📞

Tin thế giới 26/8: Ukraine tấn công Nga bằng UAV tầm bay 800km, Philippines lên án Trung Quốc ở Biển Đông, hơn 230.000 người vượt rừng Darien đến Mỹ

Nhất Phong 20:00 | 26/08/2024
Hamas bác bỏ điều kiện mới của Israel trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza, Nga tố Mỹ chuẩn bị cách mạng màu ở Georgia, Quốc vương Campuchia đi Trung Quốc khám sức khỏe, cháy lớn tại 3 giàn khoan dầu ở Biển Đen…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Một sân bay của Nga bị tấn công bằng UAV. (Nguồn: Youtube)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á- Thái Bình Dương

*Nhật Bản chặn máy bay trinh sát Trung Quốc: Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã điều máy bay phản lực đối phó một máy bay trinh sát Trung Quốc xâm phạm không phận của nước này trong vài phút vào sáng 26/8.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, đồng thời cho biết chính phủ đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao.

Máy bay trinh sát Y-9 được xác nhận bay qua quần đảo Danjo ở phía Tây đảo Kyushu trong khoảng từ 11h29' đến 11h31' sáng 26/8. (Reuters)

*Đảng Vì nước Thái bị kiện yêu cầu giải tán: Theo trang thaipbs.or.th ngày 26/8, Ủy ban bầu cử Thái Lan (ECT) đã nhận được một kiến nghị yêu cầu giải tán đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng đầu liên minh cầm quyền tại Thái Lan hiện nay, với cáo buộc rằng đảng này đang cho phép ông Thaksin Shinawatra, một người ngoài cuộc, kiểm soát đảng.

Phán quyết của Tòa cũng tuyên bố rằng việc đưa ông Phichit vào danh sách cải tổ nội các là do một “nhân vật quyền lực” ra lệnh. Tuy nhiên, nhiều người suy luận rằng “nhân vật quyền lực” chính là ông Thaksin, cha của Thủ tướng Paetongtarn, người đồng thời là lãnh đạo đảng Pheu Thai. Do đó, ECT được yêu cầu đưa vụ việc lên Tòa án Hiến pháp và yêu cầu giải tán đảng Pheu Thai. (Bankok Post)

*Quốc vương Campuchia đi Trung Quốc khám sức khỏe: Sáng 26/8, Quốc vương Norodom Sihamoni và Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk lên đường tới Bắc Kinh để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo Thông tấn xã Campuchia (AKP), lãnh đạo cấp cao nước này đã có mặt tại sân bay quốc tế Phnom Penh tiễn Quốc vương và Hoàng Thái hậu, trong đó có Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao cho Quốc vương Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary và Thủ tướng Hun Manet. Đại sứ Trung Quốc Uông Văn Bân cũng có mặt.

Trong thời gian Quốc vương vắng mặt, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen sẽ đảm nhiệm vai trò quyền Nguyên thủ quốc gia.

Đây là chuyến đi kiểm tra sức khỏe thường kỳ của Quốc vương Campuchia tại Trung Quốc. Lần gần nhất ông sang Trung Quốc khám bệnh là vào tháng 2/2024. (Khmer Times)

*Thủ tướng New Zealand công du Malaysia và Hàn Quốc: Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon sẽ dẫn đầu phái đoàn kinh tế cấp cao nước này thăm chính thức Malaysia và Hàn Quốc vào tuần tới, nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược với hai quốc gia này.

Tại Malaysia, Thủ tướng Luxon sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Anwar Ibrahim, tập trung vào hợp tác kinh tế, giáo dục, du lịch, quốc phòng và an ninh. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Luxon tới Malaysia, khẳng định cam kết của New Zealand đối với đối tác truyền thống ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dự kiến sẽ bàn về các thách thức khu vực, toàn cầu và tăng cường hợp tác song phương. (Yonhap)

*Triều Tiên phản đối kế hoạch viễn thông biên giới của Trung Quốc: Trong một email gửi cho Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Triều Tiên đã bất ngờ phản đối kế hoạch lắp đặt các cơ sở viễn thông gần biên giới của Trung Quốc. Đây là động thái hiếm hoi thể hiện sự bất đồng giữa hai nước vốn có quan hệ đồng minh lâu đời.

Theo email được tiết lộ, Bình Nhưỡng phàn nàn Bắc Kinh không tham khảo ý kiến trước về kế hoạch thiết lập 191 cơ sở viễn thông, trong đó có 17 đài có thể gây "nhiễu nghiêm trọng" - dấu hiệu cho thấy hai quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ lâu nay có thể gặp vấn đề trong liên lạc song phương. (SCMP)

*Philippines lên án Trung Quốc ở Biển Đông: Ngày 26/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là "rõ ràng bất hợp pháp", sau vụ va chạm mới nhất giữa tàu hai nước.

Phát biểu với báo giới, ông Teodoro nói: "Chúng ta phải lường trước và sẵn sàng đối phó với những hành vi như thế này từ Trung Quốc. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài".

Vụ việc xảy ra ngày 25/8, khi Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc chặn một tàu tiếp tế cho ngư dân của họ ở Biển Đông.

Trong khi đó, Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện "biện pháp kiểm soát" đối với tàu Philippines "xâm nhập trái phép" vào vùng biển gần bãi đá mà họ gọi là Tiên Tân (tên gọi của Bắc Kinh đối với Bãi Sa bin), thuộc quần đảo Trường Sa. (Straits Times)

Châu Âu

*Kiev tố Nga phóng hàng trăm tên lửa, UAV vào Ukraine, Nga thừa nhận: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã sử dụng hơn 100 tên lửa và khoảng 100 thiết bị bay không người lái (UAV) trong cuộc tấn công vào Ukraine ngày 26/8.

Trên trang Telegram, ông Zelensky cho hay: "Có rất nhiều thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng". Ông Zelensky kêu gọi các đồng minh tuân thủ các thỏa thuận cung cấp hệ thống phòng không và tên lửa. Tổng thống Ukraine cũng lưu ý rằng nước này và các đối tác nên lập một thỏa thuận phòng không chung để bắn hạ UAV và tên lửa của Nga.

Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Ukraine trong ngày 26/8. (Reuters)

*Telegram lần đầu lên tiếng sau vụ CEO bị bắt giữ: Ba ngày sau khi CEO Pavel Durov bị cảnh sát Pháp bắt giữ tại Paris, Telegram đã đưa ra tuyên bố đầu tiên, trong đó khẳng định rằng nền tảng này tuân thủ luật pháp châu Âu và người sáng lập Durov không phải chịu trách nhiệm về việc ứng dụng bị lạm dụng.

Telegram cho biết thêm, ước tính có gần một tỷ người dùng trên khắp thế giới sử dụng Telegram như một phương tiện liên lạc, Telegram là nguồn thông tin quan trọng.

Các sĩ quan hiến binh Pháp đã bắt giữ Pavel Durov vào tối 24/8, khi máy bay riêng của ông hạ cánh xuống sân bay Paris Le Bourget. Theo kênh truyền hình TF1, việc giam giữ có liên quan đến cuộc điều tra sơ bộ của Pháp liên quan đến ứng dụng nhắn tin Telegram do Durov tạo ra. (AFP)

*Ukraine kêu gọi các đồng minh cho phép Kiev tấn công tầm xa vào Nga: Quan chức cấp cao của Tổng thống Ukraine đã kêu gọi các đồng minh của Kiev cho phép tấn công tầm xa vào Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp sau khi Moscow tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine sáng 26/8.

Trên trang Telegram, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak nêu rõ: "Quyết định như trên sẽ đẩy nhanh sự chấm dứt của Moscow". (Reuters)

*Thụy Sĩ dừng hợp tác với công ty Nga: Công ty Đường sắt Liên bang Thụy Sỹ (Swiss Federal Railways) mới đây cho biết họ muốn thay thế hệ thống định vị nhập khẩu từ công ty Infotrans của Nga vào cuối năm 2025 và nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ tốn kém hơn dự kiến 900.000 franc (1,05 triệu USD).

Swiss Federal Railways tuyên bố, mặc dù các lệnh trừng phạt đối với Nga được Thụy Sỹ ủng hộ đóng một vai trò trong quyết định nêu trên. Trước đó, vào mùa Xuân năm 2022, công ty này cũng đã có các biện pháp để tránh phụ thuộc vào đối tác Nga. (AFP)

*Ukraine vẫn tập trung quân lớn dọc biên giới với Nga: Trang mạng quân sự của Nga ngày 26/8 cho biết các nhóm quân lớn của Ukraine vẫn hiện diện ở các tỉnh Sumy và Chernigov giáp biên giới với Nga.

Theo các nguồn tin, quân số các nhóm này có thể lên tới 20-30.000 người. Đây là nguyên nhân gây lo ngại, đặc biệt là trước những đồn đoán gần đây về khả năng xảy ra các cuộc tấn công vào tỉnh biên giới Bryansk của LB Nga.

Một nguồn tin cho hay, một nhóm quân 1.500-2.500 người của Belarus đã được triển khai tới biên giới với Ukraine. Mục đích của việc triển khai là nhằm tăng cường phòng thủ ở khu vực biên giới.

Trong khi đó, tờ Thời báo New York (NYT) cho biết Mỹ và Anh đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine những hình ảnh vệ tinh mới về tỉnh Kursk, cho phép VSU giám sát nhanh hơn chuyển động của các đơn vị Nga ở tỉnh này. (AFP)

*Ukraine tấn công Nga bằng UAV tầm bay 800 km: Kênh Telegram “Mash” cho biết Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) Beavers để tấn công vào tỉnh Saratov của Nga rạng sáng ngày 26/8.

Loại UAV này có vẻ ngoài giống như máy bay, với tầm bay khoảng 800 km, đạt tốc độ tối đa 150 km/h. Các UAV đã rơi xuống các tòa nhà nhiều tầng ở Saratov và Engels, nơi có một sân bay của Lực lượng không quân chiến lược tầm xa Nga. Cuộc tấn công đã khiến 4 người bị thương Saratov; trong khi Engels không ghi nhận thương vong nào.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắn hạ 10 USV ở tỉnh Saratov trong đêm. (TASS)

*Cháy lớn tại 3 giàn khoan dầu ở Biển Đen: Theo thông tin ngày 26/8 từ trang mạng quân sự Nga, 3 đám cháy lớn vừa được phát hiện tại khu vực giàn khoan dầu Boyko Rigs ở phía Đông Biển Đen.

Hình ảnh ghi nhận các đám cháy tại vị trí được xác định là giàn khoan dầu khí. Đáng chú ý, những giàn khoan này từng là mục tiêu tấn công của quân đội Ukraine trước đây. Mức độ thiệt hại và nguyên nhân vụ cháy hiện chưa được xác định. (Reuters)

*Nga cáo buộc Mỹ chuẩn bị tiến hành cách mạng màu ở Georgia: Cơ quan Tình báo đối ngoại của Nga (SVR) cho rằng Mỹ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc cách mạng màu để ngăn chặn đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - Georgia Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10.

Theo nhận định của SVR, Washington “cực kỳ không hài lòng với tình hình ở Georgia” trước thềm cuộc bầu cử quốc hội ngày 26/10 và Mỹ đang chuẩn bị một cuộc cách mạng màu ở Georgia.

Văn phòng báo chí SVR nhấn mạnh, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng màu, “các tổ chức phi chính phủ thân phương Tây của Georgia đang tuyển dụng một số lượng lớn nhân sự để theo dõi chặt chẽ quá trình bỏ phiếu. (TASS)

Trung Đông – châu Phi

*Iran cảnh báo đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas: Ngày 26/8, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Italy Antonio Tajani, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi đã khẳng định nước này không tìm cách gây gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Tuy nhiên, ông Araqchi cho biết việc trả thù cho hành vi ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran sẽ là "chắc chắn và có tính toán kỹ lưỡng". Ông Araqchi nhấn mạnh Iran coi vụ sát hại thủ lĩnh Ismail Haniyeh vào ngày 31/7 là "hành vi vi phạm không thể tha thứ đối với an ninh và chủ quyền của Iran". Tehran đổ lỗi cho Israel gây ra vụ việc này.

Israel đến nay vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận liên quan đến cái chết của thủ lĩnh Hamas tại thủ đô của Iran. (Al Jazeera)

*Hamas bác bỏ các điều kiện mới của Israel trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Phong trào Hamas ngảy 25/8 cho biết lực lượng này bác bỏ các điều kiện mới do Israel đưa ra trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza, làm dấy lên hoài nghi về khả năng đạt được đột phá trong nỗ lực mới nhất do Mỹ hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 10 tháng ở dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.

Quan chức cấp cao của Hamas, ông Osama Hamdan, ngày 25/8 phát biểu trên kênh truyền hình Al-Aqsa: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận thảo luận về việc rút lại những gì chúng tôi đã đồng ý vào ngày 2/7 hoặc các điều kiện mới".

Ông Hamdan nói thêm Hamas đã chuyển cho các bên hòa giải phản hồi của mình đối với đề xuất mới nhất, khẳng định thông tin mà Mỹ đưa ra rằng sắp đạt được một thỏa thuận là không đúng sự thật. (Al Jazeera)

*Hezbollah tấn công vào mục tiêu quan trọng của Israel: Phát biểu trong ngày lễ Arbaeen, một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo dòng Shi'ite, Tổng thư ký Hezbollah, ông Seyyed Hassan Nasrallah, ngày 25/8 đã đặt tên cho chiến dịch quân sự trước đó trong cùng ngày nhằm vào các căn cứ quân sự của Israel là "Chiến dịch Arbaeen".

Ông Nasrallah khẳng định các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào căn cứ tình báo quân sự Glilot gần Tel Aviv đã gây thiệt hại cho phía Israel. Đồng thời, ông Nasralah cáo buộc Israel đã che đậy các thiệt hại. Bài phát biểu của thủ lĩnh Hezbollah cũng khẳng định phong trào này sẽ không bỏ rơi người Palestine ở Gaza. (Arab News)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Hơn 230.000 người di cư vượt rừng Darien đến Mỹ: Theo thông báo ngày 25/8 của Bộ An ninh Panama (Minseg), từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 230.000 người di cư bất hợp pháp đã vượt qua khu rừng rậm Darien nguy hiểm để đến Panama.

Rừng Darien, dài 265 km giữa Colombia và Panama, được coi là "hành lang chính" cho người di cư từ Nam Mỹ đến Mỹ do chi phí thấp hơn đường biển.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vùng nguy hiểm nhất thế giới. Người di cư phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm như rắn độc, thú dữ, địa hình hiểm trở và các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là băng đảng Clan del Golfo của Colombia.

Từ tháng 1-8, Minseg ghi nhận 42 người di cư thiệt mạng khi vượt rừng Darien. Đáng chú ý, 133 trẻ em đã vượt rừng mà không có người thân đi cùng. (Reuters)

*Động đất rung chuyển miền Nam Panama: Trưa 26/8 (theo giờ Việt Nam), một trận động đất có độ lớn 5,6 đã xảy ra ở miền Nam Panama.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học địa chất Đức (GFZ), trận động đất có độ sâu chấn tiêu 10 km, ban đầu được xác định ở tọa độ 7,41 độ vĩ Bắc và 82,33 độ kinh Tây.

Hiện chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại do trận động đất này gây ra.

Trong lịch sử, Panama từng hứng chịu nhiều trận động đất mạnh. Năm 1991, trận động đất có độ lớn 7,4 ở khu vực miền Bắc nước này đã khiến 23 người thiệt mạng và 500 người bị thương. Năm 2003, trận động đất có độ lớn 6,7 làm 2 người thiệt mạng và phá hủy hàng trăm ngôi nhà. (AFP)