Ukraine muốn thử nghiệm vũ khí của phương Tây trên chiến trường. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Ukraine: ‘Bãi thử nghiệm’ vũ khí phương Tây?
Ngày 19/7, Ukraine đã mời một số nhà sản xuất vũ khí phương Tây đến làm việc và tiến hành thử nghiệm vũ khí trên thực địa.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết, đất nước của ông bày tỏ lòng cảm kích với Mỹ và các đồng minh vì đã hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng để giành chiến thắng và đặc biệt là để có thể phản công, Ukraine cần có thêm nhiều vũ khí “một cách nhanh chóng và đầy đủ”.
Nhấn mạnh, Ukraine là một đối tác đáng tin cậy và cần tất cả các loại vũ khí, Bộ trưởng Reznikov tiết lộ Kiev quan tâm đến việc phát triển tiềm năng trở thành “bãi thử” vũ khí.
“Chúng tôi đang chia sẻ tất cả thông tin và kinh nghiệm với các đối tác của chúng tôi. Chúng tôi quan tâm đến việc thử nghiệm các hệ thống hiện đại trên thực địa và đang mời các nhà sản xuất vũ khí thử nghiệm các sản phẩm mới của họ tại đây”, ông Reznikov nói.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng phản đối kế hoạch này của Ukraine, đồng thời nói rằng đây là “phép thử nghiệm” trên chính người dân Ukraine, gây ảnh hưởng đến an toàn của dân thường. (Reuters/TASS)
Syria cắt quan hệ với Ukraine
Ngày 20/7, Syria tuyên bố cắt đứt quan hệ với Ukraine để ủng hộ đồng minh thân cận là Nga, đáp trả động thái tương tự của Kiev.
AFP dẫn thông tin một quan chức ngoại giao Syria nói với hãng thông tấn SANA của Syria rằng: "Syria đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine theo nguyên tắc có đi có lại và là động thái đáp trả quyết định của chính phủ Ukraine".
Trước đó, hồi cuối tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa nước này và Syria sau khi Damascus công nhận độc lập các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk do Nga hậu thuẫn, ở miền Đông Ukraine.
Ukraine chuẩn bị mở chiến dịch tái chiếm Crimea
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr Havrylov cho biết Ukraine chuẩn bị mở một cuộc tấn công trên Bán đảo Crimea do Nga sáp nhập và Hạm đội Biển Đen của Nga đang đồn trú tại đây.
Tin liên quan |
Nga-Ukraine: Bằng cách nào bám trụ ở Nga, doanh nghiệp mở ‘chiến dịch tung hỏa mù, án binh' chờ thời |
Trả lời phỏng vấn tờ The Times ở London, ông Havrylov xác nhận: "Chúng tôi đang tiếp nhận các năng lực chống hạm và sớm hay muộn chúng tôi sẽ tấn công Hạm đội Biển Đen. Nga sẽ phải rời khỏi Crimea nếu họ muốn tồn tại như một quốc gia".
Thứ trưởng Havrylov nói rằng việc tái chiếm Đảo Rắn, bị Nga chiếm đóng trước đó, là bước đầu tiên. Ông nói: "Chúng tôi sẵn sàng tấn công họ trên toàn Biển Đen nếu chúng tôi có khả năng".
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố những phát biểu của ông Havrylov xác nhận sự cần thiết của "chiến dịch quân sự đặc biệt", vì cuộc chiến được gọi chính thức ở Nga và mục đích của chiến dịch là phi phát-xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine. (SCMP)
Châu Âu chuẩn bị ‘nới’ trừng phạt cho Nga
Ngày 19/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các nước thành viên giải phóng "một số khoản tiền" từ các ngân hàng Nga bị phong tỏa bởi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) để giúp nối lại hoạt động thương mại các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.
EU "muốn làm rõ rằng, không có gì trong các lệnh trừng phạt đang ngăn chặn việc vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Nga hoặc Ukraine".
Theo đề xuất được gửi tới các nước EU, "các cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia thành viên có thể cho phép giải phóng một số quỹ đóng băng hoặc các nguồn lực kinh tế thuộc các ngân hàng sau khi đã xác định rằng, các quỹ hoặc nguồn lực kinh tế này cần cho việc mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển nông sản và thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón”. (AFP)
Mỹ nói Nga tiếp tục bị cô lập
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 19/7, ông John Kirby - điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhấn mạnh: "Tôi muốn nói rằng, chuyến đi này cho thấy mức độ bị cô lập của ông Vladimir Putin và Nga: bây giờ họ phải quay sang nhờ Iran giúp đỡ".
Theo ông Kirby, tổ hợp công nghiệp - quân sự của Liên bang Nga được cho là đang gặp vấn đề. Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đã gây nhiều khó khăn cho Nga trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Ngoài ra, vị quan chức chính quyền Mỹ cũng cho rằng, chuyến thăm Iran dường như cho thấy họ (Nga) không có ý định ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.
Ông Kirby cũng cho biết, Mỹ không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Iran thực sự đã bán máy bay không người lái cho Nga. Quan chức này cũng nói thêm rằng, nhà chức trách Mỹ sẽ không nói ra ý kiến nghi ngờ nếu họ không coi thông tin này là quan trọng và đáng tin cậy. (Sputnik)
Ấn định ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi
Ngày 20/7, Tổng thống Joe Biden đã thông báo, nước này sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo từ khắp lục địa châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi vào tháng 12 tới tại Washington để thảo luận về những thách thức cấp bách từ an ninh lương thực, cho đến biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden nêu rõ: "Hội nghị thượng đỉnh này sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên chung toàn cầu".
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 13-15/12 với sự góp mặt của khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Phi, cùng Tổng thống Biden. (Reuters)
Italy: Thủ tướng Draghi sẵn sàng tiếp tục cầm quyền
Ngày 20/7, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, ông sẵn sàng để tiếp tục vai trò của mình nếu các đảng trong liên minh cầm quyền ủng hộ ông.
Trong bài phát biểu trước Thượng viện, Thủ tướng Draghi đã đặt câu hỏi "Liệu các đảng và các nghị sĩ có sẵn sàng xây dựng lại 'hiệp ước tin cậy', cơ sở chính phủ đoàn kết dân tộc hay không?" và nhấn mạnh, đó là những gì mà người dân Italy đang đòi hỏi.
Cuộc họp tại Thượng viện tiếp tục diễn ra với phần trao đổi giữa thủ tướng và các thượng nghị sỹ.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện dự kiến được tổ chức vào tối cùng ngày và nếu Thủ tướng vượt qua được cuộc bỏ phiếu này, trình tự tương tự sẽ được lặp lại vào ngày 21/7 tại Hạ viện. (AFP)
Đức: Nga có nguồn lực gần như ‘vô tận’
Trong cuộc trò chuyện với báo Handelsblatt, Trung tướng Alfons Mais, Thanh tra Lục quân thuộc Quân đội Đức nhận định, trên thực tế Nga có nguồn lực hầu như vô tận.
Ông Mais nói: "Nhờ có ưu thế về pháo binh, quân đội Nga đang tiến đều từng cây số", đồng thời kêu gọi mọi người không nên đánh giá thấp năng lực của quân đội Nga.
Theo ông Mais, cuộc xung đột ở Ukraine làm "tiêu hao và kiệt quệ lực lượng", vấn đề đặt ra là Ukraine liệu có thể cầm cự được bao lâu nữa.
Ông Mais lưu ý: "Quân đội Nga sẽ ngày càng trở nên mạnh hơn về khả năng sẵn sàng chiến đấu". (Sputnik)
Trung Quốc phản ứng khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của Trung Quốc ngày 20/7 cho biết, họ đã điều lực lượng hải quân và không quân để “theo dõi cũng như giám sát toàn bộ quá trình” khi tàu khu trục USS Benfold đi qua eo biển Đài Loan.
“Các hành động khiêu khích và phô trương của Mỹ chứng tỏ rằng nước này gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời gây ra rủi ro” trong khu vực, người phát ngôn của chiến khu, đại tá Shi Yi, cho biết. (AFP)
Hàn Quốc, Saudi Arabia sẽ đẩy mạnh quan hệ
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Saudi Arabia Hoàng tử Faisal bin Farhan Al-Saud ngày 20/7, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Tổng thống Yoon nêu rõ: "Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của đất nước chúng tôi và là đối tác an ninh kinh tế và năng lượng của chúng tôi. Năm nay nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 2 nước hãy thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao mới thông qua việc mở rộng hợp tác hướng tới tương lai...”
Về phần mình, Ngoại trưởng Al-Saud cho hay, các công ty và công nhân Hàn Quốc đã hỗ trợ đáng kể vương quốc giàu dầu mỏ cải thiện cơ sở hạ tầng. (Yonhap)
| Nga nói gì về ý tưởng 'NATO Arab' của Mỹ? Nga cho rằng, việc thành lập một khối tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Trung Đông theo ý tưởng ... |
| Tin thế giới 19/7: Nga cảnh báo NATO 'đùa với lửa' ở Ukraine, 'bắt tay' Iran với thỏa thuận năng lượng khủng; Trung Quốc 'đe' Mỹ về Đài Loan Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc quanh vấn đề Đài Loan, quan hệ Nga-Iran, khủng hoảng năng lượng và lương thực... là ... |