📞

Tin thế giới 26/10: Nga-Ukraine nhận định về tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Israel tấn công chớp nhoáng Dải Gaza?

Minh Vương 21:20 | 26/10/2023
Kiev sẵn sàng đáp trả hành động này của Moscow, Ngoại trưởng Palestine lên tiếng… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Lực lượng phòng vệ Israel triển khai một chiến dịch tấn công chớp nhoáng vào Dải Gaza đêm ngày 25/10. (Nguồn: Times of Israel)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga chặn đứng Ukraine ở Zaporizhzhia: Ngày 26/10, Nga cho biết các đơn vị Ukraine đã bị pháo binh Nga ngăn chặn khi họ thực hiện hai đợt tấn công vào vị trí của Nga ở hướng Orekhovo, vùng Zaporozhzhia ngày 25/10. Cụ thể, một sư đoàn lính dù của Ukraine đã bị pháo binh Nga tấn công và tổn thất lớn.

Trong nỗ lực khác, bộ binh cơ giới Ukraine cũng tiến về hướng này. Tuy nhiên, hai đội xung kích của Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU), hỗ trợ bởi hai xe chiến đấu bộ binh và một xe tăng - bị pháo binh Nga bắn trúng và tổn thất nặng nề.

Cũng trong ngày 26/10, người phát ngôn của nhóm chiến đấu phía Tây của Lực lượng vũ trang Nga, ông Sergey Zybinsky, cho hay nhóm này đã tấn công các điểm triển khai quân đội Ukraine gần Timovka ở vùng Kharkov. Quan chức này nêu rõ: “Trong quá trình chiến đấu ở Kupyansk, các đơn vị của nhóm chiến đấu phía Tây, được hỗ trợ bởi không quân và pháo binh, đã đẩy lùi 15 cuộc tấn công của các lữ đoàn cơ giới Ukraine gần Sinkovka, Timovka và Nadiya”. (TASS)

* Ukraine sẽ đáp trả nếu Nga mở chiến dịch không kích mùa Đông: Ngày 25/10, viết trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/10 tuyên bố nước này sẽ không giữ thế phòng thủ nữa: “Chúng tôi sẵn sàng đáp trả các đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Năm nay, chúng tôi không chỉ tự vệ mà còn đáp trả”.

Tổng thống Zelensky khẳng định, hành động của Nga chứng tỏ nước này hiểu rằng Ukraine được trang bị tốt hơn để đáp trả các đợt tấn công của Moscow ngay giai đoạn hiện nay. (Reuters)

* Nga, Ukraine đánh giá tác động từ việc bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ngày 26/10, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike, người từng phản đối viện trợ cho Kiev, trở thành Chủ tịch Hạ viện của Mỹ không ảnh hưởng đến sự hỗ trợ quan trọng của Washington dành cho Kiev.

Về phần mình, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nhận định đây là một tin tốt vì nó chấm dứt khoảng trống lãnh đạo kéo dài 3 tuần tại Hạ viện Mỹ. Phát biểu trên truyền hình cùng ngày, quan chức này nêu rõ: “Tôi chắc chắn rằng sự hợp tác sẽ tiếp tục, hỗ trợ sẽ tiếp tục”.

Trong khi đó, Điện Kremlin thông báo Nga không kỳ vọng rằng việc ông Mike Johnson làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sự kiện hiện nay tại Ukraine. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội thông qua gói tài trợ trị giá 106 tỷ USD, trong đó bao gồm hàng tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine. (Reuters)

* Slovakia sẽ không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Ngày 26/10, trong cuộc họp với các nhà lập pháp, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ hỗ trợ nhân đạo và dân sự cho Ukraine. Đây sẽ là chính sách chính thức của nội các. Chúng tôi sẽ không cung cấp cho Ukraine bất kỳ loại vũ khí nào”.

Đồng thời, ông cho rằng đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) “thay đổi vai trò của mình từ nhà cung cấp vũ khí [cho Ukraine] như hiện nay sang kiến tạo hòa bình”.

Trước đó, ngày 25/10, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova chính thức bổ nhiệm ông Fico làm Thủ tướng mới sau khi Đảng Định hướng dân chủ xã hội (Smer-SD) chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 30/9 và lập liên minh với 2 đảng khác. Trong chiến dịch tranh cử, đảng Smer-SD của chính trị gia này đã bày tỏ lập trường phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine. (Sputnik)

Israel-Hamas

* Bộ binh Israel đột kích chớp nhoáng Gaza: Ngày 26/10, Đài phát thanh quân đội Israel đưa tin Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã có đợt tấn công tương đối lớn vào phía bắc Dải Gaza trong đêm nhằm vào các vị trí của phong trào Hamas. Nguồn tin mô tả đây là cuộc đột kích lớn nhất kể từ đầu xung đột tới nay.

Theo IDF, lực lượng này đã vô hiệu hóa nhiều chiến binh, cơ sở hạ tầng và các vị trí phóng tên lửa chống tăng Hamas. Theo đoạn video do lực lượng này công bố, nhiều xe bọc thép Israel đã tiến qua khu vực biên giới đầy đất cát. Một sẽ ủi san phẳng đất, xe tăng khai hỏa và nhiều vụ nổ gần các tòa nhà bị hư hại nặng.

IDF nhấn mạnh mục tiêu của chiến dịch là “chuẩn bị cho các bước tiếp theo của cuộc chiến”. Trước đó, trong bài phát biểu đêm ngày 25/10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đề cập một chiến dịch đổ bộ lớn vào dải Gaza, bất chấp thông tin trước đó cho rằng nước này đã đạt thỏa thuận trì hoãn hoạt động quân sự nêu trên tới cuối tuần này. (Times of Israel)

* IDF phủ nhận trực thăng bị Hamas đánh chặn: Ngày 26/10, IDF phủ nhận việc Hamas có thể đánh chặn trực thăng của họ bằng tên lửa đất đối không. Theo đó, Hamas đã cố gắng đánh chặn trực thăng quân sự Israel, song đã thất bại.

Trước đó cùng ngày, lữ đoàn Qassam của Hamas cho biết đã bắn hạ một trực thăng Israel bằng tên lửa đất đối không Sam7 ở trung tâm Dải Gaza. (Haaretz)

* Israel lập Ủy ban quốc gia điều tra vụ tấn công ngày 7/10: Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Israel Miki Zohar cho biết, nước này sẽ lập một ủy ban điều tra cấp quốc gia nhằm điều tra sơ xuất dẫn đến vụ tấn công hôm 7/10.

Trả lời báo Ynet (Israel), ông nêu rõ: “Ủy ban này sẽ hoạt động độc lập, vì thế toàn bộ người dân có thể tin tưởng và cơ quan này sẽ quyết định thẩm vấn người chịu trách nhiệm. Chính phủ có phải chịu trách nhiệm không? Tất nhiên rồi”.

Ông Zohar nhấn mạnh rằng, phát biểu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đêm 25/10 là rất quan trọng: “Thủ tướng nói rằng, ông chịu trách nhiệm về tương lai của đất nước. Người chịu trách nhiệm cho tương lai của đất nước, cũng phải chịu trách nhiệm cho quá khứ. Rõ ràng ông ấy phải chịu trách nhiệm”. (Times of Israel)

* Ngoại trưởng Palestine: Israel tấn công dải Gaza để “trả thù”: Ngày 26/10, phát biểu trong họp báo tại trụ sở phái đoàn Palestine ở The Hague (Hà Lan), Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cho rằng Israel tấn công Dải Gaza để “trả thù”. Ông nhấn mạnh cần chấm dứt cuộc tấn công này và kêu gọi ngừng bắn, bởi “ngừng bắn có ý nghĩa sống còn đối với việc phân phối viện trợ nhân đạo”.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng al-Maliki đã đến The Hague và gặp các quan chức cấp cao của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), trong đó có công tố viên trưởng Karim Khan. Nhà ngoại giao này tuyên bố: “Tình hình Gaza nguy hiểm đến mức cần có sự can thiệp ngay lập tức của công tố viên ICC. Palestine đang làm việc với công tố viên ICC và cung cấp các thông tin cần thiết để ra quyết định”. (AFP)

* Nhật Bản lên tiếng, Thụy Sỹ dừng viện trợ, Thổ Nhĩ Kỳ nói gì về xung đột Israel-Hamas: Ngày 26/10, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong cuộc gặp Đại sứ Israel Gilad Cohen, Ngoại trưởng chủ nhà Kamikawa Yoko đã kêu gọi Nhà nước Do Thái tạm ngừng bắn để hỗ trợ nhân đạo dải Gaza đang bị phong tỏa.

Ngày 25/10, NgaTrung Quốc phủ quyết nỗ lực của Mỹ thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp vào xung đột Israel-Hamas bằng cách kêu gọi tạm dừng xung đột. Trước đó, một nghị quyết do Nga soạn thảo kêu gọi ngừng bắn nhân đạo cũng không giành được số phiếu tối thiểu để thông qua.

Về phần mình, trả lời Sky News (Anh), Phó Thủ tướng nước này Oliver Dowden ngày 26/10 cho biết, London sẽ triệu tập một cuộc họp của ủy ban ứng phó khẩn cấp để xem xét chiến lược và cách tiếp cận xung đột Israel-Hamas. Ông Dowden, người chủ trì cuộc họp trên, cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận về các con tin, cũng như tình hình rộng hơn trong khu vực và… nỗ lực bảo đảm viện trợ nhân đạo”.

Hiện London đang tìm cách thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo để các công dân nước này ở Gaza có thể rời đi an toàn và tìm kiếm tự do cho các con tin Anh.

Trong khi đó, điện đàm với Giáo hoàng Francis ngày 26/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh các cuộc tấn công của Israel đã dẫn đến thương vong lớn ở dải Gaza và sự im lặng của cộng đồng quốc tế là “đáng xấu hổ”. Ông nêu rõ tất cả các nước phải lên tiếng chống lại khủng hoảng nhân đạo ở khu vực.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ cho biết, nước này đã tạm dừng hỗ trợ tài chính cho 11 tổ chức phi chính phủ của Palestine và Israel. Theo thông báo, có 6 tổ chức của Palestine và 5 tổ chức của Israel bị ảnh hưởng bởi quyết định. Các tổ chức này chủ yếu hoạt động về nhân quyền và được hỗ trợ trong khuôn khổ các chương trình hợp tác của Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ cho khu vực Trung Đông.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ cho rằng nước này cần có các biện pháp phù hợp để thích ứng với bối cảnh mới ở khu vực Trung Đông, khẳng định họ rất coi trọng việc bảo đảm rằng nguồn hỗ trợ tài chính được sử dụng một cách hợp lý. Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ sẽ thực hiện giám sát nghiêm ngặt một cách có hệ thống đối với tất cả các đối tác của mình, ví dụ như thông qua các chuyến thăm hoặc trao đổi tại chỗ với các bên thứ ba. (Reuters/TTXVN)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc gửi lời cảnh báo Mỹ về Philippines: Ngày 26/10, phát biểu trong họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Mỹ không có quyền can thiệp vào các vấn đề giữa chính quyền Bắc Kinh và Manila.

Trước đó, ngày 25/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/10 khẳng định cam kết quốc phòng vững chắc của nước này đối với Philippines. Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines đều sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung với Philippines”. (Reuters)

Nam Thái Bình Dương

* Australia bắt giữ 4 công dân Trung Quốc liên quan rửa tiền: Ngày 25/10, lực lượng cảnh sát Australia đã bắt giữ 7 thành viên tổ chức tội phạm Sông Long (Trung Quốc), trong đó có 4 công dân Trung Quốc, theo 20 lệnh khám xét trên khắp 5 bang của quốc gia châu Đại Dương này. Dự kiến, 7 người bị bắt, trong độ tuổi từ 35-40, sẽ phải ra hầu tòa tại thành phố Melbourne trong ngày 26/10.

Tổ chức tội phạm Sông Long bị cáo buộc rửa tiền tới 229 triệu AUD (143 triệu USD) từ năm 2020-2023 qua Sở Giao dịch tiền tệ Trường Giang, một trong các công ty chuyển tiền tư nhân lớn nhất Trung Quốc với hàng chục cơ sở toàn quốc.

Trong tuyên bố ngày 26/10, Trợ lý Ủy viên Bộ Tư lệnh miền Đông Cảnh sát Liên bang Australia Stephen Dametto cho hay: “Tổ chức này đang hoạt động công khai trên khắp đất nước, chứ không hoạt động trong bóng tối như các tổ chức khác”. Theo ông Dametto, các nhà điều tra lần đầu tiên phát hiện ra những điểm đáng ngờ khi sàn giao dịch mở chi nhánh mới trong thời gian dịch Covid-19.

Ngay sau đó, một cuộc điều tra chính thức, có mật danh Chiến dịch Avarus-Nightwolf, đã được nước này triển khai vào tháng 8/2022 với sự giúp đỡ của 6 cơ quan khác, bao gồm cả Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Mỹ. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc đưa tàu Thần Châu-17 lên quỹ đạo: Ngày 26/10, cường quốc châu Á đã đưa tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-17 lên quỹ đạo trong khoảng 6 tháng để thực hiện một số nhiệm vụ trên trạm vũ trụ.Theo Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), con tàu vũ trụ này được tên lửa đẩy Trường Chinh-2F phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Tây Bắc Trung Quốc.

Phi hành đoàn Thần Châu-17, gồm 3 phi hành gia Trung Quốc Thang Hồng Ba, Đường Thắng Kiệt và Giang Tân Lâm, có độ tuổi trẻ nhất trong số các phi hành đoàn được đưa lên quỹ đạo kể từ khi công trình trạm vũ trụ Thiên Cung bắt đầu xây dựng. Phi hành gia Thang Hồng Ba từng tham gia sứ mệnh Thần Châu-12.

Dự kiến, sau khi hoàn thành sứ mệnh, phi hành đoàn Thần Châu-17 sẽ quay trở về Trái Đất vào tháng 4/2024. (Tân hoa xã)

* Hàn Quốc: Không có dấu hiệu Triều Tiên sắp phóng vệ tinh quân sự: Ngày 26/10, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ: “Thường có dấu hiệu trước vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên và nước này thường thông báo trước cho các tổ chức quốc tế về kế hoạch phóng. Hiện tại, không có dấu hiệu nào như vậy”.

Quan chức này từ chối bình luận về suy đoán rằng Triều Tiên có thể tạm dừng phóng vệ tinh vì Nga đã chuyển giao công nghệ vệ tinh, giúp Bình Nhưỡng khắc phục các sự cố kỹ thuật sau thượng đỉnh ngày 13/9 giữa lãnh đạo hai nước này.

Ông nêu rõ: “Không nên có sự hợp tác (công nghệ quân sự) như vậy giữa Triều Tiên và Nga. Điều này sẽ vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Triều Tiên đã phóng vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1, được gắn trên tên lửa đẩy Chollima-1 vào các tháng 5 và 8 vừa qua. Tuy nhiên, cả hai vụ phóng đều thất bại. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ thực hiện nỗ lực thứ 3 vào tháng 10. (Yonhap)

Châu Âu

* Armenia mong sớm hòa bình với Azerbaijan: Ngày 26/10, phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Tbilisi của Georgia, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố hy vọng nước này sẽ ký kết một thỏa thuận hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao với Azerbaijan những tháng tới. Ông hy vọng sẽ mở cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Azerbaijan, cho công dân nước thứ ba.

Phát biểu trên của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan được đưa ra trong nỗ lực củng cố hòa bình ở Nam Caucasus sau khi Azerbaijan vừa chiếm lại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh. Đây là khu vực được quốc tế coi là lãnh thổ của người Azerbaijan, song do người Armenia ly khai cai trị từ những năm 1990. (Reuters)

* Quốc hội Hungary tiếp tục hoãn bỏ phiếu kết nạp Thụy Điển vào NATO: Ngày 26/10, nghị sĩ Agnes Vadai của đảng Liên minh dân chủ ở Hungary cho biết Quốc hội nước này đã bác bỏ đề xuất của phe đối lập tổ chức để bỏ phiếu về việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần này.

Trên trang Facebook cá nhân, nghị sĩ này cho hay: “Sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào về việc Thụy Điển gia nhập NATO được tổ chức trong tuần này”.

Theo bà, các nghị sĩ thuộc đảng Fidesz cầm quyền, đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội Hungary, đã bác bỏ đề xuất đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Trong bối cảnh đó, vấn đề này có thể được xem xét sớm nhất là tháng 11 tới. Chính phủ Hungary đã đệ trình dự luật liên quan lên Quốc hội mùa Hè năm 2022, nhưng các nhà lập pháp đã trì hoãn việc xem xét dự luật này kể từ đó do những phát ngôn không thân thiện của các chính trị gia Thụy Điển về Hungary. (TASS)

* Latvia, Lithuania mua tên lửa Mỹ: Ngày 25/10, trên mạng xã hội X , Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán hệ thống vũ khí này cho quốc gia này. Quốc gia vùng Baltic sẽ mua tên lửa ATACMS. Tổng giá trị thương vụ vào khoảng 220 triệu USD. Hợp đồng mua bán sẽ được hai bên ký kết trong những tháng tới.

Trước đó cùng ngày, Lithuania thông báo thương vụ mua 36 tên lửa phòng không AMRAAM của Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng nước này, Washington đã xác nhận kế hoạch bán tên lửa và thiết bị liên quan trị giá 100 triệu USD cho hệ thống phòng không Nasams của Lithuania. Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thỏa thuận sẽ cải thiện năng lực của Lithuania, thành viên EU, NATO nằm giáp Nga và Belarus, trong thực hiện nhiệm vụ phòng vệ và an ninh khu vực. (TTXVN)

Châu Mỹ

* Colombia, Trung Quốc ký 12 thỏa thuận: Ngày 26/10, sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Bogota cho hay nước này và Trung Quốc đã đạt tiến triển về xây dựng quan hệ, hướng tới hợp tác vững chắc.

Nổi bật trong số đó là việc ký kết 12 văn kiện trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, công nghệ, môi trường, khoa học, giáo dục và văn hóa. Tuyên bố cho biết thêm các thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường khả năng đưa sản phẩm nông nghiệp của Colombia vào thị trường Trung Quốc, đồng thời khuyến khích đầu tư của cường quốc châu Á vào ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của đất nước Nam Mỹ, trong đó ưu tiên phát triển vận tải đường sắt. Trung Quốc cũng hỗ trợ chuyển đổi, nền kinh tế số, bảo vệ và bảo mật dữ liệu ở Colombia. (Sputnik)