Ngày 24/2/2023 là ngày kỷ niệm tròn một xảy ra xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Youtube) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua:
Nga-Ukraine
Ngày 24/2, tròn một năm xảy ra xung đột ở Ukraine, cả Moscow, Kiev và nhiều nước phương Tây đều đưa ra những tuyên bố xung quanh vấn đề này:
* Nga sẽ thắng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo nhận định của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngày 24/2.
Ông Medvedev cho hay: "Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đẩy biên giới của những nước đe dọa đất nước chúng ta càng xa càng tốt, ngay cả khi đó là biên giới của Ba Lan".
Ông Medvedev cũng dự đoán khả năng Nga và Ukraine sẽ ký kết một số thỏa thuận "không rõ ràng". (Reuters)
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định "sẽ đánh bại tất cả" trong bài phát biểu dài 15 phút đánh dấu một năm nước này trải qua xung đột.
Nhà lãnh đạo Ukraine nói: "Chúng tôi mạnh mẽ và đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì... Chúng tôi đã trở thành một đội quân lớn từ sự đóng góp của tất cả mọi người... Rốt cuộc chúng tôi đã sống sót, đã không bị đánh bại. Và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giành chiến thắng trong năm nay". (Reuters)
* Thủ tướng Đức nói Nga sẽ không đạt được mục tiêu ở Ukraine: Ngày 24/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Tổng thống Nga Vladimir Putin càng sớm nhận ra việc ông ấy sẽ không đạt được mục tiêu thì khả năng xung đột kết thúc sớm sẽ càng lớn. Ông ấy nắm trong tay việc này và có thể kết thúc cuộc chiến này".
Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố, Berlin sẽ ủng hộ Kiev "mạnh mẽ nhất và lâu dài nhất có thể", đồng thời sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng không có sự leo thang xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc đại Tây Dương (NATO). (Reuters)
* NATO "kiên quyết" ủng hộ Ukraine và Nga phải "lập tức" chấm dứt xung đột đang ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực và năng lượng toàn cầu, theo tuyên bố của liên minh này ngày 23/2.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng: "Chúng tôi không biết khi nào xung đột sẽ kết thúc nhưng khi nó kết thúc, cần đảm bảo lịch sử sẽ không lặp lại".
Theo ông Stoltenberg, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo Ukraine có khả năng quân sự, sức mạnh để ngăn chặn các xung đột trong tương lai. (Reuters)
* Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thăm Kiev trong ngày 24/2, hãng thông tấn PAP dẫn lời một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền nước này cho hay.
Theo quan chức trên, Thủ tướng Morawiecki có khả năng sẽ tham gia một phiên họp của Quốc hội Ukraine.
* Mỹ nhận định về thời gian chuyển giao Abrams cho Ukraine: Ngày 23/2, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho biết, quân đội nước này đang tìm cách nhanh nhất để chuyển xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, song sẽ không có chuyện mất vài tuần hoặc 2 tháng mà "có thể ít hơn 2 năm hoặc 1,5 năm".
Theo bà Wormuth, một trong những phương án do người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin đề xuất là chế tạo xe tăng cho Ukraine "từ đầu", tuy nhiên, Mỹ thường hiện đại hóa các phương tiện mà nước này đang sử dụng chứ không sản xuất chúng từ đầu.
Một phương án khác, theo lý thuyết sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển xe tăng đến Ukraine, là chuyển xe tăng từ những quốc gia khác mà Washington đã giao. Tuy nhiên, quyết định này có thể đem đến hậu quả tiêu cực là "phá hủy quan hệ với các đồng minh quan trọng" của Mỹ. (Sputnik)
* Ai Cập ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo lời Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/2.
Tổng thống El-Sisi khẳng định, Ai Cập ủng hộ và sẵn sàng thúc đẩy mọi nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình và thúc đẩy các nỗ lực để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, theo cách ngăn chặn đổ máu và mở đường cho hòa bình. (Ahram Online)
* Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine vào chiều 23/2 (theo giờ New York), với tỷ lệ 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng.
LHQ coi việc thông qua nghị quyết nói trên là thông điệp mạnh mẽ nhân tròn 1 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý, kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt và rút các lực lượng ở Ukraine. (Reuters)
Trung Quốc với xung đột Nga-Ukraine
* Trung Quốc tung "giải pháp chính trị" 12 điểm bao gồm: Tôn trọng chủ quyền các nước,
Trong "giải pháp chính trị" này, Trung Quốc kêu gọi Nga và Ukraine tiến hành cuộc đàm phán hòa bình sớm nhất có thể, trong khi khuyến cáo không được sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột này.
Phát biểu họp báo ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết xung đột giữa Ukraine và Nga. (Reuters, FMPRC)
* NATO và Liên minh châu Âu (EU) phản ứng về giải pháp của Trung Quốc: Ngày 24/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tỏ ra dè dặt trước đề xuất của Trung Quốc về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine, cũng như tỏ ra không tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh.
Theo ông Stoltenberg, Trung Quốc không thể lên án xung đột ở Ukraine và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ vài ngày trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia Đông Âu.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, Trung Quốc không chia sẻ kế hoạch hòa bình mà chỉ chia sẻ một số nguyên tắc.
Theo bà von der Leyen, Trung Quốc đã chọn đứng về một phe qua việc thiết lập quan hệ hữu nghị không giới hạn với Nga ngay trước thềm xung đột, vì vậy, "chúng tôi sẽ xem xét những nguyên tắc này trong bối cảnh Bắc Kinh đã lựa chọn đứng về phía nào". (Reuters)
* Anh tin Trung Quốc muốn giải quyết xung đột ở Ukraine: Ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định, quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí để hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ không giúp giải quyết xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, phát biểu với tờ Sky News khi được hỏi về thông tin trên, Bộ trưởng Wallace nói: “Tôi tin Trung Quốc chắc chắn muốn cuộc chiến này chấm dứt". (Reuters, AFP)
Châu Âu
* Nga hứng "mưa" trừng phạt: Tròn 1 năm xảy ra xung đột ở Ukraine, một số quốc gia như Anh, New Zealand và Hàn Quốc thông báo áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Moscow.
Anh sẽ áp đặt trừng phạt đối với 92 cá nhân và tổ chức của Nga, như giám đốc điều hành công ty Nord Stream 2 Matthias Warnig, những quan chức điều hành các doanh nghiệp Nga như công ty điện hạt nhân Rosatom, các tổ chức quốc phòng và ngân hàng Nga.
Các biện pháp cũng sẽ nhằm vào những mặt hàng thường được sử dụng trong xung đột ở Ukraine như phụ tùng máy bay, thiết bị vô tuyến và linh kiện điện tử, cũng như cấm nhập khẩu 140 mặt hàng bao gồm sắt và sản phẩm thép gia công tại nước thứ ba.
New Zealand công bố vòng trừng phạt mới nhằm vào 87 cá nhân người Nga, trong đó có cả quân nhân và các nhân vật thân tín với Tổng thống Vladimir Putin. Các biện pháp tự động áp dụng mở rộng với người thân và các cá nhân có liên quan khác của những người nằm trong diện bị trừng phạt.
Hàn Quốc thông báo quyết định siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Nga và Belarus, với việc bổ sung 741 mặt hàng liên quan hóa chất, thép, ô tô, máy móc, máy tính lượng tử và các mặt hàng khác vào danh sách các mặt hàng cấm vận chuyển sang hai nước châu Âu trên. (Reuters, AFP, Yonhap)
* Mỹ công bố gói biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moscow, đánh vào "hơn 200 cá nhân và tổ chức, bao gồm cả của Nga và nước thứ ba trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông vốn đang hỗ trợ nỗ lực quân sự của Nga".
Nhà Trắng còn nêu rõ, Mỹ cũng đang tấn công các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao của Nga, trong đó có việc hạn chế nỗ lực né tránh những lệnh trừng phạt hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gần 90 công ty của Nga và nước thứ ba, bao gồm cả ở Trung Quốc, "vì đã tham gia các hoạt động né tránh trừng phạt và thực hiện hoạt động hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng của Nga".
Ngoài ra, ngành khai khoáng và kim loại của Nga cũng nằm trong tầm ngắm trừng phạt kinh tế. Cụ thể, động thái này sẽ dẫn đến việc tăng thuế đối với hơn 100 sản phẩm kim loại, khoáng sản và hóa chất của Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD... (Reuters, AFP)
* G7 có thể áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga: Ngày 24/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiết lộ, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể nhất trí áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của khối trong ngày này.
Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7 sẽ kêu gọi các nước không gửi viện trợ quân sự cho Nga. (Kyodo)
* Nga tố EU đang chuẩn bị kịch bản đối đầu với Moscow: Ngày 23/2, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng, những tuyên bố của EU về các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đối tác với Nga chẳng qua chỉ là sự che đậy cho việc chuẩn bị đối đầu với Moscow.
Nhà ngoại giao Nga cũng cảnh báo rằng, trên thực tế, mối quan hệ giữa Nga và EU không còn tồn tại. (TASS)
* Ba Lan sẽ trục xuất tùy viên quốc phòng Belarus đáp trả lệnh trục xuất ba nhà ngoại giao trước đó của Minsk.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, nước này sẽ triển khai các biện pháp phòng thủ bổ sung, trong đó có hàng rào chống tăng, tại biên giới với Belarus và Nga như một yếu tố của “chiến lược phòng thủ và răn đe”. (Reuters)
* Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao với Oman vào ngày 23/2, đánh dấu việc mở rộng hơn nữa quan hệ chính thức của Tòa thánh với Thế giới Hồi giáo Arab.
Trong một tuyên bố chung, cả hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời sẽ bổ nhiệm các đại sứ trong thời gian tới.
Với động thái trên, Vatican nay có quan hệ ngoại giao với mọi quốc gia trên Bán đảo Arab, ngoại trừ Saudi Arabia. (Reuters)
Châu Á
* Thủ tướng Anwar Ibrahim Malaysia công du Campuchia vào ngày 27/3, theo lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Theo ông Hun Sen, động thái này sẽ thể hiện sự hòa hợp giữa những người có tôn giáo khác nhau ở đất nước của ông. (THX)
* Triều Tiên phóng 4 tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-2 vào rạng sáng ngày 23/2, theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin.
Các tên lửa đã đánh trúng mục tiêu trên biển sau khi di chuyển 2.000 km trong khoảng thời gian từ 10.208 giây đến 10.224 giây.
Theo KCNA, cuộc diễn tập một lần nữa cho thấy rõ trạng thái sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tác chiến hạt nhân Triều Tiên, tăng cường năng lực phản công hạt nhân chống lại các thế lực thù địch. (Yonhap)
* Hàn Quốc-Ba Lan nhất trí tiến hành tập trận quân sự chung trong cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng của hai nước vào ngày 23/2.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup và người đồng cấp Ba Lan Mariusz Blaszczak nhất trí thành lập cơ quan tham vấn thường kỳ để quản lý "có hệ thống" hợp tác quốc phòng và công nghiệp vũ khí giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung để chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành vũ khí do Hàn Quốc sản xuất, cũng như tăng cường "tương tác" giữa quân đội hai nước. (Yonhap)
* Ấn Độ-Sri Lanka nhất trí tăng “độ khó” trong tập trận song phương và cam kết sẽ tận dụng tối đa kinh nghiệm và năng lực của nhau tại Đối thoại quốc phòng song phương thường niên lần thứ 7 ở thủ đô New Delhi.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố cho biết, việc các lực lượng vũ trang hai nước tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực và tăng cường cam kết là một dấu hiệu tích cực cho tương lai của quan hệ song phương. (NDTV)
* Quân đội Israel cam kết không can dự vào chính trị: Ngày 23/2, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi khẳng định, quân đội sẽ tiếp tục đứng ngoài chính trị, trong bối cảnh chính phủ đang thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Tờ Times of Israel dẫn phát biểu của ông Halevi cho hay, bất chấp môi trường chính trị ra sao thì nhiệm vụ của IDF vẫn rõ ràng, đó là "bảo vệ nhà nước và duy trì an ninh cho người dân".
IDF sẽ lưu ý việc các binh sĩ thảo luận về bất đồng chính trị, cho rằng điều này "không phải để chọn phe mà để ngăn chặn và giữ cho IDF tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ của mình".
Châu Mỹ
* Mỹ đang tìm cách bình ổn quan hệ với Trung Quốc, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland ngày 23/2.
Tuy nhiên, bà Nuland nói rõ, "điều đó thật khó khăn liên quan vụ khinh khí cầu do thám bay qua Mỹ".
Trong khi đó, ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Mỹ đã không phản hồi yêu cầu của Bắc Kinh về thông tin liên quan khinh khí cầu mà Mỹ đã bắn rơi ngoài khơi bờ biển bang South Carolina trước đó trong tháng này. (TASS)
* Các quan chức cấp cao Mỹ thăm châu Á và Trung Đông: Ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ công du Ấn Độ, Kazakhstan và Uzbekistan từ ngày 28/2-3/3.
Theo thông cáo, ông Blinken sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào ngày 1/3.
Trong khi đó, Cố vấn của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Brett McGurk hiện đang có chuyến công du tới Ai Cập, Jordan, Oman và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong bối cảnh Washington thể hiện quan ngại trước làn sóng bạo lực tại Israel và khu Bờ Tây. (Reuters)