Tin thế giới 22/1: Ngày thứ 2 ở Nhà Trắng của tân Tổng thống Mỹ; Hiệp định hạt nhân Mỹ-Nga được cứu? Nga sẽ trả đũa Albania. |
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một loạt sắc lệnh và chỉ thị chống Covid-19
Ngày 21/1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh và chỉ thị trong ngày thứ hai tại Nhà Trắng với mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 – những bước đi mà ông và các cố vấn cho là sẽ thúc đẩy việc xét nghiệm, tiêm vaccine, cung cấp trang thiết bị và chữa bệnh.
Thay đổi phản ứng chậm chạp của chính quyền tiền nhiệm trong phản ứng với Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Ông cũng đã cam kết sẽ tiêm 100.000 triệu liều vaccine cho người Mỹ trong 100 ngày đầu cầm quyền.
Trong số các sắc lệnh và chỉ thị mới về chống Covid-19, các biện pháp chống dịch yêu cầu, bên cạnh việc đeo khẩu trang, xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt buộc trước khi lên máy bay, các du khách tới Mỹ sẽ phải cách ly ngay khi đặt chân tới nước này. (NPR)
Ông Trump ‘chọn mặt gửi vàng’ luật sư biện hộ
Theo một nguồn tin, cựu Tổng thống Donald Trump đã thuê luật sư Nam Carolina Butch Bowers đại diện cho ông trong phiên xét xử luận tội tại Thượng viện. Dù không nổi tiếng trong giới chính trị quốc gia, nhưng ông Butch Bowers từng đại diện cho các cựu thống đốc đảng Cộng hòa bang Nam Carolina và từng làm việc trong Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Hiện ông Bower chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Trước đó, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã đề xuất Thượng viện cho nhóm pháp lý của cựu Tổng thống Trump thêm 2 tuần tính từ thời điểm Thượng viện nhận điều khoản luận tội để chuẩn bị cho phiên xét xử sắp tới. Đề xuất này nếu được chấp thuận, phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện có thể được trì hoãn tới giữa tháng 2. (Reuters)
New START: Hiệp ước hạt nhân Nga-Mỹ tối quan trọng sắp được cứu
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tìm kiếm khả năng gia hạn hiệp ước New START nhằm duy trì thế cân bằng chiến lược hạt nhân giữa hai siêu cường quân sự Mỹ-Nga thêm 5 năm nữa.
New START là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai cường quốc này, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 5/2 tới.
Tại buổi họp báo ngày 21/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết:” Tổng thống Biden từ lâu đã nói rõ rằng New START phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Và sự gia hạn này càng có ý nghĩa hơn khi mối quan hệ với Nga đang ở thế đối đầu như lúc này". (Reuters)
Thế giới hoan nghênh Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân có hiệu lực
Hiệp ước của Liên hợp quốc (LHQ) cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: "Hiệp ước là bước đi quan trọng hướng đến mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và là minh chứng mạnh mẽ ủng hộ các cách tiếp cận đa phương đối với giải trừ quân bị hạt nhân".
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis cho rằng, TPNW "là công cụ quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên nghiêm cấm rõ ràng những loại vũ khí này. Việc sử dụng bừa bãi những vũ khí hạt nhân ảnh hưởng đến nhiều người trong thời gian ngắn và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho môi trường".
Trong khi các quốc gia và khu vực tham gia hy vọng rằng, TNPW sẽ tạo động lực cho phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, thì việc ra mắt quy chuẩn quốc tế lịch sử này lại bị các quốc gia có vũ khí hạt nhân, bao gồm năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ), cũng như Nhật Bản, quốc gia duy nhất đã phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử, từ chối. (AFP)
Hậu Brexit: Anh-EU lại vướng vào tranh cãi ‘nảy lửa’
Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang vấp phải bất đồng trong vấn đề ngoại giao khi London từ chối trao quy chế ngoại giao đầy đủ cho đại diện của khối tại nước này sau Brexit.
Cụ thể, Anh từ chối trao cho Đại sứ EU Joao Vale de Almeida địa vị ngoại giao đầy đủ như đại sứ của các quốc gia riêng rẽ có chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Anh khẳng định, ông Vale de Almeida và các quan chức dưới quyền không nên có các đặc quyền, kể cả quyền miễn trừ bị giam giữ, truy tố hình sự và đóng thuế dành cho các nhà ngoại giao theo Công ước Vienna. Theo đó, Đại sứ EU cũng sẽ không có cơ hội được trình ủy nhiệm thư lên Nữ hoàng như các trưởng phái đoàn ngoại giao khác.
Quan điểm được hiểu là, London không muốn thiết lập tiền lệ bằng cách đối xử với một cơ quan quốc tế như cách với một quốc gia độc lập.
Josep Borrell, Cao ủy EU về đối ngoại đã viết thư cho Ngoại trưởng Anh Dominic Raab để bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng". Vấn đề sẽ được các ngoại trưởng của liên minh đem ra thảo luận vào thứ Hai tuần tới (25/1), tại cuộc họp đầu tiên của họ kể từ khi giai đoạn chuyển giao hậu Brexit (Anh rời EU) kết thúc vào ngày 31/12. (BBC)
IS nhận trách nhiệm hai vụ đánh bom tại Iraq
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố đứng sau hai vụ đánh bom tại một khu chợ đông đúc ở trung tâm Baghdad hôm 21/1 khiến 32 người thiệt mạng và 110 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại thủ đô Baghdad của Iraq trong ba năm qua.
Bộ Nội vụ Iraq cho biết, kẻ tấn công đầu tiên thu hút đám đông tại khu chợ ở quảng trường Tayaran bằng cách nói rằng mình cảm thấy không khỏe. Sau đó y kích nổ đai bom trên người.
Khi nhiều người đến hiện trường để giúp đỡ các nạn nhân, một kẻ đánh bom liều chết thứ hai kích nổ đai bom. (AFP)
Bán đảo Triều Tiên: Hàn Quốc cam kết thúc đẩy đàm phán quân sự liên Triều
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21/1 tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc đàm phán quân sự thường kỳ với Triều Tiên trong năm nay để thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng thiết lập tư thế sẵn sàng đối phó mạnh mẽ với các mối đe dọa từ mọi hướng và thực hiện đầy đủ thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19/9”.
Đầu tuần này, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, hai miền Triều Tiên có thể thảo luận về các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn nếu cần thiết. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó thông báo bất kỳ vấn đề quân sự liên Triều nào còn tồn tại đều có thể được thảo luận để giảm căng thẳng. (Yonhap)
Hàn Quốc-Nhật Bản: Tân Đại sứ Hàn Quốc quyết tâm cải thiện quan hệ với Nhật Bản
Ngày 22/1, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Kang Chang-il tuyên bố, Seoul quyết tâm bình thường hóa quan hệ với Tokyo, trong bối cảnh tranh cãi kéo dài giữa hai bên về lịch sử thời chiến và thương mại.
Phát biểu với phóng viên tại Sân bay Quốc tế Incheon, phía Tây thủ đô Seoul, trước khi lên đường đến Nhật Bản đảm nhận cương vị mới, ông Kang Chang-il nhấn mạnh: "Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in có quyết tâm bình thường hóa quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống cũng đã bày tỏ nguyện vọng này trong buổi họp báo Năm mới... Tôi dự định chuyển thông điệp này tới phía Nhật Bản". (Yonhap)
Đảng cầm quyền Mông Cổ chọn tân Thủ tướng
Ngày 22/1, đảng Nhân dân Mông Cổ cầm quyền đã quyết định đề cử Chánh Văn phòng Nội các Luvsannamsrai Oyun-Erdenem làm Thủ tướng tiếp theo của nước này.
Ông Oyun-Erdene đã nhận được sự ủng hộ của tất cả thành viên trong đảng, những người tham dự một hội nghị trực tuyến cùng ngày để chọn ra một ứng cử viên cho vị trí tân Thủ tướng sau khi chính phủ giải tán. (THX)
Vấn đề Hong Kong: Trung Quốc phản đối sự can thiệp của EU
Trung Quốc ngày 22/1 đã phản đối một nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU) về việc lên án sự quản lý Hong Kong của Bắc Kinh.
Phát biểu trong một buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hối thúc các nhà lập pháp EU "đối mặt với sự thật là Hong Kong đã trở về với Trung Quốc".
Theo bà Hoa Xuân Oánh, nghị quyết của EU đã cho thấy các thành viên Nghị viện châu Âu (EP) "đã nhầm lẫn giữa điều đúng và điều sai", "đã can thiệp thô bạo vào công việc Hong Kong của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, EP nên "dừng ngay bất kỳ hình thức can thiệp nào". (AFP)
Nga sẽ trả đũa vụ nhà ngoại giao bị Albania trục xuất
Hãng thông tấn RIA đưa tin ngày 22/1, Bộ Ngoại giao Nga cam kết sẽ trả đũa vụ Albania trục xuất một nhà ngoại giao Nga. Moscow cho rằng, hành động của Albania đã hủy hoại quan hệ song phương.
Trước đó ngày 21/1, một nhà ngoại giao Nga đã bị Albania trục xuất với cáo buộc không tôn trọng các quy tắc ngăn chặn dịch Covid-19 của nước này. (RIA)
Turkmenistan và Azerbaijan chấm dứt tranh chấp dầu khí ở Biển Caspi
Turkmenistan và Azerbaijan hôm 21/1 thông báo sẽ cùng tìm kiếm dầu mỏ ở biển Caspi, chấm dứt nhiều năm bất đồng, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan tới châu Âu.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Turkmenistan nói, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã ký một bản ghi nhớ "về việc thăm dò, phát triển và vận hành mỏ dầu Dostluk ở biển Caspi". Tổng thống Azerbaijan trong một thông báo tương tự, nói rằng các nguyên thủ quốc gia của hai nước, Ilham Aliev và Gurbangouly Berdymoukhamedov, đã ký kết thỏa thuận qua cầu truyền hình.
Theo Robert Cutler, Giám đốc Chương trình An ninh Năng lượng của Canada, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Toronto, bản ghi nhớ này "loại bỏ rào cản cuối cùng" đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên Caspi. Theo ước tính, mỏ "Dostluk" chứa khí tự nhiên và tới 70 triệu tấn dầu. (TASS)