Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 26/7: Ông Trump từ chối tranh luận với bà Harris, EU chuyển 1,5 tỷ euro từ tài sản của Nga cho Ukraine, Nga-ASEAN tăng cường hợp tác

Ukraine tấn công sân bay quân sự Nga ở Crimea, Nga cấm một tổ chức do Mỹ thành lập hoạt động, Trung Quốc ca ngợi thành tựu hợp tác với ASEAN, tàu chiến Trung Quốc cập cảng Vladivostok của Nga… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 26/7: Ông Trump từ chối tranh luận với bà Harris, EU chuyển 1,5 tỷ euro từ tài sản phong tỏa của Nga cho Ukraine, Nga-ASEAN tăng cường hợ
Nga chuẩn bị điều khinh hạm trang bị tên lửa 'khủng' đến Syria. (Nguồn: Wikipedia)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga- Ukraine

*Ukraine tuyên bố tấn công sân bay quân sự Nga ở Crimea: Ngày 26/7, quân đội Ukraine tuyên bố đã tấn công một sân bay quân sự của Nga ở Crimea trong đêm.

Quân đội Ukraine đăng trên Telegram rằng sân bay ở Saky đã hứng chịu cuộc tấn công, đồng thời cho biết thêm kết quả của cuộc tấn công đang được làm rõ. Thông báo nêu rõ: "Đây là một trong những sân bay đang hoạt động mà Nga sử dụng để kiểm soát không phận, đặc biệt là Biển Đen, và để phát động các cuộc không kích vào lãnh thổ Ukraine" (Reuters)

Tin liên quan
Tin thế giới 25/7: Israel muốn thiết lập Tin thế giới 25/7: Israel muốn thiết lập "NATO Trung Đông", tàu chở dầu Philippines chìm trên Vịnh Manila, Tổng thống Nga và Syria hội đàm tại Moscow

*Nga tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine: Ngày 26/7, nhà điều hành mạng lưới điện quốc gia Ukraine Ukrenergo thông báo cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Nga đêm qua nhằm vào các cơ sở năng lượng Ukraine ở hai khu vực đã gây gián đoạn nguồn cung cấp điện.

Theo Ukrenergo, tuy nhiên sau đó nguồn cung điện đã được khôi phục cho hầu hết người tiêu dùng ở các khu vực phía Bắc Chernihiv và Zhytomyr.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga nhằm vào ngành năng lượng của Ukraine đã gia tăng kể từ mùa Xuân, dẫn đến tình trạng mất điện ở nhiều khu vực và buộc Kiev phải bắt đầu nhập khẩu điện quy mô lớn từ Liên minh châu Âu (EU). (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

*Trung Quốc ca ngợi thành tựu hợp tác với ASEAN: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 26/7 đã ghi nhận và nêu những thành tựu đáng kể đã đạt được trong hợp tác giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tại hội nghị ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN diễn ra ở Lào, ông Vương Nghị lưu ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 15 năm liên tiếp, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 4 năm qua.

Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh đến khả năng kết nối được tăng cường thông qua các dự án bao gồm đường sắt Trung Quốc-Lào và đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, giúp thúc đẩy sự hội nhập của chuỗi công nghiệp và cung ứng của tất cả các bên. (THX)

*Tổng thống Timor-Leste thăm Trung Quốc: Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste Jose Ramos-Horta sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 28-31/7. Thông báo này do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh công bố ngày 26/7.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ramos-Horta tới Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2022 và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của một tổng thống Timor-Leste kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2002. Ông Tập Cận Bình sẽ tổ chức lễ chào mừng và tiệc chiêu đãi ông Ramos-Horta, sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành hội đàm.

Các quan chức cấp cao của nước chủ nhà như Thủ tướng Lý Cường và Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế sẽ lần lượt gặp ông Ramos-Horta. (THX)

*Nga, ASEAN tăng cường hợp tác an ninh: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 26/7 cho biết Moscow và ASEAN đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Phát biểu tại một hội nghị ngoại trưởng Nga-ASEAN ở Viêng Chăn (Lào), ông Lavrov nêu rõ: "Trong hơn 3 thập kỷ, quan hệ của chúng ta đã đạt được tính chất thực sự toàn diện. Công việc có mục tiêu đang được tiến hành để tăng cường sự phối hợp trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, chống lại các thách thức và mối đe dọa hiện đại. Chúng tôi thấy động lực tích cực trong các lĩnh vực thực tế, bao gồm kinh tế, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục". (Sputniknews)

TIN LIÊN QUAN
EU tiếp tục bước đi tẩy chay Hungary

*Ngoại trưởng Australia thăm Lào, Nhật Bản và Hàn Quốc: Theo thông cáo báo chí ngày 26/7 từ Văn phòng Ngoại trưởng Australia, Ngoại trưởng Penny Wong tới Lào để dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như tới Nhật Bản để dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Bộ tứ (QUAD) và Hàn Quốc để thực hiện chuyến thăm song phương.

Ngoại trưởng Wong cho biết chuyến thăm Lào, Nhật Bản và Hàn Quốc lần này của bà là cơ hội để thúc đẩy lợi ích của Australia và tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng và cấu trúc khu vực nhằm theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. (AP)

*Tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần vịnh Manila: Theo ông Ray Powell, người chuyên giám sát Biển Tây Philippines (một phần thuộc Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền), cơ quan chức năng nước này đã phát hiện một tàu của Hải Cảnh Trung Quốc (CCG) "tuần tra" bên ngoài vịnh Manila vào sáng 25/7.

Trong khi đó, chuẩn tướng Jay Tarriela, người phát ngôn của Cảnh sát biển Philippines tại Biển Tây Philippines, cho hay, từ 11h32 ngày 25/7, tàu CCG đã đi qua khoảng 62,08 hải lý về phía Tây đảo Capones, Zambales.

Theo ông Powell, tàu CCG có thể sẽ quay trở lại Trung Quốc vì con tàu này đã ra khơi kể từ ngày 15/6. Về phần mình, ông Tarriela nói rằng tính đến ngày 25/7, tàu CCG 3015 vẫn cách El Nido, tỉnh Palawan, 64,5 hải lý. (Inquirer)

Châu Âu

*EU chuyển 1,5 tỷ euro từ tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 26/7 viết trên mạng xã hội X cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ chuyển 1,5 tỷ euro tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine.

Bà Leyen xác nhận: "Hôm nay, chúng tôi chuyển 1,5 tỷ euro thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để bảo vệ và tái thiết Ukraine. Không có cách sử dụng nào tốt hơn đối với tiền của Điện Kremlin ngoài việc biến Ukraine và toàn bộ châu Âu thành nơi an toàn hơn để sinh sống".

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh động thái này của EU, nêu rõ: "Sự đóng góp này có ý nghĩa đáng kể với quốc phòng và công cuộc tái thiết của Ukraine". (Reuters)

*Nga cấm một tổ chức do Mỹ thành lập hoạt động: Bộ Tư pháp Nga ngày 26/7 thông báo Quỹ nước Nga Tự do được Mỹ thành lập nằm trong danh sách các tổ chức bị cấm hoạt động ở Nga do hành vi cực đoan.

Bộ trên cho hay: "Quỹ nước Nga Tự do (của Mỹ) đã bị liệt vào danh sách các hiệp hội công và tổ chức tôn giáo mà tòa án đã ra quyết định có hiệu lực pháp lý để giải thể hoặc cấm hoạt động trên cơ sở được quy định bởi luật liên bang 'Về Chống hoạt động cực đoan'". (Sputniknews)

*Pháp lên án tấn công phá hoại đường sắt trước khai mac Olympic: Ngày 26/7, Bộ trưởng Giao thông Pháp Patrice Vergriete cáo buộc "cuộc tấn công quy mô lớn" nhằm vào hệ thống đường sắt cao tốc TGV của nước này là "hành động tội ác vô nhân đạo", vài giờ trước thềm lễ khai mạc Thế vận hội Paris.

Bộ trưởng Vergriete cảnh báo về "hậu quả rất nghiêm trọng" đối với giao thông đường sắt trong suốt cả tuần, khi các kết nối tới miền Bắc, miền Đông và Tây Bắc nước Pháp bị giảm một nửa", trong khi lãnh đạo nhà điều hành đường sắt SNCF, ông Jean-Pierre Farandou cho biết 800.000 hành khách bị ảnh hưởng.

Trước đó, Eurostar - nhà vận hành các chuyến tàu cao tốc ở khu vực Tây Âu, giữa các nước Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Đức - thông báo các dịch vụ đường sắt kết nối London với Paris đã bị gián đoạn do các hành vi phá hoại ở Pháp, dẫn đến một số chuyến tàu bị hủy và thời gian di chuyển dài hơn. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Các ngoại trưởng Nga, Trung Quốc gặp mặt: Khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN

*Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga bị bắt vì tội tham nhũng: Hãng Interfax đưa tin, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 26/7 thông báo ông Dmitry Bulgakov, cựu Thứ trưởng Quốc phòng nước này đã bị bắt và bị buộc tội tham nhũng.

Ông Bulgakov, người phụ trách hậu cần quân sự cho đến khi bị cách chức vào tháng 9/2022, là nhân vật mới nhất trong một loạt nhân vật cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga bị buộc tội tham nhũng. (Reuters)

*Tàu chiến Trung Quốc cập cảng Vladivostok của Nga: Hạm đội Thái Bình Dương Nga thông báo 2 tàu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cập cảng thành phố Vladivostok trong một chuyến thăm Nga.

Thông cáo xác nhận: "Hôm nay, hai tàu của các lực lượng hải quân PLA, bao gồm tàu đổ bộ Long Hổ Sơn (Longhushan) và tàu huấn luyện Trịnh Hòa (Zheng He), đã tới Vladivostok".

Trong thời gian lưu lại 5 ngày, các thủy thủ đoàn Trung Quốc sẽ có cơ hội thi đấu với các thủy thủ Nga và thủy thủ đoàn tàu Trần Hưng Đạo của Việt Nam trong một số trận bóng đá và bóng rổ giao hữu. Tàu Trần Hưng Đạo đã đến Vladivostok vào ngày 25/7. (Sputniknews)

Trung Đông – châu Phi

*Tàu chiến Nga sắp thăm Syria: Một nguồn thạo tin với Hải quân Nga ngày 26/7 cho biết khinh hạm đa năng trang bị tên lửa siêu thanh Tsirkon - Đô đốc Gorshkov - của Hạm đội phương Bắc sẽ cập cảng Tartus của Syria.

Nguồn tin cho hay: "Tuần trước, nhóm hải quân của Hạm đội phương Bắc, bao gồm khinh hạm Đô đốc Gorshkov và tàu chở dầu Akademik Pashin, sẽ ghé cảng Tartus của Syria, nơi có căn cứ hỗ trợ hậu cần của Hải quân Nga".

Sau khi tiếp tế nhu yếu phẩm và nghỉ ngơi một thời gian ngắn, các thủy thủ của Hạm đội phương Bắc sẽ tiến hành tập trận cùng với các tàu trong lực lượng đặc nhiệm thường trực của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải. (TASS)

*Lãnh đạo Hamas chết khi đang bị Israel giam giữ: Ngày 26/7, Chính quyền Palestine và nhóm vũ trang Hamas cho biết một nhà lãnh đạo của Hamas ở Bờ Tây đã chết trong khi đang bị Israel giam giữ.

Chính quyền Palestine cho biết, ông Mustafa Muhammad Abu Ara, 63 tuổi, đã chết sau khi được chuyển từ một nhà tù ở miền Nam Israel đến bệnh viện. Ông Abu Ara bị bắt vào tháng 10 năm ngoái trong khi đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Hamas cáo buộc phía Israel phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Abu Ara do đã giam giữ, tra tấn, bỏ đói và không đáp ứng các điều kiện về y tế.

Quân đội Israel đã bác bỏ những cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng có hệ thống những người bị giam giữ. (Al Jazeera)

*Libya trục xuất hơn 700 người di cư Niger và Ai Cập: Cục Kiểm soát di cư bất hợp pháp của Libya ngày 25/7 đã trục xuất hơn 700 người di cư bất hợp pháp từ Niger và Ai Cập về nước.

Quan chức phụ trách an ninh của Cục này ông Mohamed Breda tiết lộ rằng số lượng người di cư từ hai quốc gia nói trên bị trục xuất khoảng từ 700 đến 750 người. Ông Breda khẳng định thêm “việc trục xuất người di cư khỏi Libya sẽ tiếp tục”.

Vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Nội vụ Emad al-Tarabelsi cho biết rằng số lượng công dân nước ngoài hiện đang ở Libya là khoảng 2,5 triệu người, trong đó hầu hết đã vượt biên giới Libya mà không có thị thực nhập cảnh.(AFP)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Cuba lên án Mỹ đồng lõa với Israel diệt chủng ở Gaza: Ngày 25/7, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez khẳng định việc cảnh sát Mỹ đàn áp tàn bạo một cuộc biểu tình rầm rộ chống lại sự hiện diện của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là bằng chứng cho thấy Washington đồng lõa với nạn diệt chủng ở Gaza.

Ngoại trưởng Cuba chỉ trích Quốc hội Mỹ tiếp đón Thủ tướng Israel và nhấn mạnh rằng đây là minh chứng cho thấy vai trò của Washington trong vụ thảm sát lớn nhất thế kỷ 21.

Trên tài khoản mạng xã hội, ông Rodríguez nhấn mạnh: “Chúng tôi đoàn kết với những người ngày qua ngày không ngừng nghỉ đòi hỏi công lý cho Palestine”. (AFP)

*Bầu cử Mỹ: Ông Trump từ chối tranh luận với bà Harris: Phát biểu trong chiến dịch tranh cử ngày 25/7, ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã từ chối lên lịch tranh luận với đối thủ được cho là của đảng Dân chủ Kamala Harris vì bà chưa chính thức được đề cử làm ứng cử viên của đảng mình.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung nêu rõ: "Chi tiết tranh luận tổng tuyển cử không thể được hoàn tất cho đến khi đảng Dân chủ chính thức quyết định về người được đề cử của họ... Sẽ không phù hợp khi lên lịch mọi việc với bà Harris vì đảng Dân chủ vẫn có thể thay đổi quyết định". (Reuters)

Mỹ hành động táo bạo với AUKUS, Australia đặt niềm tin nơi ông Donald Trump

Mỹ hành động táo bạo với AUKUS, Australia đặt niềm tin nơi ông Donald Trump

Mỹ đang nỗ lực củng cố Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) bằng cách nới lỏng các hạn chế ...

Tổng thống Biden 'làm nóng' bầu cử Mỹ 2024, chính sách kinh tế của bà Kamala Harris sẽ như thế nào?

Tổng thống Biden 'làm nóng' bầu cử Mỹ 2024, chính sách kinh tế của bà Kamala Harris sẽ như thế nào?

Ông Joe Biden đã "thổi bùng" cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi bước ra khỏi "đường đua" và tán thành Phó Tổng thống 59 ...

Ngoại trưởng Mỹ Blinken: Tôi nói chuyện với ông Vương Nghị một cách tương đối thường xuyên

Ngoại trưởng Mỹ Blinken: Tôi nói chuyện với ông Vương Nghị một cách tương đối thường xuyên

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/7 cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào tuần tới tại ...

Trung Quốc sẽ thích ai hơn, ông Donald Trump hay bà Kamala Harris?

Trung Quốc sẽ thích ai hơn, ông Donald Trump hay bà Kamala Harris?

Chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung Quốc Li Cheng dự báo, cả hai siêu cường khó có thể xảy ...

Ba Lan năng nổ trong hỗ trợ Ukraine, tiếp tục 'bơm' gói quân sự thứ 45

Ba Lan năng nổ trong hỗ trợ Ukraine, tiếp tục 'bơm' gói quân sự thứ 45

Ngày 25/7, Đại sứ Ukraine tại Ba Lan Vasyl Zvarych cho biết, Warsaw sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự thứ 45 cho Kiev.

Tình hình Ukraine: Mỹ cự tuyệt yêu cầu 'đánh đổi' của Nga, Trung Quốc nỗ lực tháo 'ngòi nổ' xung đột

Tình hình Ukraine: Mỹ cự tuyệt yêu cầu 'đánh đổi' của Nga, Trung Quốc nỗ lực tháo 'ngòi nổ' xung đột

Mới đây, Mỹ tiết lộ về điều kiện Nga đặt ra liên quan Ukraine để nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí, trong khi ...