Tin thế giới 26/11: Italy-Pháp ký thỏa thuận lịch sử, Taliban-Mỹ nối lại đàm phán, Iran tố IAEA chịu áp lực từ phương Tây. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ-Trung
Chính sách đối ngoại của ông Biden với Trung Quốc đang “gây lo ngại”
Tờ Business Insider (Mỹ) đăng bài viết cho hay chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn ưu tiên cạnh tranh với Trung Quốc, đang gây “lo ngại” trong và ngoài nước.
Theo bài viết, chính quyền Tổng thống Biden đã nêu rõ rằng họ muốn “tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc” và “giảm bớt sự xuất hiện của Mỹ tại các vũ đài được xem là ít quan trọng hơn đối với các lợi ích của Washington”.
Những động thái của Washington ở Trung Đông như rút khỏi Afghanistan, lên kế hoạch rút lực lượng tác chiến khỏi Iraq và thu hẹp quy mô hoạt động ở nơi khác, đã khiến các đồng minh và đối tác phải “tìm kiếm đảm bảo về sự hỗ trợ của Mỹ đối với an ninh của họ”.
Những động thái này là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đảm bảo sự hiện diện toàn cầu của quân đội Mỹ “có quy mô chính xác và hỗ trợ chiến lược”, song nó lại đang gây lo ngại ở nước ngoài.
Ông Stephen Wertheim, nhà sử học và chuyên viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do cố gắng “phát triển một chiến lược chính sách đối ngoại kỷ luật hơn” trong khi hướng tới “một cuộc cạnh tranh toàn cầu được xác định mơ hồ với Trung Quốc”. (Business Insider)
Cựu Tổng Thư ký NATO: Mỹ nên nối lại đối thoại với Trung Quốc
Cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Javier Solana cho rằng đối thoại Mỹ-Trung có vai trò quan trọng nhằm ngăn cản đối đầu giữa hai nước.
Bình luận trên Project Syndicate, ông Solana cho biết việc đối thoại với Trung Quốc hiện không phổ biến trong các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và quan điểm cứng rắn của họ đối với Trung Quốc có “sai lầm chết người”.
Theo ông, trong thời đại này, sự gắn kết giữa Mỹ và Trung Quốc phải trở thành trách nhiệm chung, đòi hỏi các bên khác phải xúc tác. (Tân Hoa xã)
Iran
Iran cáo buộc IAEA đang chịu sức ép từ phương Tây
Ngày 25/11, Iran đã cáo buộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) “phân biệt đối xử” với Iran trước sức ép của các nhà tư bản tài chính phương Tây, trong bối cảnh căng thẳng kéo dài trước các cuộc đàm phán mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trên kênh truyền hình quốc gia, người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi phát biểu: “Đây là thực tế, IAEA không ứng xử với Iran theo cách cần thiết”. Đồng thời, ông cáo buộc các tổ chức như IAEA “chịu ảnh hưởng từ các cường quốc” để gây sức ép với Iran.
Ông Kamalvandi cho biết, Iran đang cố gắng “bảo vệ lợi ích quốc gia và ngăn ngừa những hình ảnh tiêu cực mà cộng đồng quốc tế đang dựng lên” và “các quốc gia phương Tây cho rằng chúng tôi đang chế tạo vũ khí hạt nhân, chúng tôi phải ngăn chặn thông tin này bằng mọi biện pháp”. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định hạt nhân là một ngành công nghiệp thiết yếu của Iran.
Trước đó, sau chuyến thăm tới Iran trong tuần này, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết các cuộc đàm phán của ông với quan chức Iran không “mang lại kết quả”. Ông nói: “Điều này sẽ có tác động tích cực đến an ninh quốc tế, giúp nhân loại có vị thế tốt hơn để đối mặt với những thách thức toàn cầu cấp bách mà chúng ta đang gặp phải”. (AFP)
Ukraine – Nga
Ukraine tố Nga âm mưu đảo chính, Kremlin thẳng thắn phủ nhận
Ngày 26/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình báo nước này có thông tin về âm mưu thực hiện một cuộc đảo chính vào tháng 12 với sự tham gia của những người ở Nga. Phát biểu họp báo, ông Zelenskiy khẳng định Ukraine hoàn toàn kiểm soát biên giới và sẵn sàng trước bất kỳ leo thang nào với Nga.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi có những thách thức không chỉ từ Liên bang Nga và khả năng leo thang - chúng tôi còn có những thách thức nội bộ lớn. Tôi nhận được thông tin rằng một cuộc đảo chính sẽ diễn ra ở đất nước chúng tôi vào ngày 1-2/12”.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc trên, tuyên bố Nga không kế hoạch tham gia âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky. (AFP)
Tình hình Afghanistan
Ấn-Nga-Trung ra tuyên bố chung về tình hình nhân đạo ở Afghanistan
Ngày 26/11, ngoại trưởng 3 nước Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đều bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi ở Afghanistan.
Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng 3 nước trên nhấn mạnh buôn lậu ma túy bất hợp pháp, bao gồm cả thuốc phiện và methamphetamine từ Afghanistan và bên ngoài, cũng làm dấy lên mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh và ổn định khu vực. (Reuters)
Taliban xác nhận đàm phán với Mỹ sẽ được nối lại ở Doha
Người phát ngôn chính quyền Taliban tại Afghanistan, ông Zabihullah Mujahid ngày 26/11 xác nhận đàm phán giữa Taliban với Mỹ sẽ được nối lại ở thủ đô Doha của Qatar.
Hãng tin Bakhtar dẫn lời ông Mujahid cho biết: “Các quan chức Vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ tiếp tục đàm phán với các đại diện Mỹ trên cơ sở thỏa thuận Doha”.
Ông bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ làm mới lại các cam kết, xóa bỏ các lo ngại và tiếp tục các nỗ lực nhằm dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản của chính quyền Afghanistan ở nước ngoài.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan, ông Abdul Qahar Balkhi cho biết phái đoàn cấp cao của Kabul do quyền Ngoại trưởng Mawlavi Amir Khan Muttaqi dẫn đầu sẽ có mặt tại Doha từ ngày 27-29/11 để đàm phán với phái đoàn Mỹ.
Truyền thông địa phương đưa tin các vấn đề liên quan đến lợi ích đôi bên, như dỡ bỏ đóng băng tài sản, hỗ trợ nhân đạo, mở lại đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán này.
Đây sẽ là vòng đàm phán thứ hai giữa giới chức Mỹ và Taliban kể từ khi lực lượng này nắm quyền trở lại tại Afghanistan. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phái đoàn nước này sẽ do đặc phái viên về Afghanistan Thomas West dẫn đầu.
Trong vòng đàm phán dự kiến kéo dài 2 tuần, hai bên sẽ tìm cách giải quyết một số vấn đề như cuộc chiến chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, các nhóm thuộc mạng lưới Al-Qaeda cũng như chương trình cứu trợ nhân đạo.
Các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung tìm cách đảm bảo đưa công dân Mỹ và người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ trong cuộc tranh chiến kéo dài 20 năm rời khỏi quốc gia Tây Nam Á một cách an toàn. (AFP)
Italy-Pháp
Italy và Pháp ký hiệp định lịch sử về nâng tầm quan hệ song phương
Ngày 26/11, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký Hiệp định Quirinale tại Rome nhằm thiết lập một khuôn khổ ổn định và chính thức cho việc tăng cường hợp tác song phương, theo hình mẫu của Hiệp ước Elysée được ký năm 1963, và góp phần xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn.
Thủ tướng Draghi khẳng định, Hiệp định Quirinale là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước và sẽ mở ra một thời kỳ hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, thương mại, chính trị và văn hóa.
Hai nước sẽ khởi động “các hình thức hợp tác mới” trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cũng như nghiên cứu và đổi mới. Ngoài ra, ít nhất mỗi quý, một bộ trưởng Italy sẽ tham dự một cuộc họp nội các Pháp và ngược lại.
Trước đó, Tổng thống Italy Sergio Mattarella nhấn mạnh, mối quan hệ bền chặt hơn giữa Italy và Pháp góp phần xây dựng một Liên minh châu Âu (EU) vững mạnh hơn ngày càng trở nên cần thiết trước những thách thức mà chỉ một châu Âu hội nhập hơn mới có thể đối mặt.
Tầm vóc của châu Âu là yếu tố quan trọng để các nước thành viên có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 và đối phó thành công với những thách thức to lớn của quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.
Việc ký kết hiệp định trên phản ánh một sự thay đổi lớn và lâu dài trong động lực chính trị nội bộ của EU và một sự đối trọng với ưu thế của Đức. Hiệp định Quirinale cho thấy hai nước đã vượt qua những căng thẳng trong quan hệ song phương gần đây liên quan tới vấn đề người di cư.
Các nhà quan sát cho rằng liên minh Pháp-Italy có thể tạo điều kiện cho một cuộc cải cách sau đại dịch Covid-19 đối với Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng, nhằm hạn chế thâm hụt và nợ của chính phủ, hiện đang bị đình chỉ do đại dịch.
Pháp và Italy muốn nới lỏng các quy tắc trong khi đối mặt với sự phản đối, đặc biệt là từ những quốc gia bảo thủ về chính sách tài khóa như Áo, Phần Lan và Hà Lan.
Rome và Paris đã thành công trong việc định hình gói hỗ trợ phục hồi từ Covid-19 khổng lồ và trong Sáng kiến Pháp-Italy, cùng với 7 quốc gia thành viên khác, về một công cụ nợ chung mang tính đột phá cho EU.
Pháp hiện là nhà đầu tư hàng đầu của Italy. Hai nước đều là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau. (AFP)