Taliban muốn Nga làm trung gian. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga đang chuẩn bị cho Taliban đến thăm
Một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/9 cho biết Moscow đang thảo luận với Kabul về một chuyến thăm Nga của phái đoàn chính quyền mới ở Afghanistan do phong trào Taliban bổ nhiệm. (RIA)
Taliban đề xuất Nga làm trung gian giữa LHQ và Afghanistan
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ lâm thời Afghanistan Zabihullah Mujahid đề xuất Nga có thể đóng vai trò trung gian giữa Liên hợp quốc (LHQ) và Afghanistan để giảm áp lực các lệnh trừng phạt đối với nước này cũng như giúp tái thiết đất nước.
Ông Mujahid nêu rõ Nga có thể là trung gian mới giữa Afghanistan và LHQ, bao gồm trong việc làm giảm áp lực các lệnh trừng phạt. Theo đó, Chính phủ lâm thời Afghanistan đề nghị Nga hỗ trợ ổn định hòa bình ở khu vực nói chung và Afghanistan nói riêng, cũng như trong quá trình tái thiết quốc gia Tây Nam Á này. (Sputnik)
Nga cảnh báo Mỹ đừng hấp tấp
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Mỹ không nên có động thái hấp tấp liên quan đến dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào giới chức của Moscow.
Báo chí dẫn phát biểu của bà Zakharova nói: “Cứ mỗi lần như vậy lại ngày càng khó dự đoán hơn, không biết những con người hăng hái ở Đồi Capitol sẽ lựa chọn hình thức nào để thực hành những bài tập chính trị nội bộ về phương hướng chống Nga".
Quan chức ngoại giao Nga đề cập việc gần đây có tin tức về những sửa đổi tiếp theo mà theo bà là "gợi ý khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế đối với một số quan chức nhà nước và nhà hoạt động xã hội của Nga theo 'đạo luật Magnitsky' vẫn gây tranh cãi”.
Tuyên bố nêu rõ: “Chỉ những người hoàn toàn không hiểu biết gì về thực tế của Nga mới có thể lập ra một danh sách như vậy”. (Sputnik)
Hungary: Ukraine chưa đủ điều kiện gia nhập NATO
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjato cho biết, Ukraine đến nay chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết để gia nhập NATO.
“Để nói về vấn đề như vậy, tất cả các quốc gia phải đạt được các tiêu chuẩn dân chủ mà Ukraine hiện không có.
Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc vi phạm quyền của người thiểu số. Chúng tôi sẽ luôn tranh luận ủng hộ sự tôn trọng và nâng cao sự tôn trọng quyền của người dân tộc thiểu số. Chừng nào vấn đề này không được giải quyết thì sẽ rất phức tạp, cho dù nói tới bất kỳ tiến bộ nào (trong việc Ukraine gia nhập NATO)”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary khẳng định". (TASS)
Tàu chiến NATO đồng loạt kéo vào Biển Đen
Trung tâm Kiểm soát quốc phòng liên bang của Nga cho biết, lực lượng của Hạm đội Biển Đen đang theo dõi hành động của các tàu chiến Tây Ban Nha và Italy khi chúng lần lượt tiến vào Biển Đen.
Trung tâm này thông báo: "Các lực lượng và phương tiện của Hạm đội Biển Đen đã bắt đầu giám sát hành động của tàu tuần tra Rayo thuộc Hải quân Tây Ban Nha và tàu rà quét mìn Viareggio của Hải quân Italy. Hai tàu này đã tiến vào khu vực Biển Đen ngày 23/9". (Sputnik)
Chính phủ Mỹ cạn tiền, có thể ngưng hoạt động?
Ngày 23/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Nhà Trắng đang chuẩn bị cho trường hợp chính phủ Mỹ buộc phải tạm ngừng hoạt động do ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào cuối tháng này.
“Trường hợp này phù hợp với thông lệ lâu đời của nhiều cơ quan hành chính để nhắc nhở các nhân viên cấp cao về nhu cầu xem xét và cập nhật các kế hoạch tạm ngừng hoạt động của chính phủ. Đây không phải là một hướng dẫn chính thức, mà chỉ là một lời nhắc nhở, chúng ta sẽ nghỉ 7 ngày và tất nhiên, chúng ta cần chuẩn bị cho mọi trường hợp bất trắc" Psaki nói.
Bà Psaki nhấn mạnh, trên thực tế, việc chính phủ buộc phải tạm ngừng hoạt động cũng vô cùng tốn kém, gây gián đoạn và thiệt hại.
Đồng thời, bà cũng khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động đối với tiến trình đối phó với đại dịch, phục hồi kinh tế hoặc các ưu tiên khác trong trường hợp chính phủ buộc phải tạm ngừng hoạt động. (Reuters)
Mỹ thúc đẩy thực thi Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện
Ngày 23/9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bonnie Jenkins cho biết, Mỹ đã khôi phục lập trường ủng hộ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và có kế hoạch thúc đẩy để hiệp ước này có hiệu lực thi hành.
Thứ trưởng Jenkins bày tỏ: “Chúng tôi nhận thấy mức độ nghiêm trọng của những khó khăn đang cản trở việc thực hiện mục tiêu đó" và thừa nhận tất cả các quốc gia còn lại trong Phụ lục số 2 cần phê chuẩn Hiệp ước".Trong một diễn biến khác cùng ngày, Điện Kremlin cho biết việc 8 nước từ chối phê chuẩn CTBT sẽ không góp phần vào mục tiêu chung của thế giới là giải pháp vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong tuyên bố của mình, Điện Kremlin hy vọng các nước này sẽ thể hiện thiện chí chính trị nhằm đảm bảo các điều kiện cần và đủ để CTBT có hiệu lực trong những năm tới. (AP/TASS)
Thủ tướng Ấn Độ hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ
Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, ngày 23/9, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Washington DC.
Hai bên đã trao đổi quan điểm về những diễn biến toàn cầu gần đây, bao gồm cả ở vấn đề Afghanistan và tái khẳng định cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở mỗi nước, bao gồm các nỗ lực không ngừng nhằm ngăn chặn đại dịch thông qua chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp và đảm bảo cung cấp các loại thuốc quan trọng, phương pháp điều trị và thiết bị chăm sóc y tế.
Cả hai bên đều thừa nhận tầm quan trọng của hành động hợp tác đối với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề cập về việc Ấn Độ thúc đẩy tăng cường năng lượng tái tạo và Sứ mệnh Hydrogen Quốc gia mới được khởi động gần đây. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống để thúc đẩy tính bền vững của môi trường. (ANI)
Pháp thừa nhận cần thời gian để khôi phục niềm tin với Mỹ
Gặp mặt bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với người đồng cấp Antony Blinken về “các điều khoản và vấn đề chính” cần giải quyết trong các cuộc hội đàm sâu nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước.
Mối quan hệ song phương đã xấu đi sau khi Australia hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để tham gia liên minh AUKUS cùng Mỹ và Anh.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin rằng ông Blinken và ông Le Drian cũng đã thảo luận về hợp tác giữa Mỹ và các nước châu Âu, bao gồm Pháp, trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cho biết trong một cuộc họp báo sau đó rằng Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với Pháp trong các cuộc hội đàm.
“Chúng tôi nhận thấy điều này sẽ mất thời gian và công sức và sẽ được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Tôi tin rằng lợi ích đôi bên của chúng ta rất bền chặt, và những giá trị mà chúng ta chia sẻ không thể lay chuyển được, chúng ta sẽ tiếp tục và hoàn thành tốt một số công việc”. (Reuters)
Triều Tiên bác bỏ phát biểu của Hàn Quốc
Ngày 24/9, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc kí kết hiệp định hòa bình, thay thế hiệp định đình chiến và chính thức chấm dứt chiến tranh năm 1950-1953.
Cụ thể, ông cho rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh “không có ràng buộc pháp lý”, và “sẽ trở thành giấy vụn trong chớp mắt nếu tình hình thay đổi”.
“Không có gì đảm bảo rằng việc chỉ tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ dẫn đến quyết định loại bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên”, Thứ trưởng Ri nói. (KCNA)
Triều Tiên nêu điều kiện thảo luận cải thiện quan hệ với Hàn Quốc
Em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, cho biết đề nghị mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là một "ý tưởng hay và thú vị".
Tuy nhiên, bà Kim cũng khẳng định rằng, Triều Tiên sẽ sẵn sàng "thảo luận mang tính xây dựng" nhằm cải thiện quan hệ liên Triều nếu Hàn Quốc từ bỏ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng. (KCNA)