Các binh sĩ Israel khiêng quan tài của một đồng đội trong lễ tang tại nghĩa trang Mount Herzl ở Jerusalem, ngày 23/1, một ngày sau khi quân nhân này thiệt mạng ở Dải Gaza. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine: Ngày 23/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã tiến hành những cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa từ trên không và trên mặt đất nhằm vào tất cả mục tiêu doanh nghiệp sản xuất tên lửa, chất nổ và đạn dược của quân đội Ukraine.
Trong khi đó, trên mạng xã hội, Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny cho hay, Nga đã sử dụng 41 tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và tên lửa phòng không trong cuộc tấn công, nhưng Kiev đã bắn hạ 15 tên lửa hành trình, 5 tên lửa đạn đạo và 1 tên lửa dẫn đường Kh-59. (AFP, Reuters)
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký ban hành sắc lệnh “Các vùng lãnh thổ của Nga trong lịch sử có người Ukraine sinh sống” gồm 6 địa phương là vùng Krasnodar, các tỉnh Rostov, Belgorod, Bryansk, Kursk và Voronezh.
Trong sắc lệnh, ông Zelensky chỉ đạo chính phủ xây dựng kế hoạch hành động “để giữ gìn bản sắc dân tộc” của người Ukraine sống ở Nga.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng yêu cầu soạn thảo tài liệu “về lịch sử hơn 1.000 năm của nhà nước Ukraine”.
Sắc lệnh được công bố trên trang web chính thức của Tổng thống Ukraine.
Trung Đông
* 24 binh sĩ thiệt mạng ở Dải Gaza, Israel nổi giận: Ngày 23/1, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận, có 24 binh sĩ, trong đó 21 người là quân nhân dự bị, đã thiệt mạng tại Gaza hôm 22/1 do một tòa nhà bị trúng đạn và đổ sập.
Người phát ngôn IDF Daniel Hagari cho biết, các binh sĩ Israel đã vào một tòa nhà 2 tầng để đặt bom đánh sập căn phòng được cho là cơ sở của lực lượng Hamas.
Cùng lúc, phía Hamas nã đạn vào chiếc xe tăng của IDF ở bên ngoài ngôi nhà, khiến mìn nổ và tòa nhà đổ sập theo.
Đây là con số binh sĩ tử trận cao nhất của phía Israel trong vòng 24 giờ kể từ khi giao tranh bùng phát giữa Israel và Hamas hôm 7/10/2023.
Sau sự kiện này, ngày 23/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel đã cùng xuất hiện trong một đoạn video, khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến tổng lực ở Dải Gaza để nỗ lực đạt được mục tiêu không gì thay thế là "giành thắng lợi hoàn toàn”.
Thủ tướng Netanyahu cũng cho hay, quân đội Israel đã mở cuộc điều tra về “thảm họa” nêu trên. (AFP, Reuters)
* Mỹ, Anh, Australia áp đặt trừng phạt mới đối với Hamas: Đây là vòng trừng phạt mới nhất dưới sự phối hợp của ba nước nói trên nhằm vào các nhóm vũ trang ở khu vực Trung Đông.
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã áp đặt biện pháp trừng phạt nhằm vào các mạng lưới tài chính liên quan Hamas ở Gaza, đặc biệt nhắm tới các cá nhân và thực thể hậu thuẫn việc chuyển tài trợ cho Hamas và Phong trào Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ).
Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với các nhóm vũ trang sử dụng căn cứ ở Gaza, Iraq, Lebanon, Syria và Yemen, để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Israel và Mỹ.
Mỹ và Anh cũng "đóng băng" tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 5 "nhân vật chủ chốt" và một thực thể liên quan vai trò lãnh đạo và mạng lưới tài chính của Hamas và PIJ. Theo quy định, các cá nhân và công ty của Mỹ không được pháp tham gia các giao dịch liên quan tài sản của những cá nhân và thực thể bị trừng phạt.
Australia đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt tài chính chống khủng bố đối với 12 cá nhân và 3 thực thể có liên quan đến Hamas, Hezbollah và Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
* Anh sẽ tiếp tục ngăn chặn phong trào Houthi ở Yemen tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ, sau đòn tập kích mới nhất kết hợp với lực lượng Mỹ vào ngày 22/1, theo lời Ngoại trưởng Anh David Cameron.
Khẳng định các vụ tấn công của Houthi là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được, ông Cameron cho hay, các hành động của Mỹ-Anh phát đi thông điệp rõ ràng nhất có thể rằng "chúng tôi sẽ tiếp tục làm suy yếu năng lực thực hiện các cuộc tấn công này của Houthi". (AFP)
* Nga thúc đẩy các nỗ lực giải quyết tình hình Trung Đông: Ngày 22/1, tại New York, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon để thảo luận về tình hình Dải Gaza, Syria và "căng thẳng" ở Biển Đỏ.
Các nhà ngoại giao đã thảo luận về nỗ lực tập thể để có một lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng như giải quyết khủng hoảng ở Trung Đông, các điều kiện cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường. (Reuters)
Châu Âu
* NATO tăng cường sức mạnh quân sự, không nhận thấy mối đe dọa trực tiếp từ Nga: Ngày 22/1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo ký kết hợp đồng khung trị giá khoảng 1,1 tỷ Euro với các nhà sản xuất vũ khí quốc phòng của Đức và Pháp về việc cung cấp hơn 220.000 viên đạn pháo 155 mm.
Đạn pháo 155 mm có thể được sử dụng trong hệ thống pháo tự hành Caesar và Panzerhaubitze 2000. Cả hai loại pháo này cũng đã được các quốc gia thành viên NATO cung cấp cho Ukraine để sử dụng trong cuộc xung đột với Nga.
Dự kiến, những viên đạn pháo đầu tiên sẽ được bàn giao sau 24 tháng tới.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận liên minh quân sự này "không nhận thấy bất cứ mối đe dọa trực tiếp hoặc hiện hữu nào đối với mọi đồng minh NATO" từ Nga.
Theo ông Stoltenberg, NATO đã đặt ra 2 mục tiêu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022 là “hỗ trợ Kiev" và ngăn chặn “leo thang thành xung đột toàn diện" giữa Moscow và tổ chức quân sự này. (TASS)
* Ukraine-Ba Lan tăng cường hợp tác song phương: Ngày 22/1, tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đến Kiev, bắt đầu chuyến thăm chính thức Ukraine nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Phát biểu sau hội đàm, Tổng thống Zelensky khẳng định, hai bên đã có cuộc trao đổi "rất hiệu quả" và đang xúc tiến một hình thức hợp tác mới nhằm mục đích mua sắm vũ khí quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của Kiev theo khoản vay mà Warsaw cung cấp.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận triển vọng sản xuất vũ khí chung trong tương lai, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và hợp tác đầu tư.
Trong cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Ba Lan, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng tuyên bố "thiết lập lại" mối quan hệ giữa hai chính phủ và cho biết, hai bên sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên để tăng cường hợp tác.
Nhấn mạnh Kiev sẽ "nỗ lực tối đa" để tránh làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của Ba Lan, ông Shmyhal cũng hy vọng Warsaw sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với nông dân và các nhà sản xuất của Ukraine. (Reuters)
* EU sẽ sớm hoàn tất nghiên cứu việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga, theo lời Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell ngày 22/1.
Theo đó, các nước EU đã đạt được thỏa thuận chính trị để tiến tới giai đoạn cuối cùng nghiên cứu khả năng sử dụng tài sản của Nga. (AFP)
Châu Á
* Động đất tại khu vực biên giới Trung Quốc-Kyrgyzstan với độ lớn 7,0 Richter, có độ sâu chấn tiêu 13 km tại khu Tân Cương, cách thành phố A Khắc Tô 140 km về phía Tây, khiến ít nhất 50 người bị thương.
Trận động đất lớn được ghi nhận lúc hơn 2h sáng (theo giờ địa phương) và đến 8h ngày 23/1, khu vực này ghi nhận tổng cộng hơn 40 dư chấn. Với cường độ này, động đất có thể gây thiệt hại không nhỏ.
Trận động xảy ra một ngày sau vụ sạt lở đất làm ít nhất 20 người thiệt mạng ở phía Tây Nam Trung Quốc.
* Trung Quốc công bố Sách Trắng trong ngày 23/1, nhấn mạnh, nước này đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm xây dựng một khung pháp lý chống khủng bố. Các điều kiện quốc gia, nguyên tắc hiến pháp và kinh nghiệm quốc tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Sách Trắng bao gồm 5 phần: "Khuôn khổ pháp lý cải thiện để chống khủng bố", "Quy định rõ ràng về việc xác định và trừng phạt các hoạt động khủng bố", "Thực thi quyền lực được tiêu chuẩn hóa trong công tác chống khủng bố", "Bảo vệ quyền con người trong các hoạt động chống khủng bố" và "Bảo vệ hiệu quả an toàn của người dân và an ninh quốc gia".
Văn kiện lưu ý rằng, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời là thách thức đối với tất cả các quốc gia và toàn nhân loại. Do đó, tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế cần chia sẻ trách nhiệm chống khủng bố.
Cũng theo Sách Trắng, các biện pháp chống khủng bố bảo vệ các giá trị chung của nhân loại, tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc của Liên hợp quốc và phù hợp với các điều kiện cũng như thể chế pháp lý quốc gia. (THX)
* Ấn Độ và EFTA sắp ký thỏa thuận thương mại sau 16 năm đàm phán, theo tin đưa của Hãng thông tấn PTI.
Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) gồm 4 quốc gia thành viên Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Guy Parmelin cho biế trên mạng xã hội X rằng, hai bên hiện "tập trung định hình sự hội tụ mới đạt được” và các quan chức đang nỗ lực suốt ngày đêm để xử lý những chi tiết cuối cùng để có thể ký được thỏa thuận càng sớm càng tốt.
Châu Mỹ
* Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang ELN nối lại đàm phán ở Havana, theo xác nhận của Chủ tịch nước chủ nhà Cuba Miguel Díaz-Canel.
Thượng nghị sĩ Iván Cepeda, thành viên phái đoàn Chính phủ Colombia, bày tỏ lạc quan về tiến trình hòa bình và tin tưởng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn song phương đang có hiệu lực đến ngày 29/1.
Thông qua mạng xã hội X, người đứng đầu phái đoàn của nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) là ông “Pablo Beltrán” Israel Ramírez chia sẻ kỳ vọng tiến gần hơn và cụ thể hóa “những chuyển đổi mà Colombia cần” để xây dựng hòa bình. (AFP)
* Tổng thống Argentina Javier Milei sẽ thăm Israel và Italy vào tháng 2, theo lời mời của các Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Giorgia Meloni.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza leo thang, Tổng thống cực hữu Milei nhiều lần bày tỏ ủng hộ “quyền bảo vệ chính đáng” của quân đội Israel.
Châu Phi
* Nga- Ai Cập khởi công xây dựng tổ máy mới tại Nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa của quốc gia Bắc Phi, theo thông tin từ hãng thông tấn RIA Novosti ngày 23/1.
Tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc doanh Rosatom của Nga đảm nhận dự án này. Nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa sẽ bao gồm 4 tổ máy có tổng công suất 4,8 Gigawatt.
* Ai Cập cảnh báo nỗ lực của Israel kiểm soát Hành lang Philadelphia sẽ gây ra mối đe dọa với quan hệ song phương, người đứng đầu Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan tuyên bố ngày 23/1.
Cho rằng Israel đang lan truyền thông tin sai lệch về vũ khí được buôn lậu qua Ai Cập vào Dải Gaza nhằm giành quyền kiểm soát Hành lang Philadelphia, ông khẳng định, Ai Cập "có khả năng bảo vệ lợi ích và chủ quyền đối với đất đai và biên giới của mình".
Hồi đầu tháng, tờ Wall Street Journal đưa tin, Israel đã đề xuất với Cairo về việc lắp đặt cảm biến dọc Hành lang Philadelphia giữa Ai Cập và Dải Gaza nhằm ngăn chặn Hamas buôn lậu vũ khí và buôn người vào khu vực này.
Sau đó, Israel được cho là đã thông báo với Cairo rằng họ đang lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza.