Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump bất ngờ vượt lên dẫn trước ở hai bang chiến trường
Hãng Selzer công bố kết quả khảo sát Des Moines Register/Mediacom, thực hiện từ 26-29/10, trên 800 cử tri bang Iowa cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump là 48%, trong khi tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Dân chủ Joe Biden là 41%, trong khi đó, có 5% từ chối tiết lộ quan điểm.
Khảo sát của Selzer vốn có độ tin cậy khá cao. Cách đây 4 năm, khảo sát của hãng này cho thấy ông Trump dẫn trước 7 điểm ở Iowa, cuối cùng ông Trump đã chiến thắng ở đây với cách biệt hơn 9 điểm.
Một khảo sát khác tại bang chiến trường Florida do ABC và Washington Post thực hiện cho thấy, ông Trump cũng vượt lên dẫn trước ông Biden ở bang quan trọng này với tỷ lệ lần lượt là 50% và 48%. Florida được đánh giá là một trong những bang chiến trường "phải thắng" của ông Trump nếu muốn tái đắc cử. (Dailymail)
Thế giới 'nín thở' chờ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
Các quốc gia trên thế giới đang theo dõi cuộc bầu cử Mỹ một cách chặt chẽ, thậm chí không kém hơn so với chính người dân Mỹ.
Ngày 2/11, một ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, bộ này sẽ tập trung vào "những hành động" của chính quyền mới ở Mỹ hơn là việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, trung tâm thăm dò dư luận ISPA của nhà nước Iran cho biết, 55% trong tổng số hơn 1.600 người dân Iran được hỏi tin rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Tehran, trong đó, hơn một nửa kỳ vọng ông Trump sẽ thắng, trong khi 1/5 đặt niềm tin vào ông Biden.
Tại Hàn Quốc, đài phát thanh KBS của Hàn Quốc cho rằng, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây sẽ làm thay đổi đáng kể quan hệ hợp tác quốc phòng quan trọng giữa Seoul và Washington, như việc chuyển giao quyền tác chiến thời chiến và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Theo đó, nếu ông Biden thắng cử, thỏa thuận về khoản đóng góp hỗ trợ chi phí đồn trú lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc sẽ có thể đạt được nhanh chóng, nhưng lại có khả năng mất thời gian về thỏa thuận chuyển giao quyền tác chiến thời chiến và ngược lại trong trường hợp ông Trump thắng cử.
Điểm chung của hai ứng cử viên tổng thống là các chính sách đối phó với Trung Quốc. Dù ai đắc cử đi chăng nữa, Mỹ cũng sẽ gia tăng yêu cầu Hàn Quốc tham gia chính sách chống Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Berlin sẽ nỗ lực thiết lập lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã rạn nứt trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Donald Trump, bất kể ai sẽ là ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. (Tổng hợp)
Mỹ-Trung Quốc
Chuyên gia dự đoán giai đoạn nguy hiểm trong lịch sử quan hệ Trung-Mỹ
Giới phân tích nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ ưu tiên tránh đối đầu cũng như xung đột quân sự với Mỹ trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn tại Mỹ được dự đoán sẽ gia tăng từ nay cho tới lễ nhậm chức của tân tổng thống vào ngày 20/1 năm sau.
Theo giới phân tích chính trị và an ninh, việc hai ứng viên Donald Trump hay Joe Biden giành chiến thắng trước đối thủ với “tỷ số” sát sao có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng hiến pháp kéo dài, gây hỗn loạn, bạo lực và có thể tác động đến thế giới, đồng thời có thể dẫn đến những chính sách mới nhằm đối phó Trung Quốc.
Theo một cố vấn giấu tên của chính quyền Trung Quốc, nếu có một cuộc khủng hoảng về kết quả bầu cử Mỹ, đây sẽ là "giai đoạn nhiều rủi ro đối với quan hệ Mỹ-Trung, có nguy cơ dẫn đến một ngã rẽ xung đột tồi tệ hơn, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của ông Trump".
Trong khi đó, cựu biên tập viên báo Study Times của Trường đảng Trung Quốc, Deng Yuwen, dự đoán, 2-3 tháng tới có lẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt nếu có một chiến thắng sít sao dành cho ông Biden.
Trong khi đó, cựu đại sứ Trung Quốc tại Anh Ma Zhengang tin rằng Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra sau cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 3/11, nhưng cho rằng việc tái đắc cử của ông Trump không hẳn là tin xấu cho Bắc Kinh. (Tổng hợp)
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Đức muốn tạo dấu ấn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 2/11, trả lời phỏng vấn độc quyền nhật báo The Sydney Morning Herald của Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định đã đến lúc nước này cần ghi dấu ấn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực đã trở nên quan trọng đối với sự thịnh vượng của thế giới.
Bà Kramp-Karrenbauer cho rằng, sự hiện diện của hải quân Đức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ giúp bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bà tiết lộ Đức có thể tăng chi tiêu quốc phòng trong năm 2021 so với năm 2020, qua đó có thể triển khai kế hoạch trên vào năm tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức không trả lời cụ thể câu hỏi liệu tàu khu trục của Đức có tham gia tiến hành các cuộc tập trận tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đưa ra yêu sách lãnh thổ hay không.
Đức đang thúc đẩy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng quan hệ với các quốc gia cùng chí hướng như Australia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để cùng nhau đoàn kết chống lại các thách thức chung. Theo bà Kramp-Karrenbauer, những hành động gần đây của chính quyền Trung Quốc, chứ không phải do Mỹ gia tăng sức ép, đã kích hoạt châu Âu "suy nghĩ lại” về cường quốc châu Á này.
Bà bày tỏ hy vọng, bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới như thế nào, điều quan trọng là phương Tây có thể thống nhất hơn trong các quan hệ giao dịch với Bắc Kinh. (The Sydney Morning Herald)
Ấn Độ-Pakistan
Ngày 1/11, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết, Chính phủ của ông sẽ trao quy chế tỉnh tạm thời cho một phần của Kashmir, làm dấy lên sự lên án của Ấn Độ, vốn từ lâu đã phản đối bất kỳ thay đổi nào như vậy của Islamabad.
Đề xuất của Thủ tướng Khan sẽ áp dụng cho Gilgit-Baltistan, điểm nối duy nhất trên đất liền của Pakistan với Trung Quốc, là phần phía Bắc của vùng Kashmir rộng lớn hơn.
Gilgit-Baltistan có vị trí chiến lược, với dân số khoảng 1,2 triệu người, tiếp giáp Afghanistan và Trung Quốc, là trung tâm của kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mang tên Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 65 tỷ USD.
Ấn Độ tuyên bố "kiên quyết phản đối âm mưu của Pakistan mang lại những thay đổi vật chất đối với phần lãnh thổ của Ấn Độ, dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp và mang tính cưỡng chế". (Reuters, Hindustan Times)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Azerbaijan tuyên bố bắn rơi Su-25 của Armenia, Iran tự tin về 'đề xuất hòa bình'
Ngày 2/11, Sputnik dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc Su-25 của Armenia đã thực hiện các cuộc không kích vào vị trí của lực lượng Azerbaijan ở khu vực Zangilan hôm 1/11 và đã bị lực lượng này bắn hạ. Armenia chưa lên tiếng về tuyên bố của Azerbaijan.
Theo Anadolu, đây được tin là chiếc Su-25 thứ 3 của Armenia bị Azerbaijan bắn rơi trong 4 ngày qua. Trước đó, vào ngày 29/10, Azerbaijan tuyên bố bắn rơi 2 chiếc Su-25 của Armenia trong 2 phút. Tuy nhiên, phía Armenia vào cùng ngày đã bác bỏ thông tin này.
Trong khi đó, đặc phái viên của Iran Abbas Araghchi cho biết, kế hoạch do Tehran đề xuất, dựa trên một loạt nguyên tắc quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt chiếm đóng, cũng như bất khả xâm phạm biên giới và đưa những người tị nạn quay trở lại, có thể đem lại hòa bình tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Ông Araghchi nói thêm rằng, kế hoạch của Iran cũng bao hàm cả những quan điểm thực tế và cách tiếp cận khu vực, cũng như sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực, qua đó giúp Azerbaijan và Armenia thỏa mãn yêu cầu của mình. (Sputnik, Anadolu, IRNA)
Bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc, IAEA đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên
Ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra thông cáo cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề đa phương và toàn cầu Ham Sang-wook dự kiến sẽ gặp người đứng đầu cơ quan các biện pháp bảo vệ của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Massimo Aparo trong vòng đàm phán thứ 9 ngày 3/11.
Cuộc đàm phán năm nay sẽ bao gồm thảo luận về các nỗ lực chung nhằm củng cố sự sẵn sàng thẩm tra chương trình hạt nhân của Triều Tiên và trong các vấn đề liên quan đến các biện pháp bảo vệ của cơ quan nhằm ngăn ngừa việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích quân sự, cũng như hợp tác trong quản lý phòng ngừa.
Liên quan tình hình bán đảo Triều Tiên, cùng ngày, tổ chức theo dõi hàng không "No callsign" cho biết, máy bay do thám EP-3E của Hải quân Mỹ đã hoạt động trên bầu trời ở các khu vực thuộc tỉnh Bắc Gyeonggi gần biên giới liên Triều, động thái dường như nhằm theo dõi các hoạt động quân sự của Triều Tiên trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong tuần này. (Yonhap)
Đông Ukraine
Ukraine chuẩn bị đưa ra kế hoạch hành động dành cho Donbass
Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine-24, trưởng phái đoàn Ukraine tại Nhóm Tiếp xúc Leonid Kravchuk cho hay, Kiev đang soạn thảo kế hoạch hành động nhằm mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.
Ông Kravchuk cho hay: "Tình hình đàm phán năm nay diễn ra tích cực hơn so với một vài năm trước. Chúng tôi sẽ sẵn sàng đưa ra bản dự thảo của kế hoạch này trong tương lai gần để xem xét sáng kiến của các bên khác".
Theo đại diện của Ukraine, các bên sẽ tiếp tục những cuộc đàm phán nếu kế hoạch trên thất bại.
Trước đó, đại diện của Nga tại Nhóm Tiếp xúc, ông Boris Gryzlov hôm 28/10 cho hay Ukraine đã cam kết đưa ra thảo luận một lộ trình dành cho Donbass. (TASS)