Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 20/10: Nga tỏ rõ sự thất vọng về Mỹ và NATO; Hội nghị quốc tế về Afghanistan khởi động, Mỹ lại sắp ‘tung đòn’ mới vào Trung Quốc?

Hội nghị quốc tế về Afghanistan ở Moscow, Căng thẳng Nga-NATO, Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, vấn đề Triều Tiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 20/10: Nga tỏ rõ sự thất vọng về Mỹ và NATO; Hội nghị quốc tế về Afghanistan khởi động, Mỹ lại sắp ‘tung đòn’ mới vào Trung Quốc?
Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra ở Moscow, Nga ngày 20/10. (Nguồn: AA)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga thất vọng vì Mỹ không dự Hội nghị quốc tế về Afghanistan

Ngày 20/10, phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế về Afghanistan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này rất tiếc khi phái đoàn Mỹ vắng mặt tại cuộc đàm phán về tình hình Afghanistan, được tổ chức tại Moscow.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại rằng đây là lần thứ 2 Mỹ đã né tránh tham gia cuộc họp ba bên mở rộng (Nga, Mỹ,Trung Quốc và Pakistan), đồng thời hy vọng phía Mỹ không có vấn đề gì đằng sau việc từ chối tham dự.

Ông Lavrov nói: “Một trong những lý do có thể là đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan đã bị thay thế”. Ông cũng bày tỏ hy vọng, sau khi có sự thay đổi về nhân sự, Mỹ sẽ tiếp tục có những động thái mới cho vấn đề Afghanistan, bao gồm cả việc thực hiện những thỏa thuận sẽ đạt được trong buổi tham vấn ngày hôm nay.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia vòng đàm phán này tại Moscow do các lý do kỹ thuật. Giới quan sát nhận định, quyết định của Mỹ xuất phát từ việc Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad mới từ chức. Phó Đặc phái viên Tom West là người thay thế ông đảm nhiệm vị trí này.

Tuy nhiên, Mỹ cũng khẳng định có kế hoạch tham gia tiến trình này trong tương lai. (TASS/Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Afghanistan: Đặc phái viên Mỹ từ chức, Washington không tham gia hội nghị quốc tế do Nga tổ chức, vì sao?

Nga công nhận nỗ lực ổn định Afghanistan của Taliban

Vòng tham vấn thứ ba tại Nga về tình hình Afghanistan vừa diễn ra tại Khách sạn President, Moscow, tập trung đại diện 10 quốc gia trong khu vực cùng phái đoàn cấp cao của Taliban.

Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Afghanistan Abdul Salam Hanafi là nhân vật chức vụ cao nhất dự cuộc họp này. Ông Hanafi từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Lavrov đã công nhận những nỗ lực của phong trào Hồi giáo Taliban trong việc ổn định tình hình tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Nga, thực trạng ở Afghanistan vẫn còn bất ổn.

Ông lý giải Kabul chưa có giải pháp thay thế cho cán cân quyền lực mới trong tương lai gần và mặt khác là thiếu sự công nhận chính thức của quốc tế. Chính quyền Kabul mới cũng đang phải đối mặt với các vấn đề xã hội, kinh tế và tài chính, cùng những thách thức nhân đạo.

Ông Sergey Lavrov cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng các phần tử khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lợi dụng tình hình sau khi chuyển giao quyền lực ở Afghanistan để gây náo loạn.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Afghanistan Abdul Salam Hanafi tuyên bố phong trào này không cần sự hỗ trợ quân sự của nước ngoài, nhưng cần sự ủng hộ cho hòa bình và công cuộc tái thiết ở Afghanistan.

Quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi cho biết, Taliban quyết tâm ngăn chặn tình hình ở Afghanistan đe dọa đến an ninh nước ngoài. Ông nói: "Lần đầu tiên trong 45 năm qua, Afghanistan được bảo vệ khỏi các mối đe dọa. Chúng tôi cam kết đảm bảo, lãnh thổ của Afghanistan không được sử dụng gây đe dọa an ninh của các quốc gia khác". Theo ông, Taliban đã chứng minh rằng, lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại các nước thứ 3. (TASS/Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Lo ngại về an ninh khu vực, Ấn Độ đề xuất đối thoại 3 bên về Afghanistan

Nga: Tổng thống Putin không tham dự hội nghị COP-26

Ngày 20/10, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không bay đến Glasgow để tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-26)

Việc Nga từ chối tham dự đã tạo ra một bước lùi cho hy vọng của nước chủ nhà Anh trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới đạt được đồng thuận về một thỏa thuận khí hậu quan trọng.

Anh, nước đăng cai COP26 tại Glasgow từ ngày 31/10-12/11, đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc đối với một kế hoạch triệt để hơn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Liên hợp quốc kêu gọi khẩn cấp triển khai những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Ngoại trưởng Nga chê NATO 'thiếu văn hóa ngoại giao'

Ngày 19/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, phản ứng của NATO trước quyết định của Nga về việc đình chỉ hoạt động phái bộ ngoại giao Nga ở Brussels và phái bộ ngoại giao NATO ở Moscow đã bộc lộ sự thiếu văn hóa ngoại giao của khối này.

Cụ thể, ông Lavrov cho biết: “Tôi nghĩ rằng, những tuyên bố như vậy của đại diện phương Tây cho thấy họ đã nhận ra tình thế thua cuộc, cũng như xu hướng đổ lỗi cho người khác và thiếu văn hóa ngoại giao”.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, các nước NATO “chỉ đơn giản là chôn vùi nguyên tắc cơ bản" của Hội đồng Nga - NATO rằng, cần kêu gọi mở các cuộc tham vấn khẩn cấp trong các tình huống khủng hoảng. (TASS)

TIN LIÊN QUAN
Quan hệ Nga-NATO: Khi niềm tin xuống dốc

Nga-Mỹ lên kế hoạch tổ chức thượng đỉnh vào cuối năm

Ngày 20/10, Điện Kremlin cho hay cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước cuối năm nay là một khả năng thực tế, vì quan hệ Moscow-Washington đang xuống mức thấp thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Phát biểu trên được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra khi được hỏi, liệu cuộc gặp này có thể diễn ra trong năm nay hay không. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Khủng hoảng năng lượng: Thuyết âm mưu, vũ khí trong tay ai

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật nhằm vào Trung Quốc

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 19/10 thông báo đã thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân và thực thể Trung Quốc do hoạt động của Bắc Kinh tại các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố trên Twitter, Ủy ban trên cho hay: "Tại cuộc họp hôm nay, Ủy ban Đối ngoại đã thông qua Dự luật số 1657". Theo giải thích trên trang web của ủy ban, dự luật đề xuất việc đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại những cá nhân và công ty Trung Quốc, những đối tượng "tham gia vào một số hành động cụ thể liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông."

Cụ thể, các hạn chế đó đưa ra việc phong tỏa tài sản tại Mỹ và từ chối cấp thị thực Mỹ cho những cá nhân nằm trong diện bị trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt, như được nói rõ trong dự luật, sẽ áp dụng đối với những cá nhân và công ty phát triển các dự án ở những khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, cũng như đang tham gia vào các hoạt động gây bất ổn và đe dọa hòa bình ở những khu vực này. Hiện tại dự luật còn chờ sự chấp thuận của toàn bộ nghị viện Quốc hội Mỹ. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Tin đồn Trung Quốc thử tên lửa siêu thanh: Bắc Kinh lên tiếng, quan chức Mỹ nói 'không biết cách nào chống lại'

Mỹ nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết xúc tiến đối thoại với Triều Tiên

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 19/10 cho biết,Mỹ vẫn sẵn sàng can dự trong vấn đề ngoại giao với Triều Tiên, đồng thời cho rằng, việc nước này liên tục thử tên lửa gần đây đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết xúc tiến đối thoại và thúc đẩy ngoại giao với quốc gia Đông Bắc Á này.

Bà Psaki khẳng định, Mỹ vẫn duy trì các đề xuất gặp đại diện của Triều Tiên ở bất cứ thời gian, địa điểm nào và vô điều kiện. Bà kêu gọi Triều Tiên tham gia cuộc đối thoại bền vững và thực chất, đồng thời cho biết Washington đang tham vấn các nước đồng minh về tình hình hiện nay. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Sau hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc ra tuyên bố nóng

Italy nêu nội dung trọng tâm của thượng đỉnh G20

Ngày 20/10, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố rằng, hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Rome trong các ngày 30-31/10 tới, sẽ tập trung vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chống lại đại dịch Covid-19 và các biện pháp cần thiết để phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Phát biểu trước Thượng viện Italy, ông Draghi nói: "Nếu không có sự tham gia của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chúng ta sẽ không thể tuân thủ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và hạn chế sự nóng lên toàn cầu".

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay được xem là đặc biệt quan trọng vì nó diễn ra ngay trước hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP-26, được tổ chức tại Glasgow, nơi các quốc gia G20 có vị thế hàng đầu. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Đồng thuận và khác biệt tại thượng đỉnh G20 về Afghanistan

Trung Quốc triển khai vũ khí nóng tới gần biên giới với Ấn Độ

Theo nguồn tin SCMP, quân đội Trung Quốc đang tăng cường phòng thủ để chuẩn bị cho mùa Đông ở Himalaya, đồng thời đối phó với việc quân đội Ấn Độ triển khai 3 trung đoàn lựu pháo M777 dọc đường kiểm soát thực tế (LAC) tranh chấp với Trung Quốc.

Trước việc Ấn Độ và Trung Quốc không đưa ra được giải pháp cho căng thẳng biên giới hiện nay, trong khi mùa Đông đang đến gần, quân đội hai nước đã tích trữ tiếp tế chuẩn bị cho tình huống rất khó tiếp cận.

Bắc Kinh và New Delhi cũng đã củng cố hệ thống phòng thủ biên giới bằng các loại vũ khí tầm ngắn trong những tháng gần đây. (SCMP)

TIN LIÊN QUAN
Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc gia tăng: Điều đình thất bại lại đến tranh cãi ngoại giao

Đánh bom khủng bố ở Syria

Ngày 20/10, một vụ đánh bom nhằm vào một xe buýt quân sự ở thủ đô Damascus của Syria đã khiến ít nhất 14 quân nhân thiệt mạng. Đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất tại nước này trong nhiều năm qua.

Vụ đánh bom khủng bố sử dụng 2 thiết bị nổ nhằm vào một xe buýt chở binh sĩ quân đội Syria chạy qua cầu Hafez al-Assad, trung tâm thủ đô Damascus, Syria. Thiết bị nổ thứ ba ở gần đó đã được một đơn vị công binh vô hiệu hóa.

Theo ước tính ban đầu, vụ đánh bom đã làm 14 người thiệt mạng và 2 người bị thương, tất cả đều là các binh sĩ.

“Đó là một hành động hèn nhát”, chỉ huy cảnh sát Damascus, Thiếu tướng Hussein Jumaa nói trên kênh truyền hình nhà nước, đồng thời kêu gọi người dân thông báo cho chính quyền về bất kỳ vật thể khả nghi nào. (SANA)

Một 'Bộ tứ' mới?

Một 'Bộ tứ' mới?

Trong bài viết trên tờ Indian Express ngày 20/10, chuyên gia chính trị quốc tế C. Raja Mohan phân tích về khả năng hình thành ...

Tin thế giới 19/10: Nga 'dụ' NATO sau ngón đòn mới; Triều Tiên có ý gì? Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 lại đòi Nga tăng cung khí đốt?

Tin thế giới 19/10: Nga 'dụ' NATO sau ngón đòn mới; Triều Tiên có ý gì? Mỹ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 lại đòi Nga tăng cung khí đốt?

Khủng hoảng năng lượng châu Âu và Dòng chảy phương Bắc 2, Triều Tiên phóng thử tên lửa, căng thẳng Nga-NATO, Bộ trưởng Quốc phòng ...