23 và KN-24, và các pháo phản lực siêu lớn. LAMD-II sẽ là phiên bản cải tiến của hệ thống LAMD mà Seoul đang tìm cách phát triển vào năm 2029.
Quân đội Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch phát triển sớm tên lửa đất đối đất chiến thuật-II (KTSSM-II), dự kiến vào năm 2030 thay vì năm 2034 ban đầu nhằm củng cố nền tảng tấn công phủ đầu Kill Chain nhằm vào Triều Tiên. Nước này cũng đang tìm cách thành lập Bộ Chỉ huy phát triển năng lực chiến đấu thông qua việc tái cơ cấu Trung tâm Nghiên cứu Tương lai & Đổi mới hiện có thành một tổ chức nghiên cứu chuyên biệt. (Yonhap)
* Trung Quốc ủng hộ vai trò Chủ tịch G20 của Indonesia: Ngày 20/10, phát biểu họp báo bên lề Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho hay, Trung Quốc ủng hộ thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, dự kiến diễn ra ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 tới.
Đồng thời, ông hy vọng sự kiện này sẽ đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó dịch Covid-19, thúc đẩy khôi phục kinh tế thế giới, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực. Ông Mã cũng nhấn mạnh rằng với tư cách một nước G20, Trung Quốc đã và đang tham gia tích cực vào hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu, đồng thời phối hợp với các nước khác để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm. (Tân Hoa xã)
Nam Thái Bình Dương
* Australia, Fiji ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng: Ngày 20/10, Australia và Fiji đã ký kết một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Trong tuyên bố chung, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và người đồng cấp Fiji Inia Seruiratu cho biết Thỏa thuận về Quy chế của các lực lượng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ quốc phòng song phương.
Thỏa thuận cho phép lực lượng quốc phòng của một quốc gia dễ dàng triển khai và hoạt động hơn ở quốc gia kia. Tuyên bố cho biết thỏa thuận bao gồm các vấn đề nhập cảnh và hải quan, thủ tục cho lực lượng thăm viếng của một nước khi ở nước khác, và quyền tài phán hình sự và dân sự đối với lực lượng thăm viếng.
Về mục đích, cả Australia và Fiji đều chia sẻ mong muốn về một Thái Bình Dương hòa bình, an ninh, có khả năng chống chịu và có nhu cầu hợp tác để ứng phó một cách hiệu quả với các thách thức an ninh chung, cả truyền thống và phi truyền thống, bao gồm biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhân đạo và thảm họa.
Ông Marles nhấn mạnh hai bên đã giúp đỡ nhau rất nhiều trong việc đối phó với các thảm họa thiên nhiên, như cháy rừng và lũ lụt ở Australia hay bão lũ ở Fiji. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Fiji khẳng định việc ký kết thỏa thuận đánh dấu một tầm cao mới về hợp tác an ninh song phương, nền tảng mối quan hệ đối tác giữa Australia và Fiji và giúp duy trì sự ổn định, khả năng chống chịu và hòa bình của khu vực. (ABC)
Trung Đông-Châu Phi
* Lebanon lần thứ ba không bầu được Tổng thống: Ngày 20/10, Quốc hội Lebanon đã thất bại trong việc bầu chọn tổng thống lần thứ ba, đẩy quốc gia này vào tình thế bế tắc thể chế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính sâu sắc. Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri đã ấn định phiên họp tiếp theo vào ngày 24/10 trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Michel Aoun kết thúc vào ngày 31/10 tới và đang tồn tại sự chia rẽ giữa các khối chính trị về việc thành lập nội các mới.
Lebanon đã không có một chính phủ hoạt động đầy đủ kể từ tháng 5/2022. Ghế Tổng thống đã bị bỏ trống nhiều lần kể từ sau cuộc nội chiến 1975-1990.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Lebanon đã khiến đồng nội tệ mất giá hơn 90%, gia tăng nghèo đói, làm tê liệt hệ thống tài chính và đóng băng các khoản tiền gửi tiền tiết kiệm của người dân trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến tại nước này.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Lebanon tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống kịp thời. (Reuters)