📞

Tin thế giới 23/9: Tổng thống Pháp muốn EU 'nghĩ lại' về quan hệ với Nga, nước NATO bất đồng với Mỹ, Hàn Quốc dọa cứng rắn với Triều Tiên

Hoàng Hà 19:19 | 23/09/2024
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Các nguyên thủ quốc gia lắng nghe các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai của Đại hội đồng LHQ diễn ra tại New York ngày 22/9. (Nguồn: UNGA)

Châu Âu

* "Châu Âu cần suy nghĩ lại về mối quan hệ với Nga trong tương lai cũng như hòa bình trên lục địa này. Chúng ta cần cách tiếp cận mới đối với tổ chức châu Âu", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ngày 22/9.

Theo ông Macron, châu Âu cần một trật tự mà trong đó tất cả các quốc gia đều bình đẳng, phải tính đến thực tế về địa lý của châu Âu, không chỉ giới hạn ở Liên minh châu Âu (EU) hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông kêu gọi thiết lập trật tự thế giới mới vì trật tự hiện tại “chưa hoàn thiện và bất công”, do nó được hình thành sau Thế chiến II và không tính đến những thách thức mới. (Sputnik)

* Điện Kremlin cho rằng châu Âu cần phải có "kiến trúc an ninh mới" nhằm bảo đảm an ninh của Nga thông qua một hệ thống. Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng cho biết sẽ nghiên cứu "Kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi có thông tin chính thức về kế hoạch này. (TASS)

* Cuộc tập trận quốc tế “Fire Thunder 2024” của các đơn vị yểm trợ hoả lực đã được triển khai tại 3 khu huấn luyện quân sự tại Lithuania từ ngày 23-27/9.

Ngày cuối cùng của cuộc tập trận, lực lượng tiền phương của NATO đóng tại Lithuania và Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn pháo binh số 82 của Mỹ sẽ tham gia.

* Đại hội thường niên của Công đảng Anh diễn ra từ 22-26/9 tại Liverpool, sau gần 3 tháng Công đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử trước đảng Bảo thủ, song chính phủ mới đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía.

Trước thềm đại hội, Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết không "đi theo con đường thắt lưng buộc bụng", bảo đảm rằng các dịch vụ công hoạt động hiệu quả và bảo vệ người lao động khỏi việc tăng thuế. (AFP)

* Thổ Nhĩ Kỳ có bất đồng với Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia, theo lời Tổng thống quốc gia liên lục địa Á-Âu, cũng là một đồng minh của Washington trong NATO, Recep Tayyip Erdogan.

Bên cạnh đó, ông Erdogan nhấn mạnh rằng, dù là ai trở thành tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử sắp tới, quan điểm của Ankara về Washington và đối thoại cấp cao trong quan hệ song phương sẽ không thay đổi". (Anadolu)

* Nga-Lào tập trận chung LAROS-2024 tại khu huấn luyện Sergeevsky, vùng Primorsky ở Viễn Đông. Hai bên sẽ nghiên cứu các tuyến đường triển khai các nhóm chiến thuật, đặc điểm địa hình và tập luyện tổ chức liên lạc giữa các đơn vị, đồng thời tập trận chống khủng bố. (TASS)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cam kết triển khai các biện pháp quân sự "cứng rắn" nếu Triều Tiên "vượt ranh giới" với chiến dịch thả bóng bay chứa rác đang diễn ra hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người dân của quốc gia đồng minh Mỹ. (Yonhap)

* Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên thực hiện "các hành động phân biệt đối xử" đối với các công ty của nước này, sau khi có thông tin cho rằng, Washington đang lên kế hoạch cấm bán các loại xe sử dụng công nghệ của nền kinh tế số 2 thế giới này và Nga. (AFP)

* Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính ở Nhật Bản chọn ra cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda làm lãnh đạo. (Kyodo)

* Nhật Bản-Mông Cổ nhất trí tăng cường hợp tác song phương với tư cách là "những đối tác chiến lược đặc biệt", đồng thời thúc đẩy việc sớm ký thỏa thuận song phương về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.

Thỏa thuận này sẽ cho phép 2 nước xuất nhập khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng của nhau cũng như bảo đảm các biện pháp kiểm soát phù hợp, ngăn chặn việc sử dụng những thiết bị và công nghệ này để phục vụ các mục đích khác hoặc chuyển giao các thiết bị và công nghệ trên cho bên thứ bên. (Kyodo)

* Tân Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake tuyên thệ nhậm chức vào ngày 23/9, trở thành nguyên thủ quốc gia thứ 9 của quốc gia Nam Á kể từ khi nước này độc lập vào năm 1948. Ông khẳng định sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước và tạo ra "nền văn hóa chính trị mới".

Trong khi đó, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena đã thông báo quyết định từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.(AP)

* Nhóm Bộ tứ (Quad) cam kết triển khai các cuộc tuần tra chung của lực lượng bảo vệ bờ biển để giám sát các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cụ thể, lực lượng bảo vệ bờ biển của 4 quốc gia thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ tiến hành một hoạt động chung vào năm 2025. (Japan Times)

Trung Đông-châu Phi

* Quân đội Israel (IDF) phát động đợt tấn công mới nhằm vào Hezbollah ở miền Nam Lebanon, đồng thời khuyến cáo người dân Lebanon ở các ngôi làng nằm trong và gần các tòa nhà và khu vực mà phong trào Hồi giáo này sử dụng cho mục đích quân sự lập tức di chuyển vì sự an toàn của chính họ.

IDF tuyên bố tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công rộng rãi và chính xác hơn trong tương lai, trong khi Bộ Quốc phòng Israel trấn an người dân bình tĩnh trong những ngày tới. (AFP)

* Thủ tướng Lebanon Najib Mikati lên án "kế hoạch hủy diệt" của Israel giữa lúc Tel Aviv tiến hành các cuộc tấn công dữ dội vào phía Đông và phía Nam của Lebanon, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ), Đại hội đồng LHQ và các nước có ảnh hưởng... ngăn chặn hành động này. (AFP)

* Quốc tế nỗ lực kêu gọi Isarel-Lebanon kiềm chế leo thang xung đột, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Anh David Lammy, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại về "khả năng Lebanon trở thành một Gaza khác". (UN, Reuters)

* Nga cực kỳ quan ngại về xung đột Israel-Hezbollah khi đánh giá tình hình "đang xấu đi nhanh chóng mỗi ngày. Căng thẳng gia tăng, sự bất ổn ngày càng tăng". (TASS)

Châu Mỹ

* LHQ thông qua Hiệp ước cho tương lai tại phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, trong đó nêu rõ 56 hành động nhằm giải quyết hàng loạt cuộc xung đột, các mối đe dọa về môi trường, cũng như những thách thức công nghệ mà nhân loại đang phải đối mặt.

Hiệp ước kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời nhấn mạnh niềm tin vào "con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại". (UN News)

* Bà Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ huy động được 27 triệu USD tiền ủng hộ tại buổi gây quỹ ở New York. Đây là số tiền lớn nhất mà bà Harris vận động được tại một sự kiện gây quỹ kể từ khi đại diện đảng Dân chủ tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống.

Phó Tổng thống Mỹ Harris ngày 22/9 hối thúc đối thủ đến từ đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, nên chấp nhận đề xuất tổ chức cuộc tranh luận mới trên kênh truyền hình CNN vào tháng tới. (Reuters)

* Ông Donald Trump loại trừ khả năng tái tranh cử vào năm 2028 nếu thất bại, tuy nhiên, vị tỷ phú này bày tỏ hy vọng sẽ "thành công" tại hòm phiếu vào ngày bầu cử 5/11. (Full Measure)

* Đảng Phong trào Tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền của Mexico đã bầu ban lãnh đạo mới, trong đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Luisa María Alcalde được bầu làm người đứng đầu đảng này tại Đại hội bất thường toàn quốc đảng Morena lần thứ 7 diễn ra ngày 22/9 tại Thủ đô Mexico City. (Reuters)