📞

Tin thế giới 27/8: IS trở lại, đánh bom khủng bố Afghanistan; Mỹ tức tối chuẩn bị phản đòn; Triều Tiên bỗng im lặng một cách ‘bí ẩn’

Quang Đào 19:44 | 27/08/2021
Afghanistan rơi vào tầm ngắm của khủng bố IS, Mỹ tức giận sẽ trả đũa, căng thẳng Armenia-Azerbaijan bùng phát... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Sân bay Kabul, Afghanistan bị tấn công khủng bố đẫm máu. (Nguồn: CNN)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tình hình Afghanistan:

Tổ chức khủng bố IS trở lại, đánh bom sân bay Kabul

Ngày 26/8, thủ đô Kabul của Afghanistan đã rung chuyển vì một vụ đánh bom kép ở ngoài cửa sân bay quốc tế Hamid Karzai. Hai phần tử đánh bom tự sát cùng nhiều tay súng đánh vào khu vực đông người.

Những thông tin mới nhất cho biết, có ít nhất 103 người thiệt mạng, trong đó có 13 nhân viên quân sự Mỹ, 28 thành viên Taliban, còn lại là dân thường. Vụ đánh bom kép gây ra thương vong lớn nhất cho quân đội Mỹ trong một sự cố như vậy khoảng 1 thập kỷ trở lại đây.

Nhánh ISIS-K của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưngđã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép này. Trên mạng xã hội Telegram, nhánh truyền thông Amaq thuộc IS xác nhận đối tượng đánh bom liều chết của tổ chức này "đã tiếp cận được đám đông phiên dịch và cộng tác viên, cùng với quân Mỹ tại Trại Baran gần sân bay Kabul và kích hoạt đai nổ". (Sputnik)

Quốc tế phản ứng dữ dội

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/8 đã phát biểu trước người dân nước này về vụ tấn công khủng bố bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai tại thủ đô Kabul của Afghanistan. Tổng thống Biden cho biết thông điệp của ông gửi tới những phần tử tấn công các lực lượng Mỹ ngày hôm nay là Mỹ sẽ không bỏ qua, không quên và sẽ truy lùng những phần tử này để bắt chúng phải trả giá.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án “với sự kiên quyết cao nhất về các cuộc tấn công khủng bố”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công liều chết ở khu vực trước sân bay Kabul tại Afghanistan, gọi đây là hành động hèn hạ, đồng thời cho biết tuy Đức đã ngừng hoạt động sơ tán ở thủ đô Kabul, song Berlin vẫn nỗ lực để đưa những người cần được bảo vệ ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công quanh sân bay Kabul gia tăng trong bối cảnh các binh sĩ phương Tây chuẩn bị hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan.

Ngày 27/8, Điện Kremlin cho biết nguy hiểm vẫn cao với tất cả những ai đang ở Afghanistan sau vụ tấn công nhằm vào sân bay Kabul cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân khác đang cố gắng lợi dụng sự hỗn loạn tại quốc gia Tây Nam Á này.

Nga cũng nêu rõ sẽ làm mọi cách để ngăn chạn xung đột lan sang các vùng lân cận. (Reuters/AFP/TASS)

Không quân Mỹ sẽ tấn công IS?

Truyền thông Nga cho biết, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ bắt các phần tử khủng bố trả giá vì gây thiệt hại cho người Mỹ ở Afghanistan, ông đã thảo luận với các chỉ huy quân sự Mỹ về "kế hoạch tấn công căn cứ, thủ lĩnh và những kẻ khủng bố của ISIS-K".

"Tôi chưa bao giờ quan tâm việc chúng tôi nên hy sinh mạng sống của người Mỹ để cố gắng thành lập một chính phủ dân chủ ở Afghanistan. Mỹ không có lợi ích ở Afghanistan" - nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.

Do đó, Mỹ rất có thể sẽ can thiệp và ra lệnh tấn công ISIS-K ở Afghanistan trong vài giờ tới.

Theo các chuyên gia, các thành viên IS có ý định cố gắng chiếm Afghanistan sau khi liên quân quốc tế rời đi, vì lực lượng Taliban không đủ sức răn đe những kẻ khủng bố và quân đội Afghanistan trên thực tế không còn tồn tại. (TASS)

Nga kêu gọi tái khởi động đàm phán hạt nhân Iran

Bộ Ngoại giao Nga hôm 26/8 cho biết, Ngoại trưởng Sergei Lavrovđã nói với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna nên khởi động lại “càng sớm càng tốt”.

"Phía Iran cũng phát tín hiệu cho thấy đang xem xét nghiêm túc về việc nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đa phương ký năm 2015", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Về phần mình, Iran khẳng định rằng họ không quan tâm đến việc phát triển bom, và việc làm giàu uranium là phục vụ chương trình hạt nhân dân sự. (Reuters)

Triều Tiên hành động bí ẩn, không hồi đáp Hàn Quốc

Ngày 27/8, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, phía Triều Tiên vẫn không hồi đáp các cuộc gọi qua đường dây liên lạc từ phía Hàn Quốc, xóa tan hy vọng rằng phía Bình Nhưỡng có thể sẽ nhấc máy vào thời điểm nhạy cảm này.

Theo nguồn tin, các cuộc gọi được thực hiện vào 9h sáng 27/8 thông qua văn phòng liên lạc liên Triều không được hồi đáp. Triều Tiên cũng từ chối trả lời các kênh liên lạc quân sự ở các khu vực biên giới phía Đông và phía Tây.

Trong vòng 2 tuần qua, phía Triều Tiên đã không trả lời các cuộc điện thoại hàng ngày để phản đối các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ.

Trước đó, trang mạng Uriminzokkiri của Triều Tiên tiếp tục đăng bài viết chỉ trích: "Cuộc tập trận đó rõ ràng có ý đồ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi và hành động chơi với lửa nguy hiểm như vậy đang được tiến hành như một nỗ lực hoàn tất các bước chuẩn bị để xâm lược Triều Tiên". (Yonhap)

Mỹ-Hàn tăng cường đối thoại về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của nước này Noh Kyu-duk sẽ tới Mỹ vào tuần tới để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Sung Kim về nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên.

Dự kiến tại Washington, ông Noh Kyu-duk có kế hoạch gặp giới chức của Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia và các quan chức nước chủ nhà khác, tiếp nối các cuộc thảo luận của ông với người đồng cấp Sung Kim tại Seoul.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng hai nước sẽ có các cuộc tham vấn sâu về việc sớm nối lại tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên." (Yonhap)

Azerbaijan bất ngờ bao vây cao tốc của Armenia

Theo thông tin được truyền thông Nga đăng tải, dường như quân đội Azerbaijan đang có ý định tràn quân vào lãnh thổ Armenia, bất chấp việc hai bên đã có hiệp định ngừng bắn từ trước đó.

Cụ thể, tờ Avia của Nga cho biết, hôm 26/8 vừa rồi, một toán lính của Azerbaijan với trang bị vũ khí và khí tài đầy đủ, đã chiếm một vùng nhỏ dọc theo đường cao tốc chạy qua Syunik, Armenia.

Trong chưa đầy 24 giờ sau đó, lực lượng vũ trang Azerbaijan đã tăng cường thêm quân số, kiểm soát được ít nhất 10 km2 dọc theo con đường cao tốc này, mà không gặp phải bất cứ sự phản kháng đang kể nào từ phía Armenia.

Chuyên gia quân sự cho biết, sẽ rất nguy hiểm nếu phía Azerbaijan tận dụng tuyến đường cao tốc 10 km trong lãnh thổ Armenia làm bàn đạp, để tiến quân sâu hơn vào lãnh thổ quốc gia này. Điểm đến của lực lượng này rất có thể sẽ là toàn bộ tỉnh Syunik thuộc Armenia. Đây là vùng đất có tính chiến lược trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia thời gian gần đây. (TASS)

Malaysia công bố Nội các mới

Một ngày sau khi trình danh sách nội các lên Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah, ngày 27/8, Thủ tướng Ismail Sabri công bố danh sách nội các mới bao gồm 31 thành viên và không có phó thủ tướng.

Trong danh sách Nội các mới có 4 Bộ trưởng cao cấp gồm: Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Azmin Ali Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Việc làm Fadilah Yusof và Bộ trưởng Giáo dục Radzi Jidin.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Ismail cho biết việc thành lập nội các mới là sự điều chỉnh căn cứ vào tình hình hiện tại nhằm duy trì sự ổn định và lợi ích của “Gia đình Malaysia”, đồng thời khẳng định nội các mới phải hành động nhanh chóng và đồng lòng trong nỗ lực đưa Malaysia thoát khỏi đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị.

Ông cũng nhắc nhở các thành viên nội các phải thực hiện nhiệm vụ một cách trung thực vì lợi ích của nhân dân và đất nước và chứng minh khả năng trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhận nhiệm vụ. (Strait Times)

Algeria-Morocco trả đũa lẫn nhau

Ngày 26/8, hai ngày sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Rabat, Algeria khẳng định sẵn sàng ngừng hoạt động tuyến đường ống MEG, đi qua lãnh thổ Morocco với công suất lớn, dẫn khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang Tây Ban Nha.

Trong cuộc gặp Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Moran, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab đã nhấn mạnh cam kết của Algiers về cung cấp đầy đủ khí đốt tự nhiên cho quốc gia châu Âu này thông qua đường ống Medgaz. Algeria hiện xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Tây Ban Nha thông qua cả 2 tuyến Medgaz và MEG.

Cùng ngày, một nguồn tin chính thức cho biết, Morocco sẽ đóng cửa đại sứ quán nước này tại Algeria và hồi hương toàn bộ nhân viên từ ngày 27/8. Tuy vậy, hệ thống lãnh sự quán của Morocco tại các thành phố Algiers, Oran và Sidi Belabbes sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. (AFP)

Nổ kho đạn ở Kazakhstan, 9 người thiệt mạng

Ngày 27/8, Bộ Khẩn cấp Kazakhstan xác nhận 9 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ nổ kho vũ khí ở miền Nam quốc gia này.

Thông báo nêu rõ trong số những người thiệt mạng có cả các nhân viên dịch vụ khẩn cấp và nhân viên quốc phòng. Ngoài những người được xác nhận thiệt mạng, còn có 4 người mất tích và khoảng 90 người khác bị thương. Trước đó, Bộ Quốc phòng Kazakhstan cho biết không có nạn nhân là dân thường trong vụ nổ này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Kazakhstan Nurlan Yermekbayev cho biết hiện nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn vẫn đang được điều tra làm rõ. Các binh lính và nhân viên cứu hỏa thiệt mạng khi đang nỗ lực dập lửa. Đáng chú ý, số chất nổ được lưu kho này đã được chuyển đến từ một cơ sở khác ở thị trấn Arys sau một sự cố tương tự xảy ra năm 2019 khiến 4 người thiệt mạng.

Vụ nổ xảy ra ở kho đạn của Bộ Quốc phòng Kazakhstan ở thành phố Taraz, vùng Jambyl. Các vụ nổ xảy ra sau một vụ hỏa hoạn. (AFP)