Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Ukraine tại Kiev, ngày 23/8. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ sắp thăm Trung Quốc: Ngày 23/8, trang Axios cho biết Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan sẽ đến Trung Quốc để gặp Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Vương Nghị vào ngày 27-29/8.
Dự kiến, hai ông Sullivan và Vương Nghị sẽ trao đổi tạo cơ sở cho cuộc gặp thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm nay.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Sullivan diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang ở trong giai đoạn quan trọng của chiến dịch tranh cử tổng thống, trong đó cả ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ của bà là ông Donald Trump đều có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là về thuế quan. (Reuters)
*Máy bay F-22 của Mỹ tới Singapore tham gia tập trận chung ở Biển Đông: Giới chức Mỹ và Singapore cho biết các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Không quân Mỹ đã đến Singapore vào ngày 21/8 để tham gia các cuộc tập trận chiến đấu và tiếp nhiên liệu trên không.
Cùng ngày, Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) cho hay: "Các máy bay F-22 đang huấn luyện với Không quân Singapore, tăng cường khả năng tương tác và củng cố mối quan hệ".
Khả năng tương tác cho quân đội có nghĩa là khả năng quân đội của một quốc gia sử dụng thiết bị và phương pháp huấn luyện của quốc gia khác. Theo Không quân Singapore, cuộc huấn luyện sẽ diễn ra ở phía Nam Biển Đông trong không phận quốc tế. (Stars&Stripes)
*Thủ tướng Ấn Độ hội đàm với Tổng thống Ukraine: Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 23/8 đã gặp Thủ tướng Narendra Modi trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Ukraine. Mục đích chính của chuyến thăm được cho là nhằm thúc đẩy hoạt động "đối thoại và ngoại giao" giữa Ukraine và Nga.
Trước đó, NDTV đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Ukraine trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Tuy nhiên, chi tiết về chương trình nghị sự của ông Modi tại Kiev lại không được tiết lộ.
Theo kênh truyền hình Ấn Độ, chuyến thăm sẽ chỉ kéo dài vài giờ. (Reuter/AFP)
*Philippines đột kích trung tâm do người Trung Quốc điều hành ở Manila: Cảnh sát Philippines đã đột kích một trung tâm do người Trung Quốc điều hành tại thủ đô Manila vào rạng sáng 22/8, bắt giữ hàng chục công nhân Philippines và nước ngoài bị cáo buộc lừa đảo đầu tư vào một nền tảng giao dịch "bị thao túng".
Chủ sở hữu và người quản lý cơ sở này - cả hai đều là công dân Trung Quốc - nằm trong số những người bị bắt.
Cảnh sát cho biết trung tâm này hoạt động dưới vỏ bọc của một công ty trò chơi trực tuyến được cấp phép, mà Tổng thống Ferdinand Marcos đã cấm vào tháng trước. Trong số 67 người nước ngoài bị bắt trong cuộc đột kích có 58 công dân Trung Quốc. (Reuters)
Châu Âu
*Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công Nga kể cả Kursk: Ngày 22/8 (giờ Mỹ), người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép Ukraine thực hiện "các cuộc phản công để tự vệ" trước Nga ở các vùng biên giới.
Quan chức này nói rõ: "Chính sách của Mỹ cho phép Ukraine tiến hành phản công để tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga qua khu vực biên giới, bao gồm cả Kursk và Sumy, và họ đang tự vệ ở đó".
Với tuyên bố này, Kiev sẽ được phép sử dụng mọi loại vũ khí do Washington cung cấp, bao gồm tên lửa ATACMS và GLSDB, để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga tại khu vực biên giới, qua đó, mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.(TASS)
*Nga tuyên bố kiểm soát 50 điểm dân cư tại tỉnh Kharkov: Ngày 23/8, người đứng đầu chính quyền quân-dân sự tỉnh Kharkov do Nga bổ nhiệm Vitaly Ganchev cho biết khoảng 50 điểm dân cư tại tỉnh này của Ukraine hiện đã do quân đội Nga kiểm soát. Các vùng do Nga kiểm soát có khoảng 2.000 dân.
Hiện, thành phố Volchansk vẫn là thành trì của Ukraine tại Kharkov, nhưng quân đội Nga đang có những bước tiến.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Tổng thống Vladimir Putinđã quyết định cách đáp trả vụ tấn công tỉnh Kursk của Nga ngày 6/8. Ông Antonov khẳng định: "Tất cả sẽ bị trừng phạt cho những gì xảy ra tại Kursk" và bác bỏ khả năng Ukraine có thể thiết lập vùng đệm tại đây. (TASS)
*Đức lập doanh trại quân đội tại Lithuania: Tờ Financial Times (FT) ngày 23/8 đưa tin Đức bắt đầu xây dựng doanh trại quân đội ở Lithuania, gần biên giới Belarus, nơi sẽ trở thành căn cứ quân sự thường trực đầu tiên của nước này ở nước ngoài kể từ Thế Chiến II.
Dự án trên được cho là nhằm mục đích làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Berlin trong an ninh châu Âu nhưng đã bị lu mờ bởi tranh cãi về sự suy giảm hỗ trợ quân sự của nước này cho Ukraine.
Tuần trước, các phương tiện truyền thông đưa tin Đức phải cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine do thiếu kinh phí. Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố trong một sắc lệnh rằng sẽ không có yêu cầu viện trợ mới nào được chấp thuận ngoài các nguồn cung đã được xác nhận. Mặc dù vậy, ông cam kết Đức sẽ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine tại châu Âu. (FT/Sputniknews)
*Bạo loạn trong trại giam ở Nga, tù nhân bắt giữ nhiều con tin: Một nhóm tù nhân ngày 23/8 đã bắt giữ nhiều con tin trong một nhà tù ở thành phố Volgograd, Tây Nam nước Nga trong vụ bạo loạn khiến ít nhất một nhân viên quản giáo thiệt mạng.
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Nga được cho thấy ít nhất 2 kẻ tấn công, một trong số chúng tuyên bố bọn chúng là tay súng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và đã chiếm quyền kiểm soát nhà tù ở thị trấn Surovikino.
Theo trang web của cơ quan quản lý nhà tù, cơ sở này được xem là trại giam áp dụng "chế độ hà khắc" có sức chứa lên tới 1.241 tù nhân nam. (Reuters)
*Ukraine xác nhận đánh chìm phà của Nga: Ngày 23/8, Hải quân Ukraine xác nhận đã phá hủy một phà ở cảng Kavkaz của Nga hôm 22/8, vốn được sử dụng để vận chuyển nhiên liệu và vũ khí tới bán đảo Crimea.
Trả lời đài phát thanh Libery, người phát ngôn Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cho biết: "Phà này là một trong những chuỗi hậu cần quân sự quan trọng nhất của Nga để cung cấp cho lực lượng chiếm đóng. Trước hết là nhiên liệu, nhưng ngoài ra nó còn vận chuyển vũ khí".
Cùng ngày, TASS đưa tin một thiết bị bay không người lái của Ukraine đã tìm cách tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga vào đêm qua. Theo nguồn tin, thiết bị bay không người lái này đã bị bắn hạ gần kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Kursk là một trong những nhà máy điện hạt nhân hàng đầu của Nga. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Iran kêu gọi EU đối thoại: Sau cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, tân Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Abbas Araghchi đã kêu gọi EU đối thoại để giải quyết các vấn đề song phương.
Tối 22/8, ông Araghchi bày tỏ: "Cộng hòa Hồi giáo Iran hoan nghênh sự phát triển quan hệ với EU dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau". Theo ông, việc phát triển quan hệ "cần đối thoại để giải quyết các vấn đề giữa hai bên và sửa chữa những chính sách sai lầm của các nước châu Âu".
Về phần mình, ông Borrell cho biết đã thảo luận về "triển vọng hợp tác mới về tất cả lĩnh vực cùng quan tâm" với Ngoại trưởng Iran. Ông nhận định "cuộc đối thoại quan trọng" như vậy là "cần thiết để xoa dịu căng thẳng trong khu vực". (AFP)
*Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Israel thảo luận về an ninh khu vực: Ngày 23/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant về một loạt vấn đề trong khu vực, bao gồm cả các cuộc đấu súng đang diễn ra ở biên giới Israel-Lebanon và sự cần thiết phải hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn.
Trong một bài đăng trên trang X, Bộ trưởng Austin cho biết ông cũng đã thảo luận về rủi ro leo thang từ Iran và các nhóm được Tehran hậu thuẫn trong cuộc điện đàm ngày 22/8 với ông Gallant. Ngoài ra, ông Austin còn nêu rõ với ông Gallant rằng Mỹ sẵn sàng thực hiện sứ mệnh quân sự trên khắp khu vực. (Reuters)
*Hamas chỉ trích Israel “từ chối” thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza: Theo hãng AFP ngày 23/8, phong trào Hồi giáo Hamas đã cáo buộc Thủ tướng Israel từ chối thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, trong đó sự hiện diện của quân đội Israel trên biên giới Ai Cập vẫn là điểm bế tắc chính.
Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Omer Dostri cho biết, một phái đoàn đàm phán Israel đã có mặt tại thủ đô Cairo của Ai Cập “để thúc đẩy thỏa thuận giải phóng con tin”. Tuy nhiên, các đại diện Hamas không tham gia cuộc đàm phán này.
Ai Cập cùng với các nhà trung gian Qatar và Mỹ trong nhiều tháng đã cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận nhằm chấm dứt hơn 10 tháng chiến tranh giữa Israel và phong trào Hamas ở Gaza. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Bầu cử Mỹ: Ứng viên R. Kennedy rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống: Tờ New York Times đưa tin ứng cử viên tổng thống độc lập của Mỹ Robert Kennedy Jr. đã nộp hồ sơ rút khỏi cuộc đua tổng thống vào tháng 11.
NYT dẫn lời đại diện văn phòng Thống đốc Arizona Aaron Tucker cho biết ông Kennedy Jr. phát biểu trước toàn quốc trong ngày 23/8 và dự kiến sẽ rút khỏi cuộc bầu cử để ủng hộ ông Donal Trump.
Theo tờ báo, ông Kennedy đã nhận được hơn 118.000 chữ ký để tranh cử ở Arizona, vượt quá con số yêu cầu.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11, với sự tham gia của Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump từ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. (Sputniknews)
*Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt liên quan Nga, Trung Quốc, Iran: Trong một thông báo trên Công báo Liên bang ngày 3/8, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã áp đặt hạn chế xuất khẩu mới đối với 123 thực thể, bao gồm 63 thực thể ở Nga, 42 thực thể ở Trung Quốc và 11 thực thể ở Iran.
Những mục được liệt kê trong danh sách thực thể theo các điểm đến gồm Canada (1), Trung Quốc (42), Khu vực Crimea của Ukraine (1), Cyprus (1), Iran (11), Kazakhstan (1), Kyrgyzstan (1), Nga (63), Thổ Nhĩ Kỳ (8), Ukraine (1) và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) (1)".
Theo thông báo, những doanh nghiệp này đã được đưa vào danh sách trừng phạt do xuất khẩu thiết bị điện tử, công nghệ nhạy cảm và các mặt hàng khác có nguồn gốc từ Mỹ sang Nga và Iran hoặc xuất khẩu hàng hóa phục vụ lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng hoặc cơ quan tình báo của Nga.( Sputniknews/Reuters)