Tin thế giới 21/9: Cuộc đua 'rực lửa' sau cái chết của thẩm phán Mỹ; Trận chiến không vấy máu ở Iran; Điều gì khiến quân đội Nga phát điên? |
Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc bị nghi tập tấn công căn cứ Mỹ trên đảo Guam
Không quân Trung Quốc mới đây công bố một video máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân H-6 tiến hành tấn công mô phỏng dường như nhằm vào căn cứ Andersen trên đảo Guam của Mỹ.
Video dài 2 phút 15 giây của không quân Trung Quốc mở đầu bằng một đoạn nhạc long trọng, kịch tính giống như đoạn giới thiệu trong một bộ phim của Hollywood cho thấy, các máy bay ném bom H-6 cất cánh từ một căn cứ ở sa mạc. Đoạn phim mang tên "Thần chiến tranh H-6k đi tấn công".
Ở đoạn giữa video, phi công ấn một nút và tên lửa bay đi, nhằm vào một đường băng ở gần bờ biển. Một bức ảnh vệ tinh xuất hiện cho thấy khuôn viên y hệt căn cứ Andersen. Nhạc bất ngờ dừng lại và hình ảnh mặt đất rung chuyển hiện ra, tiếp đó là một vụ nổ nhìn từ trên không.
"Chúng tôi là những người bảo vệ an ninh trên không của đất mẹ, chúng tôi tự tin và có khả năng để luôn đảm bảo an ninh bầu trời của đất mẹ", không quân Trung Quốc viết đoạn giới thiệu ngắn về video như vậy.
Hiện, cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc lẫn Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đều chưa phản hồi gì về đề nghị bình luận video này. (Reuters)
Cảnh sát New York bị nghi là gián điệp cho Trung Quốc
Ngày 22/9, một cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát New York đã bị giới chức nước này truy tố với tội danh hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Được biết, viên cảnh sát này cũng là một quân nhân dự bị của quân đội Mỹ.
Người bị truy tố là viên cảnh sát Baimadajie Angwang, 33 tuổi. Ông đã bị bắt giữ vào sáng ngày 21/9 tại nhà ở quận Long Island.
Phía điều tra cho biết nhân viên này là một nội gián, hoạt động nhân danh chính quyền nước ngoài, đã nói dối và lợi dụng chức vụ để hỗ trợ bất hợp pháp các hoạt động của chính quyền Trung Quốc nhằm tuyển dụng các nguồn tin tình báo.
Các công tố viên cũng cho biết Angwang sinh ra ở Trung Quốc, nhập tịch Mỹ, đã hoạt động tình báo từ năm 2014. Viên cảnh sát này bị cáo buộc báo cáo các hoạt động của người Trung Quốc sinh sống ở khu vực thành phố New York cho lãnh sự quán Trung Quốc và đánh giá các nguồn tin tình báo tiềm năng trong cộng đồng người Tây Tạng ở địa phương. (AP)
Trung Quốc chỉ trích thương vụ mua lại TikTok
Trong một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, nhiều khả năng Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận giữa ByteDance với hai tập đoàn Mỹ Oracle và Walmart liên quan đến tương lai của ứng dụng TikTok.
Bài xã luận này phản đối yêu cầu của Mỹ về việc kiểm soát 4/5 ghế của công ty TikTok Global, chỉ cho Trung Quốc 1 ghế.
Ngoài ra, bài viết cũng lên án đòi hỏi rằng, ByteDance phải tiết lộ mã nguồn của TikTok cho Oracle, cũng như sự quản lý riêng rẽ TikTok, không phụ thuộc vào Douyin (phiên bản TikTok nội địa của Trung Quốc), cho rằng điều này khiến Mỹ có thể biết các hoạt động của Douyin vì hai phiên bản này có chung mã nguồn.
Tác giả bài viết cho rằng: "Nếu việc tái cơ cấu của TikTok dưới sự thao túng của người Mỹ trở thành một tiền lệ thì cứ mỗi khi có một công ty Trung Quốc thành công và mở rộng thị trường sang Mỹ, họ sẽ trở thành mục tiêu của chính quyền Mỹ và sẽ bị kiểm soát thông qua các biện pháp lừa đảo và ép buộc, với mục đích cuối cùng là phục vụ lợi ích của riêng Mỹ". (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ông Trump đang biến Mỹ thành ‘phiên bản lỗi’ của Trung Quốc? |
Bầu cử Mỹ 2020
Ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump ở hai bang chủ chốt
Reuters đã tiến hành khảo sát ở 6 tiểu bang của Mỹ: Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, North Carolina, Florida và Arizona, các bang sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu Tổng thống Donald Trump có tái đắc cử hay không.
Kết quả thăm dò, được công bố hôm 21/9 tại Wisconsin cho thấy, 48% số người tham gia khảo sát muốn bầu cho cựu Phó Tổng thống Biden, và 43% ủng hộ Tổng thống Trump. Tại bang Pennsylvania, ứng viên của đảng Dân chủ cũng đang dẫn trước nhưng không chênh lệch quá nhiều với 49% tỷ lệ ủng hộ, trong khi con số này của Tổng thống Trump là 46%.
Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters ở 4 bang còn lại dự kiến diễn ra trong những ngày tới. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ: Nếu không tái đắc cử, Covid-19 không phải là lý do duy nhất để Tổng thống Trump đổ lỗi |
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn Độ thử nghiệm máy bay chiến đấu ở biên giới với Trung Quốc
Ngày 21/9, một quan chức giấu tên cho biết, các máy bay chiến đấu mới Rafale của Ấn Độ do Pháp sản xuất đã thực hiện các chuyến bay "làm quen" ở vùng trời phía trên khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc, nơi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ hai nước hồi tháng 6.
Quan chức cấp cao giấu tên thuộc lực lượng không quân Ấn Độ cho hay: "Máy bay chiến đấu Rafale đã thực hiện các chuyến bay làm quen tại khu vực tác chiến của chúng tôi, bao gồm cả Ladakh". Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gọi đây là một "thông điệp mạnh mẽ" dành cho các đối thủ của New Delhi.
Thông báo về các chuyến bay thử nghiệm của máy bay chiến đấu Rafale được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, chỉ huy quân đội của Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán tiếp theo nhằm xoa dịu căng thẳng dọc biên giới Himalaya đang tranh chấp. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc-Ấn Độ: Xóa sổ 'tiếng sấm' ở biên giới khi 'tên đã trên dây, đạn đã lên nòng'? |
Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ hoan nghênh công hàm của Anh, Đức, Pháp
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/9 đã lên tiếng hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp mới đây bác bỏ yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ yêu sách hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên hợp quốc. Trung Quốc phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi tham gia cùng các đồng minh của mình bác bỏ ý tưởng ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’” – ông Pompeo viết trên tài khoản Twitter của chính phủ Mỹ.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Anh, Pháp và Đức đệ trình công hàm chung lên Liên hợp quốc vào tuần trước, nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). (ANI)
Philippines phản đối Trung Quốc đẩy phương Tây khỏi Biển Đông
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. phát biểu tại phiên điều trần về ngân sách của quốc hội Philippines hôm 21/9 rằng, các cường quốc phương Tây vẫn sẽ hiện diện ở Biển Đông. "Chúng tôi tin tưởng vào sự cân bằng quyền lực, tin tưởng rằng sự tự do của người Philippines phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông", ông nói.
Ngoại trưởng Locsin tuyên bố “đòi hỏi của Trung Quốc về việc đẩy các cường quốc phương Tây khỏi Biển Đông” là điều Philippines “không bao giờ cho phép”. "Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở Biển Đông với tư cách là một bên cân bằng”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc gián tiếp kêu gọi các nước Đông Nam Á phản đối sự can thiệp của Mỹ vào tình hình Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). (Benar News)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuyên gia: Nga nên theo đuổi ngoại giao khoa học ở Biển Đông |
Mỹ-Iran
Mỹ siết trừng phạt Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/9 nói với các phóng viên rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp các biện pháp trừng phạt mới với Iran.
Cụ thể, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với Bộ Quốc phòng Iran, Cơ quan Hậu cần Vũ trang Iran, Tổ chức Công nghiệp Quốc phòng Iran và người đứng đầu Mehrdad Akhlaghi-Ketabchi.
Quyết định này của Mỹ được cho là do lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc lên Iran sắp hết hạn. Washington coi đây là lời cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân mua/bán vũ khí cho Iran.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người củng cố mối quan hệ giữa Caracas và Tehran. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Mỹ-Iran: Đích đến cuối cùng |
Vấn đề Đài Loan
Lãnh đạo Đài Loan ca ngợi phi công chặn máy bay Trung Quốc
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vừa lên tiếng ca ngợi lực lượng phòng vệ trên không của vùng lãnh thổ này đã có "màn trình diễn anh hùng" trước các máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận.
Người đứng đầu chính quyền Đài Bắc cho biết bà "rất tin tưởng" rằng lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan sẽ không cho phép kẻ thù huênh hoang xung quanh không phận của vùng lãnh thổ này. Bà Thái nhận định rằng căn cứ "tiền phương" tại Bành Hồ đang đối mặt với nhiệm vụ "nặng nề hơn nhiều" vì Trung Quốc gia tăng các hành vi mà Đài Loan cáo buộc là "khiêu khích và gây tổn hại nền hòa bình khu vực".
Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, từ ngày 17/9 đến ngày 21/9, Trung Quốc nhiều lần điều máy bay xâm phạm vùng nhận diện phòng không do Đài Bắc kiểm soát. Duy nhất, chỉ có ngày 20/9 là Trung Quốc không có hành vi xâm phạm không phận Đài Loan. Các căng thẳng này xảy ra ngay đúng dịp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kinh tế Keith Krach sang thăm Đài Loan và tham dự lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. (CNA/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ tuyên bố sáng kiến thiết lập đối thoại kinh tế mới với Đài Loan |
Tập trận Kavkaz-2020
Khởi động tập trận Kavkaz-2020
Ngày 21/9, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết, nước này đã khởi động cuộc tập trận quân sự Kavkaz-2020 (Caucasus-2020), có sự tham gia của hơn 80.000 người thuộc lực lượng chiến đấu, lực lượng hậu cần và lực lượng bảo đảm kỹ thuật cùng các quốc gia đối tác.
Các đối tác khách mời tham gia cuộc tập trận gồm Trung Quốc, Iran, Belarus, Armenia, Myanmar và Pakistan đã gửi 1.000 lính tham gia các hoạt động chung, trong khi các tàu quân sự của Iran dự kiến sẽ tham gia các cuộc tập trận hải quân.
Azerbaijan, Kazakhstan, Tajikistan, Indonesia, Iran và Sri Lanka cũng cử đại diện tham gia với tư cách quan sát viên.
Trước đó, Ấn Độ dự định cử 200 binh sĩ tham gia cuộc tập trận, nhưng đã rút lui sau sự cố căng thẳng biên giới với Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các cuộc tập trận Kavkaz-2020 sẽ đặc biệt tập trung vào diễn tập các nội dung chống tên lửa hành trình và các phương tiện bay không người lái cũng như các hoạt động chiến đấu bắn đạn thật và điện tử nhằm vào toàn bộ đội hình của đối phương, huấn luyện khả năng bao phủ thẳng đứng của không quân và các biện pháp để di chuyển nhanh chóng giữa các hoạt động quân sự.
Cuộc tập trận Kavkaz-2020 sẽ diễn ra từ ngày 21-26/9 ở lãnh thổ Quân khu miền Nam, Biển Đen và Biển Caspi dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Valery Gerasimov.
| Phân tách Mỹ-Trung trong bối cảnh Covid-19: Suy thoái toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất TGVN. Các báo cáo gần đây cho thấy, Trung Quốc sẽ không còn đóng góp vào sự phục hồi trên toàn thế giới như sau ... |
| Giá vàng chiều nay 22/9: Đồng loạt 'lao dốc không phanh', giá giảm mạnh nhất trong 4 tuần, cơ hội để mua vào? TGVN. Giá vàng thế giới chiều nay chính thức tuột mốc 1.900 USD/ounce. Ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng ... |
| Tin thế giới 21/9: Cuộc đua 'rực lửa' sau cái chết của thẩm phán Mỹ; Trận chiến không vấy máu ở Iran; Điều gì khiến quân đội Nga phát điên? TGVN. Diễn biến mới tác động tới bầu cử Mỹ 2020, Mỹ-Iran, Nga-Anh, tình hình Belarus, Hiệp ước New START và Covid-19 là một số ... |